Chính phủ quẩn quanh với chính sách dân số và nhập cư

10 Tháng Năm, 2019 | Tin nước Úc
Chính phủ đặt mức tối đa 160,000 thường trú nhân mỗi năm. Hình: TVTS

Tình trạng nhập cư và mức độ gia tăng dân số bấy lâu nay vẫn được xem là một trong những vấn đề có thể nói là ‘nan giải’ và gây chia rẽ trong nội bộ các đảng chính trị cũng như chính trong xã hội Úc. Trong đó, người nhập cư – ngắn hạn hay vĩnh viễn – đặc biệt trong vòng ít năm trở lại đây, thường được ngầm nhắc đến, là nguyên nhân đứng sau vô vàn các vấn đề nổi cộm ngày càng gia tăng. Thành phố chật chội, giao thông tắc nghẽn – do người nhập cư! Tình trạng tội phạm  – cũng tại tình trạng nhập cư! Giá nhà tăng, chất lượng cuộc sống đi xuống, thất nghiệp,v…v – tất cả đều có thể được gán một cách ‘lười biếng’ là do nhập cư.

Vì vậy, đó cũng là điều dễ hiểu khi khảo sát thường niên của viện Lowy thực hiện hồi năm 2018 cho thấy, lần đầu tiên sau gần 15 năm, một phần đa số – 54 phần trăm người dân Úc thể hiện sự ủng hộ đối với việc giảm số lượng người nhập cư mỗi năm, cho rằng mức độ hiện tại là quá cao. Hiện tại dân số Úc đang đứng ở con số 25 triệu người, với tỷ lệ tăng 400,000 người mỗi năm trong vòng 3 năm qua, theo Tổng cục Thống kê Úc.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố kế hoạch dân số mới, cung cấp thêm các loại visa nhằm khuyến khích người nhập cư có kỹ năng đến sinh sống và làm việc tại các khu vực thưa dân, với lý do nhằm giảm tắc nghẽn tại các thành phố lớn. Đồng thời bản kế hoạch này cũng công bố mức cắt giảm số lượng tối đa người nhập cư vĩnh viễn mỗi năm từ 190,000 xuống còn 160,000. Trên thực tế, điều này không tạo ra mấy thay đổi khi trong năm ngoái chỉ có 163,000 thị thực vĩnh viễn được cấp.

Trong khi đó, Lãnh đạo Đối lập Bill Shorten mới đây cũng công bố sẽ thực hiện một số thay đổi lớn đối với các thị thực làm việc tạm thời. Trong đó bao gồm việc tăng mức lương tối thiểu cho lao động nước ngoài ở Úc với visa ngắn hạn từ mức 54,000 lên tới 65,000/1 năm, nhằm mục đích ngăn ngừa bóc lột sức lao động, đồng thời khuyến khích chủ lao động sử dụng nhân viên trong nước thay vì lựa chọn người nước ngoài. Tuy nhiên, việc đề xuất này có giúp thúc đẩy việc làm cũng như giúp tăng lương cho người Úc tại các khu vực địa phương hay không vẫn đang khiến giới chuyên gia nghi ngờ.

Người nhập cư – Họ là ai?

Dân số nhập cư thường được biết đến là một yếu tố then chốt trong đời sống xã hội và kinh tế của Úc. Vào tháng 7 năm 2018, đồng hồ dân số Úc đạt 25 triệu, trong đó 62% trong tổng số dân tăng trong vòng 10 năm đến từ người nhập cư. Thống kê cho thấy, hai triệu người từ nước ngoài đã định cư vĩnh viễn tại Úc kể từ năm 2000.

Cục Thống kê Úc cũng đưa ra số liệu cho thấy người nhập cư vĩnh viễn tại Úc đến nhiều nhất từ Ấn Độ, Trung Quốc và Anh. Người Việt đứng thứ 6 trong danh sách này, với 5,500 người thống kê trong năm 2017. Trong tổng số thị thực vĩnh viễn được cấp cho người nước ngoài định cư tại đây, 58% ở lại theo diện thị thực tay nghề (skilled visa), 32% theo diện gia đình (family stream) và 10% từ các thị thực hỗ trợ nhân đạo (humanitarian visas). Mỗi năm, tính cả các chương trình hỗ trợ nhân đạo, chương trình nhập cư của chính phủ được đặt mức gần cố định là xấp xỉ 200,000 kể từ giai đoạn 2011-12.

Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy một lượng tăng mạnh trong nhập cư tạm thời tại Úc, thông qua các thị thực tạm thời bao gồm visa tay nghề ngắn hạn 457 và du học sinh. Xấp xỉ 40% trong số những người này nhiều khả năng sau đó sẽ tiếp tục ở lại và trở thành thường trú nhân vĩnh viễn.

Các vấn đề xoay quanh nhập cư

Theo Giáo sư Jock Collins từ Đại học Công nghệ Sydney, mặc dù Úc rõ ràng là một quốc gia nhập cư với 28% dân số sinh ra ở nước ngoài, chúng ta có tỷ lệ tăng dân số từ nhập cư cao thứ 3 trong số các nước phát triển OECD (chỉ sau Luxembourg và Thụy Sỹ). Và tại các thời điểm khác nhau, chúng ta lại đặt ra những câu hỏi khác nhau với những quan điểm trái chiều về nhập cư. Nếu như trong giai đoạn suy thoái kinh tế hồi những năm đầu thập niên 80s và đầu thập niên 90s, những tranh cãi về nhập cư xoay quanh vấn đề kinh tế, về việc ‘họ đang lấy mất việc làm của chúng ta’, thì bây giờ điều khiến nhiều người dân Úc không hài lòng với mức độ nhập cư chóng vánh đó là các vấn đề về tắc nghẽn, đông đúc, giá nhà ở, giá cả sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Nhiều người đã sinh sống lâu năm tại các thành phố lớn bắt đầu cảm thấy ngột ngạt với lượng người đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Họ dần cảm thấy không còn thoải mái ngay trong chính thành phố mà họ lớn lên và hằng yêu quý. Melbourne đang ở mức gần 5 triệu dân, với tốc độ tăng 2.3% trong giai đoạn 2016-2017, cao hơn mức độ tăng trung bình trên cả nước là 1.6%. Với tốc độ này, dự kiến Melbourne sẽ chẳng mấy chốc vượt qua Sydney để trở thành thành phố lớn nhất Úc. Trong khi đó, hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học không theo kịp để đáp ứng đủ nhu cầu cho lượng dân số tăng chóng mặt này. Và họ đặt ra câu hỏi: Nhận thêm người tới đây để làm gì, khi điều đó không những không giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn khiến nó trở nên khó khăn hơn?

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là nhận ít người nhập cư vĩnh viễn thì giảm áp lực dân cư. Bởi xét trên thực tế, con số người nhập cư vĩnh viễn 160,000 mỗi năm không phải là quá nhiều đối với nước Úc rộng lớn của chúng ta, chia ra cho khắp 6 tiểu bang và vùng lãnh thổ. Vấn đề nằm ở số lượng người tới đây theo diện visa tạm thời, với con số đạt gần 800,000 trong năm 2016. Trong đó, số lượng giữ thị thực học sinh sinh viên là 350,000; hơn 37,000 người có visa tốt nghiệp tạm thời, hơn 150,000 người theo diện kỹ năng tạm thời (457) và con số tương đương đối với người đến Úc theo diện working holiday. Và đây đều là nguồn nhân lực và tiêu dùng quan trọng cho nước Úc, với sinh viên quốc tế đóng góp một khoản kếch xù là hơn 30 tỷ đô la mỗi năm vào nguồn ngân sách. Chắc hẳn việc giảm số lượng học sinh quốc tế sẽ làm tổn thương nặng nề đến nền kinh tế.

Cần tranh luận cởi mở về chính sách nhập cư và dân số

Trong thực tế, những tranh luận về vấn đề nhập cư và dân số đặc biệt trong những năm gần đây không thực sự được trao đổi một cách tự do và trung thực trên các kênh truyền thống chính thống cũng như từ các chính trị gia, bởi nó vẫn được cho là vấn đề nhạy cảm. Nó lại càng trở thành chủ đề dễ gây tranh cãi sau vụ tấn công Christchurch ở New Zealand, khi kẻ tấn công là người Úc với mục tiêu cực đoan về loại bỏ người nhập cư. Những người lên tiếng ủng hộ cắt giảm nhập cư có thể bị chỉ trích là “phân biệt chủng tộc”, là “cực hữu”.

