TÚ MINH: từ “chiếc lá mong manh” tới… “vẫn mãi là tình nhân”

13 Tháng Tư, 2009 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Tú Minh

 

Trong thời gian hơn 4 năm qua, nhà báo Trường Kỳ đã viết 2 bài về Tú Minh, một bài được đăng trên tuần báo TVTS năm 2005 và một bài vào đầu năm 2009.

 

Tú Minh: chiếc lá mong manh

       

Chú rể là một nhạc sĩ nổi tiếng, được biết nhiều đến tên tuổi với nhạc phẩm “Mười Năm Tình Cũ”, sắp bước vào tuổi 50 vào năm 2005 cùng với quá trình hoạt động ca nhạc trải dài 35 năm, kể từ  1970, là năm cô dâu Phạm Hoàng Tú Minh chưa mở mắt chào đời. 

 

Đám cưới đã diễn ra ở San Jose vào một ngày đầu tháng 5 năm 2000, đánh dấu cho sự chấm dứt quan niệm “hãy cứ là tình nhân” của cô dâu, lúc đó mới chừng 28. “Hãy Cứ Là Tình Nhân” chính là tên một ca khúc từng gây nhiều sôi nổi của Tú Minh vào năm 1999.

 

Đó cũng là tâm sự của người thiếu nữ lãng mạn, đôi khi hơi… điên như cô thường nói về mình, sau khi nhận lãnh những kết quả đắng cay do cuộc hôn nhân thứ nhất mang lại. Những hình ảnh và cảm  xúc từ cuộc hôn nhân đó đã  trái ngược so với những lần cô đóng vai người tình, kể từ cuộc tình đầu vào năm sinh nhật 17 tuổi.

 

Lời ca của Hãy Cứ Là Tình Nhân thật sự đã nói lên được tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn nhưng thẳng thắn của Tú Minh đối với những trường hợp thực tế mà nhiều người khác né tránh.

 

Mặc dù đã bước thêm một bước nữa với nhạc sĩ Trần Quảng Nam sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất bị đổ vỡ, nhưng không phải vậy mà Tú Minh từ bỏ quan niệm “hãy cứ là tình nhân” của mình khi giải thích một cách sâu xa hơn để  vẫn cứ xem nhau như là tình nhân  dù đã là vợ chồng. Cho nên quan niệm hãy cứ là tình nhân  không hề thay đổi. Mà ngược lại đây còn là cơ hội  đề Tú Minh thử thách với chính mình, thực hiện những điều mình đã viết trong bài hát”.

 

Và sự Tú Minh coi là thử thách cho đến nay đã mang đến cho cô những điều tốt đẹp, tuy đôi lúc không tránh khỏi những va chạm trong đời sống vợ chồng, trong khi một mặt cố tránh đi theo con đường của cuộc hôn nhân đầu tiên.

 

Tú Minh – Trần Quảng Nam và bé Phím Ngà (phía tay mặt) chụp chung với gia đình và thân hữu

 

Hơn 4 năm đã trôi qua với sự có mặt của bé Phím Ngà, 3 tuổi, đã khiến cho cặp uyên ương nghệ sĩ Tú Minh – Trần Quảng Nam thêm nhiều gắn bó. Riêng Tú Minh, luôn đóng  nhiều vai trò một lúc để phối hợp trọn vẹn giữa thực tế và mộng mơ: làm vợ, làm mẹ, làm tình nhân và làm học trò của người thầy dạy nhạc Trần Quảng Nam. Cô đã học một cách gián tiếp qua sự hướng dẫn của chồng cho những nhạc sinh khác.

 

Lý do đối với Tú Minh là “Chả bao giờ vợ chồng ngồi với nhau mà dạy bảo nhau được hết”. Cô gọi đó là trường hợp “bụt chùa nhà không thiêng”. Riêng trong lãnh vực nghệ thuật, cuộc sống vợ chồng giữa hai tâm hồn nghệ sĩ khác biệt về tuổi tác đã đưa đến những hài hoà cũng như đối chọi. 

 

Nhưng rõ rệt hơn cả là Tú Minh đã học hỏi được rất nhiều nơi người chồng nghệ sĩ, như cô xác nhận: “trong vòng 4 năm chung sống, Tú Minh đã học hỏi ở nhạc sĩ Trần Quảng Nam rất nhiều. Về lãnh vực âm nhạc cũng như  kinh nghiệm sống. Anh ấy là một người học xa hiểu rộng, có kiến thức âm nhạc thiệt giỏi và là người từng trải”.

