THANH TUYỀN: vẫn như giòng suối trong vắt ngọt ngào

16 Tháng Năm, 2009 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Thanh Tuyền

 

Không thể không công nhận Thanh Tuyền là một trong số rất ít giọng ca có một quá trình họat động ca nhạc từ rất lâu mà cho đến nay vẫn giữ được một chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả ái mộ. Nét sắc bén nơi  tiếng hát của chị tưởng như không hề suy suyển với thời gian.

 

Quãng đường dài trên 40 năm đi hát đã không khiến cho chất giọng của Thanh Tuyền tiêu hao bớt đi.  Trái lại chất giọng đó hình như lại còn đuợc bồi đắp thêm dạn dầy bởi những kinh nghiệm quí báu gặt hái được nơi sự nghiệp ca hát của mình.

 

Có gần  gũi với Thanh Tuyền trong những lần trình diễn mới thấy rõ được lòng cảm mến của khán thính giả dành cho một tiếng hát đã hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ người thưởng thức.  Không những chỉ có tầng lớp khán giả trung niên mới dành cho Thanh Tuyền nhiều ưu ái nồng nàn.  Mà đến cả lớp khán giả thuộc thế hệ sau đáng tuổi con cháu chị cũng đã dành cho Thanh Tuyền những cảm tình thật đặc biệt.

 

Người viết đã có nhiều dịp trò chuyện và nghe Thanh Tuyền hát trong những chương trình nhạc hội trong vòng nhiều năm trở lại đây nên đã thu thập được một số chi tiết chính xác về cuộc sống ngòai đời cũng như trên sân khấu của chị để thực hiện bài viềt này,  mang ít nhiều tính cách vinh danh một giọng ca đã có nhiều cống hiến cho nền tân nhạc Việt Nam, trải dài qua những giai đọan thăng trầm của thời cuộc với những nhạc phẩm bình dị, chân chất rất thích hợp với giọng ca có thể gọi là mộc mạc đơn sơ, nhưng chan hòa tình cảm của chị.

 

Trong số hàng trăm ca khúc do Thanh Tuyền trình bầy từ trước đến nay phần lớn là những ca khúc chan chưa tình quê hương, đậm đà hồn dân tộc.  Không những vậy còn có biết bao nhiêu ca khúc tình cảm liên quan đến nhiều mặt của tình yêu đôi lứa với những chia lìa, ngang trái cũng như những hạnh phúc, những ngọt ngào.

 

Tâm tư của những người lính chiến oai hùng trong một thời binh lửa cũng đã là những chủ đề thường được tiếng hát của Thanh Tuyền gửi đến người nghe với tất cả những tình cảm chân thành. Chủ đề của những ca khúc vừa được đề cập tới đã nói lên rất rõ khả năng đa dạng của một tiếng hát có một chiều dày trong sự nghiệp cầm ca, coi sân khấu như mái ấm gia đình với khán giả là những người thân thuộc.

 

Thanh Tuyền  từng nhiều lần tâm sự với người viết về sự gắn bó với ca nhạc của chị.  Chị cũng đã từng nghĩ đến một ngày nào đó sẽ không còn được đứng trên sân khấu như một sự đào thải bình thường đến từ tuổi tác hoặc sức khỏe.  Thanh Tuyền đã không tránh khỏi xúc động khi biết rằng đến một lúc nào đó chị sẽ không còn được đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn mầu là những gì gần gũi nhất đối với đời một người ca sĩ.

 

Nhưng bây giờ Thanh Tuyền còn cảm thấy vẫn có nhiều hứng thú trong nghiệp cầm ca nên chị vẫn phải hát.  Hát không những để giải tỏa tâm sự của mình mà còn giúp cho người thưởng thức cảm nhận được những rung động để thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn.  Và như thế, người ta hiểu rằng Thanh Tuyền vẫn tiếp tục dấn thân một cách vững chắc trên con đường sự nghiệp vốn dĩ đã rất bền bỉ với thời gian…

 

Thanh Tuyền tên thật là Phạm Như Mai, sinh ở Đà Lạt với ngày sinh nhật là 29 tháng 10.  Chị lớn lên tại thành phố sương mù đến năm 17 tuổi sau khi thi xong trung học đệ nhất cấp ở trường Bùi Thị Xuân mới về sống ở Sài Gòn, theo học tiếp tại trường Lê Văn Duyệt đến hết lớp 12.  Vì vậy Đà Lạt đã ghi lại nơi Thanh Tuyền nhiều kỷ niệm tuyệt đẹp trong lứa tuổi hoa niên nhiều thơ mộng. 

