Thực phẩm biến đổi gen, khó nuốt?

17 Tháng Sáu, 2008 | Y học - Khoa học

 

Nhờ vào thuốc diệt cỏ và diệt sâu bọ, nhà nông đã thâu hoạch hoa màu tăng lên gấp bội. Nhờ pha giống nhiều loại lúa khác nhau để chúng ta có được những loại lúa đặc biệt có tên gọi Thần Nông vì do rút ngắn thời gian canh tác cũng như chống lại được các loại sâu rầy, do đó việc thu hoạch tăng cao hơn gấp bội so với những giống lúa thường. “Cách mạng xanh lá cây” ra đời.

 

Sau một thời gian dài áp dụng “cách mạng xanh” để trồng trọt lúa Thần Nông cũng như sử dụng các loại hóa chất diệt sâu bọ tại các nước Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ, các nhà Môi Sinh học đã lên tiếng phản đối, họ cho rằng với phương cách đó đã làm thay đổi sinh thái đối với động vật và thực vật trong vùng, là nguyên nhân dẫn đến việc tôm cá trở nên dần ít đi và con người bị trúng độc.

 

Sự pha giống lúa, chính là một hình thức làm biến đổi Gen (DNA) của thực vật, đây là một thử nghiệm đầu tiên nhưng chưa một ai phản đối việc lúa Thần Nông “độc”, ăn vào sẽ có hại đối với cơ thể con người. Ngành canh nông trên thế giới, nhất là đối với các nước tiên tiến đã biến đổi hẳn kể từ hậu bán thế kỷ thứ 20, nhờ sử dụng máy móc, phân bón, biến đổi Gen cho các giống thực vật mà hoa màu trở nên tốt hơn và thu hoạch tăng cao, cũng như không cần phải sử dụng nhiều nhân công như trước kia.

 

Một “”trật tự canh nông mới”(new agricultural order) được hình thành và những công ty hóa chất là những tên “sen đầm quốc tế” của nền trật tự ấy như công ty to lớn và nổi tiếng nhất Monsanto, kế đến Dupont, Dow (Mỹ), Zeneca (Anh), Rhône-Poulenc (Pháp), Novartis (Thụy Sĩ), Bayer (Đức) là những công ty đã bỏ ra hàng chục tỷ Mỹ Kim để nghiên cứu ngành nông học.

 

Sự biến đổi Gen (G.M = Genetically modified) góp phần rất lớn đối với ngành canh nông, nhờ đó các loại thực vật tự nó có thể chống lại các loại sâu rầy dẫn đến việc thu hoạch hoa màu được nhiều hơn. Hai mẫu tự G.M trở nên phổ biến để cảnh tỉnh chúng ta về một loại thực phẩm có thể gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, một vấn đề đang được bàn cãi sôi nổi.

 

Phương pháp biến đổi Gen nhằm mục đích “diệt trừ nạn đói kém” được các nhà khoa học đem ra áp dụng và cũng để cứu vãn môi sinh (khỏi bị ô nhiễm bởi các hóa chất diệt cỏ, diệt sâu rầy và phân hóa học).

 

Thế nhưng một số các nhà khoa học, do được báo chí yểm trợ đã phát động một phong trào phản đối (trong đó có Thái tử Charles) được mệnh danh “Thực phẩm Frankenstein” (Frankenstein, một con người do phẫu thuật biến đổi đã từ người chết thành người sống, sau khi được ghép nhiều bộ phận) đồng thời cảnh tỉnh dư luận thế giới chớ quá tin tưởng vào lợi ích của nó.

 

 

Hậu quả của chiến dịch “Thực phẩm Frankenstein”, đã làm nhiều chính phủ các nước cũng như nhân dân trên thế giới bối rối do không biết phải sử sự thế nào. Hội nghị các Bộ trưởng Canh nông của Liên hiệp Âu châu họp bàn để rồi cũng xuôi tay không biết phải giải quyết ra sao.

 

G.M theo các công ty hóa chất nổi tiếng, là phương thức cách mạng trong ngành canh nông kể từ 10,000 năm qua. Nhờ phương thức này con người đã cải tiến không những về thu hoạch mà còn cải thiện được phẩm chất thực phẩm (ngon hơn, bổ hơn, vệ sinh hơn đối với các loại thức ăn).

 

Nguyên tắc của G.M được áp dụng trong 2,3 thập niên qua như đưa những Gen của một chủng loại khác vào D.N.A của chủng loại được nghiên cứu, nhằm đi đến một mục đích nào đó.

 

Chẳng hạn đối với cà chua, làm cho trái cà chua chống lại được khí hậu băng giá hoặc khi ta đưa vào DNA của cây bông vải hay cây bắp những Gen của một vi khuẩn sẽ tạo cho các loại thực vật trở nên độc hại đối với các loại sâu rầy. Đối với cây đậu nành và những cây cho hoa màu khác, khi đưa một Gen từ một vi khuẩn của đất đai vào DNA của chúng, chúng ta đã biến đổi chúng có thể chịu đựng được các hóa chất diệt cỏ.

 

Nhiều công ty hóa chất còn tiến xa hơn nữa khi biến các hạt giống thu hoạch được trở thành “tuyệt chủng”, nghĩa là không dùng để cấy tỉa được nữa, khiến nông gia phải mua hạt giống của họ nếu muốn trồng trọt cho những lần sau. Vì vậy, trên thị trường với những phát hiện mới của nông học, khiến người ta luôn tự hỏi liệu với kỹ thuật mới này có an toàn đối với con người hay không?

