Nói chuyện dân ca dân nhạc với nhạc sĩ ĐỨC THÀNH

01 Tháng Hai, 2010 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nhạc sĩ Đức Thành

 

Qua trên 20 chương trình video “Paris By Night”,  hình ảnh của một Đức Thành với mái tóc dài tựa một kiếm sĩ đã trở nên quen thuộc với khán thính giả khắp nơi với món vũ khí độc đáo của anh là cây đàn bầu cổ truyền.  Nếu người kiếm sĩ có những đường gươm đẹp mắt và bay bướm thì người nhạc sĩ dân tộc tên Đức Thành đã tạo cho mình được những ngón đàn ru hồn và lả lướt, đi vào tận chiều sâu tâm hồn người thưởng thức.

 

Người viết gặp Đức Thành cùng vợ là ca sĩ Nguyệt Lan và con anh là bé Thành Nam lần đầu tiên vào mùa Hè năm 1996 tại miền nam nước Pháp, trong khuôn khổ Đại Hội Dân Ca Dân Nhạc Quốc Tế Pyrénées.

 

Lần đó cặp vợ chồng nghệ sĩ Đức Thành – Nguyệt Lan được đoàn Hồng Lạc ở Toronto (Canada)  mời đóng góp trong chương trình của đoàn một  số tiết mục thích hợp với khả năng của họ qua nghệ thuật trình tấu đàn bầu của Đức Thành và biểu diễn dân ca của Nguyệt Lan.  Sau hàng chục buổi trình diễn tại nhiều thành phố gần dãy núi Pyrénées, sát biên giới Tây Ban Nha, đặc biệt âm thanh độc đáo của cây đàn một giây của Việt Nam đã chinh phục tất cả những khán giả tham dự,  lần đầu tiên được thấy khả năng của cây đàn này.

 

Thời gian đó gia đình Đức Thành cư ngụ tại một tỉnh nhỏ cách thành phố Stuttgart ở Tây Đức khoảng 60 cây số,  là nơi anh và Nguyệt Lan đặt chân đến từ tháng 8 năm 1990 sau khi rời Việt Nam.  Chuyến đi của cặp nghệ sĩ Đức Thành – Nguyệt Lan nằm trong khuôn khổ một chương trình văn nghệ từ thiện tổ chức tại Paris. Cùng một lúc,  Đức Thành đã đại diện cho gia đình ở Việt Nam tham dự lễ thành hôn của một người em gái bên Tây Đức. Cũng do tình trạng sức khoẻ yếu kém vì có sạn trong túi mật – khi còn ở trong nước thường xuyên phải giải phẫu 2 năm một lần – nên anh đã xin ở lại Đức để chữa trị và được chấp thuận.

 

Tại đây từ những năm 1992, 93 Đức Thành và Nguyệt Lan bắt đầu được mời trình diễn tại hầu hết các quốc gia Âu Châu, sau khi họ có con trai đầu lòng là bé Nguyễn thành Nam chào đời vào năm 1992.  Bốn năm sau bé Nam đã bắt đầu theo bố mẹ bước lên sân khấu trong nhiều chương trình văn nghệ ở Âu Châu khi còn ngọng nghịu trong những ca khúc nhi đồng. Ngoài việc trình diễn trên sân khấu,  Đức Thành còn được mời giảng dạy về âm nhạc dân tộc tại Thụy Sĩ và Pháp cho những người yêu thích nhạc cổ truyền.

