Việt Nam tìm cách cứu Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ biến đổi khí hậu

27 Tháng Chín, 2017 | Tin Việt Nam
Một ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi ở tỉnh An Giang. Photo courtesy: Reuters

Chính phủ Việt Nam mở hội nghị để tìm quyết sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ khu vực này bị “xóa sổ” do biến đổi khí hậu.

Hội nghị về phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Cần Thơ trong 2 ngày 26-27.9, do chính phủ tổ chức và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân chủ trì.

Truyền thông trong nước nói đây là “hội nghị lớn nhất từ trước tới nay” bàn về vấn đề này, kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở để “chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nói với VOA về các thách thức mà khu vực có 18 triệu dân này phải đối mặt:

“Trong hội nghị lần này, các chuyên gia ở các ngành khác nhau sẽ đưa ra các đề xuất để làm sao ĐBSCL được phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các tác động của đập thủy điện ở thượng nguồn, các vấn đề nội tại như khai thác cát, nước ngầm gây lún sụt, sạt lở. Các nguyên nhận này đã làm cho đồng bằng bấp bênh hơn trước những thử thác bên ngoài và bên trong của đồng bằng.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ĐBSCL lún nhanh hơn nước biển dâng, nước biển dâng mỗi năm chỉ 1-3 mm trong khi đất lún nhanh hơn sẽ làm cho đồng bằng bị ngập nhiều hơn.

Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht Hà Lan, hiện nay ĐBSCL bị lún nhanh, từ 1.1-2.5 cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2.5 cm/năm.

Từ năm 2005 đến nay bờ biển khu vực này bị sạt lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Khu vực ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, lún hơn 10 cm trong giai đoạn 2010-2015.

90% trong số 600 km bờ biển trong khu vực ĐBSCL có hiện tượng xói lở. Riêng tại Cà Mau, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền khoảng 15m, có nơi đến 50m.

​Báo Zing.vn cho biết chiều ngày 26.9, ông Nguyễn Xuân Phúc đã dùng máy bay trực thăng thị sát vùng ĐBSCL trong 2 giờ đồng hồ từ Cần Thơ đến Cà Mau, trước khi chủ trì phiên hợp toàn thể của hội nghị ngày 27.9.

Vào tháng 7, tại buổi thảo luận ở thủ đô Washington về những xu hướng mới trong thị trường năng lượng tiểu vùng sông Mekong, các diễn giả chỉ ra rằng các đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mekong như đập Xayaburi, lâu nay vẫn bị chính phủ Việt Nam phản đối mạnh mẽ, có những tác động tiêu cực đối với sinh kế và môi trường vùng ĐBSCL.

Tháng vừa rồi tờ Ecologist trích lời ông Andrew Wyatt thuộc Liên đoàn Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, hiện đang hỗ trợ người dân ĐBSCL, cảnh báo rằng: “Chúng ta phải hành động ngay trước khi quá muộn.”

Ông nêu ra những con số mới nhất của cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cho thấy mực nước biển tại khu vực này có thể tăng lên đến 2,6m trước năm 2100.

Khu vực ĐBSCL hiện sản xuất 55.5 % sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, 69% thủy sản và góp 1/3 GDP cho cả nước.

Theo VOA Tiếng Việt