Facebook phải định danh tài khỏan người dùng tại Việt Nam

14 Tháng Tám, 2019 | Tin Việt Nam
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, và bắt đầu áp dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Truyền thông trong nước, vào ngày 14 tháng 8 cho biết Bộ Thông tin-Truyền thông đang làm việc với Facebook liên quan yêu cầu vừa nêu. Theo đó, Facebook được yêu cầu phải thực hiện định danh tài khoản của người dùng và chỉ có các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (live stream); đồng thời Facebook cũng cần phải có chính sách kiểm tra trước và gỡ quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật và hạn chế tình trạng giả mạo fanpage. Một số trang fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước chỉ được phép lập khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin-Truyền thông hoặc xác nhận của chính cơ quan đó.

Các bộ, ngành còn được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thiết lập phương án để chặn dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook và Google, mà trong đó không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho việc quảng cáo thương hiệu Việt Nam trên các video xấu, độc hoặc video quảng cáo có nội dung vi phạm, phản cảm.

Truyền thông quốc nội cho biết nguyên nhân Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam là do Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của phía Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook.

Theo số liệu ghi nhận của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến thời điểm hiện tại, Google đã chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng. Facebook đã gỡ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 links rao bán và hơn 200 links bài viết bị nói có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam cho rằng do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này không đạt kết quả triệt để, vẫn còn tồn tại tới 55 ngàn video độc hại trên kênh Youtube.