Mưu đồ xé lẻ các nước trong khối ASEAN của TQ trước khi vụ kiện đường lưỡi bò được đưa ra phán quyết

25 Tháng Tư, 2016 | Tin thế giới

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Thủ tướng
Campuchia Hun Sen hôm 22.4. Photo Courtesy: Reuters

Mưu đồ “xé lẻ” các nước trong khối ASEAN đang được Trung Quốc thực hiện nhằm khó có tiếng nói chung, khi tòa quốc tế sắp ra phán quyết về vụ Phi Luật Tân kiện yêu sách “đường 9 đoạn”.

Vào ngày 24.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã nhất trí với Brunei, Campuchia và Lào rằng tranh chấp lãnh thổ không nên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến đi đến các nước này của ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Cụ thể vào hôm 23.4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên tại thủ đô Vientiane của Lào rằng, Trung Quốc đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” với Brunei, Campuchia…

Reuters dẫn thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề biển Đông “không phải tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN” và “không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN”.

Không những thế, đài truyền hình Trung Quốc CCTV còn cho biết thêm, Ngoại trưởng Trung Quốc còn nhắc đến một số đồng thuận khác chẳng hạn như việc các bên đồng ý là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đối thoại song phương giữa các nước liên quan trực tiếp, cũng như việc các nước bên ngoài khu vực “nên đóng một vai trò xây dựng thay vì ngược lại”.

Tuy nhiên, ASEAN hồi tháng 2 tuyên bố, các hoạt động bồi đắp bãi ngầm, xây dựng đảo nhân tạo và các động thái tiếp theo của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Trung Quốc lâu nay vẫn tìm cách không để vấn đề biển Đông được được ra các diễn đàn đa phương và gây chia rẽ trong nội bộ các nước ASEAN về vấn đề này.

Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao trước khi Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay đưa ra phán quyết về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc. Phán quyết (dự kiến được đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6) rất có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Manila, nhưng Trung Quốc luôn bác bỏ thẩm quyền của tòa và đang tìm kiếm đồng minh để chống lại phán quyết.

Thời gian qua, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và có tuyên bố chồng lấn với 4 trong số 10 nước thành viên của ASEAN, gồm Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và Brunei.

Trong khi đó một nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết: “Trung Quốc khá lo lắng rằng ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung sau khi tòa trọng tài ra phán quyết”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang “quyến rũ” các thành viên “dễ lấy lòng nhất” của ASEAN, ông nói.

Brunei là quốc gia ít lên tiếng nhất về vấn đề Biển Đông. Trong một nỗ lực nhằm lôi kéo quốc gia giàu dầu mỏ này, ông Vương cam kết sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương. Đầu tư của Trung Quốc vào Brunei đã tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2015, trong khi giá trị của các dự án Trung Quốc cũng tăng gấp 50 lần cùng kỳ.

Về Campuchia, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Australia, cho rằng việc nước này tiếp tục ủng hộ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc về cả viện trợ, thương mại và đầu tư. Trung Quốc là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Campuchia kể từ 2010.

Lào là chủ tịch ASEAN năm nay, nắm giữ ảnh hưởng trong việc thiết lập chương trình nghị sự của khối.Trung Quốc và Lào cuối tuần trước đã cam kết phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Bắc Kinh và Vientianeđang triển khai dự án đường sắt nối liền hai nước.

Các nhà phân tích nói rằng vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc cố tình chỉ chọn ba nước trên để thu hút ủng hộ, hay đã tiếp cận nhiều nước hơn nhưng bị từ chối. Bà Zhang thì cho rằngBắc Kinh có thể sẽ thu hút thêm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên khác, như Thái Lan.

Tổng hợp