 

Tú Minh sinh trưởng trong một gia đình có 6 người con với song thân là những người yêu nhạc, luôn tỏ ra khuyến khích cô trong lãnh vực nghệ thuật.  Cũng do đó, từ khi lên 8, Tú Minh bắt đầu được theo học dương cầm – 2 năm về nhạc cổ điển và 2 năm về nhạc hiện đại – với nhiều giáo sư nổi tiếng.

 

Năm lên 10, cô học lóm đàn guitar từ một người chú để dần dần trở nên thông thạo với nhạc khí này. 

 

Năm 17 tuổi, cô đã cho ra đời nhạc phẩm đầu tay với tựa đề Một Chiều Thu, đánh dấu cho sự bộc phát của một tâm hồn lãng mạn với một năng khiếu bẩm sinh về sáng tác. Sau khi qua Mỹ, trong những năm theo học college, Tú Minh đã có cơ hội học thêm về piano, guitar, nhạc lý, thanh nhạc cũng như về nghệ thuật thưởng thức nhạc cổ điển Tây Phương và Jazz.

 

5 năm sau khi CD  “Hãy Cứ Là Tình Nhân “ ra đời, vào ngày 10 tháng 10 năm 2004 vừa qua, trung tâm Tú Minh Music của người nữ nhạc sĩ có nhiều ý tưởng mới lạ trong ca từ này đã cho ra mắt CD thứ nhì của mình, mang tựa đề “Chiếc Lá Mong Manh” tại San Jose với sự đón nhận đông đảo của những người yêu nhạc. Có 5 bài trong CD này đã được hoà âm từ năm 2000. 6 bài còn lại được sáng tác và hoà âm trong vòng 1 năm trở lại đây.

 

Dòng nhạc của Tú Minh thể hiện qua một số nhạc phẩm trong CD này được cô đánh giá là chững chạc hơn so với những nhạc phẩm đã được đưa vào CD “Hãy Cứ Là Tình nhân” trước đây.  Từ đó, cô đã tự phân chia dòng nhạc của mình thành 3 giai đoạn:

 

Giai đoạn thứ nhất gồm những ca khúc đầu tay được viết ở Việt Nam như Người Yêu Anh Ơi, Mộng Chiều thu, Đêm Mưa, Tuổi Xuân Thì, vv… Đó là những ca khúc có tiết tấu đơn giản, viết về những mộng mơ và những rung động đầu đời của tuổi mới lớn.

 

Giai đoạn thứ hai khởi đầu khi Tú Minh viết nhạc trở lại sau khi định cư ở Mỹ được vài năm.  Nhất là sau khi đã trải qua một cuộc hôn nhân không được hoà hợp. Bắt đầu với Xót Xa Trong Chiều và ngay sau đó là Hãy Cứ Là Tình Nhân và Thôi Thì Cũng Xong.

 

Nhạc phẩm sau cô viết về cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, là nguyên nhân mang lại nhiều cảm hứng sáng tác cho Tú Minh khi không còn vướng mắc một ràng buộc nào. Dòng nhạc Tú Minh trong thời kỳ này trở nên đa dạng hơn với những nhạc phẩm tình tứ lãng mạn như Ân Ái Đêm Về hay tươi vui, nhí nhảnh như Ghen Online.  Còn đậm nét dân ca thì có Bạc Tình Lang hoặc phảng phất nhạc Blues với nhạc phẩm điển hình mang tựa đề Tương Tư, vv…

 

Tất cả những ca khúc đó đã được Tú Minh sử dụng những ngôn từ “rất là trung thực, nghĩ sao nói vậy” khi nhắm vào một “tình nhân” khác mà cô rất yêu thương, trước khi gặp Trần Quảng Nam. Về trường hợp này, Tú Minh cho biết  “Tuy là quen một thời gian ngắn, nhưng tình cảm rất là sâu đậm  và đùng một cái thì chia tay. Chẳng qua là vì… long distance. Người ở bắc, người ở nam Cali nên thấy không có tương lai”.

 

Trong giai đoạn thứ hai cô gọi là sung mãn nhất này, Tú Minh đã viết được hơn 20 ca khúc, chỉ trong vòng 2 năm, từ 1998 đến năm 2000 trước khi bước sang giai đoạn thứ ba là giai đoạn cô cùng nhạc sĩ Trần Quảng Nam xây dựng gia đình.

