Xung đột vũ trang ở biên giới Iran – Pakistan: 11 người chết

19 Tháng Một, 2024 | Tin thế giới
Vụ oanh kích của Pakistan nhắm vào một ngôi làng thuộc tỉnh Baloutchistan của Iran ngày 18/01/2024. via REUTERS – VIDEO OBTAINED BY REUTERS

Thủ tướng Pakistan Anwaar Ul Haq Kadar hôm nay 19/01/2024 triệu tập khẩn cấp «hội đồng an ninh quốc gia» để bàn cách đối phó với loạt tấn công bằng tên lửa và drone của Iran vào lãnh thổ Pakistan. Islamabad đã trả đũa loạt tấn công đó. Xung đột ở biên giới hai nước làm tổng cộng 11 người thiệt mạng cho cả hai phía, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Iran và Pakistan «kềm chế», trong khi đó Trung Quốc, một đối tác kinh tế quan trọng của cả Teheran lẫn Islamabad, đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải.

Thủ tướng Pakistan hôm qua đã vội vã về nước, rút ngắn chương trình làm việc tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Vào đầu giờ chiều nay, ông chủ trì cuộc họp «hội đồng an ninh quốc gia» với sự tham dự của tổng tham mưu trưởng quân đội và lãnh đạo tình báo quân sự Pakistan.

Cuộc họp diễn ra sau đợt oanh kích Teheran tiến hành hôm Thứ Ba 16/01 và hai ngày sau đến lượt Islamabad cũng bắn tên lửa để đáp trả. Iran là quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shia, còn Pakistan theo hệ phái Sunni. Pakistan là đồng minh của Mỹ ở Nam Á và hiện là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trên thế giới có vũ khí nguyên tử.

AFP nhắc lại từ hai thập niên qua, xung đột vẫn âm ỉ ở khu vực đường biên giới khoảng 1.000 km giữa Pakistan và Iran do các cuộc tấn công do những lực lượng nổi dậy tiến hành. Nhưng chưa khi nào hai quốc gia Hồi Giáo này mở rộng xung đột sang lãnh thổ của nước láng giềng. Các cuộc tấn công gần đây càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vào lúc chiến sự bùng phát ở Gaza, Israel đối đầu với phong trào Hồi Giáo Hamas do Teheran yểm trợ. Iran cũng bị cho là hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen liên tục tấn công vào các tàu chở dầu và chở hàng bị xem là có liên hệ với Israel đi qua khu vực Hồng Hải.

Xung đột với Iran diễn ra vào lúc Pakistan chuẩn bị bầu lại Quốc Hội vào ngày 08/02/2023 và trong bối cảnh Islamabad đang đối mặt với một thách thức lớn về an ninh như giải thích của thông tín viên Sonia Ghezali:

«Các cuộc tấn công đã gia tăng đáng kể. Năm ngoái, số nạn nhân đã tăng lên mức kỷ lục trong 6 năm trở lại đây, với hơn 1500 thường dân, nhân viên an ninh và quân nhân thiệt mạng, theo Trung Tâm Nghiên Cứu về An Ninh, trụ sở tại Islamabad.

Mối đe dọa chính xuất phát từ tổ chức TTP – Tehreek e Taliban Pakistan, rất năng động ở tỉnh Khyber Pakhtinkwha, sát với biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Đây là nơi phe nổi dậy này nương náu. Ngoài ra còn phải kể đến các nhóm ly khai vũ trang trong vùng Baloutchistan, giáp ranh với Iran. Các nhóm này cũng thường xuyên tấn công vào lực lượng an ninh Pakistan. Ngoài ra còn có tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thường tấn công vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Shia và đại diện của chính quyền Islamabad.

Thêm vào đó, Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế kéo dài. Islamabad không đủ phương tiện để can thiệp ở ngoài lãnh thổ. Tình hình an ninh của Pakistan đang xấu đi vài tuần lễ trước bầu cử Quốc Hội dự trù diễn ra vào ngày 8 tháng 2 tới đây».

(Theo RFI)