ĐĂNG KHÁNH giấc mơ âm nhạc từ những rung động của tâm hồn

06 Tháng Mười, 2010 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

 

 

Đăng Khánh bên phím dương cầm

 

“Sáng tác nhạc đối với tôi đã trở thành một nhu cầu, một thôi thúc trước những rung cảm của tâm hồn”. Đăng Khánh thường nhắc đến câu này mỗi lần người viết có dịp chuyện trò với anh mỗi lần sang nơi anh cư ngụ là Houston. Lần gặp Đăng Khánh gần đây nhất vào tháng 12/2008 vừa qua, anh cũng vẫn nhắc lại đại ý như vậy. 

 

Tác giả của những ca khúc đã trở thành quen thuộc đối với những người yêu nhạc như  Lệ Buồn Nhớ Mi, K. Khúc Của Lê, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Tiễn Em Chiều Mưa, Ta Muốn Cùng Em Say, vv… còn cho biết thêm là ngày nào không ngồi trước những phím piano, anh cảm thấy như thiếu thốn vô cùng. 

 

Người bạn đời của anh là Phương Hoa cũng xác nhận điều đó một cách thích thú vì có một ông chồng say mê âm nhạc.  Mặc dù là một nhu cầu trong cuộc sống, nhưng Đăng Khánh không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp mà lại là một người hành nghề nha khoa tại thành ohố này từ gần 30 năm nay. Và tuy không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng sự gần gũi với âm nhạc của anh đã trở nên hết sức gắn bó trong cuộc sống thường ngày. Đến nỗi anh cho biết “ngày nào không đụng tới đàn, chịu không nổi!”

 

Tóm lại Đăng Khánh dành rất nhiều thì giờ cho âm nhạc.  Đối với anh là một niềm đam mê mênh mông và vô biên, lan rộng qua đến việc tổ chức những chương trình âm nhạc giá trị  từ rất nhiều năm nay, cùng với việc thành lập một trường âm nhạc uy tín mang tên Suối Nhạc. Đó là chưa kể đến việc từng điều hành đài phát thanh VOVN tại Houston trong một thời gian dài.

 

Cũng vì lòng đam mê âm nhạc, Đăng Khánh đã kiên trì theo học nhạc tại trường Moores School Of Music thuộc trường đại học Houston về sáng tác và piano và đã học xong hoàn toàn về hòa âm.  Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục theo học về nhạc Jazz tại đây.  Trước đó, khi  còn ở Việt Nam, anh đã từng theo học piano và hòa âm với linh mục Tiến Dũng từ năm 1968 đến năm 1970.  Anh cũng từng được thân phụ chỉ dẫn về đàn banjo cũng như đã được nhạc sĩ tây ban cầm lừng danh Hoàng Bửu  hướng dẫn cho một số ngón đàn cô điển một thời gian, trước khi ra trường Chu Văn An vào năm 1964 và sau đó ghi danh vào trường Đại Học Khoa Học. Song song với thời gian này anh cũng theo học về nha khoa và tốt nghiệp cả 2.

 

Với một số vốn liếng còn rất sơ sài  vào giữa thập niên 60, nhưng với năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc và với niềm cảm xúc dạt dào của một tâm hồn lãng mạn, Đăng Khánh đã hoàn tất ca khúc đầu tay của mình là “Tiễn Em Chiều Mưa” vào năm 1966. Nhạc phẩm này anh viết cho người bạn gái đầu đời. Cho đến nay sau hơn 40 năm, anh vẫn còn cảm thấy thích thú. Nhạc phẩm này được coi như một sáng tác của Đăng Khánh được nhiều ca sĩ trình bầy nhất. 

 

Sau đó Đăng Khánh vẫn tiếp tục miệt mài sáng tác cho đến nay với kết quả là khá nhiều ca khúc của anh đã được người nghe đón nhận với nhiều ưu ái khi được thưởng thức qua những tiếng hát nổi tiếng trong làng tân nhạc Việt Nam như  Anh Ngọc, Duy Trác, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thanh Tuyền, Vũ Khanh, Ý Lan Khánh Hà, Thanh Hà, Anh Dũng, Hoàng Nam, La Sương Sương, vv…

 

Những ca khúc chọn lọc của Đăng Khánh đã được thu thanh trên một số CD của chính anh, ngoài phần xuất hiện rải rác trên hàng chục CD khác do những giọng ca tên tuổi hoặc những trung tâm nhạc thực hiện.

