Hong Kong điều động 5000 cảnh sát để đối phó biểu tình phản đối dự luật dẫn độ

12 Tháng Sáu, 2019 | Tin thế giới
Hồng Kông huy động 5.000 cảnh sát để đối phó với làn sóng biểu tình lan rộng. Photo Courtesy: Reuters

Hong Kong sẽ triển khai lực lượng hành pháp xuống đường nhằm đảm bảo an ninh, trong bối cảnh người dân hòn đảo kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối việc thông qua dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục.

Một nguồn tin cho cho SCMP biết đây là một hoạt động lớn và lực lượng cảnh sát sẽ được huy động từ tất cả các quận.

Cụ thể, nguồn tin nói rằng, 1/6 lực lượng an ninh Hong Kong sẽ được triển khai khắp hòn đảo trong bối cảnh người dân biểu tình phản đối dự luật đơn giản hóa thủ tục dẫn độ các nghi phạm về Trung Quốc đại lục. Các thành viên của đội đặc nhiệm Hong Kong cũng sẽ được triển khai phòng khi căng thẳng leo thang thành bạo động.

Các lực lượng từ các đội hình khác nhau, chẳng hạn như Đơn vị Chiến thuật Cảnh sát (PTU) và Đơn vị Khẩn cấp (EU), đã được yêu cầu làm nhiệm vụ từ lúc 6 giờ tối (giờ địa phương, khoảng 5 giờ tối giờ Việt Nam).

“Đội ngũ phản ứng khu vực cũng sẽ được triển khai”. một nguồn tin khác cho biết. Hồng Kông có 5 đội phản ứng tại 5 khu vực. Các đội này được thành lập sau cuộc biểu tình năm 2014. Mỗi khu vực có khoảng 800 sĩ quan.

Thông tin Hong Kong triển khai lực lượng đến trong bối cảnh người dân hòn đảo đã lên kế hoạch đình công, gây ùn tắc giao thông và biểu tình quy mô lớn sau khi Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố sẽ không rút lại dự luật và dự kiến đưa ra thảo luận trước cơ quan lập pháp vào ngày 12/6 như đã định.

Sự kiên quyết của bà Lâm đã khiến người dân Hong Kong quan ngại rằng trung tâm tài chính của châu Á sẽ bị mất đi lợi thế cạnh tranh khi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thiếu tự tin với nền pháp luật hòn đảo nếu dự luật mới được thông qua.

Trên mạng internet, một cuộc kêu gọi đã vận động 50.000 người đến trước cơ quan lập pháp Hong Kong từ 22h00 ngày 11/6 và ở lại tới ngày 12/6.

Gần 2.000 các cửa hiệu nhỏ, bao gồm nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng sách, quán café đã thông báo kế hoạch đình công. Một số công ty lớn cho biết họ tôn trọng “quan điểm chính trị” của nhân viên và cho phép họ được tham gia biểu tình.

Hội sinh viên của một số đại học và Liên hiệp Giáo viên Chuyên nghiệp Hong Kong cũng kêu gọi thành viên biểu tình vào ngày 12/6. Khoảng 4.000 giáo viên cho biết họ sẽ xuống đường.

Một thông điệp đăng trên Facebook kêu gọi mọi người đi cắm trại cạnh trụ sở của chính quyền hòn đảo vào ngày 12/6. Khoảng 10.000 người đã đồng ý tham gia.

Giáo phận Công giáo Hong Kong kêu gọi chính quyền đặc khu không “vội vàng” thông qua dự luật và kêu gọi các tín đồ cầu nguyện cho hòn đảo.

Một liên minh nhân viên Công ty Xe buýt Thế giới Mới kêu gọi các thành viên giảm tốc độ lái xe xuống 20-25 km/h để phản đối dự luật gây tranh cãi.

Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” với đảm bảo về quyền tự do và một hệ thống tư pháp độc lập. Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều người dân Hong Kong cho rằng Trung Quốc dường như đang can thiệp sâu vào quyền tự chủ của đặc khu.

Tổng hợp