Huỳnh Nhật Tân và Trường Kỳ tại Toronto, tháng 11.2009 |
Gọi một cách ngắn gọn, Huỳnh Nhật Tân là một nhạc sĩ. Nhưng vai trò nhạc sĩ của anh bao gồm nhiều lãnh vực. Thứ nhất, Huỳnh Nhật Tân là một nhạc sĩ sáng tác, hầu hết là những ca khúc tình cảm, “xen lẫn một tí về cuộc sống” như anh nói. Đó là là sự bàng bạc chút triết lý trong một số tác phẩm của anh, “nhưng cái triết lý của em nó đều ngược đời hơn người ta”.
Chẳng hạn như với nhạc phẩm Bạc Tình anh sáng tác khi mới được 17 tuổi, nổi tiếng cả ở ngoài hải ngọai lẫn trong nước được rất nhiều ca sĩ trình bầy… Huỳnh Nhật Tân giải thích thêm về điều anh gọi la triết lý trong nhạc phẩm này như sau: “Cái triết lý của em nó đơn giản lắm. Tại vì em nhìn vô cuộc sống, em thấy thí dụ hai người yêu nhau, người này bỏ người kia là người kia chửi người này bạc tình liền. Nên ngay câu đầu tiên em viết “vội vàng làm chi trách nhau bạc tình”. Thực sự trong cuộc sống, không phải cứ chia tay là một sự bạc tình. Tại vì trong cuộc sống cần phải hiểu là có hợp rồi có tan. Mà nhiều khi người ta chia tay với mình có thể vì những lý do khác, khó khăn hay khúc mắc hơn liên quan đến cuộc sống, đến gia đình, đến đủ thứ hết. Người ta chia tay với mình không có nghĩa là người ta không còn thương mình. Tức là phải có lý do. Không phải trong vấn đề yêu nhau là chỉ có chuyện tình yêu mà còn có nhiều chuyện chung quanh tình yêu thì em mới viết bài đó”.
Thật ra Huỳnh Nhật Tân đã sáng tác từ khi mới 16 tuổi. Nhạc phẩm đầu tay của anh mang tựa đề “Hỡi Người Yêu”. Tuy nhiên nhạc phẩm này không được anh cho phổ biến vì cảm thấy không phù hợp với hòan cảnh xã hội trong nước vào thời điểm những năm giữa thập niên 80.
Huỳnh Nhật Tân viết nhạc tình dưới nhiều dạng, mỗi dạng dành cho một thành phần thính giả thuộc các lứa tuổi khác biệt, đặc biệt là lớp thính giả trẻ và trung niên. Nhưng tựu chung, đa số những sáng tác của anh đều chứa đựng một sự nghịch lý trong nội dung. Và nhất là luôn nhắm vào những góc cạnh của cuộc đời chưa có ai khai thác để làm đề tài cho những ca khúc của mình.
Chẳng hạn như anh từng đề cập tới những điều anh gọi là “những điều nói dối có lợi” khi viết thành ca khúc Cứ Lừa Dối Đi. Trong đó, Huỳnh Nhật Tân cho thấy “nhiều khi có những điều nói dối ít làm người ta đau đớn hơn là mình phải nói thiệt”.
Huỳnh Nhật Tân là tác giả của nhiều ca khúc tình cảm nổi tiếng, phần lớn được phổ biến trên những sản phẩm video và audio của trung tâm Vân Sơn, không kể của nhiều trung tâm nhạc khác. Nhưng khi hỏi về số lượng, anh cho biết không bao giờ quan tâm đến điều này vì mang một quan niệm không giống như phần đông những nhạc sĩ khác khi “chỉ có ghé qua chốn này để chơi thôi. Giống như kiểu đi đâu đề thơ đó. Cuộc đời như một cuộc viễn du. Đi tới đâu, làm cái gì mỗi ngày em viết ra rồi em cho người khác sử dụng. Rồi em quân nó đi.”
Cũng chính thế, nhiều khi anh cảm thấy quen thuộc khi tình cờ được nghe một số nhạc phẩm mà sau đó mới biết chính là những bài do mình viết!
Ngoài vai trò là một nhạc sĩ sáng tác, Huỳnh Nhật Tân còn là một nhạc sĩ soạn hòa âm tên tuổi trong thị trường âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Anh chỉ còn biết dùng câu “vô số kể” khi được hỏi về số lượng nhạc phẩm do anh hòa âm…
Huỳnh Nhật Tân còn giữ một vai trò quan trọng khác là giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình video của trung tâm Vân Sơn là trung tâm anh có rất nhiều gắn bó, trong việc viết nhạc cho các ca sĩ, hòa âm cũng như chọn nhạc phẩm trình bầy. Ngoài ra còn phụ trách luôn cả phần thu âm và mix. Ngoài trung tâm Vân Sơn, Huỳnh Nhật Tân đã từng đóng góp tài năng âm nhạc của mình cho hầu hết các trung tâm nhạc tại hải ngoại trong lãnh vực nào cần đến, trong đó có Thúy Nga, Blue Ocean, Rainbows, vv…
Tuy đảm nhiệm những vai trò đề cập tới ở trên, nhưng Huỳnh Nhật Tân chỉ dùng thì giờ rảnh của mình để hoàn tất những công việc đó. Thì giờ chính của anh được dành cho công ty Sony Classics thuộc hệ thống giải trí quốc tế Sony từ cuối năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư âm thanh. Với Sony Classics, anh nắm chức vụ kỹ sư trưởng trong phòng thu về “sound editing”. Những năm gần đây anh còn được giao công việc viết một phần nhạc cho nhiều loại “games”, trong đó có cả những “games” cho Sony Play Station.