 

Và cũng thành phố cao nguyên này đã đưa đẩy cô bé Như Mai đến với con đường ca hát.

 

Thanh Tuyền có khiếu về ca nhạc từ  khi còn nhỏ với sự chỉ dẫn căn bản về nhạc lý của người cậu và qua một số giờ học nhạc ở trường.  Chị đã tích cực tham gia nhiều buổi văn nghệ do trường tổ chức, gần như không bao giờ vắng mặt. Cũng chính vì vậy mà khi mới được hơn 10 tuổi – với ước vọng trở thành ca sĩ – Thanh Tuyền đã được mọi người gọi là “thần đồng” với tên thật là Như Mai sau khi đi dự thi giải “Thần Đồng” của Đà Lạt vào năm 59. 

 

 

Thanh Tuyền và con gái, Shayla

 

Cuộc thi này được diễn ra ngay tại sân vận động thành phố với rất đông khán giả tham dự.  Và cô bé Như Mai đã oanh liệt chiếm được hàng đầu với nhạc phẩm “Nắng Đẹp Miền Nam”.  Từ đó giấc mộng trở thành ca sĩ nơi Thanh Tuyền càng thêm lớn mạnh hơn.

 

Người nữ ca sĩ có tên thật là Như Mai này cho biết chị đã gặp được rất nhiều may mắn khi đến với lãnh vực nghệ thuật vì chỉ 3 tháng sau, vào mùa Hè 64,  sau khi về đến Sài Gòn là tên tuổi chị đã được biết đến.  Hãng đĩa nhạc Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã mời chị ký giao kèo độc quyền ngay sau khi chân ướt chân ráo từ Đà Lạt về. 

 

Tại đây nhạc sĩ Mạnh Phát có dịp được  nghe chị hát trong một buổi lễ phát phần thưởng do trường Bùi Thị Xuân tổ chức ở hội trường Hoà Bình.  Ông đã chú ý ngay đến giọng ca này, và đó cũng là người có công khám phá ra giọng hát trong số những giọng hát tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam sau này để giới thiệu với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. 

 

Thật ra nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp được nghe giọng ca của cô bé Như Mai qua đài phát thanh Đà Lạt mà làn sóng có thể bắt được tại Sài Gòn, trong chương trình văn nghệ của Bộ Thông Tin.  Lúc đó ông giữ chức vụ đại úy và nhạc sĩ Mạnh Phát làm dưới quyền ông.  Sau đó ông nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đà Lạt để tìm ra giọng hát Như  Mai, đúng vào dịp phát phần thưởng nói trên sau khi nghe chị hát nhạc “Vọng Gác Đêm Sương” và sau đó nhạc sĩ Mạnh Phát đã hỏi thẳng Như Mai có muốn làm ca sĩ hay không?

 

Đối với Thanh Tuyền không có gì vui hơn khi được hỏi như vậy. Và cô bé Như Mai còn may mắn hơn nữa khi được gia đình cô chấp thuận cho đi theo con đường ca hát, đúng như ước nguyện của cô.  Tuy nhiên vấn đề trở ngại duy nhất là tuổi Thanh Tuyền khi đó còn quá nhỏ, nếu phải sống xa gia đình thật là một điều khó khăn. Cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết ổn thỏa bằng cách nhạc sĩ Mạnh Phát đề nghị bố mẹ chị để nhận chị làm con nuôi và đề nghị trên đã được bố mẹ Thanh Tuyền chấp thuận.

