Tai họa từ đâu mà ra: Vua Hùng hay Bác Hồ, Bác Trọng?

28 Tháng Năm, 2022 | Tin Việt Nam,BÌNH LUẬN
ÔngTrương Quang Đệ (trái) và ông Nguyễn Đình Cống, những nhà giáo hiện đang ở Việt Nam

LTS: Tuần qua, trên mạng xã hội xuất hiện hai bài viết từ facebook của hai nhà giáo Trương Quang Đệ và Nguyễn Đình Cống. Hai vị này rất ưu tư về tình trạng tham nhũng và nền giáo dục hiện nay của nước Cộng  hòa XHCN Việt Nam. Nhà giáo Trương Quang Đệ đưa ra vấn đề và nhà giáo Nguyễn Đình Cống góp ý.

Tai họa của đất nước hiện nay từ đâu mà ra? Có phải từ Vua Hùng như vè nhân gian hay chỉ từ khi có Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng hiện nay? Tựa bài ở trên do TVTS đặt. Xin giới thiệu với độc giả bốn phương hai bài viết sau đây:

 

Tham nhũng, bệnh thành tích, hư danh do đâu mà ra?

Hiện nay những tật xấu nói trên đã thành mãn tính, làm xói mòn niềm tin của dân chúng về đội ngũ các bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Hình như mọi nơi mọi cấp đều thấy tham những, thành tích dỏm, tiến sĩ cầu lông, giáo sư nửa chữ không thông.

Về bề mặt, những tật xấu này xuất hiện ở những khâu yếu kém về cơ chế quản lý, giám sát, về công tác nhân sự; thiếu vắng dư luận xã hội. Về chiều sâu những tật xấu ấy sản sinh từ một nền giáo dục không đủ tầm nhân bản. Có một thời tuy sống dưới chế độ thực dân phong kiến, học sinh các cấp vẫn được học trong sách quốc văn giáo khoa thư những bài về ứng xử cao đẹp của con người, rồi đọc thêm bên ngoài những sách như “Cổ học tinh hoa”, “Những tấm lòng cao cả” vv.Ngày nay nói chung tài liệu học tập các cấp không đủ tầm nhân bản mà thiên về kiến thức khoa học cao siêu, chẳng hạn dạy đánh vần theo âm vị, âm tiết trong sách Tiếng Việt. Không biết chuyện tôi sưu tầm sau đây có thầy cô nào quan tâm dạy cho trẻ không?

“Một cậu bé ngồi chơi bên đường bắt được một con bướm. Vừa lúc ấy một nhà sư đi ngang qua, mang nặng trên vai một bó củi thu lượm trong một khu rừng gần đó. Cậu bé ra hiệu cho nhà sư dừng lại, đặt bó củi xuống đất rồi nói:

-Trong tay cháu có một con bướm, đố sư ông biết nó sống hay chết? Nếu sư ông nói sai, bó củi thuộc về cháu đó.

Sư ông mỉm cười, không chút do dự, nói ngay:

-Nó chết rồi!

Cậu bé cười đác thắng, xòe tay ra, con bướm sống bay vút lên không.

-Sư ông thua rồi!

Sư ông mỉm cười chấp nhận thua rồi lững thững đi tay không về chùa.

Về đến nhà, cậu bé thích thú kể cho cha nghe chuyện con bướm và bó củi. Nghe xong người cha hoảng hốt, vac bó củi và dắt cậu bé đi đến chùa gặp nhà sư. Người cha trả lại củi cho nhà sư, nói ngắn gọn lời xin lỗi thay cho con. Nhà sư chỉ mỉm cười xoa đầu cậu bé rồi trao đổi vài lời với người cha về thời tiết, về công việc đồng áng. Hai cha con từ biệt nhà sư ra về. Dọc đường cậu bé thắc mắc hỏi cha:

-Nhà sư thua con mà, sao cha lại trả bó củi?

Người cha giải thích:

-Nhà sư biết con bướm còn sống, nhưng sợ rằng nếu ông nói đúng, con sẽ bóp chết con bướm. Vì vậy nhà sư cố nói sai để cứu sinh mạng con bướm. Con biết không? Đóó là lòng từ bi của nhà sư. Con nhớ lấy chuyện này để tâm niệm cả đời làm việc thiện, tránh làm điều ác”.

