Nhà hát Opera House quảng cáo đua ngựa theo lệnh của chính phủ

10 Tháng Mười, 2018 | Tin nước Úc
Nhà Hát Con Sò ở Sydney. Photo Courtesy: Reuters

Hàng trăm ngàn người ký vào một kiến nghị chống lại việc chiếu quảng cáo cuộc đua ngựa The Everest lên trên các cánh buồm của Nhà Hát Con Sò ở Sydney.

Trong khi Hiệp hội Di Sản Quốc gia cho hành động nói trên là bất hợp pháp, thì Thủ tướng bênh vực cho quyết định nói trên và ông không thấy có trở ngại nào trong việc nầy.

Nhà hát Con sò ở Sydney được liệt kê là hạng mục di sản thế giới, hiện lâm vào cuộc tranh luận sôi nổi, khi trở thành gương mặt của cuộc đua ngựa đắt giá nhất thế giới, do trường đua Rankwick chuẩn bị tổ chức cuộc đua mang tên The Everest, vào thứ bảy ngày 13 tháng 10 sắp tới.

Quyết định của chính phủ tiểu bang là cổ võ cho sự kiện qua Nhà hát Con sò, theo đó sẽ chiếu lên các tấm buồm của nhà hát những con số của các anh nài cùng màu sắc của các con ngựa, cũng như chiếc cúp của The Everest, vào tối nay thứ ba 9 tháng 10, với cuộc đua trị giá 13 triệu đô la.

Một chiến dịch khiếu nại trên mạng chống lại việc nầy, thu hút hàng trăm ngàn người, tính đến hôm qua thứ hai đã có hơn 200 ngàn người ký vào, khi vấn đề trở thành một cuộc tranh cãi toàn quốc.

Mọi chuyện bắt đầu, trong một cuộc phỏng vấn sôi nổi vào hôm thứ sáu ngày 5 tháng 10 vừa qua, giữa phát thanh viên đài 2GB là ông Alan Jones và giám đốc Opera House là bà Louise Herron, sau khi bà nầy loại bỏ việc chiếu lên các quảng cáo cho cuộc đua ngựa, trên các tấm buồm của Nhà Hát.

“Các cánh buồm không phải là một bảng quảng cáo”.

“Tại sao?”
“Nó chẳng phải là một bảng quảng cáo”.
“Ai nói như vậy?”
“Ông nói cái gì?”
“Ai nói vậy, bà nói à, bà là cái gì trong chuyện nầy. Chờ chút Louise, bà nghĩ bà là ai vậy?”

Ông Alan Jones còn đi xa hơn khi kêu gọi bà nầy nên từ chức, thế nhưng hôm qua thứ Hai ông đã đưa ra lời xin lỗi về chuyện quá lời nói trên.

Sau khi chính phủ tiểu bang đảo ngược quyết định của Nhà hát Con sò, các chỉ trích nhắm vào Thủ hiến New South Wales là bà Gladys Berejiklian là bà đầu hàng trước áp lực của kỹ nghệ đua ngựa, một điều mà bà nầy bác bỏ.

“Chúng ta sẽ không bao giờ làm việc gì mà không hỗ trợ cho kiến trúc nổi tiếng Opera House, thế nhưng đây là việc hết sức quan trọng để cổ vũ cho các sự kiện như vậy, vốn mang lại công ăn việc làm và thịnh vượng kinh tế cho New South Wales”.

“Cuộc đua được trực tiếp truyền hình đến hàng triệu người trên thế giới và đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy quyết định đó là thích hợp”, Gladys Berejiklian.

Bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ những người bảo thủ và các nhà tranh đấu chống cờ bạc, Thủ tướng Scott Morrison hậu thuẩn cho hành động nói trên, trong một cuộc phỏng vấn riêng rẻ với ông Alan Jones.

“Đó không phải là chuyện sơn phết gì lên đó, tôi muốn nói đó chỉ là ánh sáng chiếu lên trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Tôi không hiểu sao chúng ta lại quan tâm đến chuyện nầy như vậy”.

“Dĩ nhiên rồi, Nhà Hát Con Sò được xây dựng bằng tiền xổ số mà một số người đã quên, đó là một hình thức cờ bạc thôi”.

Trong khi đó, lãnh tụ đối lập tại New South Wales là ông Luke Foley, cũng ủng hộ bà Thủ hiến.

Thế nhưng Lãnh tụ Đối lập Bill Shorten cho rằng, biểu tượng quốc gia cần được tôn trọng.

“Tôi muốn nói đến Thủ tướng Scott Morrison, ‘Quí vị không phải là một giám đốc quảng cáo, mà là vị Thủ tướng của nước Úc”.

“Việc đó liên quan đến nghĩa vụ phải tôn trọng các biểu tượng của quốc gia’.

“Nhà Hát Con Sò không phải là một tấm bảnh quảng cáo, mà là một thắng cảnh đẹp đẽ, nó là một phần di sản của quốc gia và đáng được sự tôn trọng của mọi người”, Bill Shorten.

Còn Liên Minh Tranh đấu cho Việc Cải tổ Cờ bạc là ông Stephen Mayne nói rằng, quảng cáo cho sự kiện trên nhà hát Con sò ở Sydney, sẽ làm gia tăng khuynh hướng cờ bạc tại Úc.

“Hãy xem, đó lại là một màn tệ hại nữa trong kỹ nghệ cờ bạc của chính phủ New South Wales”.

“Người dân tiểu bang nầy là những người nghiện cờ bạc thứ nhất trên thế giới, bởi vì một loại văn hóa như vậy, mới nghĩ đến việc quảng cáo một cuộc đua ngựa trên Nhà Hát Con Sò”, Stephen Mayne.

Được biết các cánh buồm nổi tiếng của nhà hát Con sò, đã được dùng để ủng hộ các sự kiện thể thao trước đây.

Chúng được dùng để cổ võ cho đội bóng bầu dục Wallabies, trong cúp Vô địch thế giới năm 2015 và cũng kỷ niệm cho chiến thắng môn cricket, trong giải Ashes năm nay.

Chủ tịch Hiệp hội Đua Ngựa New South Wales là ông Peter V’landys cho rằng, toàn thể vấn đề hiện bị thổi phồng quá đáng, mà chẳng có lý do chi cả.

“Những gì đạt được là một lập trường thỏa thuận lẫn nhau, khi đó chỉ là màu sắc của các con ngựa, rào cản được kéo lên và chiếc cúp của cuộc đua ngựa The Everest”.

“Mọi chuyện sẽ mất từ 6 đến 10 phút, vì vậy đó là chuyện phản ứng hơi thái quá, khi cho đó là một bảng quảng cáo, trong khi nó chỉ xuất hiện trong một quãng thời gian ngắn mà thôi”, Peter V’landys.

Hiệp hội Di sản Úc châu cho rằng việc chiếu như vậy có tính cách thương mại một cách rõ ràng, còn các phân tích gia luật pháp cho biết, trò quảng cáo có thể là bất hợp pháp vì có thể vi phạm đạo luật về Di sản.

Đạo luật nầy qui định rằng, việc chiếu các hình ảnh và màu sắc lên các cánh buồm ‘nên được hạn chế trong các trường hợp đặc biệt và không mang ý nghĩa thương mại trong một thời gian ngắn’.

Tổ chức UNESCO, thuộc Liên hiệp quốc tuyên bố nhà hát Con sò ở Sydney là một di sản thế giới, hiện cũng điều tra về vụ việc nói trên.

Theo SBS Tiếng Việt