 

Đăng Khánh và Trường Kỳ tại Houston, tháng 12/2008

 

Gần đây, Đăng Khánh mới cho phát hành 2 CD mới nhất của anh mang tựa đề “Giấc Mơ Đời Tôi” và “Làm Sao Tôi Biết”.

 

Với CD “Giấc Mơ Đời Tôi”, Đăng Khánh đã bỏ ra gần 2 năm để hoàn tất với một phí tổn nhiều gấp 4 lần so với CD  “Làm Sao Tôi Biết” với nghệ thuật hòa âm rất công phu dành cho dàn nhạc hòa tấu của nhạc sĩ Hoàng Công Luận cùng với kỹ thuật “editing” và “mixing” rất kỹ lưỡng của nhạc sĩ Khánh Tâm. 

 

Bộ ba Đăng Khánh, Hoàng Công Luận và Khánh Tâm đã bỏ ra rất nhiều công sức để hoàn tất CD gồm một số sáng tác đắc ý nhất của Đăng Khánh với nghệ thuật hợp tấu điêu luyện của nhiều nhạc sĩ tài ba như  Hoàng Anh Tú, Luận Hoàng, Vincent Nguyễn, Tấn Ánh, Công Cẩn, Thân Việt Cường, Nguyễn Tấn lộc, Vĩnh Tâm, Quang Trung, vv…

 

Còn CD “Làm Sao Tôi Biết”, đã  qui tụ được nhiều giọng ca tên tuổi như Tuấn Ngọc, Thu Phương, Thanh Lam, La Sương Sương, Quang Tuấn, Nhật Trung, Phi Khanh, Tâm Khanh, vv…. Đặc biệt La Sương Sương sau khi thu xong 2 nhạc phẩm cho CD này là “Ly Cà Phê Buổi Sáng” và “Em Ngủ Trong Một Mùa Đông” đã phải vào điều trị trong bệnh viện cho đến khi qua đời. 

 

Với một kiến thức về âm nhạc đã vững vàng, Đăng Khánh cho biết đã rất kỹ lưỡng khi đưa vào CD này màu sắc cũng như tâm tình thể hiện qua từng nhạc phẩm, ngoài vấn đề chọn lựa âm vực của từng ca sĩ trình bầy sao cho thích hợp với sáng tác của mình. Chẳng hạn anh đã gửi trọn tâm tình của anh vào nhạc phẩm “Biển Sầu Mênh Mông” do Thanh Lam trình bầy. Nhạc phẩm  mang chút âm điệu Jazz và một chút mầu sắc ngũ cung này đã được anh viết vào năm 2005, sau một chuyến đi du thuyền trên biển Đông cùng với chị Phương Hoa, vợ anh. 

 

Khi tầu đi ngang qua Vịnh Thái Lan vào khoảng 1 giờ sáng, nguồn cảm hứng nơi Đăng Khánh bỗng trở nên dạt dào khi anh nhìn ánh đèn trên tầu hắt xuống nước đen sâu thẳm của biển cả.  Từ đó bao nhiêu tâm tình chất chứa trước đó đã được trải dài ngay trên những “notes” nhạc và lời ca. 

 

Nếu nghe kỹ, người ta sẽ đễ muờng tượng ra hình ảnh một người con gái ngồi xõa tóc dưới biển sâu trong đêm tăm tối, như Đăng Khánh cho biết.  Nhất là khi được trình bầy qua giọng hát nhừa nhựa pha trộn những nét âm u của Thanh Lam trong đó. Đây là một trong những bài tâm huyết của anh, khác với những ca khúc tình cảm khác khi mượn một mẩu chuyện tình cảm để nói về một chuyện tình lớn hơn, như lời giải thích của  người viết nhạc tên thật là Nguyễn Nhật Thăng, sinh năm 1945 tại Ninh Bình này.

 

Qua những ca khúc của Đăng Khánh, người ta dễ dàng nhận ra đề tài chính trong những tác phẩm của anh hầu hết là Tình Yêu vì anh “thấy những rung cảm dẫn dắt tới sáng tác tình ca rất phong phú trong đời sống hàng ngày nên cảm thấy dễ dàng và thoải mái khi viết nhạc tình”, như đã trả lời một cuộc phỏng vấn do người viết thực hiện. 

 

Đăng Khánh còn dẫn chứng thêm câu nói của một triết gia là: “Nơi nào có tình ca thì nơi đó con người sống được” hoặc với Đăng Khánh có thể nói là anh sống được vì còn có những rung cảm để tạo thành những tình khúc.  Và có lẽ anh chỉ thành công với nhạc tình.  Vì anh luôn cho rằng “ Ở đâu có tình yêu, ở đó có đời sống và ở đâu có âm nhạc, ở đó có tình yêu”.