 

Trong một lần biểu diễn tại một tiệc cưới bên Đức, một thành viên của Hội Vô Vi đã để ý tiếng đàn bầu của Đức Thành và mời anh thực hiện riêng cho hội một băng nhạc.  Anh cho đó là trường hợp “hữu xạ tự nhiên hương” như vẫn luôn tin tưởng một  cách lạc quan, nên đã mang tất cả cố gắng của mình vào việc thực hiện cuốn băng phổ nhạc dân ca từ những bài thơ Thiền với những phương tiện thu thanh rất thô sơ. Tuy vậy Đức Thành cũng đã mang được tất cả những tinh túy của nhạc dân tộc vào Thiền bằng một tinh thần trách nhiệm cao độ…

 

Và cũng khởi đầu từ đó đã đưa đến việc Hội Vô Vi đứng ra bảo lãnh cho cả gia đình anh được sang Montreal, Canada định cư vào tháng 11 năm 1996.  Sự thăng tiến của Đức Thành cùng vợ con anh trong lãnh vực nhạc dân tộc bắt đầu đi vào một khúc quanh quan trọng, khởi sự với chương trình “Quê Hương Ơi, Hương Lúa Giọt Đàn Bầu” để gọi là làm quen với khán giả thành phố Montreal.   

 

Phạm Đức Thành sinh năm 1956 ở Gia Viễn, huyện Ninh Bình.  Tuy là một vùng quanh năm nước lut đồng chua, nhưng rất thịnh về chèo cổ, chầu văn và lên đồng. Môi trường đó đã tác động không ít đến sự say mê âm nhạc dân tộc sau này  nơi anh. Tuy không xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, trong khi thân phụ anh sinh sống với nghề may mặc, nhưng Đức Thành cho rằng anh đã chịu nhiều ảnh hưởng về nhạc dân tộc khi còn nằm trong bụng mẹ. Trong thời gian  này, thân mẫu anh thường xuyên nghe những đĩa nhạc cổ, phát ra từ một máy hát đĩa lên dây cót đến nỗi thuộc nằm lòng nhiều nhạc phẩm dân ca. Đức Thành cho rằng “Có lẽ Thành là một trong những trường hợp rất là  quái dị, vì ông già Thành làm nghề thợ may.  Nhưng mà hình như người ta nói là có vấn đề biến dị và di truyền. Thì lúc nhỏ bà mẹ Thành, có lúc có bầu lại rất thích nghe về dân ca Việt Nam”.

 

Vì vậy mặc dù không được ai dạy, người con thứ ba và cũng là người con trai duy nhất trong gia đình gồm 7 người con, cũng biết đánh trống chèo từ khi mới lên 4 “mà trống chèo là loại trống mình điểm vào lúc người ta hát. Phải điểm vào chỗ nào mới được. Đâm ra rất là khó”.

 

Gia đình nhạc sĩ Đức Thành trong y phục cổ truyền

 

Cũng như bố, con trai của cặp Đức Thành và Nguyệt Lan là bé Nguyễn Thành Nam từ khi lên 4 cũng đã theo bố mẹ làm quen với sân khấu. Căn cứ vào đó, Đức Thành đã ghi nhận được một kinh nghiệm quí báu cho những bậc phụ huynh muốn con em mình theo con đường âm nhạc ”Mình không thể chắc chắn con cái mình sẽ theo con đường âm nhạc nếu mình không quan tâm đến. Cũng như muốn cho nó ăn thức ăn Việt Nam, mình phải biết cách hướng dẫn  và phải có cái cầu nối cho nó. Do vậy, cháu Thành Nam đạt được cái vấn đề như ngày hôm nay là từ những lúc cháu sinh ra  đã phải cho cháu nghe nhạc rồi.  Khi cháu chưa biết nói, một giờ mà cháu nghe nhạc bằng 100 giờ sau này. Lúc cháu nhỏ phải cho cháu học ngay từ lúc đó. Thậm chí ngay từ trong bầu  đã phải cho học rồi. Nó lớn lên mới cho học thì quá muộn. Cho nên phần lớn những thiên tài  đều có được sự chăm sóc từ trong trứng nước”.

 

Sau Đức Thành, 4 người con của gia đình làm nghề may đó đều trở thành những nhạc sĩ về nhạc dân tộc, trong số có người con út là Phạm Thị thanh Huy, đã đoạt Huy Chương Vàng toàn tỉnh Hà Nam Ninh khi mới được 6 tuổi, để được vào thẳng nhạc viện Hà Nội sau đó. Hiện Thanh Huy là một nhạc sĩ dân nhạc được biết đến nhiều tại Sài Gòn.  Cô thường được mời trình diễn tại nhiều nhà hàng và khách sạn lớn cho đối tượng chính là những khán giả người ngoại quốc.

