Việt Nam hoan nghênh tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện “đường chín đoạn”

13 Tháng Bảy, 2016 | Tin Việt Nam

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Photo courtesy: VNA/VNS

 

Ngay sau khi Tòa trọng tài tuyên bố thắng lợi cho Phi Luật Tân trong vụ kiện Trung Quốc, trong đó bác yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo hoan nghênh phán quyết này.

Trong bản thông cáo phát đi lúc 17g35 ngày 12.7, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Ông Bình tuyên bố trong bản thông cáo rằng: “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài”. Ông Lê Hải Bình còn cho hay Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời cho biết: “Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Cũng nên nhắc lại rằng, phán quyết dài 497 trang của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã chính thức tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Đồng thời phán quyết còn đề cập đến việc lực lượng tuần tra Trung Quốc có thể gây nguy hiểm đâm, đụng với tàu đánh cá và hoạt động xây dựng của họ gây ra tổn hại không thể phục hồi được đối với rạn san hô ở biển. Toà tuyên bố không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa.

Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ “thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh”.

Tổng hợp