Hàng trăm người biểu tình ở bờ biển Melbourne

08 Tháng Một, 2019 | Tin nước Úc
Thủ tướng Scott Morrison. Photo Courtesy: REUTERS/David Gray/File Photo

Các nhà lãnh đạo chính trị và đa sắc tộc  vừa lên án các cuộc biểu tình cuối tuần rồi ở Melbourne. Có hàng trăm người biểu tình cực hữu và chống phát xít tập trung tại khu vực bờ biển St Kilda. Nhóm cánh hữu cho biết họ biểuu tình vì các vấn đề tội phạm và chủng tộc ở Melbourne.

Ba người đã bị bắt và một số người khác bị giam giữ trong các cuộc biểu tình tại bãi biển St Kilda ở Melbourne hôm thứ bảy liên quan đến các nhóm cánh hữu và chống phân biệt chủng tộc.

Nhưng cảnh sát cho biết không xảy ra những vụ bạo lực lớn. Thủ tướng Scott Morrison đã lên án gọi đó là “các cuộc biểu tình chủng tộc xấu xí”.  Ông Morrison khen ngợi cảnh sát đã kiểm soát chặt chẽ sự kiện này và tách các nhóm biểu tình chống phân biệt chủng tộc.

Giám đốc Cảnh sát tiểu bang Victoria Tony Silva nói rằng một người đã bị bắt vì sở hữu ma túy, một người khác vì vi phạm tại ngoại và người còn lại do mang vũ khí.

Ông nói rằng hàng trăm cảnh sát đã bao vây không trung, trên biển và đất liền để kiểm soát sự kiện này, bao gồm cả các nhóm cảnh sát có chó nghiệp vụ, cảnh sát cưỡi ngựa và cảnh sát chống bạo động.

Bộ trưởng ngân khố Josh Frydenberg nhắc lại mối quan ngại của thủ tướng.

“Thái độ cố chấp không có chỗ ở nước Úc và những quan điểm chống di dân mà chúng ta  thấy hôm qua cũng không có chỗ ở nước Úc này.”

Lãnh đạo đảng Lao động Bill Shorten đã đăng lên Twitter chỉ trích sự kiện mang nhóm người thiểu số ra để phản kháng. Hội đồng điều hành của người Do Thái Úc cũng chỉ trích hành động biểu tình này.

Đồng giám đốc điều hành của tập đoàn Peter Wertheim nói rằng nếu các nhóm muốn đưa ra quan điểm, đi ra đường với các bảng biểu ngữ hình chữ vạn  không phải là cách để làm điều đó.

“Nếu có vấn đề hoặc bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra với các băng đảng châu Phi ở Melbourne, chúng sẽ không được giải quyết bằng cách mang các hình chữ vạn của Đức quốc xã hoặc Hitler. Ý tôi là, đây là những vấn đề cần được chính phủ giải quyết bằng tất cả các nguồn lực của họ chứ không phải bởi một nhóm đầy rẫy những kẻ theo chủ nghĩa phát xít dẫn đầu bởi hai kẻ tội phạm.”

Tổ chức Đa Sắc Tộc Úc cũng lên án các cuộc biểu tình dựa trên chủng tộc.

Giám đốc điều hành, Tiến sĩ Hass Dellal nói rằng sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, sắc tộc và màu da sẽ không được đa số người Úc chấp nhận.

Nghị sĩ độc lập  Kerryn Phelps của Wentworth đã phát biểu với đài A-B-C rằng với các nhà lãnh đạo chính trị nên làm mọi cách có thể để chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu.

“Dường như có sự gia tăng trong hành vi và thái độ chống chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa phát xít ở các nước trên thế giới và chúng ta chắc chắn có những bài học lịch sử về chuyện này và chúng  tôi tin rằng chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để chống lại. Tôi đã rất  vui khi thấy rằng cũng đã có sự phản đối những cuộc biểu tình  đến từ những người không xuất thân từ nước Úc. Họ nói rằng đây không phải là những gì nước Úc đại diện.”