 

Tú Minh quen biết Trần Quảng Nam năm 2000 trước khi anh thực hiện chương trình kỷ niệm 30 Năm Âm nhạc của mình. Tú Minh được mời gia nhập Câu Lạc Bộ Âm  Nhạc do Trần Quảng Nam thành lập, cùng một lúc được mời giúp cho chương trình kỷ niệm 30 Năm Âm Nhạc của Trần Quảng Nam tổ chức vào tháng 9 năm 2000 tại Santa Clara và sau đó là  Orange County.

 

Thời gian này vì bận bịu với gia đình, con cái và việc học, nên Tú Minh  chỉ viết được một số ít ca khúc mà trong đó đa số là phổ thơ của những người khác. Tuy nhiên tất cả những nhạc phẩm Tú Minh viết  đã nói lên tâm trạng thật của mình cho dù đó là những bài phổ từ thơ hoặc do người khác viết lời. 

 

Tiêu biểu là những ca khúc Bóng Bên Đàn, Thôi Thì Cũng Xong và Chiếc Lá Mong Manh. Cô cũng công nhận nguồn cảm hứng nơi cô từ sau khi lập gia đình đã không còn được dồi dào như trước đến từ những ràng buộc trong đời sống vợ chồng.

 

Tú Minh gọi đó là những sự ràng buộc tự nguyện trong khuôn khổ đời sống gia đình nên việc sáng tác đã bị ngưng đọng một cách rõ ràng. Ràng buộc bởi cuộc sống gia đình theo cô là bản chất của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù cô là một nghệ sĩ nhưng dù sao mình cũng là một người phụ nữ Việt Nam. Một khi đã lập gia đình thì mình phải tự ràng buộc mình trong khuôn khổ gia đình để đóng vai trò một người vợ, người mẹ.

 

Tú Minh nhấn mạnh ở điểm “chỉ khi nào được sống với những giây phút thật  lãng mạn và phóng khoáng thì mới có cảm hứng để viết nhạc”.  Hoặc chỉ  những khổ đau hay những chia ly hoặc là những giây phút vui sướng, hạnh phúc tột đỉnh mới tác động mạnh đến óc sáng tác của cô.

 

Hạnh phúc vừa đủ của cuộc sống gia đình hiện nay không đủ là động cơ để cô viết nhạc. Tú Minh đã thẳng thắn nói lên quan niệm của mình khi được hỏi cuộc sống gia đình của cô sau 4 năm là “hạnh phúc hoàn toàn, nhưng ở mức độ vừa đủ . Chứ không có những  vui sướng,  hạnh phúc như đối với tình nhân”.

 

Trong 4 năm đó, sự hài hoà và đối chọi giữa hai người nghệ sĩ đã đưa đến một “hạnh phúc vừa đủ” như Tú Minh vừa tâm sự. Hài hoà trong những điểm cả hai đều yêu văn nghệ, thích coi truyền hình và có cùng bạn bè yêu thích âm nhạc. Đi đâu cũng ca hát chung  cũng như đã nhiều lần tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc để  chỉ hát những sắng tác của mình.  Đó là những hài hoà mà Tú Minh cho là rất khó tìm thấy nơi những người không cùng giới.

 

Còn sự đối chọi được nhìn thấy rõ ràng nhất qua sự kiện cả hai đều là nhạc sĩ sáng tác “nên chúng tôi thường hay phê bình lẫn nhau.  Đó là sự đối chọi. Có những phê bình giúp cho chúng tôi rút tỉa kinh nghiệm, nhưng cũng có những phê  bình làm chúng tôi bị chạm tự ái. Những lúc như thế này thì chúng tôi phải hát câu “hãy cứ là tình nhân  để tình ta mênh mông”.

 

Tú Minh cho biết cô luôn mang “tâm trạng của một người xa quê hương, bơ vơ lạc lõng nơi xứ người. Và sự hoang mang, nỗi nhớ nhung quê hương và lòng hướng về nguồn cội lại được khơi dậy…”.  Từ đó, cô “thấy thân phận con người như một  chiếc lá rất mong manh, không biết rơi về đâu. Tú Minh chọn bài này làm chủ đề cho CD thứ hai vì nó nói lên niềm cảm xúc tâm tư của Tú Minh  trong 2 năm gần đây. Và Tú Minh ước mong một ngày nào đó được trở về Việt Nam ở luôn để cống hiến tài năng của mình cho quê hương đất nước”.