 

Về lý do chọn Thanh Tuyền làm tên nghệ sĩ, chị cho biết khi về ký độc quyền với hãng đĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, chị đã được hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát chọn cho tên này để thay thế tên thật của chị là Như Mai.  Hơn nữa trong giới đã có một số nghệ sĩ lúc đó có tên này…

 

Tên Thanh Tuyền mang nhiều ý nghĩa. Như gốc của chị ở Đà Lạt là nơi có nhiều thác, nhiều suối nên được hai nhạc sĩ trên đặt cho tên là Thanh Tuyền nghĩa là suối nước trong… Hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát thường khoe với mọi người là họ đã khám phá được một giòng suối trong ở Đà Lạt.

 

Ngay từ mùa Hè năm 1964, tên tuổi Thanh Tuyền đã bắt đầu được biết tới nhiều sau khi chị về sống tại Sài Gòn.  Một phần do giọng hát thiên phú, một phần do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc “lăng xê” giòng suối trong của Đà Lạt trên báo chí cũng như trên đài phát thanh.  Nên chỉ trong một thời gian ngắn từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới tên một giọng ca mới có tên Thanh Tuyền.

 

Tuy sớm nổi tiếng, nhưng Thanh Tuyền tự nhận biết tiếng hát của mình vào khoảng giữa thập niên 60 hãy còn non nớt.  Chị ví mình như một “cô bé lọ lem” không ai biết tới. Nhưng đùng một cái trở thành nổi tiếng quá nhanh nhờ được sự nâng đỡ một lúc của hai nhạc sĩ mà chị gọi là ông thầy.

 

Sự non nớt lúc đầu như Thanh Tuyền nói đã được hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát ra sức trau dồi thêm cho chị để sau đó tiếng hát của Thanh Tuyền trở nên rất vững vàng.  Không những vậy, chị còn được vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lúc đó là nữ ca sĩ Minh Diệu “truyền cho rất nhiều bí quyết” như chị nói.

 

Thanh Tuyền kể là trong thời gian được tập luyện gắt gao này, sáng nào cũng phải dậy sớm từ 6, 7 giờ sáng để tập hát trước khi làm vệ sinh cá nhân, “cứ bước xuống giường là phải hát liền”, theo lời chị kể.  Cũng do sự tập luyện vất vả mà kết quả đã mang lại cho Thanh Tuyền một giọng ca thật mạnh với những nhạc phẩm được quần chúng ưa thích nhiều, điển hình như nhạc phẩm Dấu Chân Kỷ Niệm là nhạc phẩm đầu tiên đưa tên tuổi chị lên cao.

 

Vào năm sau tức 1966,  khi chị về cộng tác với hãng đĩa Asia ( tức Sóng Nhạc ) qua sự giới thiệu của bố nuôi là Mạnh Phát thì Thanh Tuyền mới thật sự được biết đến rất nhiều với  “Đà Lạt Hoàng Hôn” và nhất là “Nỗi Buồn Hoa Phượng”. 

 

Dù cộng tác với những hãnhg đĩa khác, trong số có hãng đĩa việt Nam, nhưng Thanh Tuyền vẫn có sự thỏa thuận với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là vẫn tiếp tục thu thanh một số nhạc phẩm cho hãng đĩa của ông. Chị cho biết thêm là lúc đó chị chỉ thu đĩa và hát cho đài phát thanh vì chưa đủ 18 tuổi để hát ở vũ trường vào thời đó.

 

Một điều khá lý thú là mặc dù tên tuổi của Thanh Tuyền đã nổi như cồn nhưng chị rất ít được khán giả biết mặt, ngoài một vài hình ảnh đăng tải trên báo chí, vì thời đó phương diện truyền hình còn rất phôi thai.  Một thời gian sau, chị góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình nhạc của nhạc sĩ Phạm mạnh Cương trên đài truyền hình và liên tục trong nhiều chương trình khác.  Lúc đó khán thính giả mới biết đến hình ảnh của Thanh Tuyền.

 

Mãi đến năm 19 tuổi, Thanh Tuyền mới bắt đầu đặt chân vào hát tại các vũ trường.  Đầu tiên là vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường.  Sau đó một thời gian, chị sang cộng tác với chương trình Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim’s. Đối với những sinh họat về đêm của Sài Gòn, Thanh Tuyền đã có một dạo trở thành một tiếng hát rất ăn khách.  Như trong năm 1967, có những đêm chị phải hát tới 6 nơi và mỗi nơi chỉ có mặt tối đa chừng nửa tiếng để chạy qua nơi khác cho kịp giờ.