Tuy nhiên, điều đó không nên khiến dừng cuộc tranh luận về nhập cư một cách khách quan, dựa trên những nhu cầu thực tiễn của người dân cũng như cho sự phát triển của nước Úc. Việc hạn chế những quan điểm tranh cãi được bộc bạch sẽ chỉ khiến những nỗi bức xúc càng tăng thêm và không có một giải pháp hiệu quả nào được đưa ra.

Mặt khác, tranh luận về nhập cư hay dân số không đồng nghĩa với việc đánh vào một nhóm cộng đồng nhất định, vì điều đó chỉ khiến xã hội trở nên chia rẽ và tạo ra cái nhìn tiêu cực đối với người nhập cư từ các sắc tộc khác nhau. Việc chúng ta thường có những nhận thức chủ quan về một đối tượng nào đó dựa trên những sự kiện đã xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nói đến người theo đạo Hồi, ta thường nghĩ đến khủng bố. Nói về tội phạm, ta nghĩ tới người tị nạn gốc Phi. Nói về thị trường nhà đất, ta thường đổ lỗi cho người Trung Quốc. Nhưng trong bất cứ cộng đồng nào cũng đều có những nhân tố xấu, điều đó không đồng nghĩa với việc đánh đồng toàn bộ bao trùm toàn bộ người trong cộng đồng đó.

Hãy nhìn vào những gì mà người nhập cư đã và đang cống hiến cho nước Úc. Họ làm những công việc vất vả mà chẳng mấy người Úc muốn làm, trong khi những công việc đó nhiều khi không tương xứng với trình độ học vấn và trí tuệ của họ. Đó là những người lái xe taxi, Uber có thể phục vụ 24/7, những người vận chuyển đồ ăn tới tận cửa cho khách hàng, những người làm kitchen hand, rửa bát trong nhà hàng, những người sống tại những vùng sâu xa chỉ để quần quật làm việc trên các cánh đồng. Và cũng chính họ là những luật sư, bác sỹ, kỹ sư… những người có tay nghề và trí tuệ, hàng ngày chăm chỉ làm việc và cống hiến cho đất nước Úc. Chưa kể nguồn thu khổng lồ cho chính phủ đến từ học sinh quốc tế, cũng như các nhu cầu tiêu dùng giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Vậy mà, trong khi truyền thông chính thống thiếu những tranh luận một cách cân bằng và khách quan về vấn đề nhập cư, chính phủ thiếu những kế hoạch cụ thể và xác đáng, thì người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Úc vẫn ở trong tình trạng bấp bênh, dễ bị lợi dụng, trong khi vẫn không được nhìn nhận một cách đúng mức.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề nhập cư?

Đó là bài toán cho các chính trị gia và các chuyên gia kinh tế, với những tính toán về nhu cầu lao động từ các mảng việc làm tại đây. Còn theo tôi, duy trì mức độ nhập cư như hiện tại, kết hợp với việc quản lý hiệu quả, có thể sẽ giúp cả hai bên đều có lợi. Tăng cường đường sá, giao thông công cộng tốc độ cao giữa các thành phố lớn và các khu vực ngoại ô để giảm tải sự tập trung đông đúc tại trung tâm. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu vực ít dân cư để khuyến khích người dân chuyển tới. Dù sao đi nữa, chính phủ cần thẳng thắn trong vấn đề này, hoặc không nhận thêm người, hoặc nếu đã nhận người, thì hãy giúp tạo ra một môi trường công bằng cho họ.

Linh Đan
Melbourne 28.4.2019

(Trích từ báo in TVTS số 1727 phát hành ngày 1.5.2019)

Độc giả có những lời nhắn hay chia sẻ, xin đừng ngại gửi email đến hộp thư của TiVi Tuần-san ở địa chỉ [email protected], chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp thư của bạn.