Lây nhiễm: nguyên nhân một số bệnh nội khoa

06 Tháng Tám, 2008 | Y học - Khoa học

Có những khám phá lạ lùng làm y giới kinh ngạc nhưng vẫn bán tín bán nghi. Bạn bị ung thư, bệnh về tim mạch, ung loét bao tử, bệnh mất trí nhớ Alzheimer, xơ cứng động mạch ư? Nguyên nhân có thể do lây nhiễm bởi  một loại vi trùng nào đó. Lâu nay bạn được chữa trị bằng triệu chứng nhưng không lành, phải dùng kháng sinh để trị nguyên nhân mới có kết quả.

 

Giáo sư Paul Ewald

 

Một khoa học gia Mỹ, chuyên về  ngành sinh học tiến hóa (evolutionary biologist), giáo sư Paul Ewald phát biểu ý kiến của mình trong cuốn sách The Evolution of Infections Disease (Sự Tiến Hóa của những bệnh nhiễm) rằng, nhiều căn bệnh được quan niệm là bệnh không lây nhiễm nhưng thật ra lại gây nhiễm.

 

Chính hai nhà khoa học Úc trẻ tuổi, Barry Marshall và J.R. Warren đã công bố, năm 1984 công trình của họ trên tạp chí y học nổi tiếng của Anh Quốc, The Lancet, cho rằng bệnh ung loét bao tử (stomach ulcers) do lây  nhiễm bởi vi khuẩn bacterium helicobacter pylori gây ra không phải do ứng xuất (stress) như lâu nay ta vẫn tưởng.

 

Quan điểm cách mạng của hai khoa học gia Úc nói trên bị  y giới đem ra chế giễu, được thẩm định là ngây thơ, bởi loại vi khuẩn helicobacter pylori là loại cộng sinh thường thấy trong bao tử chứ không phải là nguyên nhân.

 

Ngày nay (15 năm sau), người ta mới tin quan điểm của hai chàng Úc trẻ tuổi là đúng. Thế nhưng y giới Úc vẫn bán tín bán nghi, lý do là các bác sĩ vẫn kê toa cho bệnh nhân mua thuốc chống acid để trị ung loét (1.7 triệu toa) thay vì kê thuốc kháng sinh (100,000) toa có thể hữu hiệu đến 95% để trị căn bệnh ấy.

 

Theo giáo sư Ewald thì: “lạ lùng thay khi còn quá nhiều người , kể cả bác sĩ lẫn bệnh nhân vẫn không hiểu biết gì về việc này (tức bệnh ung loét bao tử do lây nhiễm gây ra). Do đó lý thuyết của tôi về những bệnh tim mạch cũng phải từ 10 đến 20 năm nữa mới được thừa nhận”.

 

Gs Ewald, 45 tuổi, thuộc Đại học Amherst ở Massachusetts là người theo thuyết Tân Tiến hóa của Darwin có từ thế kỷ thứ 19, tin tưởng rằng sự tiến hóa của các sinh vật  phải là điểm chính yếu của mọi nghiên cứu y học. Ông lý luận rằng y học đã từ lâu lãng quên lý thuyết của Darwin.

 

Sau các nhà khoa học Úc, năm 1985, hai nhà nghiên cứu Phần Lan tên Pekka Saikku và Maija Leinonen tìm thấy 68% bệnh nhân bị những cơn kích tim đều có số lượng cao kháng thể chống vi khuẩn Chlamydia pneumoniae.

 

Vi khuẩn này thường là nguyên nhân gây ra sưng phổi và viêm phế quản (pneumoniae và bronchitis), họ còn tìm thấy 50% bệnh nhân bị xơ cứng động mạch vành của cơ tim cũng có tỷ lệ kháng thể chống Chlamydia pneumoniae cao, so với 17% số người mạnh khỏe dùng để kiểm chứng.

 

Cuối cùng các khoa học gia Phần Lan đi đến kết luận: những bệnh tim mạch có nguyên nhân là sự lây nhiễm bởi vi khuẩn nêu trên.

