TRỊNH NAM SƠN: “Dĩ vãng” và hiện tại

12 Tháng Tư, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Trịnh Nam Sơn

 

Sau hai năm liên tiếp xuất hiện trong chương trình “Duyên Dáng Việt Nam” vào năm 2002 và 2003 tại quê hương, nơi anh đã đôi lần về thăm những người thân trong gia đình trước đó vào những năm 95 và 98, Trịnh Nam Sơn tương đối đã được khán giả trong nước biết đến tên tuổi.

 

Và cũng do đó, vào cuối tháng 7 năm 2004 vừa qua, anh đã lại được mời  về trình diễn tại quê hương. Lần này ngoài Đức Huy, còn có mặt nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, lần đầu tiên trở lại Việt Nam.

 

Điều khiến người nhạc sĩ có một ngoại hình dễ gây ấn tượng với cái đầu trọc bóng lưỡng và cách trang phục theo lối nghệ sĩ rất Mỹ này không ngờ trong những chương trình lưu diễn tại Việt Nam, từ Nam ra Trung, khán giả  đã tỏ ra quen thuộc với những nhạc phẩm nổi tiếng từ lâu của anh như  “Dĩ Vãng” hay “Quên Đi Tình Yêu Cũ”.

 

Cả hai từng được coi như  những “hits” tại hải ngoại vào đầu thập niên 90.  Nhất là “Dĩ Vãng”, được rất nhiều người yêu thích cũng như  được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày. Đó cũng là nhạc phẩm đã đưa tên tuổi Trịnh Nam Sơn lên cao.  Nhưng cũng vì sự nổi tiếng của “Dĩ Vãng”, anh đã lâm vào một trường hợp bực mình.

 

Trịnh Nam Sơn cho biết anh sáng tác “Dĩ Vãng” vào cuối năm 1988, nguồn gốc là một bài tập không có lời vào năm 85-86 trong hai năm theo học tại một trường nhạc chuyên nghiệp tại nam California với một chương trình cấp tốc tương đương với trình độ 4 năm đại học. 

 

Đầu tiên, Trịnh Nam Sơn đã nhờ nhà báo Du Miên (hiện chủ trương tạp chí Thời Báo tại nam California), viết lời cho “Dĩ Vãng”, nhưng vì bận rộn nên Du Miên đã giao lại cho anh.  Sơn đã tự viết lời sau đó để trình bày trên một video do chính anh thực hiện dưới hình thức MTV do Lý Huỳnh đạo diễn, cùng một lúc với một CD. 

 

Do lòng đam mê thúc đẩy,  Sơn đã dốc hết tiền dành dụm để thực hiện hai sản phẩm này, thoạt tiên không nghĩ đến mục đích thương mại.  Sau đó anh mới giới thiệu những sản phẩm của mình với một số trung tâm nhạc uy tín, nhưng “Đầu tiên bán cho Diễm Xưa, không mua. Bán cho Giáng Ngọc cũng không mua. Bán cho Thuý Nga cũng không mua. Lưu Hùynh giới thiệu với Asia, Asia mua nhưng không mua CD, chỉ mua video thôi”, Trịnh Nam Sơn kể.

 

Trong khi đó trung tâm Khánh Hà  lại đồng ý mua CD có nhạc phẩm này. Cả hai trung tâm Asia và Khánh Hà đều gặt hái được thành công với “Dĩ Vãng” cũng như “Quên Đi Tình Yêu Cũ” của Trịnh Nam Sơn. Khi giao “Dĩ Vãng” cho trung tâm Khánh Hà, Trịnh Nam Sơn cho biết nhạc phẩm này đã được đăng ký bản quyền vào cuối năm 89 với Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Đến năm 1992, “Dĩ Vãng” được thu trên một CD do nam ca sĩ Max Surine, người Singapore trình bày bằng lời Anh với tựa đề “Life Goes On”, với phần nhạc “giống sáng tác của Sơn đến 98 phần trăm”, theo lời  anh nói.

 

Trường hợp bực mình bắt đầu xẩy ra từ đó khi Sơn cho biết một nhạc sĩ Việt Nam anh không muốn nêu tên, đã phổ biến một tin với đại ý cho là Sơn đã “đạo nhạc” của ngoại quốc để viết lời thành “Dĩ Vãng”.  Tin này được tung ra khá rộng rãi trong giới nghệ sĩ, đã đưa Sơn đến việc nhờ một luật sư  người Mỹ can thiệp, cũng vào năm 92. 