 

Cũng do đó, ngoài kỹ thuật sáng tác, Đăng Khánh còn chú trọng rất nhiều đến lời ca mà anh cho là rất quan trọng với nhạc tình trong khả năng chuyên chở. Và muốn như vậy lời ca phải thành thật, trong sáng và cô đọng như anh quan niệm.

 

Có điểm đặc biệt là thoạt đầu, thật sự Đăng Khánh không muốn phổ biến những sáng tác của mình.  Anh chỉ muốn viết ra vì một sự thôi thúc và đòi hỏi của tâm hồn.  Nhưng sau khi được nghe Tuấn Ngọc, Anh Ngọc và Duy Trác trình bầy một vài nhạc phẩm của mình, anh mới có ý định phổ biến nhu cầu tinh thần của anh đến mọi người từ năm 1993.

 

Cũng từ chủ trương trong cuộc đời, ngoài việc áo cơm lo cho gia đình, chỉ muốn để hết cả thì giờ vào âm nhạc nên Đăng Khánh, với sự khuyến khích và hỗ trợ của Phương Hoa, đã từng đứng ra thực hiện nhiều chương trình nhạc thính phòng giá trị tại Houston, cho đến nay vẫn thường được nhắc nhở đến tại Houston.

 

Chương trình đầu tiên được tổ chức vào năm 1988 với tiếng hát Mai Hương trong phần đầu và phần sau là chương trình hòa tấu nhạc Việt Nam cùng với một số nhạc phẩm ngọai quốc nổi tiếng do nhạc sĩ ngọai quốc viết hòa âm và được trình bầy bởi một ban nhạc gồm 5 nhạc sĩ bạn người bản xứ có chân trong càn nhạc Ballet của thành phố.

 

Sau đó vào năm 1992, Đăng Khánh và Phương Hoa lại đứng ta tổ chức một chương trình nhạc thính phòng dưới chủ đề “Tiếng Nhạc Tâm Tình” với những tiếng hát Anh Ngọc, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao và Hà Thanh.  Chương trình này được tổ chức tại một địa điểm cách Houston khoảng 150 cây số nhưng vẫn được sự tham dự  của đông đảo khán giả, ngồi chật ních cả hội trường gồm 500 chỗ.  Sau đó, trong hai năm liên tiếp, Đăng Khánh đều tổ chức một chương trình hòa nhạc mang tên “Spring Concert” diễn ra tại trung tâm đào tạo Suối Nhạc tức  Mozart Instritute Of Music do anh thành lập.

 

Họat động của Đăng Khánh chưa dùng lại ở đó khi anh còn đứng ra thành lập đài phát thanh VOVN tại Houston trong suốt 14 năm, từ năm 1994 đến năm 2008, mà những chương trình về văn hóa, nghệ thuật được chú trọng hơn cả.

 

Vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập đài, một chương trình nhạc thính phòng cũng đã được Đăng Khánh đứng ra thực hiện trong năm 2004 với một tầm vóc qui mô,  được sự cộng tác của những giọng ca Tuấn Ngọc, Ý Lan, Quang Tuấn, Vũ Khanh, La Sương Sương và Tâm Khanh trong phần trình bầy những sáng tác của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Thanh Trang và Đăng Khánh.  Chương trình này đã gây được một tiếng vang đáng kể trong giới yêu nhạc tại Houston.

 

Gần đây hơn cả, khả năng tổ chức những chương trình âm nhạc của Đăng Khánh còn được nhắc nhở nhiều hơn nữa với nhiều cảm phục sau khi chương trình “Như Cánh Vạc Bay” gặt hái được thành công mỹ mãn mặc dù gặp một vài khó khăn trước khi chương trình được diễn ra vào hạ tuần tháng 3 năm 2008. 

 

Với chương trình đặc biệt về nhạc Trịnh Công Sơn này, Đăng Khánh đã nhận được sự trợ giúp lớn lao của chị Phương Hoa là người anh cần phải cám ơn trước tiên vì đã cho anh sống với điều anh muốn, như anh thường nói. Thêm vào đó là sự cộng tác của MC Vĩnh Lạc là một người có những nhận thức sâu xa về giòng nhạc Trịnh và của Hoàng Công Luận người nhạc sĩ sống gần gũi với Trịnh Công Sơn trong những ngày tháng cuối đời. Do đó anh rất muốn viết hòa âm những bài của Trịnh Công Sơn với cái  tâm tình hiểu về âm nhạc và con người của nhạc sĩ này. 

