Kể chuyện đường xa: Penang có gì lạ?

23 Tháng Sáu, 2019 | Mã Lai
Khách sạn 4 sao Hotel Jen by Shangri-La có hồ bơi ngoài trời khá lớn, ở tầng trên. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Tôi quen một số người Singapore kể từ khi còn ở trại chuyển tiếp Singapore năm 1981 và sau này khi đến định cư ở Úc. Hỏi họ, nếu du lịch Mã Lai thì chỗ nào nên đến nhất, hầu như họ đều khuyên nên tới Penang, vì nơi đây cảnh đẹp, có nhiều di tích của thời thuộc địa Anh, và nhất là một nơi có một nền đa văn, một cộng đồng có nhiều sắc tộc sống hài hòa.

Trong số những nước Á Châu mà tôi đã du lịch là Thái Lan (hai lần), Singapore (2 lần), Trung Quốc, Hồng Kông, Bali (Indonesia), Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân  hay những nước Châu Đại Dương gần Úc như Vanuatu, New Caledonia, Tân Tây Lan, tôi chưa bao giờ nghĩ du lịch Mã Lai. Tôi không hiểu tại sao? Có thể vì nước này gần Úc sẽ đi sau hay tôi chưa thấy có điều gì hấp dẫn tôi nên tôi chưa nghĩ sẽ đến đó.

Tuy nhiên, trong một lần du lịch Singapore cách đây sáu năm, tôi đã dùng một ngày để đi qua thăm Mã Lai cho biết đất nước này ra sao. Thành phố gần Singapore nhất là Johor Bahru, đi bằng xe bus qua đập Causeway nối liền hai nước. Chỉ cần passport (Úc)  nhưng do không có ai chỉ bảo nên tôi không mang theo giấy tờ (hotel booking) chứng nhận đang ở khách sạn Singapore nào, nên mất gần một tiếng bị cơ quan di trú hỏi han, cứu xét và làm thủ tục, mới được cho qua được biên giới Mã Lai.

Johor Bahru là thủ phủ của bang Johor, là thành phố du lịch nổi tiếng và đông dân thứ ba của Mã Lai. Tự đi thăm thú và không chuẩn bị trước, nên tôi chỉ thuê taxi chở xem vài thắng cảnh và di tích, dòm (bên ngoài) đền đài của tiểu vương để biết sơ sơ về đất nước này, thưởng thức món ăn của người địa phương.

Vì là tiểu bang lớn thứ hai của Mã Lai, nằm sát Singapore nên Johor thu hút nhiều công nhân từ Phi Luật Tân, Nam Dương,Việt Nam, Miến Điện, Ấn Độ v.v…

Khu lobby của khách sạn Hotel Jen trang trí tân thời với gam màu của vùng biển. Hình: TVTS

* * *

Chúng tôi bay từ Bangkok sang Penang bằng cách chuyển máy bay nội địa tại Kuala Lumpur, nhưng lấy hành lý và qua di trú tại phi trường quốc tế Penang (nằm ở phía nam của đảo).

Từ đây, muốn đi taxi, có thể đặt với công ty taxi của phi trường và trả trước 40 đồng Mã (khoảng $20 Úc kim) để về khách sạn nằm ở George Town, mất khoảng 30 đến 40 phút.

Có một tai nạn nho nhỏ trên máy bay.  Đường bay từ Bangkok đi Kuala Lumpur và Penang lúc này trời rất xấu. Phi công và phi hành đoàn thỉnh thoảng cảnh báo phải buộc nịt lưng và không đi lại vì có thể gặp turbulence (nhiễu loạn không khí, gió giật).

Nhưng trên chuyến bay từ Bangkok tới Kuala Lumpur dài gần hai tiếng, có lúc tôi muốn đi tiểu tiện nên phải vào toilet. Đang giữa chừng, máy bay chao đảo, giựt mạnh, đầu tôi đụng trần máy bay, sau đó lưng đập vào khóa cửa vì không ngồi như phụ nữ nên chẳng kịp bám vào tay cầm. Tôi hú vía tung cửa chạy về chỗ ngồi thì máy bay đã trở lại tư thế bình thường.