 

Cũng vào năm lên 6, Đức Thành được tuyển vào trường Âm Nhạc Việt Nam do khả năng sử dụng đàn bầu, nhưng bố mẹ anh đã cương quyết không cho phép vì không muốn xa rời người con trai duy nhất của gia đình. Âm thanh của nhạc khí cổ truyền độc đáo này càng ngày càng trở nên quyến rũ anh để Đức Thành để hết tâm trí vào việc khai thác khả năng của cây đàn một giây.  Nhờ vậy anh được tuyển vào Nhà Hát Chèo Việt Nam ở Hà Nội sau khi học hết chương trình lớp 10 phổ thông tại huyện nhà vào năm 1974. Đây là một trường hợp tương đối ít khi xẩy ra vì không phải qua một lớp đào tạo nào, tối thiểu ở bậc trung cấp âm nhạc.

 

Cuộc đời hoạt động về nghệ thuật của Đức Thành bắt đầu từ khi đến với Nhà Hát Chèo  Hà Nội. Sau 4 năm vừa học vừa trình diễn đàn bầu và một số nhạc cụ cổ truyền khác, anh tốt nghiệp hạng ưu của chương trình trung cấp âm nhạc. Và cũng từ đó, Đức Thành bắt đầu nghiên cứu nhiều về nhạc tây phương cũng như dậy nhạc lý và ký xướng âm Tây Phương.  Nhưng việc anh quan tâm hơn cả là tìm cách khai thác khả năng của cây đàn bầu đã gắn bó với cuộc đời anh cho đến bây giờ. 

 

Khi sử dụng đàn bầu vào các loại nhạc của từng miền, Đức Thành anh đã dầy công nghiên cứu để tạo cho mình được một nghệ thuật thẩm âm chính xác cùng một lúc tìm hiểu sâu xa về từng loại nhạc  mà căn bản là nắm vững luật về cao độ và trường độ…

 

Ngoài khả năng chính là diễn tả âm thanh bằng nhạc, như trong một đoạn sa mạc sau đây, Đức Thành cho biết đàn bầu còn có nhiều khả năng diễn đạt âm thanh độc đáo khác khi được sử dụng trong lãnh vực cải lương.  Để diễn tả tâm trạng buồn sầu, ai oán, Đức Thành đưa ra nhận xét không một nhạc cụ cổ truyền nào có khả năng diễn tả như  cây đàn bầu, là một cây đàn có gốc từ miền Bắc, trước kia chưa được khai thác trong lãnh vực cải lương. Nhưng hiện nay âm thanh của nó đã trở thành quen thuộc với những người yếu thích vọng cổ… Một điểm thú vị khác là cây đàn một giây này còn có khả năng bắt chước giống như  tiếng người.

 

Dù những âm thanh phát ra từ cây đàn bầu có phầm não nùng và ai oán, nhưng với nghệ thuật sử dụng kháo léo của đôi bàn tay cùng với cái hồn âm nhạc của một người chuyên về nghiên cứu nhạc cổ truyền, Đức Thành đã biến những âm thanh sầu thảm đó thành những tiết điệu rộn rã và tươi vui như trong nhạc phẩm mang âm điệu viễn tây Hoa Kỳ  “Riders In The Sky”, đã từng được Đức Thành thu thanh trên một CD cũng như trình tấu trên sân khấu và gây được nhiều thích thú nơi người nghe…

 

Ngoài  đàn bầu, Đức Thành còn sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc kác như  đàn nguyệt , đàn nhị, đàn tranh cũng như đàn đáy gần như là một loại đàn thất truyền để cùng  các  loại đàn nhị của Trung Quốc. Với thời gian nghiên cứu lâu dài về âm nhạc, Đức Thành công nhận nhạc VN là khó khi muốn đi sâu vào tâm hồn của từng miền: Vấn đề là làm sao có thể phát ra tiếng đàn đặc người miền Trung,  làm sao cho ra đặc người miền Nam. Đó mới là chuyện khó. Không phải từ  note nhạc Tây Phương  mà từ cái thần của mình phát ra  ngón đàn”.

