Trung Quốc bênh vực chương trình ‘huấn nghiệp’ ở Tây Tạng

16 Tháng Mười, 2020 | Tin thế giới
Tây Tạng là khu vực bị hạn chế và nhạy cảm về chính trị nhất ở Trung Quốc. Photo courtey: VOA

Gặp gỡ các nhà báo nước ngoài hôm 15/10 khi họ có chuyến thăm hiếm hoi, các quan chức hàng đầu của Tây Tạng, nơi chịu sự quản lý của Trung Quốc, lên tiếng bảo vệ chương trình huấn nghiệp mà một số người chỉ trích gọi là cưỡng ép. Các quan chức cũng kêu gọi người Tây Tạng không “lạm dụng” tôn giáo, Reuters đưa tin.

Chương trình với hạn ngạch do chính phủ đặt ra cho người lao động và tập trung vào việc đào tạo tư tưởng đã bị các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động Tây Tạng bên ngoài Trung Quốc chỉ trích nặng nề vì cho rằng đây thực chất là các trại cải tạo cưỡng bức, một cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ.

Với lý do nâng cao kỹ năng và thu nhập, chương trình đã tập trung khoảng 3,51 triệu người, chiếm 15% dân số Tây Tạng.

“Không có yếu tố ép buộc nào”, Reuters dẫn lời ông Che Dhala, Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng, trả lời trước câu hỏi về việc liệu những cư dân du mục có bị buộc phải tham gia các chương trình đào tạo hay không. Quan chức này nói rằng mọi người được đào tạo các kỹ năng mà họ muốn, chẳng hạn như lái xe hoặc nghề hàn.

Ông Che nói thêm rằng người Tây Tạng không nên “lạm dụng” vấn đề tôn giáo và nên tuân theo sự lãnh đạo của đảng cầm quyền để có một “cuộc sống hạnh phúc”.

Tôn giáo là một chủ đề rất nhạy cảm ở Tây Tạng. Đây chính là nơi mà nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã bỏ trốn sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại chính quyền Trung Quốc vào năm 1959.

“Chỉ cần họ chăm chỉ làm giàu, nghe lời đảng, làm theo đảng và chịu khó làm ăn, thì tương lai của họ sẽ tươi đẹp hơn”, Reuters dẫn lời ông Che nói trong cuộc họp, nơi các quan chức liệt kê ra những nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

“Cuộc sống tươi đẹp sẽ có được bằng cách hiểu đúng và hợp lý về tôn giáo. Chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ không lạm dụng nó, tức là thực hành tôn giáo vượt quá khả năng của gia đình”, quan chức này nói thêm.

Tây Tạng là một trong những khu vực bị hạn chế và nhạy cảm về chính trị nhất ở Trung Quốc, và các chuyến thăm của phóng viên nước ngoài đến đây đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Khi được hỏi về những hạn chế cấm người nước ngoài đến Tây Tạng ngoài các chuyến tham quan của chính phủ, Bí thư Đảng Cộng sản của Khu tự trị Tây Tạng Wu Yingjie nói các quan chức tin rằng môi trường của khu vực này “quá nguy hiểm” cho người nước ngoài đi du lịch độc lập.