Bướm đậu trên tay du khách. Hình: TVTS

Có thanh niên thấy tôi vừa túm quần vừa chạy thì cười trong khi vài phụ nữ tỏ ra  khiếp hồn. Nhà tôi nói tưởng máy bay sắp rớt vì ngồi sát cửa thấy cánh máy bay nghiêng và chổng lên trời.

Nhà tôi hỏi có phải máy bay của hãng Malaysia Airlines tệ chăng, nhưng tôi nói gặp trời xấu thì máy bay nào cũng vậy, nhưng nếu là máy bay lớn như  Boeing 777 hay Airbus 350 thì có lẽ không đến nỗi lắc mạnh như vậy, vì đây chỉ là máy bay trung bình Boeing 737.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị máy bay giật mạnh suýt u đầu, gãy lưng! Thời trước ở Việt Nam tôi thường đi phi cơ chong chóng DC-6, DC-4 từ Sài Gòn ra Huế, thậm chí máy bay D-3 nhỏ hơn chở khoảng ba chục người bay từ Đà Lạt về Sài Gòn, bị nhồi đến ói mửa nhưng không bị hất mạnh như chuyến đi này. Hú vía!

Pulau Pinang, tên gọi của địa phương

Penang Island gọi bằng tiếng Mã Lai là Pulau Pinang. Những ai từng ở trại tị nạn Pulau Bidong đều biết Pulau có nghĩa là đảo. Pulau Pinang là Đảo Penang. Người bản xứ gọi là Pinang trong chúng tôi hay người ngoại quốc gọi là Penang. Phát âm kiểu nào người địa phương cũng hiểu.

Penang là một hòn đảo lớn nằm ở phía tây bắc Mã Lai thuộc eo biển Malaca, đối diện với tỉnh bang Aceh của Nam Dương. Penang cùng với tỉnh Seberang Perai nằm trên bán đảo Mã Lai đối diện tạo thành tiểu bang Penang, là tiểu bang nhỏ thứ hai của Mã Lai, nhưng thành phố George Town, thủ phủ của Penang là thành phố đông dân thứ hai của Mã Lai sau thủ đô Kuala Lumpur.

Vũ Hà và gia đình những người bạn ở Penang (ba người bên trái) đi xem  nông trại bướm Entopia by Penang Butterfly Farm. Hình: TVTS

Khi tìm đặt khách sạn, tôi suy nghĩ giữa hai lựa chọn. Ở trung tâm George Town phía tay bắc hay Batu Ferringhi phía bắc của đảo? Nếu muốn tắm biển thì ở khách sạn 5 sao Double Tree Resort by Hilton Hotel giá khoảng $141 Úc kim hay khách sạn 4 sao Hotel Jen Penang by Shangri-La giá khoảng $107 Úc kim. Đọc reviews trên mạng và  vì thích mua sắm hơn tắm biển trong lúc này, tôi chọn khách sạn Hotel Jen nằm trong khu mua sắm (shopping district).

Sau này, tôi mới thấy rằng ở đâu cũng được, bởi vì trong ba ngày ở Penang,  đến hai ngày tôi được một gia đình quen biết ở  thị trấn  Bukit Mertajam bên kia bán đảo (cùng tiểu bang, cách khoảng 20 cây số đường chim bay nhưng đi xe mất khoảng 45 phút vì phải đi vòng và qua eo biển bằng chiếc cầu treo Penang Bridge dài 13.5 cây số) sang thủ phủ George Town đưa vợ chồng chúng tôi đi thăm thú Penang từ sáng đến tối. Vì thế chúng tôi không mua sắm, không tắm biển, chỉ tắm hồ bơi của khách sạn trước khi đi chơi.

Cũng xin nói thêm nằm song song Penang Bridge nối liền với lục địa Mã Lai khai trương năm 1985, còn có một cây cầu khác tên Sultan Abdul Halim Muadzam Shah Bridge xây từ năm 2008 nhưng đến năm 2014 mới khai trương, với phần lớn tiền vay từ Trung Quốc và xây bởi Trung Quốc. Cầu lượn hình chữ S chống động đất dài 24 cây số, là cây cầu dài nhất Đông Nam Á.

