Triển lãm: Sở Văn hóa Hà Nội cấm treo 31 bức chân dung gò đồng

05 Tháng Mười Hai, 2023 | Tin Việt Nam
Một trong những bức tranh gò đồng bị cấm treo. Chân dung nhà văn Xuân Khánh, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn và Phạm Toàn.Hình: facebook Nguyễn Xuân Diện via RFA

Ngày 2 tháng 12 năm 2023, Nhà thơ Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm “Chân dung các văn nghệ sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Trong 184 tấm tranh do ông thực hiện từ các lá đồng, có 31 tấm bị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cấm treo. Trong 31 bức chân dung bị cấm treo này có cả những người từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật…

Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức khác bị loại khỏi triển lãm và đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook ở Việt Nam.

Số tranh gò đồng, gắn liền tên các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng qua nhiều thế hệ có các ông như triết gia Trần Đức Thảo, học giả Phan Khôi, nhà thơ Trương Tửu, các nhân vật từng bị đày ải một thời ở miền Bắc VN: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người từng bị “tập trung cải tạo vì một tập thơ”, và nhà văn Vũ Thư Hiện, tác giả cuốn ‘Đêm giữa ban ngày’ kể lại thời kỳ ông bị cầm tù ở VNDCCH cũng có tranh thuộc diện “không được treo”. Tuy thế, nhà văn Vũ Thư Hiện sau nhiều năm sống tại Pháp đã có thể về lại Việt Nam gần đây.

Thế nhưng những người chưa từng bị đàn áp trong quá khứ giống các vị trên vẫn có chân dung “bị cấm” ở thế kỷ 21.

Đó là các ông bà khác như Nguyễn Duy, Dương Tường, Nguyên Ngọc, Trần Huy Quang, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Thái Kế Toại, Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập… và nhiều người khác.

Tranh gò đồng của Phạm Xuân Trường khắc họa chân dung nhà văn Nguyên Ngọc. Phạm Xuân Trường via BBC

Nhà thơ Phạm Xuân Trường là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông tổ chức triển lãm tranh gò đồng của mình. Hồi tháng 11 năm 2018, ông đã tổ chức triển lãm 108 bức tranh gò đồng ở Hải Phòng và bị Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng cấm treo 8 tác phẩm trong số 108 bức ông đem đến.

Nhà thơ Liêu Thái nhận định với RFA về lệnh cấm của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội hôm 2 tháng 12 vừa qua:

“Hành vi cấm treo 31 bức tranh gò đồng này cho thấy, các ông kêu gọi, vận động nhà văn Việt Nam vươn đến giải Nobel Văn học, nhưng thực tế việc các ông làm rất nghịch lý và mâu thuẫn. Mặc dù các ông đang cố gắng theo đuổi một cái gì đó ở thế kỷ 21 nhưng cách làm việc của các ông rõ ràng đang ở thập niên 50. Nhưng ngay cả thập niên 50, ví dụ như thời Chủ nghĩa Tượng trưng hình thành, họ cấm vì nó khác chủ đề, nó xa lạ với sinh quyển nghệ thuật lúc đó, chứ không phải đối tượng nó khác. Còn bây giờ, chủ thể trong những bức tranh đó là những đối tượng các ông không ưng ý nên các ông cấm. Hành vi này đi ngược với cái gọi là văn hóa. Rất tiếc nó là hành vi, là hành xử của một cơ quan quản lý văn hóa.

Ở các nước tiến bộ thì sẽ thấy việc đó quá ghê gớm, nhưng ở Việt Nam thì nó xảy ra nhiều lần rồi. Nó là bầu khí quyển chung của nghệ thuật Việt Nam rồi.”

(Tổng hợp từ RFA và BBC)