 

Theo người nghệ sĩ lão luyện về âm nhạc dân tộc này, tiếng đàn cũng như ngôn ngữ. Người sử dụng nó phải biết một số đặc điểm. Thí dụ sau khi nghiên cứu  về dân ca Huế, anh đã có nhận xét là ”Dân ca Huế rất quan trọng về  những cái dấu  vỗ, về dấu rung  hay sự đảo phách”. Từ đó Đức Thành đưa ra sự so sánh khi trình tấu một nhạc phẩm Tây Phương và một tác phẩm dân nhạc cổ truyền: Khi mình đàn nhạc Tây Phương  thì phải biết thật chính xác note nhạc,  đấy là điều quan trọng nhất. Không  được đàn sai. Bởi vì  những phím đàn piano được chia rất nhỏ thành 12 bán cung đều. Nếu mình đàn chệch  ra  note đó là sai hết tất cả hoà âm. Nhưng khi đàn cổ nhạc  dân ca thì mình phải biết  cái độ cao của note nhạc đó so với Tây Phương ra làm sao  mà người ta không gọi là note nhạc mà mình phải biết ”chữ nhạc”.  “Chữ nhạc” là gì?  Là mình phải biết phải  rung cái gì, không được rung cái gì,  được vỗ cái gì, vv… Nếu chúng ta học nhạc dân tộc mà không biết “chữ nhạc”  có nghĩa la không biết cái rung thì  không khác nào ông Tây hát vọng cổ,  rất là khó nghe, mà đàn rất là khô cứng”.

 

Anh đưa ra thêm một thí dụ khác: ”Cũng như những người nghệ sĩ cổ nhạc mà  đi đàn nhạc Tây    không thoát ra được. Nghĩa là cứ  dính cái hơi cổ nhạc hoài. Mình không có biết cái luật của phương Tây  là phải đúng note, đúng cái note nhạc đó  thì mới đúng với hoà âm. Nhiều khi trong những màn tân cổ giao duyên,  có những nghệ sĩ không nghiên cứu thì  hát rất là buồn cười.  Cứ bị lai, bị dính hoài cái chất cổ nhạc”.

 

Trong thời gian còn ở Việt Nam, vào năm 1978, Đức Thành chiếm bằng danh dự của giải Đại Nhạc Hội Đàn Bầu Toàn Quốc lần đầu tiên, tổ chức tại Hà Nội.  Đây là giải thi đua về đàn bầu qui tụ tất cả những người biết sử dụng cây đàn độc huyền, không phân biệt tuổi tác, thành phần, địa phương. Cũng trong năm 78, anh được đề cử làm đại diện cho sân khấu Chèo, chiếm giải nhất về đàn bầu.  Sau đó được tuyển vào viện Đại Học Âm Nhạc Quốc Gia ở Sài Gòn để đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu về âm nhạc, đặc biệt về dân nhạc VN dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Văn Khê.  Năm 1983 anh tốt nghiệp Thủ Khoa toàn quốc  về nghiên cứu và sử dụng đàn bầu.

 

Đến năm 85, một lần nữa Đức Thành được nhận thêm một vinh dự khi đoạt giải nhất đàn bầu toàn quốc  ở phía Nam trong cuộc thi các loại nhạc khí cổ truyền gồm đàn Kìm, đàn Cò và đàn Bầu.

