DIỆU HƯƠNG – QUANG DŨNG: Đồng cảm trong cơ duyên văn nghệ

24 Tháng Bảy, 2008 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

                            Diệu Hương và Quang Dũng

 

Sau khoảng 6 năm kể từ khi Diệu Hương bước vào sinh hoạt âm nhạc hải ngoại với một cặp mắt ngơ ngác và một dáng điệu rụt rè, bây giờ tên tuổi chị đã không còn xa lạ với những người yêu nhạc. Sau 4 albums được gửi đến người nghe trong thời gian này là “Khắc Khoải”, “Ở Lại Ta Đi”, “Dòng Lệ Khô” và gần đây nhất là “Cho Dòng Sông Cuốn Trôi”, Diệu Hương hiện đã là một người viết nhạc quen thuộc với những ca khúc trữ tình chứa đựng một nội dung sâu sắc của mình.

 

Có lẽ không ai không biết tới Khắc Khoải, Phiến Đá Sầu, Vì Đó Là Em, vv… từ những ngày đầu hoặc gần đây như  Dòng Lệ Khô, Cõi Vắng, Hỏi Tình hay Dù Có Như Thế Nào, Bài Tình Ca Cho Em, Cho Dòng Sông Cuốn Trôi, vv…

 

Diệu Hương họ Lê, sinh tại Huế trong một gia đình có 13 người con mà chị là con gái duy nhất. Đến năm 5 tuổi, Diệu Hương theo bố là một sĩ quan trong quân đội, cùng với gia đình vào Đà Nẵng.  Tại đây chị theo học trường Sacré Coeur (tức Thánh Tâm) và hoàn tất bậc trung học để sau đó lên Đà Lạt theo học trường đại học Chính Trị Kinh Doanh và từng được bầu là trưởng ban văn nghệ trong những năm đại học.

 

Trước đó Diệu Hương đã từng theo học piano với các dì phước cũng như từng hát và đóng kịch trên sân khấu nhà trường và tham gia những hoạt động hướng đạo. Tại Đà Lạt, Diệu Hương cũng ở nội trú với các dì phước và cho biết tuy thích sự khắt khe của các dì, nhưng trong lòng lại có những ước mơ rất  sôi nổi.  Cái gì cũng muốn làm,  nhưng bị đè nặng bởi những sự khắt khe đó thành ra có những điều không thực hiện được. Cũng trong thời gian này, Diệu Hương tập guitar rồi sau đó về Sài Gòn học tiếp tục với một người bạn.

 

Khi lớn lên, Diệu Hương luôn mong muốn sẽ viết văn để thực hiện cho mình một quyển sách, mà cho đến nay chị vẫn muốn thực hiện điều đó.  Tuy nhiên khả năng văn chương của chị cũng đã có cơ hội phát triển khi chị viết lời ca cho những nhạc phẩm của mình, khởi đầu vào năm 1977 với “Tôi Muốn Hỏi Tại Sao”.

 

Và giòng nhạc tiềm tàng từ lâu nơi tâm hồn nghệ sĩ của Diệu Hương chợt bùng dậy, để sau khi nhạc phẩm đầu tiên ra đời, chị đã liên tiếp sáng tác thêm 5,6 nhạc phẩm khác vì luôn  quan niệm trong cái buồn phải đi tìm một lẽ sống để cứu vớt mình.  Cái buồn đến với chị trong sự đổi thay của thời cuộc sau biến cố tháng Tư năm 75.  Do đó, Diệu Hương đã dồn tất cả lẽ sống của mình vào âm nhạc.

 

Nhờ có một số vốn liếng về văn chương đến từ sự thích thú đọc sách nên Diệu Hương đã đưa những suy tư của mình qua lời ca vào trong âm nhạc một cách rất hài hòa. Cũng do sự say mê với chữ nghĩa, nên qua những lời ca của chị, người nghe rất dễ dàng nhận ra sự rất đắn đo và thận trọng trong cách dùng chữ của Diệu Hương, một người luôn tìm cách thoát ra những sáo ngữ.

 

Sau khi biết mình có khả năng viết nhạc, Diệu Hương đã tận dụng sự sáng tạo của mình để viết thành những ca khúc tùy theo tâm trạng hoặc chủ đề thích hợp. Kể từ đó Diệu Hương tìm được niềm vui giữa những biến động khiến cuộc sống của chị gặp nhiều xáo trộn, không lối thoát.