 

Gs Higgins thuộc cơ quan nghiên cứu quốc gia CSIRO phát biểu: thực phẩm G.M có thể đáp ứng nhu cầu của con người, nhưng ông cũng dè dặt nêu lên: “Tôi nghĩ rằng kỹ thuật mới này an toàn, nhưng tôi không thể đoan chắc nó không có đe dọa”.

 

Nếu G.M là một cuộc cách mạng, thì hiện nay cũng đã xuất hiện một phong trào “chống cách mạng”. Những nước thuộc Liên hiệp Âu châu đang dẫn đầu một cuộc nổi dậy, mạnh nhất là Anh quốc, đến Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Đan Mạch.

 

Thái tử Charles đã viết nhiều bài báo, đọc nhiều diễn văn tố cáo thực phẩm G.M làm hại sức khỏe con người, ông khuyên nông gia nên quay trở lại với phân bón hữu cơ và cách chăn nuôi cổ truyền. Trong khi ấy, Thủ tướng Tony Blair, một người tiến bộ đã chống đối lại ý kiến của Thái tử và cổ vũ cho kỹ thuật canh nông mới.

 

Nói chung, dư luận Âu châu tỏ ra chống đối với kỹ thuật biến đổi Gen và nhiều chính phủ đã ra điều lệ là các thực phẩm phải được kê khai rõ có áp dụng kỹ thuật G.M hay không.

 

Tại Anh có hệ thống siêu thị Tesco, Asda, Sainsbury, Marks, Spencer và Safeway, Pháp có hệ thống Carrefour, Thụy Sĩ có Migros đã áp dụng điều lệ kê khai nói trên. Như thế, trong tương lai sẽ có sự đối đầu giữa Mỹ và Liên hiệp Âu châu về kỹ thuật G.M của thực phẩm.

 

Mỹ là quốc gia lớn nhất về xuất cảng và áp dụng kỹ thuật G.M mạnh mẽ nhất trong địa hạt canh nông. Chẳng hạn như đối với đậu nành thì Mỹ đạt sản xuất 1/3 của cả thế giới. Chính sách của Mỹ là làm lẫn lộn thực phẩm G.M và thực phẩm thường đối với hàng xuất khẩu, khiến người tiêu thụ khó phân biệt.

 

Chẳng có gì đáng ngại nếu Thái tử Charles phản đối G.M vì ông không phải là một nhà khoa học. Nhưng oái oăm thay, hai nhà khoa học nổi tiếng của Anh quốc là giáo sư Liam Donaldson chuyên gia số một về y khoa và Sir Robert May, cố vấn khoa học cho chính phủ đều đứng về phía Thái tử Charles.

 

Cả hai vị đều cảnh cáo hiểm họa đe dọa sức khỏe con người  như quái thai, ung thư và ảnh hưởng trên hệ thống miễn nhiễm do G.M gây ra khiến một dân biểu ngồi hàng ghế sau thuộc đảng Lao động Anh, đã phải chép miệng phê bình: “Hoàng gia Anh bắt đúng mạch của thần dân còn hơn cả chính phủ Lao động vốn được dân cử”!

 

Một số các nhà khoa học khác nhận định: “Khi ta trồng một loại thực vật đã được biến đổi Gen, việc ong, bướm mang phấn hoa đến trộn lẫn với các loại thực vật không được biến đổi Gen không thể tránh được, do đó chúng cũng trở thành G.M”.

 

Riêng các nhà Môi Sinh học lại khuyến cáo nhà nông hãy dùng kỹ thuật G.M để tránh ô nhiễm cho môi trường.

 

Hãng Coles ở Úc, với hệ thống siêu thị phẩm khá lớn cho hay sẽ yểm trợ việc kê khai nhãn hiệu thực phẩm chế biến trong đó có dùng thực phẩm G.M hay không. Tháng qua, 20 loại thực phẩm G.M được tổ chức ANZFA (cơ quan Úc- Tân Tây Lan kiểm soát thực phẩm) cho phép lưu hành tại Úc, trong khi việc kê khai bắt buộc G.M hay không đang được thi hành.

 

Một nhà khoa học Úc, Tiến sĩ Annison, Chủ tịch Tổ chức Khoa học Kỹ thuật cho rằng, G.M chẳng gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe và an toàn cho con người. Chúng ta ăn khoảng 200 tỷ Gen có trong thức ăn hàng ngày, những DNA được tiệu thụ ấy có gây ảnh hưởng chi đâu?

 

Ngành chăn nuôi cừu cho biết với kỹ thuật G.M họ đã có được 50% con cừu mập hơn, 20% ít mỡ hơn những con cừu bình thường. Thịt cừu ít mỡ đang được người dân Úc yêu chuộng.

 

Báo khoa học nổi tiếng Nature (Mỹ) báo nguy rằng: một loại bướm đẹp nhất có thể bị diệt chủng vì một loại bắp (Maize) với kỹ thuật G.M đang được trồng trọt. Theo báo này thì loại bướm Hoàng gia (Monarch) với kén bị giết chết bởi loại phấn cây maize được biến đổi thành một Gen vi khuẩn có thể tạo cho cây bắp chống lại được với sâu rầy. Phấn hoa cây maize có chứa những tinh thể độc chất là thức ăn của loại bướm Monarch.

 

Theo dư luận của dân Úc qua các cuộc thăm dò thì 40-60% người tiêu thụ sẽ mua thực phẩm biến đổi Gen tại các siêu thị mà không cần biết hay quan tâm đến hậu quả. (TVTS –693)