Huỳnh Nhật Tân được bố mẹ cho học nhạc với một người thầy đến dạy riêng ở nhà vào năm 1973 ở Sài Gòn khi anh mới được 7 tuổi. Anh cho biết thật sự bố mẹ anh cho học nhạc để tránh cho anh tình trạng lêu lổng với những trò bắn bi, đánh đáo cùng những đứa trẻ đồng lứa tuổi. Trong khi đó ông bà chỉ mong sau này cậu con trai cả trong số 5 người con của mình trở thành một bác sĩ…
Và thật sự cậu bé Huỳnh Nhật Tân cũng chẳng thích thú gì lắm với hai buổi học nhạc, dài 2 tiếng một buổi trong một tuần lễ, dưới sự chỉ dẫn rất khắt khe của ông thầy dậy nhạc. Đầu óc cậu khi đó còn đang bị lôi cuốn bởi những trò chơi của trẻ con thú vị hơn là ngồi cặm cụi ngồi gẩy những “nốt” nhạc trên những cây đàn Banjo và Mandoline.
Nhưng vài năm sau, Huỳnh Nhật Tân đã bị âm nhạc thấm vào tâm hồn để bắt đầu cảm thấy thích thú, mặc dù vẫn luôn nghĩ là mình không hề có khiếu về âm nhạc. Hơn nữa, khó thế nào diễn tả được niềm hãnh diện của một cậu bé 9, 10 tuổi cầm cây guitar biểu diễn trước mặt bạn bè đồng trang lứa. Đó cũng là một nguyên nhân đã đưa đẩy Huỳnh Nhật Tân đến với âm nhạc một cách say mê để anh cho là lúc đó đã quá trễ, không thể nào đi theo con đường bố mẹ anh đã đặt nhiều kỳ vọng.
Chỉ một thồi gian ngắn sau, khi được 12 tuổi, Huỳnh Nhật Tân đã bắt đầu đi chơi nhạc có nhận thù lao với các nhóm bạn bè trẻ tuổi trong những buổi sinh họat văn nghệ tổ chức tại các trường học hoặc do các hội đoàn tổ chức.
Vài năm sau, anh có cơ hội học ký xướng âm với nhạc sĩ Hùng Lân và hòa âm với linh mục Tiến Dũng. Cũng từ đó, dần dần Huỳnh Nhật Tân có cơ hội gặp gỡ và quen biết với một số nghệ sĩ đi trước và được hướng dẫn bước vào lãnh vực âm nhạc.
Nhưng đối với Huỳnh Nhật Tân, ảnh hưởng âm nhạc to lớn nhất đối với anh đến từ nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang mà anh từng được người thầy dậy nhạc chỉ dẫn qua những tập sách của nhạc sĩ này từ khi anh mới lên 7, lúc chưa hề biết Nguyễn Trung Cang là ai.
Nhưng bước vào tuổi thanh niên, anh là người thuộc llòng tất cả những ca khúc của Nguyễn Trung Cang. Điều Huỳnh Nhật Tân gọi là chịu ảnh hưởng của nhạc sĩ họ Nguyễn không phải là âm điệu, cũng không phải là những ca từ mà chính là phong cách của người nhạc sĩ đã qua đời vào đầu thập niên 80, vài năm sau khi Huỳnh Nhật Tân có cơ hội gặp gỡ…
Cái phong cách đó được hiểu rõ hơn là sự đột biến và táo bạo trong âm nhạc, thu gọn trong quan niệm anh vẫn theo đuổi cho đến bây giờ là “cái gì người ta không làm thì mình làm”, dù đó là những điều nghịch lý.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vì học tiếp đại học, Huỳnh Nhật Tân thi vào Viện Âm Nhạc Thành Phố ở Sài Gòn để học trong 2 năm về những môn Lý Thuyết, Sáng Tác và Chỉ Huy (trong nước gọi tắt là Lý Sáng Chỉ). Sau đó vì anh đã không được tiếp tục theo học vì tội nhiều lần vượt biên, để chuyển qua học trường Văn Hóa Nghệ Thuật (tức Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật) vào năm 1984 và ra trường năm 1988.
Song song thời gian này, Huỳnh Nhật Tân bắt đầu chơi nhạc tại các vũ trường trong vai trò một nhạc công. Đầu tiên là Arc En Ciel tức Thiên Hồng. Sau đó, anh cộng tác với hầu hết các vũ trường và nhiều sân khấu ca nhạc ở Sài Gòn, sử dụng piano và keyboard với chủ trương đi theo con đường nhà nghề. Và điều này đã khiến bố anh rất giận.
