Sự biến mất của MH370 vẫn là một bí ẩn sau năm tìm kiếm

07 Tháng Ba, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

 

Công tác truy tìm MH-370 đã phải tạm ngừng từ đầu tháng 2 vừa qua do bão biển liên tục gây sóng cao có khi lên tới 16m. Photo Courtesy: India Times

 

Đúng vào ngày 8.3.2014, chiếc máy bay của hãng hàng không Mã Lai (chuyến bay MH370) chở 239 người đã biến mất một cách bí ẩn khi cất cánh từ Kuala Lumpur (Mã Lai) để đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây được cho là vụ mất tích bí ẩn và một chiến dịch tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử thế giới.

 

Vào lúc 0h41 ngày 8.3.2014, chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH-370 của hãng hàng không Mã Lai (Malaysia Airlines) cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur bay tới Bắc Kinh mang theo 239 hành khách và phi hành đoàn.

 

Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tiếng sau khi khởi hành, vào 2h40 sáng 8.3.2014, chiếc máy bay đột ngột mất liên lạc với Trạm kiểm soát không lưu Subang tại vị trí 6 độ 56 phút Bắc và 103 độ 35 phút Đông thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau của Việt Nam 120 hải lý (230 km) về phía Tây Nam. 

 

Trên máy bay có 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách, gồm 153 người Trung Quốc, 38 người Mã Lai, 12 người Nam Dương, 7 người Úc, 4 người Mỹ, 2 người Gia Nã Đại, 2 người Tân Tây Lan, 2 người Ukraine và một số người từ các nước khác.

 

Kể từ sau ngày định mệnh đó, tung tích của hàng khách cũng như những phi hành đoàn đã bặt vô âm tín.

 

Ngay lập tức một chiến dịch tìm kiếm quốc tế quy mô lớn, do Úc dẫn đầu, đã được phát động ngay với sự vào cuộc tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Nam Dương và nước chủ nhà Mã Lai. Tuy nhiên, không một tín hiệu khả quan nào được ghi nhận.

 

Một tuần kể từ hôm xảy ra vụ mất tích, Thủ tướng Mã Lai Najib Razak xác nhận chiếc máy bay MH-370 đã bay thêm ít nhất 7 giờ tính từ thời điểm mất tín hiệu với mặt đất. Nhiều khả năng phi hành đoàn hoặc một phi công dày dạn kinh nghiệm, nắm rõ các vị trí radar đã cố tình chuyển hướng bay qua khu vực phía Bắc Mã Lai về phía Ấn Độ Dương.

 

Chiến dịch tìm kiếm đã được thực hiện trên một diện rộng, trong đó khoảng 40% diện tích được ưu tiên rà soát đã được thực hiện nhưng tung tích của MH370 vẫn chưa được phát hiện.

 

Việc chiếc máy bay MH370 biến mất đã khiến nhiều người bị sốc, và để lại nhiều cáo buộc, nhất là từ phía Trung Quốc, khi cho rằng Mã Lai đã che giấu thống tin và xử lý vụ việc không tới nơi tới chốn.

 

 

Ông Wen Wancheng, thân nhân của hành khách người Trung Quốc trên MH370, khóc bên ngoài văn phòng Thủ tướng Mã Lai Najib Razak ở thủ đô Kuala Lumpur, ngày 18.2. Photo Courtesy: AFP

 

Tuy nhiên chính quyền Mã Lai và hãng hàng không Malaysia Airlines khẳng định họ không che giấu bất kỳ điều gì. Nhưng thân nhân hành khách và nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Mã Lai chậm chia sẻ, không cung cấp đầy đủ và thậm chí che đậy nhiều thông tin về MH370.

 

Trong khi việc tìm kiếm MH370 tiếp tục khiến nhiều người sốt ruột và giận dữ, thì vào ngày 17.7, hãng hàng không Mã Lai phải hứng chịu thêm một thảm họa khác khi chiếc Boeing 777, mang số hiệu MH17, bị bắn rơi tại không phận Ukraine. Toàn bộ 298 người trên khoang, trong đó có 43 công dân Mã Lai tử nạn.

