Điếu văn Nam Lộc đọc trong tang lễ Trường Kỳ

31 Tháng Ba, 2009 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Hình chụp NS Nam Lộc và chị Trường-Kỳ, con gái của anh chị Trường Kỳ và 2 đứa cháu ngoại đứng trước quan tài anh Trường Kỳ

 

Nhà báo Vũ Trường Kỳ ra đi quá đột ngột để lại tiếc thương cho mọi người, từ người thân cho đến các độc giả của anh. Đã có nhiều bài viết về anh sau khi anh qua đời, nhưng hôm nay nhật báo TVTS Online mời độc giả bốn phương xem bài điếu văn mà người bạn thân của anh Trường Kỳ đã đọc trong tang lễ của anh: nhạc sĩ Nam Lộc.

 

Bài này do anh Duy Khiêm từ Asia Forum chuyển lại cho TVTS. Duy Khiêm cũng là người báo tin cho TVTS ngay sau khi được tin anh Trường Kỳ qua đời.

 

Bài điếu văn được đọc hôm Thứ Hai 30.3.2009  trong tang lễ, cũng là ngày sinh nhật thứ 63 của anh Trường Kỳ.

 

 

ĐIẾU VĂN NAM LỘC ĐỌC TRONG TANG LỄ TRƯỜNG KỲ

Montréal – Canada, March 30, 2009

Kính thưa quý linh mục, thưa chị Trường Kỳ và các cháu.

Kính thưa quý vị đại diện hội đoàn, quý vị quan khách, cùng thân hữu và anh chị em nghệ sĩ.

Con người ai cũng có một đời để sống và một lần để chết. Nhưng sống để được mọi người thương yêu, và chết để người đời luyến tiếc mới là điều đáng nói. Tôi vừa mất đi một người bạn tri kỷ trong cuộc đời, và khi anh nằm xuống tôi mới biết được rằng, chính anh là mẫu người mà tôi vừa diễn tả, đó là nhạc sĩ kiêm ký giả Trường Kỳ.

 

Mấy ngày hôm nay, cả hàng nghìn, hàng vạn giọt lệ buồn nhỏ xuống khóc thương anh, trong lúc anh vẫn thản nhiên, tự tại nằm yên một chỗ, mỉm cười nghe tiếng khóc tiếc thương của vợ con, của gia đình cùng bạn hữu.

 

Kính thưa quý vị,

Người bạn thân nhất đời của tôi, một người được thiên hạ gọi là “Ông Vua Hippy”, nhưng lại hiền như Bụt. Được mệnh danh là “Vua Nhạc Trẻ”, dù anh không biết đàn, mà cũng chẳng biết hát.

 

Thế nhưng điều rõ ràng và chắc chắn nhất mà ai cũng công nhận: Anh là một người Chồng chung thủy, người Cha gương mẫu, người bạn chí tình, một nhà báo có lương tâm và là một nghệ sĩ có cuộc sống đạo đức. Ngay từ khi bước vào tuổi trưởng thành, Trường Kỳ đã là một người bênh vực, và luôn luôn đấu tranh để chống đối sự kỳ thị, bảo vệ quyền lợi, danh dự và đòi hỏi công bằng cho giới nhạc trẻ cùng những tài danh đã góp phần không nhỏ trong lịch sử của nền âm nhạc VN.

 

Ngoài ra anh còn là người đi tiên phong trong phong trào “Việt Hoá” nhạc trẻ với mục đích khuyến khích và kéo thế hệ trẻ về nguồn qua những bản nhạc ngoại quốc, lời Việt đầy tình cảm, cùng sự rung động chân thành và thuần tuý VN.

Trong bối cảnh chiến tranh của đất nước giữa những thập niên 60-70, Trường Kỳ cùng bạn hữu đã kết hợp với Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, QLVNCH tổ chức các buổi đại nhạc hội ngoài trời với mục đích gây qũy yểm trợ cây mùa Xuân chiến sĩ và giúp đỡ cô nhi, quả phụ tử sĩ liên tục trong nhiều năm trời với hàng chục ngàn khán giả tham dự mỗi năm.

 

Ra hải ngoại, anh vẫn âm thầm hoạt động và phục vụ văn hoá, nghệ thuật qua những chương trình phát thanh, những bài phóng sự và đáng kể nhất là đã giới thiệu gần 1000 khuôn mặt nghệ sĩ VN, bất kể họ là người nổi tiếng hay chỉ là một khuôn mặt vừa chập chững bước vào con đường văn nghệ.

 

Anh đối xử với mọi người thật đồng đều và trân trọng như nhau.

 

Nhưng đáng kể nhất là những tài liệu nghiên cứu và sưu tầm âm nhạc rất giá trị mà anh đã để lại cho đời và cho hậu thế, như một bộ tự điển văn nghệ mà ai cũng sẽ có lúc phải cần đến khi muốn tìm hiểu.

Với những đóng góp vĩ đại kể trên, có thể nói nhạc sĩ Trường Kỳ đã cống hiến rất nhiều, nhưng không bao giờ màng đến sự trả ơn.

 

Cả cuộc đời, anh chỉ biết cho ra và đóng góp hơn là biết nhận lại, chính vì thế mà anh là người có cuộc sống rất đạm bạc, nhưng ngược lại có một cuộc đời thật sung túc và giầu có về tình cảm, một cuộc sống gia đình hạnh phúc và ở nơi đâu anh cũng có bạn thân.

Tin nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ đột ngột ra đi đã làm không biết bao nhiêu người yêu mến anh cả trong lẫn ngoài nước xót thương, tiếc nuối, làm tôi chợt nhớ đến câu nói của một nhà văn, ông viết:

 

“Khi mở mắt chào đời bạn cất tiếng khóc, trong lúc bao người xung quanh tươi cười chào đón bạn. Vậy hãy sống thế nào để khi lià đời, bạn mỉm cười ra đi, nhưng mọi người xung quanh đều khóc tiếc thương mình”.

Thôi vĩnh biệt Trường Kỳ! Hãy cứ thản nhiên tiếp tục ngày tháng rong chơi thanh nhàn như lá số tử vi của bạn.

Kỳ ơi, lần đầu tiên trong suốt 63 năm cuộc đời, có lẽ đây là sinh nhật có nhiều hoa nhất gởi đến tặng bạn. Hỡi ôi đây lại chính là những vòng hoa tiễn Kỳ về bên kia thế giới trong những ngày Montréal mưa buồn và ảm đạm. Thôi hẹn gặp lại nhau Kỳ nhé!

Good bye my friend!

Rồi mai đây, khi mình xa nhau nhớ đến nhau hoài…”