Gia đình bạn gồm ba người, hai chị em và một cô con gái, đã chuẩn bị chương trình vài tuần trước khi chúng tôi đến. Ngày đầu, họ thuê một chiếc xe van đi tour và một tài xế, những người trong nhà làm tour guide và nói tiếng Anh. Họ là người Hoa gốc Phúc Kiến sống ở Penang nhiều đời và có quốc tịch Mã Lai.

Những con kỳ nhông có râu trong nông trại bướm. Hình: TVTS

Ngày thứ hai họ thuê xe van dùng đi tour với tài xe, và thêm một nữ hướng dẫn viên chuyên nghiệp của một công ty du lịch địa phương nói tiếng Anh và tiếng Tàu rất thông thạo. Điều này có nghĩa chúng tôi có một private tour guide, đi theo sự hướng dẫn của họ hay theo ý của vợ chồng chúng tôi hay của gia đình người quen. Thế là chúng tôi có một chuyến đi Penang thú vị, do người địa phương hướng dẫn từ thăm thú đến ăn uống, không phải mất công tìm tòi như những lần trước. Tuy nhiên, trong hai ngày thì cũng không xem được nhiều chỗ đáng xem, dù đảo chỉ gần bằng một nửa diện tích Singapore (293km2 so với 721 km2).

Ngày thứ nhất: từ thăm trại bướm…

Chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng Tàu nổi tiếng tại  Bukit Mertajam, một thị trấn nhỏ của tỉnh Seberang Perai.

Bukit có nghĩa là hill (đồi). Trị trấn này có thể gọi  thuộc vùng đồng quê nằm sát núi. Nhà cửa ở đây khá rộng rãi, phần lớn các gia đình đều có xe hơi, một đến hai chiếc.

Nếu không ăn beefsteak thì tôi thích ăn cơm Tàu, Việt Nam trong những dịp du lịch. Chúng tôi là khách đặc biệt nên được mời thưởng thức những món ngon và lạ của địa phương (Người Mã Lai chiếm khoảng 50%, Tàu 23%, người thổ dan Bumiputra không phải là Mã 12%, Ấn Độ 7%…).

Chúng tôi dùng bữa trưa tại nhà hàng Restoran Kim Hee, một nhà hàng rộng, đẹp, sạch sẽ và thức ăn ngon. Sau đó, trở lại Penang bằng cầu  Penang Bridge và thăm Entopia by Penang Butterfly Farm, được xem là một trong những trại bướm mái bằng kính lớn nhất cua Mã Lai, nuôi trên 15,000 con thuộc 60 loại bướm khác nhau bay tự do trong khu đất rộng tám hếc-ta trồng trên 200 loại thực vật khác nhau.

Quán Monkey Tree với mái nhà tranh rất thơ mộng trên sườn núi nhìn xuống Eo biển Malacca. Hình: TVTS

Du khách được tiếp xúc gần gũi với các loại bướm đậu trên những cây cỏ đủ loại hoặc trên tay mình, được hướng dẫn xem, sờ mó  và tìm hiểu việc sinh sản của loài bướm từ trứng đến ấu trùng, con nhộng và thành bướm, và sau đó du khách “phóng sinh” ra khỏi hộp nhựa đựng chúng.

Nông trại bướm Entopia nằm ở tây bắc đảo gần với khu nghỉ mát ở bãi biển Batu Ferringhi. Từ đây, chúng tôi lên xe van tiếp đi dọc bờ biển phía bắc trên những con đường đồi  ngắm cảnh và được anh tài xế và con gái của bà chủ thay nhau giải thích về cảnh vật mà chúng tôi thấy trước mắt.

Chúng tôi dừng xe ở lề đường và lên dốc để giải khát tại một quán nước có tên Tree Monkey, được xem là rất thơ mộng với những mái nhà chòi làm bằng tranh nhìn xuống eo biển Malacca Strait và lục địa Mã Lai.  Tree Monkey là quán nước có bán thức ăn của người Thái. Hiếm có cảnh nào đẹp, yên ả và trữ tình như vậy khi chiều buông xuống.

Chúng tôi tiếp tục đi ven biển, dừng ở một khách sạn lớn tại bãi biển Batu Ferringhi, nhưng tôi chỉ thấy du khách tắm trong những hồ bơi lớn và đẹp gần bãi biển chứ chẳng thấy ai tắm dưới biển, dù bãi cát khá sạch. Hỏi mới biết rằng người ta sợ sứa biển.