 

Chính mắt người viết đã được Trịnh Nam Sơn cho xem toàn bộ hồ sơ vụ kiện Max Surine, trong lần gặp anh tại San Jose cách đây gần 10 năm.  Sau khi có được CD của Max Surine, ngoài bìa có những chữ Trung Hoa mà Trịnh Nam Sơn không hiểu nên anh đã gặp Ý Nhi – một nữ ca sĩ gốc Trung Hoa – nhờ giải thích và được biết nghĩa là “phiên dịch nhạc Việt Nam”.

 

Sau đó Sơn hỏi mấy người bạn biết chữ Tầu khác và  cũng được trả lời như vậy. Điều đó chứng tỏ Max Surine công nhận đã lấy nhạc Việt Nam để đặt lời, nhưng không nêu tên người viết nhạc. CD có nhạc phẩm “Life Goes On” (lời Anh, theo nhạc của “Dĩ Vãng”) được ghi “copyright” năm 1992 một cách chung chung, không ghi rõ ràng bản quyền về phần nhạc hay lời.

 

Nhưng sau một thời gian không tìm ra tông tích của Max Surine ở Singapore vì người ca sĩ này luôn thay đổi nơi cư trú, luật sư của Trịnh Nam Sơn đã đề nghị ngưng thụ lý vụ kiện. Mặt khác, chính Sơn cũng cho biết sẽ rất tốn kém nếu tiếp tục theo đuổi đến cùng.  Hơn nữa, theo Sơn dù có thắng kiện, chưa chắc ca sĩ  người Singapore kia có đủ khả năng tài chánh để bồi thường. Với những chi tiết vừa được đề cập tới, trường hợp về nhạc phẩm “Dĩ vãng” của Trịnh Nam Sơn đã được sáng tỏ.

 

Sau khi thành công với “Dĩ Vãng”, Trịnh Nam Sơn đã tạo dựng ngay được  tên tuổi khi chính thức đến với những sinh hoạt âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại.  Những năm đầu thập niên 90, nhiều người đã coi anh như một hiện tượng với một dòng nhạc mới lạ, với những sáng tác được liên tiếp tung ra như Nuối Tiếc, Về Đây Em, Con Đường  Mầu Xanh, Tình Vào Thu, Nhớ, vv…

 

Một điều không ai ngờ khi sang đến Mỹ trong những ngày đầu của biến cố tháng 4 năm 75, Trịnh Nam Sơn chưa hề biết sáng tác.  Nếu không muốn nói anh chỉ mới có một căn bản về nhạc tầm thường nhờ tự học hỏi guitar cũng như nhờ ở những giờ dạy nhạc khi theo học bậc trung học ở trường Nguyễn Trãi.  Anh chưa kịp thi Tú Tài đã rời khỏi quê hương cùng một số người thân trong gia đình. 

 

Tuy nhiên  Trịnh Nam Sơn có được may mắn – dù là nhỏ nhoi – ngay từ bước đâu trên phương diện âm nhạc khi sống ở tiểu bang Florida trong thời gian đầu tỵ nạn, qua vai trò sử dụng guitar đệm cho một ban nhạc Mỹ. Đến cuối năm 76, anh bay sang tiểu bang California và cư ngụ ở đây cho đến bây giờ. Tại Orange County, anh chú tâm nhiều hơn vào việc học nhạc.

 

Cũng trong thời gian này anh là một thành viên trong ban nhạc Chí Tài. Không những thế, Trịnh Nam Sơn còn tập tành viết nhạc khi chưa biết rành về ký âm pháp! Anh phải nhờ cậy đến người bạn ở chung là nhạc sĩ Trần Quảng Nam viết notes nhạc xuống giấy dùm…

 

Trịnh Nam Sơn bắt đầu học nhạc tại những colleges ở Orange County.  Sau đó vào đầu năm 85, anh chuyển hẳn qua học một cách “tới nơi tới chốn” với một chương trình cấp tốc về sáng tác, điều khiển dàn nhạc,vv… Anh từng được hướng dẫn bởi những nhà soạn nhạc phim quốc tế lừng danh như Henri Mancini, Bill Conti, Alan Ferguson, Dick Grove, vv… để ra trường vào cuối năm 86. Ngoài việc nghiên cứu về nhạc phim, anh còn trau dồi thêm về guitar và sau đó là saxo.

