Đề nghị rút giấy phép của các quỹ hưu bổng hoạt động kém

14 Tháng Một, 2019 | Tin nước Úc
Hình minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Ủy ban Năng suất đã đệ trình chính phủ liên bang bản phúc trình cuối cùng để cải tổ lĩnh vực hưu trí bởi vì nhiều người đang chịu thiệt thòi với hệ thống hiện nay.

Phúc trình có tính cách lịch sử này cho thấy hàng triệu người Úc hiện bị tổn hại do hệ thống hưu bổng hiện thời và chính phủ cũng thừa nhận có những sai sót trong hệ thống đó.

Ủy ban Năng suất Quốc gia đã đệ trình chính phủ liên bang bản phúc trình cuối cùng trong việc cải tổ lãnh vực hưu bổng, trị giá 2,8 ngàn tỷ đô la.

Các khuyến nghị quan trọng là hủy bỏ giấy phép của các quỹ hưu bổng, vốn hoạt động kém cỏi dai dẳng và cho các hội viên một danh sách 10 quỹ hưu bổng hoạt động tốt nhất để chọn khi họ bắt đầu hoạt động.

Phúc trình cũng đề nghị, các đề nghị chỉ áp dụng cho những người mới đi làm và có một trương mục hưu bổng chính yếu.

Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết, phúc trình vạch ra những thiếu sót trong hệ thống quỹ hưu bổng.

“Khi hệ thống hưu bổng hoạt động tương đối tốt, có những vấn đề đáng kể cần được lưu ý.

“Đó là lệ phí cao, có nhiều trương mục hưu bổng khác nhau, một số quỹ hoạt động dưới mức và kéo dài nhiều năm, cũng như thiếu một tình trạng cạnh tranh trong hệ thống hưu bổng,” Josh Frydenberg.

Ủy ban Năng suất cho biết nếu các đề nghị được chấp thuận, một số người Úc sẽ thấy được quỹ hưu bổng của họ, sẽ lên đến nửa triệu đô la khi về hưu.

Ngay cả những người ở tuổi trung niên, cũng có thể thấy quỹ hưu bổng của mình gia tăng, gần 100 ngàn đô la.

Được biết, chính phủ sẽ không đưa ra việc hồi đáp sau cùng cho bản phúc trình, cho đến khi một cuộc điều tra sâu rộng được hoàn tất.

“Chính phủ sẽ xem xét cẩn thận các khám phá nầy trong hơn một ngàn trang giấy và sẽ chờ đợi phúc trình sau cùng từ Ủy ban Hoàng gia Điều tra về Ngân hàng, vốn cũng xem xét về cách hoạt động, đặc biệt là cách thức điều hành các khoản hưu bổng trong tương lai”.

Có khoảng 15 triệu người Úc đóng góp vào khoảng 200 quỹ hưu bổng chính yếu khác nhau.

Ngoài ra còn hàng ngàn quỹ hưu bổng khác, với số hội viên không quá 5 người.

Hệ thống hưu bổng hiện đòi hỏi chủ nhân, phải bó buộc đóng góp 9,5% lương bổng của nhân viên, vào quỹ hưu bổng của người đó và mức độ đóng góp nầy, sẽ từ từ gia tăng trong một thập niên tới.

Phát ngôn nhân đối lập về Ngân khố của Lao động là ông Chris Bowen cho biết, trong khi việc đóng góp cho quỹ hưu bổng kéo dài nhiều năm mà nếu quỹ nầy hoạt động yếu kém, điều hợp lý là tạo áp lực lên người điều hành quỹ nầy, để hoạt động tốt hơn cho các hội viên.

“Nếu quỹ hưu bổng vẫn hoạt động dưới mức một cách dai dẳng, thì nó cần tự xem xét lại chính mình.

“Và nếu cần thì phải có hành động cần thiết để cải thiện việc điều hành, bao gồm chuyện xem xét phải đóng cửa, hay sát nhập với một quỹ khác hoạt động tốt hơn,” Chris Bowen.

Thế nhưng Lao động cũng do dự, trong việc ủng hộ một danh sách gồm 10 quỹ hưu bổng hàng đầu.

Ông Chris Bowen nói rằng, điều nầy có thể buộc các quỹ hưu bổng hướng vào chiến thuật đầu tư an toàn, hơn là có thể sinh lợi nhiều hơn.

“Quí vị biết nếu có một đường lối để kiểm tra và theo dõi, nhằm cố gắng vượt lên hạng 10 quỹ hoạt động tốt nhất, thì quí vị phải tính toán quyết định của mình để làm sao đạt được mục tiêu đó, vốn có thể không phải là quyền lợi dài hạn cho các hội viên.

“Tôi nghĩ đó là một vấn đề, cũng như là một mối quan ngại phải nên rất, rất cẩn thận khi suy xét,” Chris Bowen.

Một số người trong lãnh vực nầy tỏ ra quan ngại trước các đề nghị, là chỉ tạo ra các trương mục hưu bổng, cho những người mới đi làm mà thôi.

Việc nầy khác biệt trong cách hoạt động hiện tại, của một số người dân Úc hiện đóng góp vào các quỹ hưu bổng mới, khi họ bắt đầu làm việc với một chủ nhân mới.

Giám đốc của Học Viện về Hưu bổng Úc châu là bà Eva Scheerlink cho biết, điều nầy sẽ trói buộc nhiều công nhân người Úc.

“Quí vị biết nếu bắt đầu công việc đầu tiên lúc 16 tuổi, như làm việc tại một siêu thị địa phương hay quán cà phê gần nhà, thì đó không phải là thời gian tốt nhất trong cuộc đời của quí vị, để có thể quyết định quan trọng về vấn đề tài chính và hưu bổng,” Eva Scheerlank.

Theo SBS tiếng Việt