Chủ nhà nói tôi muốn đi đâu thì cứ nói trước khi đi ăn tối. Tôi không có ý kiến bởi đi khá nhiều dưới trời nóng trên 30 độ C và ẩm. Nhưng anh tài xế nghe bà bạn nói tôi viết nhạc và biết chơi guitar nên anh dẫn chúng tôi đến Hard Rock Cafe/ Hotel kế cận để xem trưng bày hình ảnh, tượng của những danh ca nhạc rock và tiệm bán y phục dành cho giới thích nhạc rock. Nhưng ngắm tượng mấy ông bà ca nhạc sĩ rock một hồi, thấy vợ chồng chúng tôi có vẻ mệt nên bà chủ nhà yêu cầu anh tài xế đưa chúng tôi đi ăn tối tại nhà hàng Winn’s Cafe – The Nyonya Flavours, cách khách sạn chúng tôi vài ba cây số.

Nhà hàng Winn’s Cafe với hương vị Nyonya, tức của Tàu Mã Lai. Hình: TVTS

Nyonya: Hương vị Tàu Mã

Bà bạn nói đây là một nhà hàng đặc biệt do người Nyonya làm chủ, với những món đặc sản của người Nyonya, như cái tên The Nyonya Flavours quảng cáo trên bảng hiệu của cửa tiệm.

Chủ tiệm là người Tàu hay Mã gốc Tàu, chứ tại sao lại Nyonya? Phải ngồi ăn thật lâu, được giải thích, và mời chủ tiệm ra nói chuyện, tôi mới hiểu Nyonya và sau đó Straits Chinese là cái chi chi.

Nyonya là tên gọi những phụ nữ Mã Lai gốc Tàu. Straits Chinese là cách gọi những người gốc Tàu xuất phát từ dòng họ Peranakan từ Tàu sang định cư ở Penang vài trăm năm trước.

Những người gốc Tàu này lấy người Mã địa phương đẻ ra Baba (con trai) và Nyonya (con gái).  Nói ngắn gọn baba hay nyonya là con lai, hợp chủng giữa Tàu và Mã.

Còn Straits Chinese hình như có ý nghĩa cao hơn, họ là người Tàu lai có học, ảnh hưởng văn hóa Anh, có địa vị trong xã hội. Trong một bữa ăn và trong hai ngày đi thăm viếng, có lúc cũng được cô hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp giải thích, tôi chỉ hiểu được đến đó về văn hóa dị chủng Tàu Mã ở hòn đảo nổi tiếng mà những người giàu có nhất của Penang là những người gốc Tàu, có công làm cho hòn đảo này  thịnh vượng.

Bên trong nhà hàng Winn’s Cafe với những người bạn ở Penang. Hình: TVTS

Trong lúc lợi tức trung bình của cả nước là $10,500 Mỹ kim/năm,  lợi tức đầu người của Penang là $12,500 Mỹ chỉ thua thủ đô Kuala Lumpur ($30,000) và lãnh thổ liên bang Labuan ($16,500).

Chúng tôi được người bạn đãi ăn cả chục món ăn và chè tráng miệng rất ngon của tiệm có hương vị Nyonya. Có thể nói là ngon nhất trong ba ngày ở Penang.

Bây giờ tôi hiểu thêm một chút văn hóa ẩm thực của Penang, được nhiều người ca ngợi trên mạng. Tôi chưa được người Mã trăm phần trăm mời dùng thức ăn của họ để xem có khác thực phẩm Tàu Mã không, chỉ nghe và nhận thấy đồ ăn của Mã rất cay, do đó người ta thường hỏi muốn cay nhiều hay ít.

Chấm dứt một ngày. Một  ngày trời đẹp, không mưa ở nơi mưa bất ngờ và trong tuần qua mưa lớn dầm dề. Trước đó, người bạn có dặn chúng tôi nên mang theo dù hay áo mưa khi đến Penang, nhưng chúng tôi đã không làm như vậy.

Kỳ tới: Chưa lên đồi Penang Hill là chưa đi Penang

 

(Trích từ báo in TVTS số 1733 phát hành ngày 12.6.2019)