 

Từ  năm 80, Đức Thành qui tụ một số nhạc sĩ để thành lập một ban nhạc cổ truyền  cộng tác với khách sạn Rex trong cho đến cuối năm 90 trước khi sang Tây Đức. Trong thời gian này anh sử dụng  đàn bầu để biểu diễn những bài dân ca VN, nhạc cổ VN và dân ca của thế giới cho đối tượng chính là khán thính giả ngoại quốc. Thêm vào đó có thời gian anh còn cộng tác với nhà hàng trên khách sạn nổi của Úc tại bến Bạch Đằng. Với mục đích đi tìm một giọng hát thích hợp với dân ca để cùng trình diễn với ban nhạc, Đức Thành đã để ý đến tiếng hát Nguyệt Lan qua những chương trình truyền hình và đài phát thanh để sau đó mời cô vào hợp tác.  Và sau khi diễn chung ở Đà Lạt tình cảm đậm đà đã nẩy nở giữa hai người và sau đó cùng nhau thành hôn vào năm 1987, và tiệc cưới được tổ chức tại nhà riêng của anh trên đường Ngô Thời  Nhiệm

 

Mang dòng máu Trung Hoa trong người, Liêu Nguyệt Lan là con giữa trong một gia đình có 7 người con.  Gia đình cô không có ai theo con đường văn nghệ, nhưng thân phụ cô tuy là một người Trung Hoa nhưng rất thích cổ nhạc: “Em nhớ hồi còn nhỏ, khoảng thời gian từ 12 rưỡi đến 1 giờ trưa có những chương trình văn nghệ hát vọng cổ  mà ba em rất là thích nghe. Thế là cứ ẵm em trên vai  rồi bật mấy chương trình đó nghe.  Riết rồi nó vào đầu lúc nào không hay.”

 

Tuy ảnh hưởng từ cổ nhạc nhưng Nguyệt Lan lại hương sở thích mình về nhạc dân ca, theo cô rất mượt mà. Nguyệt Lan theo học trường Gia Long đến hết lớp 12 và là người tham gia tích cực vào những hoạt động văn nghệ trong trường. Cô chính thức bước lên sân khấu năm 1978, sau khi chiếm được Huy Chương Bạc trong cuộc thi “Những Giọng Ca Chuyên Nghiệp”, giải đơn ca toàn thành phố với nhạc phẩm Nhớ Về Hà Nội.

 

Sau đó, Nguyệt Lan thường hát tân nhạc, nhưng từ khi được khám phá bởi nhạc sĩ Phan Nhân sau khi trình bầy cùng với Lê Hành nhạc phẩm Trên Quê Hương Minh Hải và gây được nhiều chú ý thì chuyển hẳn qua dân ca, được coi như sở trường của cô. Và cũng từ đó Nguyệt Lan được mời trình bầy những tiết mục dân ca trên đài phát thanh và truyền hình, xen kẽ với tân nhạc và thể loại tân cổ giao duyên.

 

Từ khi qua Tây Đức cùng với Đức Thành, Nguyệt Lan tiếp tục đi theo con đường dân ca dưới sự hướng dẫn của người chồng, coi âm nhạc cổ truyền là lẽ sống để càng ngày tài nghệ được phát triển thêm.

 

Con trai của cặp nghệ sĩ dân ca dân nhạc Đức Thành – Nguyệt Lan là bé Phạm Thành Nam chào đời tại Đức vào năm 1992. Hơn 4 năm sau cùng bố mẹ sang định cư ở Montreal đã tỏ ra yêu thích đàn bầu và đã lên sân khấu sử dụng cây đàn này lần đầu trong một tiệc cưới tại thành phố này, chỉ sau một tuần tiếp xúc với que gẩy của cây đàn một giây trong nhạc phẩm “Trống Cơm”.