Muốn có một nền giáo dục nhân bản phải có một tầng lớp tinh hoa trong xã hội làm nền tảng. Tiếc thay hiện nay tầng lớp đó bị xóa bỏ. Ngày trước “Đã là con nhà thì không làm điều sai trái”, đã là nhà giáo, sinh viên thì dân chúng tin tưởng tuyệt đối về phẩm hạnh.

Ngoài nhà trường ra, dư luận xã hội cũng là môi trưởng giáo dục. Một thứ “chế tài” hiệu quả đối với những kẻ xấu là bạn bè xa lánh.

Nhưng trong xã hội vẫn có thể lưu truyền những điều tai hại ẩn náu dưới dạng những kinh nghiệm sống. Tôi ngán nhất là thường nghe ai đó nói một cách chắc nịch

-Tham nhũng là chuyện phổ biến không riêng gì ở nước ta mà khắp mọi quốc gia trên thế giới.

-Không ai làm việc tốt một cách vô tư cả, ai cũng có động cơ về lợi ích cá nhân.

-Thương trường là chiến trường.

Đó là những điều ngụy biện nhằm thanh minh cho nạn tham nhũng, những cách làm ăn chụp giưt, những lối cạnh tranh không lành mạnh, những việc thiếu trách nhiệm trong quản lý.

Nói tham nhũng là tật chung cho mọi quốc gia thì coi như bỏ cùng một rọ nhà nước dân chủ với nhà nước chuyên chế. Trong một nhà nước dân chủ, hệ thống luật pháp và việc tự do ngôn luận luôn nhanh chóng phát hiện các hiện tượng tham nhũng và xử lý kịp thời. Trong một nhà nước chuyên chế, việc chống tham những rất khó vì không ai dám nói gì, do đó nó chỉ được bó hẹp vào nhóm nắm quyền lực cao nhất, mọi việc vì vậy mà thường chậm trễ và hiệu quả thấp.

Nói không ai làm việc tốt mà không có động cơ cá nhân là phủ nhận biết bao người vô tư, trung thực, hiện chí; coi ai cũng xấu, xấu nhiều xấu ít mà thôi. Quả là một nhận định thê thảm cho loài người. Còn câu “thương trường là chiến trường” chỉ đúng cho các nền kinh tế thị trường sơ khai, hoang dã, chưa có thói quen làm ăn chính đáng, chưa biết cách hợp tác trong kinh doanh.

Bệnh thành tích và thói hư danh là sản phẩm của các xã hội không lấy thực chất con ngườì làm trọng mà chỉ dựa vào các con số thống kê, dựa vào những nhãn mác hình thức như bằng cấp, chức danh, học hàm học vị. Ở các nước tiên tiến người ta tuyển dụng nhân sự bằng các cuộc phỏng vấn, những ngày thử việc chứ không dựa vào một mớ giấy tờ hỗn độn như các cấp quản lý ở các nước chậm tiến. (Trương Quang Đệ)

 

Về nguyên nhân gốc của tai họa

(Trao đổi với ông Trương Quang Đệ)

Gần đây có bài “Tham nhũng, bệnh thành tích, hư danh do đâu mà ra” của tác giả Trương Quang Đệ. Đó là một bài khá hay, cho rằng nguyên nhân là yếu kém về quản lý, việc này do “Nền giáo dục không đủ tầm nhân văn, do thiếu vắng tầng lớp tinh hoa”.

Trình bày như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Hỏi tiếp, từ đâu sinh ra nền giáo dục ấy, tại sao lại thiếu vắng tinh hoa? Tôi nghĩ rằng ông Đệ và nhiều người biết rõ nhưng chưa viết ra vì một lý do nào đó. Phải chăng là vì sợ. Xin thông cảm với nỗi sợ ấy. Nhưng biết sợ để rồi vượt qua nó, để không sợ, chứ không nên sợ thêm.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả có nhiều. Nguyên nhân gần, trực tiếp, nguyên nhân xa, gián tiếp, nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ, nguyên nhân quan trọng, nguyên nhân gốc rễ v.v… Thường một kết quả không phải chỉ do một mà có sự kết hợp nhiều nguyên nhân. Theo đạo Phật thì đó là kết hợp giữa Nhân và Duyên.