 

Từ năm 67, 68 một hiện tượng được nhắc nhở đến rất nhiều, đó là sự xuất hiện của Chế Linh bên cạnh Thanh Tuyền để trở thành một cặp song ca cho đến nay vẫn được nhắc nhở đến, trong khi thỉnh thoảng họ vẫn xuất hiện chung trên một số chương trình. Hiện tượng này cũng được tạo dựng nên bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào thời kỳ Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continemtal của ông. 

 

Vì muốn có sự thay đổi và nhất là tránh cho thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh.  Đĩa nhạc đầu tiên trong đó có nhạc phẩm “Hái Trộm Hoa Rừng” của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở thành “ăn khách” một cách không ngờ.  Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác để mời Thanh Tuyền -Chế Linh  hát cặp.

 

Sự thành công của cặp song ca Chế Linh-Thanh Tuyền một phần nhờ ở một hình thức mới lạ, một phần nhờ những nhạc phẩm soạn riêng cho song ca, thích hợp với tâm trạng của những người yêu nhau cho nên mặc dù “mình không biết là hiện tượng mình hát với Chế Linh hay như thế nào… có người nói là giợng của chúng tôi phù hợp với nhau… Sau đó tôi mới  tìm hiểu ra vì giọng tôi là giọng cao, có thể hát “note” của giọng nam được, chính vì đó những bài người nam hát với tôi họ rất vui vì họ không phải hạ giọng xuống…”,  như Thanh Tuyền nhận xét.

 

Sau năm 75, Thanh Tuyền ở lại Việt Nam và tiếp tục sinh họat văn nghệ với Đoàn Kịch Nói Kim Cương. Hiện nay chị vẫn liên lạc với nữ nghệ sĩ Kim Cương về những việc liên quan đến các công tác từ thiện tại quê nhà mà chị theo đuổi từ nhiều năm nay.

 

Đến mùa Hè năm 1978, Thanh Tuyền vượt biên và đến được đảo Pulao Bidong. Sau 11 tháng ở đảo, gia đình chị được sang định cư tại thành phố Houston, tiểu bang Texas cho đến bây giờ.

 

Thanh Tuyền có tất cả 4 người con đều thích âm nhạc, trong số chỉ có Shayla theo nghiệp của mẹ.  Con trai cả của chị hiện đang phục vụ trong binh chủng Không Quân Hoa Kỳ và đã thành hôn với nữ nghệ sĩ nổi tiếng Ngọc Huyền từ vài năm nay. Còn người chị kế Shayla hiện đang hành nghề dược sĩ.  Trong khi người con trai út năm nay 26 tuổi đang theo học bác sĩ chuyên khoa về mắt. 

 

Cũng nên biết, Thanh Tuyền có một cô em cũng là một nữ ca sĩ từng có thời kỳ rất nổi tiếng là Sơn Tuyền, lần đầu tiên được chị đưa vào  hát trong băng nhạc “Thanh Tuyền 6”.  Ngoài ra chị còn có một người em gái khác tên Ngọc Tuyền có một giọng khá hay và đã từng đi hát tại Việt Nam.  Nhưng chẳng may Ngọc Tuyền bị mất sớm cách đây gần 10 năm, khi mới được 31 tuổi.

 

Trải qua gần 45 năm đi hát, giọng hát của Thanh Tuyền hiện nay tại hải ngoại vẫn như một giòng suối trong ngọt ngào của Đà Lạt ngày nào đối với những người yêu nhạc.

 

Thanh Tuyền cũng đã từng trở lại thăm quê hương vào năm 2005 để thực hiện một số công tác từ thiện. Tuy nhiên cho đến nay chị chưa có dịp hát trước khán giả trong nước. Về hát tại quê hương chính là một trong những điều Thanh Tuyền mơ ước nhất nhất như có lần chị tâm sự trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh  “làm sao được về hát một llần nơi quê hương cho các khán giả của mình rồi nhắm mắt cũng vui lòng”.

 

(TVTS – 1173)