Macedonia chính thức được mời gia nhập NATO sau khi đổi tên

13 Tháng Bảy, 2018 | Tin thế giới
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. Photo Courtesy: Reuters

NATO chính thức mời Cộng hòa Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán để gia nhập liên minh quân sự, trong một nỗ lực để mở rộng phạm vi của NATO ở Balkan để đối trọng Nga.

Reuters đưa tin, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý mời Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập để gia nhập liên minh quân sự hùng mạnh này, qua đó mở rộng phạm vi của mình ở vùng Balkan.

Phát biểu sau khi các lãnh đạo NATO thống nhất tại Hội nghị ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, cánh cửa của NATO vẫn và sẽ luôn rộng mở, các lãnh đạo đã thống nhất mời Skopje khởi động tiến trình đàm phán gia nhập NATO.

Các nước muốn trở thành thành viên NATO trước hết phải nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Hy Lạp là thành viên NATO từ năm 1952.

Thỏa thuận này vẫn cần được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ở Macedonia vào tháng 9 tới, nhưng dường như Hy Lạp đã ngừng ngăn cản việc Macedonia gia nhập NATO.

Quốc gia nhỏ Macedonia ở Balkan, với dân số khoảng 2 triệu người, vừa mới giải quyết tranh chấp về tên gọi với nước láng giềng Hy Lạp. Trước đó, nước này bị Athens ngăn cản gia nhập NATO. Nếu gia nhập thành công, Macedonia sẽ bổ sung cho NATO quân đội hùng mạnh 8,500 quân. Nước này không có máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, việc Macedonia trở thành thành viên NATO khiến Nga phản đối, cùng với việc phản đối liên minh quân sự mở rộng về phía đông. Đại sứ Nga tại Skopje chỉ trích tham vọng của Macedonia gia nhập NATO, nói rằng điều đó có thể trở thành “mục tiêu hợp pháp” nếu quan hệ giữa NATO và Mạc Tư Khoa xấu thêm.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng khẳng định, liên minh quân sự gồm 29 quốc gia thành viên này đang tìm cách can dự mạnh mẽ vào nước Cộng hòa Macedonia hòng buộc nước này phải vào NATO.

Theo ông, điều này chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và sự chia rẽ tại châu Âu. Trong thông cáo của mình, Người đứng đầu Ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc NATO dùng vũ lực lôi kéo Macedonia chỉ khẳng định rằng chính sách “mở cửa” đã trở thành một mục đích và công cụ nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ địa lý.

Tháng trước, 19 nước, chủ yếu là của NATO, triển khai khoảng 18,000 quân ở Ba Lan và 3 nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania. Một nhóm chiến đấu đa quốc gia của NATO đã tiến hành các cuộc tập trận dưới sự chỉ huy của Mỹ ở Ba Lan, trong khi Đức, Anh và Canada dẫn đầu ở 3 nước khác.

Nga bày tỏ lo ngại về việc NATO xây dựng lực lượng gần biên giới của mình, đồng thời cáo buộc các nước như Ba Lan lợi dụng cơ hội để đảm bảo sự hiện diện thường trực của NATO trên đất của họ.

Tổng hợp