 

Đăng Khánh đã nuôi hoài bão thực hiện chương trình này từ hơn một năm trước đó. Và cuối cùng anh đã được toại nguyện.  Cũng như những lần thực hiện trước đó, Đăng Khánh luôn chủ trương đặt nặng đến vấn đề phẩm chất lên hàng đầu mà không chú ý đến vấn đề lời hay lỗ. Anh chỉ sợ những nghệ sĩ cộng tác với chương trình của mình buồn vì không được thành công. Do đó, thực tế cho thấy nhiều khi anh đã phải bỏ tiền túi để bù vào chi phí cho một chương trình. Nhưng bù lại, những lời khen ngợi của khán giả tham dự đối với anh là những gì quí giá nhất.

 

Đăng Khánh rời khỏi Việt Nam năm 75, hai năm sau khi lập gia đình với Phương Hoa,  một nữ sinh Trưng Vương. Khi xẩy ra biến cố tháng 4/75, Đăng Khánh đang phục vụ tại Tổng Y Viện Tây Sơn. Anh cũng là người sau cùng từ  Tổng Y Viện ra Sơn Trà trên một chiếc tầu nhỏ của hải quân để chạy thẳng về Phan  Rang.  Sau đó anh lại phải trải qua 10 ngày đi bằng đường bộ  mới về đến được Sài Gòn. Rồi anh đã tìm cách đưa vợ đi ngay từ ngày 26 tháng 4 năm 75.

 

Gia đình Đăng Khánh đến Fort Schaffee ở Arkansas trên 1 trong những chuyến bay đầu tiên đúng vào ngày 1 tháng 5/75 . Sau khi ra khỏi trại, vợ chồng anh về sống ở Oklahoma vài tháng. Sau đó anh ghi tên học nha tại Alabama và ra trường vào cuối năm 79. Ngay sau đó anh về Houston mở phòng mạch từ đó đến nay, được coi như  nha sĩ người Việt đầu tiên ở Houston và là người nha sĩ Việt Nam thứ 3 thuộc lớp nha sĩ Việt đầu tiên trên đất Mỹ.

 

Vợ chồng Đăng Khánh – Phương Hoa có với nhau 3 người con. Người con gái cả theo nghề dược như mẹ. Còn 2 người con trai theo nghề nha giống bố. Trong số có người con lớn năm nay 26 tuổi, theo học violon từ khi mới lên 6, có mặt trong hầu hết những buổi trình diễn do bố tổ chức và có chân trong dàn nhạc giao hưởng trẻ của thành phố  Houston từ 4 năm nay.

 

Đăng Khánh cho là anh hiểu được âm nhạc không bao giờ bỏ người nào đã có những gắn bó với nó.  Và ngay chính người đó cũng không bao giờ bỏ được âm nhạc một khi đã có niềm đam mê sâu đậm. Cho nên đã yêu thích thì  không thể nào rời bỏ được. Ngay như bây giờ, dù luôn bận bịu với ngành nghề chuyên môn, nhưng anh vẫn bỏ ra một ngày trong tuần  để đến trường nhạc và một ngày nghỉ nữa hầu có thể thực hiện những việc mình phải làm để cố gắng hòan tất chương trỉnh cử nhân về nhạc trong vòng một, hai năm tới.

 

Trong khi đó, để xác định vị trí của mình trong âm nhạc, Đăng Khánh cho rằng về âm nhạc thì anh đặt ở vào vị trí nhà nghề.  Nhưng về cuộc sống và cách sống âm nhạc thì  anh sống như một nghệ sĩ tài tử.

 

Đăng Khánh giải thích thêm về những điều vừa nói khi đứng vào vai trò nmột người sáng tác chuyên nghiệp  trong âm nhạc. Anh không đồng ý với điều người ta cho rằng hễ ai có tính nghệ sĩ thì cứ viết sẽ thành tác phẩm. Anh cho rằng ngoài điều kiện là khả năng thiên phú cần phải được huấn luyện hay hướng dẫn để có được sự hiểu biết tức là một kiến thức âm nhạc. Tức là phải dùng kỹ thuật để tạo dựng tác phẩm qua sự cảm nhận của khả năng thiên phú có sẵn.

 

Còn sống một cách tài tử, không phải là sống chuyên nghiệp tức không mưu sinh về âm nhạc thì vui thì viết, không vui thì thôi, không lao đầu vào dòng đời về âm nhạc…

 

(Trích TVTS số 1192)