Huỳnh Nhật Tân, Ngọc Thúy |
Đến năm 1989, Huỳnh Nhật Tân qua Mỹ một mình theo diện ODP sau khi quen Ngọc Thúy -trở thành vợ anh tại hải ngoại vài năm sau đó- một thời gian ngắn. Nơi anh đặt chân tới đầu tiên là thành phố Atlanta và chơi nhạc cho một Club tại đây. Đến tháng 3 năm 1992, Huỳnh Nhật Tân và Ngọc Thúy quyết định dời qua nam Califronia cư ngụ cho đến nay.
Với quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc, Huỳnh Nhật Tân chẳng mấy chốc đã trở thành một tên tuổi nổi bật trong sinh hoạt âm nhạc hải ngoại. Cùng một lúc hoạt động một cách chuyên nghiệp trong ngành âm thanh, liên quan đến kỹ nghệ giải trí của Hoa Kỳ, mà âm nhạc chiếm một môi trường lớn rộng.
Nhờ sống trong môi trường đó, bản chất thực tế của người Mỹ đã khiến anh đưa ra một sự phân biệt rõ rệt giữa Nghệ Thuật (Arts) và Giải Trí (Entertainment) trong âm nhạc. Anh cho rằng theo quan niệm của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, họ luôn coi âm nhạc là nghệ thuật nên mỗi khi đề cập đến âm nhạc, vấn đề nghệ thuật luôn được đặt lên hàng đầu.
Nhưng với một kinh nghiệm lâu năm làm việc với người Mỹ, anh nhận thấy đối với những tổ hợp lớn chẳng hạn, nếu chỉ làm vì nghệ thuật thì rất khó khăn trong việc phát triển tài chánh về mặt thương mại. Do đó họ chia thành 2 thành phần âm nhạc riêng biệt: Nghệ Thuật và Giải Trí. Và “khi em nhận ra được điều đó thì em phải đặt em là ai tức là em là người làm Entertainment để kiếm tiền nuôi sống em và gia đình cũng như cuộc đời của em. Nhưng một mặt em vẫn quan tâm đến Arts để thỏa mãn giấc mơ của em”.
Trước kia mỗi khi sáng tác một ca khúc, Huỳnh Nhật Tân coi đó như đứa con của mình để yêu quí và chăm chút nó. Sau này khi suy nghĩ lại, anh nhận thấy những đứa con của mình là những sáng tác đó, khi qua một thời điểm nào đó thì mình sẽ không còn coi nó là con nữa. Anh nói rõ hơn, một khi coi một sáng tác là con thì đó là Nghệ Thuật. Nhưng nếu coi đó là sản phẩm để người ta thưởng thức hay giải trí thì đó là công nghệ.
Từ đó Huỳnh Nhật Tân đã hội nhập vào công nghệ giải trí là một công nghệ rất lớn mạnh cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và ảnh hưởng rộng lớn trong lãnh vực truyền thông. Cũng theo nhận xét của Huỳnh Nhật Tân, không bao lâu nữa mọi người đều có thể trở thành nhạc sĩ nhờ những tiến bộ đáng kể về khoa học, đặc biệt trong ngành âm thanh. Tuy vậy người ta vẫn có thể sử dụng công nghệ để tạo thành nghệ thuật vì “tất cả đều do sự suy nghĩ của đầu óc”, như ý anh muốn nói là sự sáng tạo.
Đề cập đến việc thưởng thức âm nhạc, Huỳnh Nhật Tân cho rằng theo anh không có vấn đề Hay hoặc Dở. Mà thực tế chỉ là Thích hoặc Không Thích, dựa trên con số khán thính giả có được vì tác phẩm đó, nghệ sĩ đó phù hợp với một thời điểm nào đó. Hoặc do sự vận dụng mạnh công nghệ quảng cáo. Ngược lại cũng có những tác phẩm giá trị hoặc những ca sĩ hội đủ nhiều yếu tố cần thiết nhưng không bao giờ nổi tiếng.
Câu nói của một giáo sư từng hướng dẫn anh về nhạc trước kia đã cho anh thấy rõ một thực tế. Đó là “nghệ thuật là gì? Thật khó ai định nghĩa được. Thực tế chỉ có người mua hay không mua mà thôi”. Từ đó, việc nghiên cứu sở thích của người thưởng thức đã được đưa lên hàng đầu trong công nghệ âm nhạc hiện nay.
Bây giờ Huỳnh Nhật Tân đang trong thời kỳ dọn đường để trở thành một nhà sản xuất, một người hướng dẫn cho lớp kế tiếp. Anh nói thẳng ra là mình chỉ còn họat động về nhạc không được bao lâu nữa. Nhất là đã làm việc trong ngành âm thanh nhiều năm nên cơ quan thị giác cũng như thính giác không còn được nhậy bén như xưa. Do đó anh muốn chia sẻ kinh nghiệm với lớp trẻ đi sau bằng cách mở đường cũng như tạo những cơ hội thuận lợi cho họ trên con đường âm nhạc…
(TVTS – 1187)