Lịch sử: người phụ nữ Úc đầu tiên đã được phong thánh

17 Tháng Mười, 2010 | Tin thể thao

 


 








Sắp hàng chờ vào quảng trường dự Lễ Phong Thánh: Chủ bút Nguyễn  Hồng Anh của TVTS và các nữ sinh Úc từ Sydney


 


Đại lễ phong thánh 6 vị chân phước đã diễn ra vào sáng Chủ Nhật 17.10.2010 tại Quảng trường Thánh Phê Rô ở Rome.  Quảng trường Thánh Phê Rô là một trong những quảng trường cổ nhất và lớn nhất trên thế giới đã đầy người. Hàng chục ngàn ghế dành cho khách dự lễ vẫn không đủ chỗ nên rất nhiều người phải đứng.


 


Họ đến từ mọi vùng đất trên thế giới, đủ mọi màu da và ngôn ngữ dù trong buổi lễ phong thánh hôm nay chỉ có 6 vị gồm hai người Ý (Battista Camilla da Varano 1458- 1524 và Giulia Salzano 1846-1929), một người Ba Lan (Stanislaw Kazimierczyk 1433- 1489), một người Tây Ban Nha (Juana Josefa y Barriola 1845- 1912), một người Gia Nã Đại (Andre Bessette  1845- 1937) và một người Úc (Mary MacKillop  (1842-1909.


 








Hình 6 vị chân phước sắp trở thành các vị thánh được treo trước tiền đường Điện Thánh Phê Rô (Mẹ MacKillop thứ hai từ phải)

 


Chân dung của các vị chân phước được treo trên mái tường của Vương cung Thánh đường Thánh Phê Rô, được vẽ và gắn trên những tấm thảm cao khoảng 4 mét nhưng nhìn từ cuối quảng trường chỉ thấy lớn bằng tờ báo TVTS. Bàn thờ được đặt trước mặt Điện Thánh Phê Rô, dựng trên bục cao tuy nhiên người đứng khoảng giữa sân quảng trường cũng không thể thấy. Chung quanh tường thành của sân có những màn ảnh lớn và một màn ảnh cực lớn đối diện với bàn thờ, nhưng hôm nay người ta chỉ sử dụng hai màn ảnh bên hông.


 


Chúng tôi thấy cờ  Úc phất phới khắp mọi góc của quảng trường khi hai phụ nữ Úc lên đọc hạnh thánh Mary MacKillop. Các phái đoàn của Tây Ban Nha có vẻ náo nhiệt nhất. Họ tung cờ, vỗ tay, reo hò khi người đại diện của nước họ đọc đức hạnh của chân phước Barriola.


 









Một linh mục phất cờ Úc trong khi chờ đợi thánh lễ


 


Các phái đoàn của người Ba Lan cũng rất hăng hái và hãnh diện với vị chân phước của họ. Ngồi trước mặt chúng tôi là những thanh niên thiếu nữ người Gia Nã Đại. Họ không mang nhiều cờ xí như các nước khác nhưng trong thánh lễ chúng tôi thấy họ rất sốt sắng. Cô gái bên cạnh chúng tôi hát tiếng La Tinh rất hay và rất chỉnh, lại còn quỳ trong khi phần lớn người dự lễ đứng trong lúc Đức Giáo hoàng thực hiện nghi thức làm phép rượu và bánh. Người Ý có hai vị được phong thánh. Rome là thủ đô của họ, một nước phần lớn theo đạo Công giáo, dĩ nhiên có đông người dự.


 


Đến 10 giờ, phần giới thiệu tiểu sử các vị chân phước sắp được phong thánh kết thúc, Đức Thánh Cha Benedict 16  từ Điện Thánh Phê Rô ra lễ đài, đi một vòng ngắn vẫy tay và ban phép lành trước khi tiến tới bàn thờ để bắt đầu thánh lễ.


 








Người Tây Ban Nha tung khăn quàng và cờ khi tiểu sử của vị thánh nước họ được đọc lên

 


Mỗi người dự lễ đều được phát cho một cuốn sách dày gần 200 trang dịp Lễ Phong Thánh (Canonizzazione) trong đó ghi tiểu sử các vị thánh bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Một nửa còn lại là những lời đọc và các bài hát bằng tiếng La Tinh. Tất cả mọi bài đọc, phúc âm, đáp ca, bài hát đều hoàn toàn bằng tiếng La Tinh. Đây là lần đầu tiên tôi được dịp dự một thánh lễ bằng tiếng La Tinh kể từ khoảng giữa thập niên 1960 khi Công Đồng Vatican thứ hai cho phép làm lễ bằng tiếng địa phương.


 









Khách hành hương từ tháp đá tảng giữa sân ra ngoài cổng


 


Bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha nói về đức hạnh của 6 vị thánh bằng tiếng Ý. Đến khi bế mạc, lại cũng nhắc nhở sơ về các vị thánh và mỗi khi nói về vị thánh của nước nào, Đức Thánh Cha nói bằng ngôn ngữ của nước đó.


 


Thánh lễ chấm dứt lúc 12 giờ rưỡi trưa.