 

Bé Thành Nam năm nay 12 tuổi, ngoài đàn bầu còn sử dụng được đàn nguyệt, trống phách và piano nhờ nghe quen tai những giai điệu qua nghệ thuật sử dụng những nhạc khí cổ truyền của bố.  Do đó, đối với Thành Nam, riêng vấn đề  sử dụng đàn bầu không có gì khó khăn.  Với khả năng như vậy, em  bắt đầu cùng bố mẹ đi show từ  khi còn bé xíu, trong vai trò một nghệ sĩ tí hon sử dụng đàn bầu. Hiện Thành Nam biết đàn bầu, nguyệt và trống phách và piano. Nhờ có căn bản nhạc lý do bố hướng dẫn, nên em đã học rất nhanh. Một phần lớn khác là Thành Nam rất yêu thích đàn bầu. Không những thế em còn rất yêu thích tiếng Việt để chiếm được giải Hồng Đức, là giải thưởng cao nhất của Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Hồng Đức tại Montreal sau 5 năm theo học Việt Ngữ  tại đây. Ngoài ra bé Thành Nam đã hội nhập dễ dàng vào cuộc sống nơi trường học, nhưng vẫn sử dụng tiếng Việt trong gia đình…

 

Và tuy mới 12 tuổi, nhưng Thành Nam đã tỏ ra rất bạo dạn khi ra trước công chúng hay trước máy thu hình và rất hãnh diện được nhiều người khen ngợi.  Thành Nam cho biết em rất thích theo nghề âm nhạc của bố, dù biết có những nghề khác thoải mái hơn về mặt vật chất như đã nói một cách rất hồn nhiên: “Con biết là bác sĩ kiếm tiền được nhiều, nhưng ba con dây  nghề nào giỏi  đều có thể kiếm tiền được cả . Vậy thì con chọn nghề nhạc”.

 

Đối với việc phổ biến nhạc dân tộc, Đức Thành đã bỏ ra nhiều công sức để hướng dẫn các em theo học tại các lớp dân nhạc ở Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Hồng Đức ở Montreal mà anh là một cộng tác viên đắc lực. Anh cũng đã đề nghị với trung tâm này phát động phong trào yêu nhạc dân tộc nơi tất cả mọi người, vì ”hiện tại mình cũng có được một chút vốn về  âm nhạc dân tộc  mà trong khi đó Thành rất thương các em  sinh ở bên này. Các em rất là thiệt thòi. Nếu giả sử mình có  những ngón đàn hay như thế mà  mình không truyền lại  thì cũng rất là buồn. Chính vì vậy Thành mới đề nghị trung tâm Hồng Đức phát động một phong trào yêu nhạc dân tộc  để vận động tất cả những ai mà yêu nhạc  đi vào cái câu lạc bộ này  để có thể ngồi lại với nhau  trình diễn và nhớ lại những bài bản cổ truyền  mà Thành đã sưu tập được và đã thành công trong những đoạn đời vừa qua”.

 

Vào ngày 26 tháng 06 năm  2004 vừa qua, phong trào yêu nhạc dân tộc đã được chính thức phát động trong chương trình dân ca dân nhạc “Ầu Ơ, Anh Thương Anh Nhớ “ do Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Hồng Đức tổ chức tại Montreal. Gia đình Đức Thành đã đóng góp nhiều tiết mục đặc sắc trong chương trình đầy nét dân tộc này.

 

Nói về chủ trương của phong trào yêu nhạc dân tộc, Đức Thành cho biết là “mở rộng cho tất cả thành phần, tất cả những  người bạn chơi nhạc dân tộc  làm sao mà trở thành một phong trào  rầm rộ để hướng về cội nguồn, để làm sao nhất là cho các em trẻ  nắm bắt được, ngoài vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt ra, còn là vấn đề ngôn ngữ văn hóa  qua âm nhạc. Mà âm nhạc là một trong những phương thức giải trí  rất lành mạnh và rất là truyền thống”

 

Và anh đã tỏ ra rất lạc quan khi ghi nhận được những kết quả đáng khuyến khích qua những lớp hướng dẫn nhạc dân tộc vì  “từ một em đã gác cây đàn  treo lên, nhưng bây giờ thấy  phong trào đó đã  gỡ đàn xuống coi như  tái xuất giang hồ. Rất là vui khi làm được những chuyện như vậy  và nhìn các anh em ngồi với nhau chơi đàn thấy là  dễ thương”.