 

Hiện tại Nga và Ukraine vẫn đang cáo buộc lẫn nhau đã bắn hạ chiếc máy bay, khi nó đang trên đường trở về Kuala Lumpur từ Amsterdam.

 

Trở lại với chuyến bay MH370, sau khi chiếc máy bay này mất tích đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Trong đó có những giả thiết như như: Không tặc cướp MH370 hạ cánh xuống Kazakhstan; Người ngoài hành tinh cướp máy bay MH370; Quân đội Mỹ bắn hạ MH370 trong cuộc tập trận chung Mỹ-Thái Lan; Phi công lái máy bay tự sát; Thiết kế máy bay có những chỗ dễ bị nứt, khiến MH370 gãy đôi trên không trung…

 

Tuy nhiên những giả thiết trên vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích nếu như MH370 vẫn bặt tin.

 

Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra như MH370 có phải là trường hợp máy bay mất tích không để lại dấu vết lần đầu tiên trong lịch sử?. Theo trang mạng Aviation Safety Network (Mạng lưới An toàn Hàng không có trụ sở ở Hà Lan), chuyên theo dõi những vụ tai nạn máy bay, cho biết ngoại trừ MH370, trên thế giới hiện chỉ có một vụ máy bay chở trên 100 người biến mất không để lại dấu vết.

 

Đó là vụ xảy ra vào ngày 16.3.1962, khi đó máy bay Lockheed L-1049 Super Constellation của hãng hàng không Flying Tiger Line (Mỹ) nhận chở thuê cho quân đội Mỹ đã biến mất không để lại dấu vết nào khi bay qua vùng biển tây Thái Bình Dương. Tất cả 107 người trong đó có các binh sĩ được tuyên bố mất tích và xem như đã chết.

 

Tóm lại một năm đã trôi qua, chiến dịch tìm kiếm MH-370 ở Ấn Độ Dương vẫn được tiến hành một cách liên tục và bền bỉ do Úc dẫn đầu.

 

Tuy có nhiều sự tuyệt vọng trong công việc tìm kiếm cộng thêm thời tiết xấu ở Ấn Độ Dương trong những tháng đầu năm 2015 càng khiến cho cuộc tìm kiếm thêm bội phần khó khăn. Trong tuyên bố mới nhất hôm 5.3, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đề nghị thu hẹp quy mô tìm kiếm máy bay MH-370.

Còn Phó Thủ tướng Úc Warren Truss cũng cho rằng việc tìm kiếm MH-370 không thể kéo dài mãi.

 

Tất nhiên, việc ngừng chiến dịch tìm kiếm MH-370 không có nghĩa mọi dấu hỏi xung quanh vụ mất tích bí ẩn sẽ được khép lại. Các nước liên quan và giới chuyên gia hàng không cam kết sẽ tìm tục tìm kiếm các giả thiết và giải pháp thỏa đáng để ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn.

 

Ngoài ra vụ máy bay MH-370 mất tích đã bộc lộ rõ lỗ hổng lớn của ngành hàng không thế giới trong việc theo dõi các chuyến bay đường dài và đây chính là lý do để Úc, Mã Lai và Nam Dương lên kế hoạch thử nghiệm hệ thống tầm soát mới cho phép tăng tần suất liên lạc giữa máy bay và mặt đất. Theo đó, khoảng cách giữa hai lần liên lạc được rút xuống còn 15 phút, thay vì 30 – 40 phút như trước đây.

 

Nhưng cho dù thế nào sự mất tích của MH370 cùng với 239 người mãi là một nỗi đau đớn tột cùng vì người thân của những nạn nhân sẽ không thể biết chuyện gì đã xảy ra với những người thân yêu của họ.

 

Tổng hợp