 

Một chi tiết không ngờ khác là tuy có một ngoại hình rất… Rock, rất Hip Hop và chịu ảnh hưởng nhiều nơi văn hoá Âu Mỹ, nhưng Trịnh Nam Sơn mang một tâm hồn rất Á Đông. Khó ai tưởng tượng nổi anh là người rất thích thơ Đường Luật. Từ khi còn nhỏ thường được bố –  một người có thú thổi sáo và ngâm thơ, đã qua đời – cùng với bác thường đọc thơ Đường cho nghe. Qua những lời giảng dạy của bố, Trịnh Nam Sơn từ tuổi thanh niên đã thấm nhuần sự thâm thúy của Đường Luật để cảm thấy rất thú vị…

 

Từ đó Trịnh Nam Sơn chăm chú nghiên cứu về thơ Đường và thuộc rất nhiều thơ của Cao Bá Quát, Lê Thánh Tôn và nhiều tác giả Đường Thi khác. Đường Thi do vậy đã ảnh hưởng cả đến những sáng tác về âm nhạc của anh, thể hiện qua lời viết…

 

Sau một thời gian sống ở Orange County, Trịnh Nam Sơn di chuyển lên cư ngụ tại San Jose. Có một dạo anh cộng tác với một ban nhạc người Trung Hoa trình diễn tại các Bars và Clubs ở miền bắc California. Sau đó anh thành lập một phòng thu thanh lấy tên là ATM, tức Asian Top Music trùng với tên gọi tắt của máy rút tiền tự động “Automatic Teller Machine”!  Bởi vậy, từ  93 đến 97, anh luôn phải chi ra nhiều tiền cho phòng thu, như anh nói đùa về sự trùng hợp này.

 

Sau khi ATM ngưng hoạt động, Trịnh Nam Sơn lại dời xuống lại Orange County và ở luôn cho đến nay.  Và kể từ năm 98, Trịnh Nam Sơn bắt đầu thay đổi ngoại hình bằng cách cạo đầu nhẵn thín với một lý do rất giản dị vì tóc anh thường bị rụng nhiều. Anh nói đùa thêm kể từ đó là “tóc gió thôi bay” theo tựa đề của một nhạc phẩm nổi tiếng trong nước. Với ngoại hình mới này, anh tự nhận nhìn “gọn ghẽ” hơn, khán giả cũng thấy thích hơn.  Nhưng có một số cho rằng không “phong sương” bằng khi anh còn để tóc dài.

 

Ngoài việc viết nhạc cho những phim tài liệu của Mỹ như một nhạc sĩ tự do, Trịnh Nam Sơn còn thiết lập một phòng thu và trung tâm nhạc lấy tên tắt của anh là TNS Music Productions. TNS đã cho ra đời được 2 CD, CD mới nhất là “Gọi Từng Yêu Thương”, gồm 10 sáng tác của anh. 

 

Một số do anh trình bầy, số còn lại do Diễm Liên, Nguyên Khang và Thanh Lam diễn tả.  Những nhạc phẩm này cũng đã được cơ quan thẩm quyền về văn hoá ở Việt Nam cho phép phổ biến cùng với một số ca khúc khác của anh. Do đó, sau khi phát hành tại Hoa Kỳ, “Gọi Từng Yêu Thương” đã chính thức được bán tại Việt Nam từ đầu năm 2004. 

 

Sau khi anh đã về Việt Nam trình diễn,  được hỏi có gặp phải một sự chống đối nào sau khi trở ra hải ngoại, Trịnh Nam Sơn cho biết không hề gặp phải trường hợp này, có lẽ nhờ thiện chí muốn đóng góp của anh vào mục đích từ thiện của những chương trình “Duyên Dáng Việt Nam” bằng phần trình diễn của mình. Cụ thể là giúp phương tiện cho các học sinh nghèo trong nước.