Khi tìm nhân và duyên, chỉ để biết thì có thể nêu ra một vài nhân duyên nào đó. Nhưng tìm nhân duyên để khắc phục được một cách cơ bản các tai họa thì cần tìm đến gốc gác của chúng, việc này là khó và dễ bị nhầm.

Giữa nhân và quả là một dãy dài gần như vô tận. A sinh ra B, B sinh ra C, C sinh ra D…, cứ thế cho đến U, V, X, Y. Tìm nguyên nhân là quá trình truy ngược. Có Y vì X, có X vì V… Vậy gốc đầu tiên ở đâu? Là D, là C hay B.

Không có cách gì truy đến được tận cùng, cái gốc đầu tiên. Truy mãi thì đến lúc phải công nhận “Trời sinh ra như thế”. Vậy phải dừng lại ở một bước nào đó đủ rõ ràng. Bằng cách đặt câu hỏi: Cái này do cái gì trước đó sinh ra. Nếu thấy đã tạm sáng tỏ, không cần hỏi tiếp nữa thì dừng, còn nếu cần hỏi và có thể trả lời thì đó chưa thể xem là nguyên nhân gốc, chưa phải là nguyên nhân cơ bản.

Việc tìm nguyên nhân còn cần phân biệt, nguyên nhân nào là do hoàn cảnh, nguyên nhân nào là do con người, cụ thể là ai. Có tìm được vai trò của con người, mới có cách khắc phục triệt để.

Lòng tham, thích có thành tích, thói hư danh thì phần đông nhân loại mắc phải và đó là một trong những nhược điểm của tính cách người Việt được lưu giữ trong truyền thống văn hóa, chúng sẵn sàng phát tác khi gặp môi trường và điều kiện thuận lợi (duyên khởi).

Có người đã truy tiếp nguyên nhân những tai họa mà dân tộc phải chịu. Họ truy đến tận Vua Hùng và viết:

Chung quy bởi tại Vua Hùng

Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên

Người khôn thì đã vượt biên

Còn người ở lại không điên cũng khùng.

Tôi không truy đến Vua Hùng mà dừng lại ở thời gian gần hơn. Đó là khi Chủ nghĩa Mác – Lê được đưa vào, nền vô sản chuyên chính được dựng lên với sự độc tài toàn trị.

Ai chịu trách nhiệm về “kém về quản lý”? Có một phần là do phẩm chất của những người đang làm trong bộ máy, nhưng chủ yếu không phải tại họ. Nền giáo dục không đủ nhân văn, một phần bởi yếu kém của Bộ Giáo dục và các thầy cô, nhưng chủ yếu không phải vì họ. Thế cần quy trách nhiệm cho ai? Quy cho những người lãnh đạo cao nhất đã thực thi Chủ nghĩa Mác – Lê, thực hành độc tài toàn trị với vô sản chuyên chính.

Tại sao Việt nam thiếu vắng tầng lớp tinh hoa? Chủ yếu là lãnh đạo mắc mưu thâm độc của Trung Cộng cố tìm diệt cho hết tinh hoa của dân tộc chỉ vì họ dám phản biện, không chịu cúi đầu, không biết khom lưng hoặc quỳ gối. Chỉ cần một điều luật “Lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ” là có thể trừ khử nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa. Có trừ khử được tinh hoa thì Trung Cộng mới dễ thao túng, thì độc tài mới dễ thống trị.

Còn bệnh thành tích. Nó là biến tướng của phong trào thi đua. Phong trào đó đã phát huy tác dụng tốt vào những năm 1948-1975, nhưng rồi nó trở thành một thứ độc hại vào thế kỷ 21. Lãnh đạo, vì kém trí tuệ mà vẫn cố duy trì, mang lại lợi ít hại nhiều. Rồi Quốc hội còn bày ra việc sửa đổi Luật thi đua, cố giữ lại bông hoa đã tàn úa và đang chứa đầy sâu bọ.

Về nguyên nhân của những tai họa, trước đây tôi đã viết một số bài. Nay nhân bài của trương Quang Đệ nên viết thêm vài dòng để rộng đường dư luận chứ cũng chưa có gì mới. Mong độc giả thông cảm. (Nguyễn Đình Cống)