 

Sau nhiều lần vượt biên bất thành, cuối cùng Diệu Hương và gia đình sang Mỹ vào năm 90 theo diện HO. Đời sống nơi đất lạ đã khiến cho Diệu Hương chán nản không còn thiết tha gì đến việc sáng tác vì phải bận bịu với việc mưu sinh qua nhiều lần thay đổi việc làm. Từ thư ký cho các trường dành cho người tỵ nạn, cho văn phòng luật sư và nhân viên viên bưu điện. 

 

Và một lần nữa trước những xáo trộn trong một cuộc sống hoàn goàn mới lạ, Diệu Hương lại bám víu lấy lẽ sống của mình là âm nhạc để sáng tác mạnh hơn.  Sau một thời gian dài tích lũy được khá nhiều nhạc phẩm, Diệu hương nghĩ đến việc phổ biến những ca khúc của mình đến người nghe và chị đã thành công.

 

Thành công do dòng nhạc trữ tình dễ tạo được những cảm xúc và ngôn từ sử dụng dễ thấm nhập vào tâm hồn người thưởng thức. Dòng nhạc và lời ca Diệu Hương quả đã quyện lại với nhau thành một kết hợp tuyệt vời mà những giọng hát tại hải ngoại như Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Don Ho, Thanh Hà, vv… đã luôn tỏ ra rất thích hợp với nghệ thuật diễn đạt của mình.

 

Từ đó, chúng ta không thể không nhắc tới một sự gắn bó rất đặc biệt khác với những ca  khúc ký tên Diệu Hương. Đó là sự gắn bó đặc biệt giữa tiếng hát Quang Dũng và dòng nhạc Diệu Hương.  Người này nhỏ tuổi hơn,  là một giọng hát nam được liệt vào hàng đầu ở trong nước.  Người kia là một nữ nhạc sĩ đang trong thời kỳ nổi bật tại hải ngoại. Sự kết  hợp gắn bó trong phạm vi nghệ thuật này được Diệu Hương gọi là một cơ duyên văn nghệ.

 

Cơ duyên văn nghệ đó bắt nguồn từ sự tình cờ khám phá ra Quang Dũng của Diệu Hương trong một chuyến về Việt Nam vào năm 2000, vào thời gian chị có dự  định thực hiện CD đầu tiên của mình.

 

Trước đó vài năm, Thái Văn Dũng tức Quang Dũng cũng mới từ nơi anh mở mắt chào đời là Quy Nhơn vào Sài Gòn.  Mục đích của chàng thanh niên sinh ra trong một gia đình đông con và nghèo khó, làm nghề kéo lụa lúc đó chỉ là kiếm tiền với khả năng ca hát thiên phú của mình.

 

Giấc mơ của anh là một ngày nào với số tiền kiếm được sẽ tạo cơ hội giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh vất vả, nghèo túng. Vì vậy, tại Sài Gòn trong thời gian đầu tiên, Quang Dũng đã nhận lời hát tại  các quán cà phê, các phòng trà nhỏ với bất cứ giá nào.

 

Trước khi gặp Diệu Hương, giọng hát Quang Dũng thường có những gắn bó với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn mà anh coi như thần tượng. Sau này với những sáng tác của Diệu Hương, nơi Quang Dũng đã dấy lên thêm những cảm xúc đặc biệt khi diễn tả.

 

Khi trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây với một tờ báo trong nước, Quang Dũng cũng đã xác nhận về mối tình cảm anh gọi là tình cảm văn nghệ của mình đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ nhạc sĩ Diệu Hương, anh coi như một người chị thể hiện qua cách xưng hô.

 

Diệu Hương cho biết khi nghe Quang Dũng hát tại một phòng trà ở Sài Gòn, chị nhận ra giọng hát này có thể phù hợp với dòng nhạc của mình với một âm vực rất rộng nên chợt nẩy ra ý muốn mời Quang Dũng thu thử một nhạc phẩm trên  CD đầu tay mang tựa đề “Khắc Khoải”…

 

Lúc đó Quang Dũng vẫn chỉ còn là một giọng ca mới chập chững vào nghề, chưa được biết đến nhiều nên chưa phải là một tiếng hát độc quyền cho một trung tâm nào. Anh tỏ ra e ngại và không được thoải mái khi được Diệu Hương đưa cho một nhạc phẩm để hát thử.

 

Nhưng sau khi chị cầm cây guitar lên hát bài Khắc Khoải, Quang Dũng đã lên tiếng đề nghị chị để anh thu thanh nhạc phẩm này vì nhận thấy rất thích hợp với giọng ca của mình. Thật sự khi đó chính Diệu Hương cũng chưa nghĩ đến việc này. Nhưng nhận ra được sự say mê của Quang Dũng qua ánh mắt khi đưa ra đề nghị đó nên đã quyết định để anh thu thanh nhạc phẩm Khắc Khoải trong CD đầu tay mang cùng tựa đê của mình…

 

Đó cũng là lần đầu tiên Quang Dũng hát nhạc Diệu Hương cũng như là một trong những lần đầu tiên anh thu tiếng hát mình trên một sản phẩm audio.