 

Riêng về mặt thuần túy nghệ thuật, Trịnh Nam Sơn cho rằng nếu để anh chị em nghệ sĩ trong nước và hải ngoại trao đổi về văn hoá với nhau khi có dịp nghệ sĩ hải ngoại về nước hoặc nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại trình diễn là một điều rất tốt, như anh nói: “Riêng cá nhân mình không đại diện được cho ai hết  thì đây là một cơ hội cho anh em  nghệ sĩ với nhau trao đổi tinh thần nghệ thuật với nhau…”

 

Anh đưa ra một nhận xét: đã cùng giới nghệ sĩ với nhau, ai cũng muốn đến nơi nào có khán giả thích mình, ái mộ mình, không phân biệt trong hay ngoài nước.

 

Trịnh Nam Sơn cho biết 2 lần đầu tiên về Việt Nam thăm gia đình đã “kích thích tình cảm của mình”, nên anh đã có cảm xúc viết nên vài ca khúc sau đi đi thăm một số thắng cảnh, trong số có Hồ Tây ở Hà Nội. Tuy nhiên anh không sáng tác được ngay nhạc phẩm ca ngợi vẻ đẹp của thắng cảnh vào buổi chiều này với tựa đề “Chiều Tây Hồ” vì  “Sơn thích đi ngắm cảnh, rồi đi chơi coi cảnh.  Rồi cái hình ảnh đó mới nhập vào mình mà mình không để ý… Mình chỉ xúc cảm lúc đó thôi, đến khi về ngồi lại, mình mới nghĩ lại để viết ra… “

 

Trịnh Nam Sơn sáng tác nhạc theo nhiều chủ đề, nhưng nặng nhiều về tình yêu, xen lẫn giữa hư cấu và tình cảm riêng tư. Đôi khi anh bi thảm hoá cuộc tình qua nội dung, nhưng ở phần kết đó chỉ là một sự nuối tiếc, “một nỗi nhớ trong hạnh phúc,  chứ không phải mình đau khổ dằn vặt hay là  sẽ không bao giờ mình yêu lại được nữa. Đó không phải là những bài nhạc của Sơn”.

 

Vào những năm 97 – 98, Trịnh Nam Sơn bước vào một giai đoạn anh cho là có nhiều ảnh hưởng đến đường lối sáng tác của mình. Đó là khi anh để tâm nghiên cứu về Kinh Dịch.  Anh nhận thấy triết lý trong kinh Dịch  rất hay và đã khám phá ra sự liên hệ giữa kinh Dịch và âm nhạc để đưa ra quan niệm “đừng để bị gò bó trong một thể loại nhạc nào  thì mình sẽ không bị gò bó trong vấn đề sáng tác và sự sáng tạo. Tại vì sự sáng tạo không nằm ở trong thể loại. Thể loại là do con người đặt ra”.

 

Do đó, anh không đi theo một con đường riêng.  Anh thích thể loại nào thì viết thể loại đó, tùy theo cảm xúc của mình chứ không chịu một ảnh hưởng nào, không theo một trào lưu nào.

 

Trịnh Nam Sơn đưa ra thí dụ: “Nếu có ai nói bây giờ viết cho tôi một loại nhạc giống như Star Wars thì Sơn ngồi Sơn viết xuống không phải dằn vặt gì hết. Nghĩa là tự mình đặt theo cái cảm xúc của mình thôi. Điều đó nằm trong qui luật của Kinh Dịch. Nếu nắm vững được cái đó  thì mình không bị lệ thuộc bởi bất cứ loại nhạc nào. Tức là mình không phải khẳng định  nằm ở trong thể nhạc này mới  là đúng, hoặc trong thể nhạc kia mới là đúng”. Vì theo anh “âm nhạc giống  như lời nói hoặc giống cách sinh sống của mình. Lúc thăng lúc trầm, Cái biến hoá trong kịch dịch là âm và dương cũng vậy thôi. Nó cũng là sự tăng và giảm. Lúc trắng, lúc đen. Và giữa trắng và đen là grey… Thành ra mình sáng tác không thể bảo thế này mới là đúng. Tại vì nhạc là sự biến  đổi,  mà không có sự biến đổi thì không thể nào là nhạc được. “

 

Và cho đến nay Trịnh Nam Sơn vẫn luôn đi theo những sự biến đổi để tạo thành một dòng nhạc chứa đựng nhiều cảm xúc theo từng hoàn cảnh của riêng mình…

 

(TVTS – 963)