Vẫn tồn tại 11 dự án yếu kém của ngành Công thương

10 Tháng Chín, 2019 | Tin Việt Nam
Hình minh họa. Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai. Photo courtesy: daplaocai,com.vn

Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng vừa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý đưa ra khỏi danh sách 12 dự án nhà máy làm ăn thua lỗ của ngành công thương, theo nguồn của báo VNeconmy loan vào ngày 9/9.

Theo tin, từ tháng 12/2016, Ban Chỉ đạo nhằm xử lý tồn tại của 12 dự án yếu kém trong ngành Công thương đã được Chính phủ thành lập, tuy nhiên qua 3 năm, chỉ có 1 dự án được đưa ra khỏi danh sách yếu kém.

Trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã ban hành 120 văn bản chỉ đạo để xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở 12 dự án yếu kém, bao gồm Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án Nhà máy thép Việt – Trung; Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Ðình Vũ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty Gang thép Thái Nguyên.

Một số dự án tình hình có khá lên nhưng vẫn lùng bùng trong nợ. Trong 6 dự án hoạt động trở lại thì có 2 đơn vị có lãi, 4 đơn vị đã giảm lỗ theo từng năm nhưng hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn vì thiếu vốn nên chưa thể thực hiện thoái vốn nhà nước.

Đối với các dự án trong nhóm vướng mắc việc đàm phán hợp đồng EPC (tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) với nhà thầu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nếu hết năm 2019 đơn vị nào không đàm phán xong các vướng mắc thì Chính phủ đồng ý theo đề nghị của từng đơn vị chuyển qua cơ chế tòa án hay trọng tài quốc tế phán xử.

Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng việc xử lý các dự án yếu kém càng chậm trễ thì Nhà nước càng mất vốn và còn có nguy cơ âm, mất hết vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung cấp tín dụng cho các dự án, nhà máy trả nợ theo nguyên tắc thị trường, theo quy định của pháp luật.

Tháng 9 năm ngoái, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ hằng ngàn tỷ kéo dài này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng: “Khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa hoặc bán, chứ không “ôm lấy” để tái cơ cấu nữa”.