 

Từ đó trở đi sự kết hợp giữa dòng nhạc Diệu Hưong và tiếng hát Quang Dũng càng ngày càng trở nên chặt chẽ để cho đến nay người nam ca sĩ ở Việt Nam hiện đang rất nổi tiếng này đã thu thanh hầu như tất cả những sáng tác của Diệu Hương. 

 

Có một dạo gần như bất cứ ở nơi nào trong nước, người ta cũng thấy vang lên tiếng hát của Quang Dũng trong những ca khúc như  Vì Đó Là Em, Khắc Khoải, Phiến Đá Sầu, vv…  trong khi tên tác giả của những ca khúc đó là Diệu Hương chưa mấy được biết tới trong nước. Nhưng bây giờ qua tiếng hát Quang Dũng, tên tuổi Diệu Hương không còn xa lạ gì với những người yêu nhạc trong nước.

 

Mỗi khi nhớ lại sự “khám phá” ra Quang Dũng của mình, Diệu Hương đều luôn cho đó là một cơ duyên văn nghệ đặc biệt trong đời sống đúng vào thời kỳ chị còn mang tâm trạng ngơ ngác khi đến với âm nhạc và khi Quang Dũng còn là một giọng ca mới chân ướt chân ráo đến với sân khấu ca nhạc. Và Diệu Hương cũng như ngay cả Quang Dũng cũng không ngờ họ lại tạo được một sự thích hợp như vậy…

 

Phân tách kỹ hơn, người ta dể dàng nhận ra sự say mê của mỗi người khi kết hợp với nhau ngay từ bước đầu bằng giọng ca và dòng nhạc của mình.  Cụ thể hơn là ngay từ CD đầu tiên của Diệu Hương.

 

Quang Dũng đã say mê khi hát những bài tình ca của một người viết nhạc mới, thu thanh trên một CD phát hành tại hải ngoại cùng với những tiếng hát như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Diễm Liên nên tỏ ra rất hào hứng. Phần Diệu Hương, niềm say mê của chị cũng rất to lớn khi khám phá ra một giọng hát mới mà nghệ thuật diễn tả rất ăn khớp với những sáng tác của mình. Do đó chị đã đặt lòng tin của mình vào đó một cách rất mãnh liệt…

 

Dù chỉ thu thanh 2 nhạc phẩm “Khắc Khoải” và “Tình Xưa” trong CD đầu tay của Diệu Hương, nhưng sự hào hứng nơi Quang Dũng rất to lớn khiến anh làm việc không biết mệt mỏi. Chạy lên chạy xuống và chờ đợi ở phòng thu không biết bao nhiêu lần, nhưng anh vẫn tỏ ra kiên nhẫn, không hề than vãn.

 

Trong một lần tâm sự với người khám phá ra mình mà Quang Dũng xưng hô là “chị, em”, anh tỏ vẻ lo ngại không biết mình có trở thành nổi tiếng hay không với loại nhạc trữ tình do anh trình bày trong khi vào thời kỳ này loại nhạc thị trường đang được rất nhiều giọng ca trẻ theo đuổi. Diệu Hương có lẽ nhận ra một tương lai tốt đẹp với Quang Dũng sau này nên đã cổ võ anh rất nhiều khi nghĩ rằng anh sẽ trở thành nổi tiếng trong vòng 1, 2 năm nữa…

 

Và điều Diệu Hương cổ võ Quang Dũng đã trở thành sự thật với đà đi lên rất nhanh của anh để trở thành một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất hiện nay, ở trong nước và cả ở hải ngoại.

 

Sau nhiều năm gắn bó với nhau trên con đường nghệ thuật, hình như Diệu Hương đã tạo được nơi Quang Dũng nhiều ảnh hưởng, về tư tưởng diễn đạt trong nội dung một nhạc phẩm cũng như về cách dùng văn, sử dụng chữ, vv…

 

Cũng do đó người nam ca sĩ trẻ tuổi này dễ cảm nhận được những ý tưởng trong các tác phẩm của Diệu Hương…

 

Tất cả những điều đó đã kết hợp thành một sự đồng cảm hiếm hoi giữa hai tâm hồn nghệ sĩ, một ở trong nước và một ở hải ngoại.