 

Đó là nơi cô đã cùng gia đình bước chân ra đi vào tháng 9 năm 90 và được đưa đến trại tỵ nạn Baatan ở Phi Luật Tân, sau khi cô học xong lớp 12 trường Nguyễn Thái Bình, Sài Gòn. Không những Tú Minh đã khóc khi phải xa rời Việt Nam mà còn khóc trong niềm thương nhớ vô vàn người tình đầu của mình, đã tạo cho cô niềm cảm xúc để viết thành ca khúc Ngăn Cách.

 

Tháng Tư năm 91, Tú Minh cùng toàn gia đình đặt chân tới Mỹ, và trạm dừng chân đầu tiên của gia đình cô là Dallas, tiểu bang Texas.  Nhưng chỉ hai tháng sau tất cả đã rời về cư ngụ tại San Jose cho đến nay.  Tại đây Tú Minh theo học trường trung học Yerba Buena và tốt nghiệp vào tháng 6 năm 92. 

 

Ba năm sau đó, cô theo học về ngành thương mại tại trường Mission College và chuyển lên trường Đại Học San Jose để tiếp tục học thêm về ngành kế toán. Tháng 4 năm 94, Tú Minh lập gia đình, và kể từ đó những sự gò bó trong đời sống hôn nhân đã khiến giòng nhạc của cô không có cơ hội phát triển cho đến khi đi đến đổ vỡ vào năm 98.

 

Tú Minh cho biết dù đã ở Mỹ một thời gian tương đối khá dài, từ  tháng Tư năm 91 cho đến nay,  nhưng cô vẫn chưa quen được với nếp sống của người Mỹ vì đối với cô đó là một lối sống theo chủ nghĩa cá nhân, rất lạnh lùng và ích kỷ.

 

Nên càng lúc cô càng cảm thấy xa rời và cách biệt thêm khiến điều cô ví thân phận mình như một “chiếc lá mong manh” càng rõ ràng hơn. Nhưng cũng nhờ đó, “chiếc lá mong manh” mang tên Tú Minh đã có được nguồn cảm xúc đặc biệt để mang đến người nghe dòng nhạc đa dạng, biến chuyển theo tình hoàn cảnh và môi trường sống của cô…. 

 

(TVTS – 978)

 

Từ trái qua phải: Trần Quảng Nam, Trường Kỳ, Tú Minh và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tại San Jose, tháng 11/2008

 

TÚ MINH:  vẫn mãi là tình nhân…

 

Qua nghệ thuật diễn tả của Ý Lan trên chương trình Paris By Night 95  “Cám Ơn Cuộc Đời” gần đây, khán thính giả đã có dịp thưởng thức lại một nhạc phẩm từng gây nhiều sôi nổi khi được tung ra cách đây 10 năm bởi một nữ nhạc sĩ trẻ mang tên Tú Minh.

 

Đó là “Hãy Cứ Là Tình Nhân” do Tú Minh – khi đó mới 27  tuổi – đưa vào CD đầu tay mang cùng đề tựa, được chính thức ra mắt tại nơi cư ngụ của cô là San Jose vào năm 1999.

 

Những lời chân tình xuất phát từ chiều sâu tâm hồn của Tú Minh qua “Hãy Cứ Là Tình Nhân” đã nói lên tâm trạng của một người từng một lần dở dang trong đời sống hôn nhân. Chính xác hơn là vào cuối năm 1998 khi cô chia tay với người chồng đầu tiên – cùng cô nên duyên chồng vợ vào tháng 4 năm 1994 – với lý do là sức chịu đựng của cô đã đến mức cuối cùng, đến từ những gò bó cùng những sự không thích hợp giữa hai người. 

 

Thực tế, không ít phụ nữ mang cùng cảm nghĩ như Tú Minh, nhưng đã không có được sự thẳng thắn và dạn dĩ để nói lên cảm nghĩ của mình.  Tú Minh thay mặt cho họ để nói lên điều đó với một cách mà người ta đánh giá là rất thẳng, rất bạo! Chính nhờ điểm này nên “Hãy Cứ Là Tình Nhân” đã gây được một tiếng vang đáng kể để trở thành một ca khúc được nhắc nhở tới rất nhiều.