Tiến sĩ Phelps kêu gọi thủ tướng và lãnh đạo phe đối lập tố cáo sự dính líu của Thượng nghị sĩ độc lập Queensland Fraser Anning tại các cuộc biểu tình.

Thượng nghị sĩ đã tham dự sự kiện bên cạnh các nhà hoạt động cánh hữu . Báo cáo cho biết ông đã được ghi hình lại khi đưa ra những nhận xét kích động về vấn đề di cư.

Phó lãnh đạo đảng Lao động Tanya Plibersek nói rằng sự tham dự của Thượng nghị sĩ là điều thật kinh tởm.

Và Thượng nghị sĩ đảng Xanh  Sarah Hanson-Young nói rằng chính phủ nên từ chối chấp nhận phiếu bầu của Thượng nghị sĩ Anning sau khi ông tham gia vào sự kiện này.

“Tôi đang kêu gọi chính phủ hôm nay ủng hộ cho những người Úc và cho sự đúng đắn – điều đó có nghĩa là từ chối phiếu bầu của Thượng nghị sĩ Anning trong quốc hội khi chúng ta tái nhóm vào tháng tới. Ông ta phải bị tất cả các phe phái chính trị đào thải và chúng ta phải bảo đảm rằng ông ta sẽ bị xa lánh khi chúng ta trở lại quốc hội vào tháng tới.”

Thượng nghị sĩ khẳng định ông đã đại diện cho các thành phần địa phương của mình trong cuộc biểu tình khi ông tuyên bố Queensland cũng đang trải qua bạo lực băng đảng.

Thượng nghị sĩ Anning nói rằng chi phí các chuyến bay của mình đến Melbourne để tham dự các cuộc biểu tình sẽ được tính vào thuế của dân.

Ông đã nói với đài phát thanh Melbourne 3-A-W rằng mình đang đi công tác.

“Hiện tại chi phí đang được chính phủ trả tiền. Nếu tôi thấy rằng mình nên trả thì tôi sẽ trả. Nếu không, thì là bởi vì tôi đang làm việc này với tư cách là  một thượng nghị sĩ mà.”

Hội đồng điều hành của Người Do Thái Úc Peter Wertheim nói rằng hầu hết người Úc sẽ bị sốc khi phát hiện ra các chuyến bay của Thượng nghị sĩ Queensland sẽ được trả bởi tiền thuế của họ.

“Tôi hy vọng rằng bất cứ vị trí nào có thể liên quan đến chi tiêu tiền công mà chính phủ Úc và phe đối lập cũng như tất cả các đảng lớn sẽ ít nhất sẽ có chung quan điểm về điều này.  Thật sự không thể chấp nhận một thành viên quốc hội lại ủng hộ và thúc đẩy một cách trực tiếp hoặc gián tiếp loại ý thức hệ này.”

Thượng nghị sĩ Hanson-Young nói rằng điều đó là không thể chấp nhận được.

“Tôi không nghĩ rằng tiền của người nộp thuế được dùng để tán trợ Đức quốc xã. Thượng nghị sĩ Anning nên trả lại số tiền đó và ông ta nên làm điều đó một cách nhanh chóng.”

Trong khi đó, ông Wertheim nói rằng những cuộc biểu tình này có thể mang lại những hiệu ứng tiêu cực bằng cách nhắc lại những ký ức và trải nghiệm  đau đớn cho những người sống sót sau thảm hoạ diệt chủng.

Ông phát biểu các cuộc biểu tình diễn ra sau một vụ việc khác ở Victoria, nơi một nhóm dán các hình chữ vạn của Đức Quốc xã và các thông điệp chống đối vào một cơ sở chăm sóc người già của người Do Thái.

“Có một số lượng đáng kể những người sống sót sau thảm sát diệt chủng đang sống ở đó. Vì vậy, đây là vấn đề tâm lý mà bạn đang phải đối phó – những người này sẽ nhắm mục tiêu vào người già yếu và không bận tâm đến việc làm tổn thương những người đã chịu quá nhiều đau khổ trong cuộc đời của họ.”

Theo SBS Tiếng Việt