 

Ngoài việc hướng dẫn lớp dân nhạc cho Trung Tâm Văn Hoá Giáo Dục Hồng Đức, Đức Thành cũng đã thực hiện một bộ video gồm nhiều tập để hướng dẫn  nhiều loại nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò, đàn nguyệt, vv… Không những thế, anh còn mở những lớp dạy dân nhạc tại nhà.  Trong số có những em học sinh theo học vào mùa hè từ nhiều quốc gia khác như Đức, Thuỵ Sĩ và Hoa Kỳ.  Điển hình như  2 anh em Mạc Vũ và Bảo Châu đến từ tiểu bang North Carolina đã đến Montreal theo học đàn bầu và đàn nhị trong mùa hè năm nay. Chỉ sau khoảng 1 tháng hai em đã tỏ ra rất tiến bộ và tỏ ra rất yêu thịch nhạc dân tộc dù lớn lên trong xã hội Âu Mỹ.

 

Đặt nhiều tin tưởng nơi tài nghệ của Đức Thành, ngoài việc thường xuyên mời anh cộng tác về phần dân nhạc cho những chương trình Paris By Night, trung tâm Thuý Nga đã thực hiện riêng cho anh 3 CD về đàn bầu, gần đây nhất là CD “Giọt Mưa Thu”. Không kể anh đã tự thực hiện cho mình và Nguyệt Lan 5 CD. Thêm vào đó anh đã được một trung tâm nhạc Canada là Oliver Sudden mời thu thanh 1 CD, trong đó anh sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền cùng với Nguyệt Lan trình bày một số bài dân ca. CD “Vietnamese Traditional Music” này hiện đang được bán tại khắp các hiệu bán đĩa nhạc và trên internet, trong số có hệ thống phát hành sách và đĩa nhạc quốc tế Amazone.  Thêm vào đó anh đã được mời sử dụng đàn bầu trong phim “Ba Mùa”.

 

Về mặt trình diễn trên sân khấu, không những đã từng góp mặt trong nhiều sinh hoạt văn nghệ có tính cách cộng đồng tại nhiều thành phố ở Canada như Toronto, Shawinigan, Hull, Ottawa, London, vv…  gia đình Đức Thành đã có mặt tại rất nhiều Hội Chợ Tết ở hải ngoại, tổ chức tại: Seattle, Houston, San Jose, Philadelphia, Paris, Munich, Amsterdam, vv… 

 

Họ cũng đã khiến người bản xứ say mê qua nhiều lần xuất hiện trên các chương trình phát thanh ở Canada, Đức và Hoa Kỳ cũng như trên sân khấu tại những chương trình âm nhạc lớn trong nghệ thuật sử dụng đàn bầu và trình bày dân ca như tại trường đại học Mc Gill (cùng với  nghệ sĩ đàn tỳ bà Trung Hoa Liu Fang và giáo sư Trần Văn Khê, tại các đại hội âm nhạc: Rythmes D’Asie, Musical Heritage Of The Francophonie, Franco Follies de Montreal, Asia Music Festival, Festival Folklorique,  Musique Et Traditions Du Monde, vv…

 

Với những sự đóng góp của cả gia đình Đức Thành trong những sinh hoạt âm nhạc cổ truyền cùng với sự luôn quan tâm đến việc phát động phong trào yêu nhạc dân tộc của anh, việc bảo tồn nền văn hoá cổ truyền hy vọng có được những kết quả khả quan…

 

Khi những trang báo này đến tay bạn đọc, gia đình nhạc sĩ Đức Thành cũng vừa hoàn tất một chuyến về thăm quê hương, cùng một lúc anh đã có dịp trao đổi kinh nghiệm với nhiều nghệ sĩ dân tộc trong nước cũng như những nhà nghiên cứu về dân ca dân nhạc, trong số có giáo sư Trần Văn Khê, là người coi anh như một học trò cưng…

 

(TVTS   961 & 962)