 

Cũng cách đây 10 năm, Tú Minh đã được giới thiệu trên những phương tiện truyền thông như một khuôn mặt mới trong lãnh vực sáng tác ở hải ngọai. Và bây giờ thiết tưởng chính là dịp để những người yêu thích dòng nhạc của người nữ nhạc sĩ mang tên Phạm Hoàng Tú Minh có một cái nhìn chung về đời sống tình cảm cũng như những họat động của cô, 10 năm sau khi cho ra đời CD đầu tay “Hãy Cứ Là Tình Nhân”.

 

Sau khi dứt khoát với người chồng đầu tiên, Tú Minh không hề nghĩ đến việc tiến thêm một bước nữa cho đến khi gặp nhạc sĩ Trần Quảng Nam vào khoảng tháng 9 năm 2000.  Khi đó, tác giả nhạc phẩm “10 Năm Tình Cũ”, đồng thời cũng là người sáng lập Câu Lạc Bộ Âm Nhạc ở San Jose, đứng ra tổ chức chương trình kỷ niệm “30 Năm Âm Nhạc Trần Quảng Nam” tại miền bắc và nam California. Nhân dịp này, nhạc sĩ họ Trần ngỏ ý mời Tú Minh cùng một số nhạc sĩ mới khác như Tuấn Phước, Nguyễn Nhu, Nguyễn Thiện Doãn gia nhập câu lạc bộ của anh.

 

Tú Minh cho biết trước đó cô không mấy để ý đến Trần Quảng Nam, ngoài việc chỉ biết anh là tác giả nhạc phẩm “10 Năm Tình Cũ”. Nhưng bản chất lãng mạn nơi chiều sâu tâm hồn của người nữ nhạc sĩ trẻ tuổi này cuối cùng đã bị điều cô gọi là “hấp lực” nơi Trần Quảng Nam lôi cuốn qua cách nói chuyện mà Tú Minh nhận xét là rất hay và duyên dáng của người nhạc sĩ gốc Quảng Nam này. Thêm vào đó là sự khâm phục khả năng âm nhạc của anh khi dồn nhiều công sức trong việc thực hiện nhạc kịch Kiều.

 

Cuối cùng Tú Minh và Trần Quảng Nam thành hôn vào năm 2001.  Sự kiện này khiến nhiều người cho rằng cô không còn trung thành với chủ trương “hãy cứ là tình nhân” của mình. về điều này Tú Minh giải thích:  Ý của em trong bài Hãy Cứ Là Tình Nhân là làm sao lúc nào cũng  coi nhau như tình nhân. Trong bài đó có câu “em lhông thích là vợ, không thích anh là chồng”. Chứ không phải “em không thích làm vợ, không thích anh làm chồng”. Trong bài của em, em viết  “Là”có nghĩa đối xử như là chứ không phải “làm”. Làm là khác nữa. Rất nhiều người hiểu lầm cái ý đó”.

 

Và như vậy, mặc dù tuy đã làm vợ nhưng Tú Minh vẫn thích giữ vai trò là một tình nhân bên người phối ngẫu. Và cùng một lúc, cô cũng muốn người làm chồng mình cũng mãi luôn là một tình nhân đối với cô.

 

Tuy cùng Trần Quảng Nam họat động trong lãnh vực sáng tác, nhưng Tú Minh cho biết cô không chính thức học hỏi nơi chồng ngoài việc hấp thụ được một số lý thuyết qua những lần anh hướng dẫn cho những nhạc sinh, vì mỗi người đi theo một khuynh hướng khác nhau.

 

Hơn nữa, khi sáng tác, Tú Minh không thích ai nhòm ngó đến việc mình làm. Ngay cả đối với người chồng là một nhạc sĩ nổi tiếng, cô cũng không hỏi ý kiến lúc viết nhạc.  Chỉ  chừng nào xong xuôi cô mới cho nghe.

 

Tú Minh cũng không dấu diếm khi cho biết cô có tính bướng bỉnh và độc tài nhưng bù lại cô có được một sự quyết tâm mạnh mẽ.  Cô muốn thực hiện một điều gì là phải làm cho bằng được. Không ai có thể khiến cô thay đổi. Và nếu nhận thấy lý lẽ của mình không đúng, cô sẽ âm thầm sửa đổi.

 

Vợ chồng Tú Minh-Trần Quảng Nam đã có với nhau 2 con.  Một gái 7 tuổi tên Trần Phím Ngà do bố đặt. Còn với con trai 3 tuổi, Tú Minh đặt tên là Quảng Yên, quê hương bên ngoại của Trần Quảng Nam.

