Anh cấm RT và Sputnik dự hội nghị tự do báo chí do ‘truyền bá tin sai’

10 Tháng Bảy, 2019 | Tin thế giới
Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng hoa cho Tổng biên tập RT Margarita Simonyan trong một lễ trao giải hồi tháng Năm. Photo courtesy: Reuters

Hai hãng tin của Nga là RT và Sputnik bị cấm dự hội nghị về tự do báo chí tại London do đã đóng “vai trò tích cực trong việc cố tình truyền bá thông tin sai”.

Cả RT và Sputnik đều được chính phủ Nga hậu thuẫn và cấp ngân khoản.

Khoảng 60 bộ trưởng, quan chức chính phủ các nước và 1.000 phóng viên cùng các thành viên xã hội dân sự tham dự sự kiện ‘Global Conference for Media Freedom, London 2019’ diễn ra trong hai ngày 10-11/7.

Hội nghị do chính phủ Anh và chính phủ Canada phối hợp tổ chức, là sự kiện lần đầu tiên diễn ra với mục tiêu “bảo vệ tự do báo chí và cải thiện độ an toàn cho các phóng viên trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh từ chối cấp thẻ tham dự cho RT và Sputnik.

Đại sứ quán Nga gọi quyết định này là “sự phân biệt đối xử trực tiếp mang động cơ chính trị”.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh nói:

“Chúng tôi không cấp thẻ tham dự cho RT và Sputnik bởi họ đã đóng vai trò tích cực trong việc cố tình truyền bá thông tin sai. Tuy việc đáp ứng toàn bộ các đơn xin tham dự là điều không thể, nhưng phóng viên từ khắp nơi trên thế giới tới sự hội thảo này, trong đó có cả những người đến từ Nga.”

Báo Anh, tờ The Guardian, dẫn lời các quan chức nói trước khi diễn ra hội nghị rằng chỉ có ba nước không được mời tham dự là Bắc Hàn, Syria và Venezuela.

Đại sứ quán Nga nói họ đã khiếu nại lên Bộ Ngoại giao Anh, và cáo buộc Anh đã có “chiến dịch bôi nhọ kéo dài cả tháng” đối với RT.

RT nói trong một tuyên bố: “Thật là đạo đức giả khi lên tiếng cổ súy cho tự do báo chí nhưng lại cấm những tiếng nói không hợp tai và phỉ báng truyền thông thay thế.”

Sputnik thì nói: “Các mục tiêu của chúng tôi được nêu rõ ràng trong hiến chương hoạt động, và việc truyền bá thông tin sai không phải là một trong các mục tiêu đó.”

RT, kênh truyền hình trước có tên là Russia Today (Nước Nga Ngày Nay), trong những năm gần đây đã tăng phần nội dung tường thuật tin tức về Anh, Mỹ, với nỗ lực đưa mình thành một nguồn thông tin thay thế cho các hãng tin chính thống ở cả hai nước này.

Vào tháng Mười Hai, kênh này bị cơ quan quản lý truyền thông Anh, Ofcom, nói là đã có bảy vi phạm đối với các quy tắc hoạt động truyền thông ở Anh trong việc đưa tin về vụ đầu độc Novichok đối với cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông, Yulia, tại Salisbury, Anh.

Ofcom nói RT đã không tường thuật cân bằng khi phỏng vấn và phát các ý kiến, bình luận, và gọi đó là “vi phạm nghiêm trọng trong việc tuân thủ quy tắc hoạt động truyền thông”.

Liên quan đến tự do truyền thông, Bộ Ngoại giao Anh hôm 7/7 vừa công bố gói ngân khoản 18 triệu bảng Anh cho ba năm tới, nhằm chống tình trạng cố tình loan tin sai và tin giả trên toàn Đông Âu, và tăng cường tự do báo chí ở vùng Tây Balkans.

Bộ Ngoại giao Anh nói luật sư nhân quyền quốc tế Amal Clooney sẽ tham dự hội nghị trong vai trò đặc phái viên của Anh về tự do báo chí.

Cuộc hội thảo cũng sẽ có sự tham dự của các quan chức cao cấp trong chính phủ, thành viên các phái đoàn ngoại giao, gồm một số quan chức các nước Đông Nam Á, và các học giả.

Tổng giám đốc của BBC, Lord Tony Hall, có mặt trong ban chủ tọa phần thảo luận “Tự do báo chí là gì: vì sao nó quan trọng?”, bên cạnh Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cùng các quan chức cao cấp khác.

Giám đốc phụ trách phần tin tức thời sự của BBC, bà Fran Unsworth, có mặt trong ban chủ tọa điều hành phần thảo luận về an toàn và bảo vệ phóng viên.

Phần thảo luận về bối cảnh tự do báo chí ở Đông Nam Á sẽ do cựu trưởng ban tiếng Miến Điện của BBC, bà Daw Tin Htar Swe, điều hành.