 

Lý thuyết trên tất nhiên bị mọi người nghi ngờ chế giễu, phản bác.

 

Một công cuộc nghiên cứu khác, lần này do những nhà bệnh lý học (pathologist) Mỹ, thuộc Đại học Y Khoa MCP- Hahnemann ở Philadelphia tìm ra, theo họ cũng chính vi khuẩn Pneumoniae gây ra bệnh mất  trí nhớ Alzheimer ở bệnh nhân, vì chúng tích tụ nhiều trong não bộ của những bệnh nhân tử vong.

 

Tuần qua y văn nổi tiếng Mỹ Journal of the American Medical Association đưa ra nhận định phải chăng việc sử dụng kháng sinh trước đó của bệnh nhân đã làm giảm thiểu những cơn kích thích tim sau này.

 

Bằng chứng cho thấy những bệnh nhân dùng nhiều kháng sinh (loại tetracyline hay Quinolones) thì ít bị kích tim, do đó có khuyến cáo nên làm những cuộc sưu tầm về sự liên hệ này.

 

Một chuyên gia tim mạch Gs Garry Jennings Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y học Baker ở Melbourne phát biểu rằng, cộng đồng chúng ta mất tinh thần bởi sự phát hiện ra vi khuẩn helicobacter pylori của hai khoa học gia Úc. Sự việc gây ra ảnh hưởng mạnh, do đó nếu ai nêu ý kiến bệnh điên (Schizophrenia) là do lây nhiễm thì không còn ai dám bảo đảm là “làm trò hề” nữa và đợi để kiểm chứng.

 

Tuy vậy, Gs Jennings vẫn chưa bị thuyết phục bởi quan niệm khác cho rằng bệnh xơ cứng động mạch (atherosclerosis) cũng do Chlamydia pneumoniae gây ra. Vi khuẩn này thường gây ra những bệnh đường hô hấp trong 50% dân chúng.

 

Dù thừa nhận có sự hiện diện của vi khuân C.pneumoniae trong bệnh atherosclerosis nhưng có thể sự hiện diện ấy do tình cờ, hoặc giả vi khuẩn chỉ làm khơi mào sự sưng phồng (inflammation) thay vì là nguyên nhân của căn bệnh.

 

Viện Baker còn làm nghiên cứu và nhận thấy những người đau nhói ở ngực (angina) có nhiều kháng thể chống C.pneumoniae hơn những người mạnh khỏe dùng để kiểm chứng. Tuy vậy, Gs Jennings vẫn kết luận rằng: “Tất cả những căn bệnh gây ra sưng phồng như phong thấp, lupus, Đa xơ (multiple Sclerosis), những bệnh mãn tính này đều có sự liên hệ với hệ thống miễn nhiễm. Do đó có sự móc nối thời lượng cho rằng chúng đều  do sự lây nhiễm mà ra”.

 

Gs Ewald trái lại không đồng ý với Gs Jennings cho rằng sự hiện diện của vi khuẩn C.pneumoniae là tình cờ. Đấy là khẩu súng bốc khói (ý nói súng đã bắn đạn) giống như vi khuẩn  helicobacter pylori đối với bệnh ung loét dạ dày vậy.

 

Lịch sử là sự tiếp diễn không ngừng, ngày nay chúng ta đang thấy sự nghi ngờ đối với nguyên nhân đề ra bệnh xơ cứng động mạch, giống như nghi ngờ trước đây với bệnh ung loét dạ dày. Cuộc chiến sắp tới sẽ là sự bàn cãi nguyên nhân của bệnh Alzheimer.

 

Người Mỹ cho vấn đề này là quan trọng, do đó Viện Nghiên cứu quốc gia về sức khỏe cũng như viện bào chế Pfizer đang đổ tiền vào việc nghiên cứu để tìm cho ra sự thật trong thời gian hai năm sắp tới.

 

Tóm lại ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số lớn căn bệnh nội khoa, trước đây không tìm ra nguyên nhân, hoặc được quan niệm là không do lây nhiễm (như bệnh tiểu đường) gây ra, thì nay với khoa miễn dịch học phát triển đã chứng minh ngược lại.