 

Sau khi cùng Trần Quảng Nam sống chung dưới một mái nhà, việc sáng tác của Tú Minh có phần rời rạc hơn trước vì bận bịu việc gia đình, con cái.  Phần khác, cô cho biết vì cuộc sống quá đều đặn, không phải đối mặt với những đau khổ và nhất là không bị… thất tình nên không cảm thấy có một động lực nào thúc đẩy cô sáng tác mạnh như trước kia.

 

Nhưng rồi cũng đến lúc Tú Minh quay về với công việc của một người viết nhạc.  Nhưng lần này đông lực chính là lòng yêu mến văn hóa Việt Nam tiềm tàng trong cô từ lúc còn thơ ấu. 10 năm đã qua đi, dòng nhạc trữ tình đến từ những kinh nghiệm tình cảm của Tú Minh ngày nào bây giờ đã nhường chỗ cho một dòng nhạc có chiều sâu hơn, cùng những tiết tấu mang nhiều mầu sắc dân tộc, khi tuổi đời của tác giả đã trưởng thành hơn trước rất nhiều.

 

Tú Minh bắt đầu sáng tác từ khi còn rất trẻ ở Sài Gòn, là nơi cô sinh ra và lớn lên.  Sài Gòn đã lưu lại nơi cô rất nhiều kỷ niệm của một thời tuổi trẻ khi cô phải rời xa vào năm 19 tuổi.  Đó cũng là nơi những sáng tác đầu tiên của cô ra đời cùng với niềm đam mê cuồng nhiệt trong mối tình đầu của thời con gái. Một số trong những ca khúc đó sau này cũng đã được phổ biến tại hải ngọai như Xa Cách, Mộng Chiều Thu, Tuổi Xuân Thì, vv… qua tiếng hát của Lưu Bích, Tuấn Ngọc, vv… Riêng với mối tình đầu của mình, Tú Minh gần đây còn sáng tác một ca khúc mang tựa đề Tiếng Đàn Xưa do Việt Hải viết lời.

 

Nhạc phẩm mới nhất của Tú Minh mang tựa đề Rồng Tiên Vào Hội là một điển hình cho sự chuyển hướng sáng tác của cô những năm gần đây, được coi như một sự trưởng thành về âm nhạc của cô.  Nhạc phẩm này có thể coi như một bản trường ca, mang một đề tài mang nặng tính chất văn hóa cùng với sự thay đổi liên tục về tiết tấu. 

 

Trong một lần đi Úc về, nữ ca sĩ Vĩnh Thanh Thảo – một thành viên của Hội Việt Học và của Câu Lạc Bộ Âm Nhạc – có mang theo 1 bài thơ mang tựa đề “Rồng Tiên Vào Hội”  của tác giả Nguyễn Thùy, năm nay tuổi đã ngoài 80 mà cô đã thấy rất thích thú sau khi được nghe diễn ngâm.  Cô có ý giao bài thơ này cho Tú Minh phổ nhạc.

 

Thọat đầu, sau khi đọc, Tú Minh cảm thấy khó vì bài thơ được sáng tác theo  thể lọai tự do chia thành nhiều đọan.  Cô cho biết lúc đó vì chưa cảm nhận được bài thơ nên đã để qua một bên. Tình cờ vào khoảng năm 2006 trong thời gian Trần Quảng Nam đi xa, cùng lúc 2 con về chơi bên ngoại, nên cô cảm thấy rất thoải mái khi có một mình ở nhà.  Tú Minh mang bài thơ ra đọc lại và nghiền ngẫm để bỗng dưng nguồn cảm hứng đến với cô thật dồi dào.  Để chỉ trong 2 buổi tối cô đã hoàn tất việc phổ nhạc cho bài thơ Rồng Tiên Vào Hội mà Tú Minh cho biết là rất hài lòng về giá trị của nó.

 

Trước đó, Tú Minh cũng đã sáng tác một nhạc phẩm phổ từ một bài thơ của Lưu Nguyễn Từ Thức mang tựa đề “Tìm Về Cội Nguồn” cho Hội Việt Học ở San Jose mà cô là một thân hữu rất nhiệt tình.  Sau đó “Tìm Về Cội Nguồn” đã được Vĩnh Thanh Thảo trình bầy trong mỗi lần hội thảo hoặc trong những lần lưu diễn tại Âu Châu và Úc  Châu.

 

Nên biết Tú Minh là người rất yêu thích văn chương.  Khi còn đi học, cô đọc rất nhiều sách và tỏ ra có nhiều năng khiếu về thơ văn nên đã mang kính cận từ khi còn nhỏ. Tuy đã sống ở Mỹ gần 20 năm nay nhưng Tú Minh tự nhận vẫn chưa hội nhập được vào nền van hóa Âu Mỹ.  Trong khi cô luôn cho mình là một người hoàn toàn còn mang nặng tâm hồn Việt Nam qua lối sống và cách suy nghĩ.  Về ăn uống cũng vậy, những món ăn Việt Nam luôn có mặt trong những bữa cơm của gia đình cô.

 

Với tâm hồn của một người nghệ sĩ say mê văn chương và âm nhạc, Tú Minh còn tự nhận mình là một người lãng mạn có thừa, dù công việc hàng ngày của cô từ muời mấy năm nay luôn bị vây quanh bởi những con số. Dựa trên điểm này, người ta dễ dàng nhận ra cá tính dứt khóat của cô trong cuộc sống khi không để trộn lẫn lãng mạn và thực tế…

 

Ngoài ngành kế toán, Tú Minh còn có thêm nghề graphic Design mà cô cũng rất đam mê khi có thể dành cả 8, 10 tiếng đồng hồ để làm, không còn để ý đến thời gian.  Đến nỗi, nhiều khi  cô cảm thấy đam mê hơn cả viết nhạc.

 

Riêng về lãnh vực sáng tác, trong vòng gần 10 năm nay, cụ thể hơn là từ khi lập gia đình, Tú Minh chỉ hoàn tất được khoảng 20 bài, phần lớn là phổ nhạc từ thơ của nhiều tác giả. Lý do khiến cô không còn viết lời được Tú Minh cho biết một phần do chữ nghĩa của mình  bị eo hẹp. Phần khác vì ở dưới bóng một người giỏi văn chương như Trần Quảng Nam Khác với trước đó, cô đã sáng tác rất nhiều theo cảm xúc của chính mình, cả phần lời lẫn phần nhạc, mà không hề dựa trên hư cấu hoặc tâm trạng của người khác.

 

Đặc biệt trong khoảng 10 năm qua, về phần nội dung ngoài một số rất ít nhạc tình cảm, Tú Minh đã chuyển hướng sáng tác của cô về những thể lọai nhạc có thể gọi là Sử Ca ( Rồng Tiên Vào Hội, Tìm Về Cội Nguồn, vv…),  Xã Hội Ca (Ngày Cưới Chúng Mình, Thôi Thì Cũng Xong, vv…) cũng như Thiền Ca (Có Có Không Không, Nối Vòng Tay, vv…). Những sáng tác đó dựa trên nhiều làn điệu khác biệt như dân ca, nhạc trẻ hoặc phảng phất  âm điệu cổ điển.

 

Nhìn lại quãng thời gian từ 10 năm trở lại đây, Tú Minh tự nhận là mình có nhiều tiến bộ hơn xưa đến từ năng khiếu và sự học hỏi nơi trường lớp cùng sự tiếp nhận kiến thức âm nhạc một cách gián tiếp nơi người chồng nhạc sĩ của mình.

 

Tuy nhiên Tú Minh khẳng định dòng nhạc của cô không mang chút ảnh hưởng nào của Trần Quảng Nam cũng như của bất cứ ai khác. Hơn nữa, tất cả những sáng tác của cô không hề có một sự lập lại nào mà gần như hoàn toàn khác biệt về giai điệu cũng như nội dung.  Điều này nói lên được sự giầu có về ý tưởng âm nhạc của một người sáng tác đang trong độ tuổi sung mãn.

 

Nhưng về mặt thực tế, Tú Minh cho là sở dĩ cô không vướng vào sự lập lại là nhờ tính… hay quên của mình, không nhớ những gì mình đã viết trước đó!

 

Dù sống trong cuộc sống vợ chồng, nhưng Tú Minh vẫn luôn là một cô tình nhân bé bỏng, dễ thương dù có bướng bỉnh của Trần Quảng Nam. Hơn thế nữa cô còn là một người tình nhân của âm nhạc luôn tìm cách thăng hoa dòng nhạc của mình bằng những nguồn tình cảm thật dạt dào qua giai điệu và tiết tấu…

 

(TVTS – 1198)