Vượt 18 tỷ km, tàu vũ trụ NASA bay ra ngoài hệ Mặt Trời

11 Tháng Mười Hai, 2018 | Y học - Khoa học
Tàu Voyager 2 đã bay gần 18 tỷ km tính từ Trái Đất. Photo Courtesy: Reddit

Tàu Voyager 2 bay qua ranh giới giữa Mặt Trời và khoảng không liên sao, trở thành tàu vũ trụ thứ hai trong lịch sử rời khỏi hệ.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu Voyager 2 đã tiến vào khoảng không liên sao hôm 10/12, 6 năm sau khi tàu Voyager 1 lần đầu tiên vượt qua ranh giới này. Bộ đôi tàu Voyager là hai tàu vũ trụ duy nhất bay xa như vậy từ Trái Đất, theo National Geographic.

Để xác nhận tàu Voyager 2 rời khỏi hệ Mặt Trời, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ thiết bị Plasma Science Experiment (PLS) trên tàu, chuyên dùng để đo ranh giới của nhật quyển (helipause), ranh giới giữa tầng plasma bảo vệ Mặt Trời và khoảng không liên sao. Hôm 5/11, thiết bị ghi nhận số lượng hạt từ tầng plasma của Mặt Trời giảm mạnh. Cùng lúc, Voyager 2 tiếp xúc với nhiều hạt mang năng lượng cao hơn từ nơi khác trong thiên hà, xác nhận tàu thăm dò đã rời khỏi hệ Mặt Trời.

“Làm việc trong dự án Voyager khiến tôi cảm thấy mình giống như một nhà thám hiểm, bởi mọi thứ chúng tôi nhìn thấy đều mới mẻ”, nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts John Richardson, người phụ trách thí nghiệm plasma, chia sẻ. “Dù tàu Voyager 1 đã đi qua ranh giới helipause năm 2012, điều đó diễn ra ở một nơi khác, trong một hoàn cảnh khác và không có dữ liệu PLS. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang nhìn thấy những thứ chưa ai thấy trước đây”.

Dù đã bay cách Mặt Trời hơn 17,7 tỷ km, hành trình của bộ đôi tàu Voyager chỉ mới bắt đầu. Theo lộ trình hiện nay, hai con tàu đang bay ngang qua thiên hà sau khi thoát khỏi lực hấp dẫn của Mặt Trời và sẽ tiếp tục bay sau khi Mặt Trời chết trong vòng 4 – 5 tỷ năm tới.

Nếu một nền văn minh ngoài hành tinh chặn tàu lại, hai đĩa vàng lưu giữ những hình ảnh và âm thanh của Trái Đất sẽ là bằng chứng cuối cùng về hành tinh đã chết từ lâu. Trong trường hợp hai con tàu bay theo lộ trình, các nhà thiên văn học dự đoán chúng sẽ tới gần một số ngôi sao và đám mây bụi trong hàng trăm nghìn năm tới.

Khởi hành từ Cape Canaveral, Florida vào ngày 20/8/1977, tàu Voyager 2 nặng 735 kg bắt đầu chuyến đi bằng hành trình bay quanh rìa ngoài hệ Mặt Trời, tạo nhiều phát hiện quan trọng về sao Mộc và sao Thổ và truyền về những hình ảnh đẹp nhất của sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Hiện nay, tàu đang bay với tốc độ 55.500 km/h và hướng tới chòm sao Sagittarius.

Sau 40.000 năm nữa, tàu sẽ bay qua cách sao lùn đỏ Ross 248 1,7 năm ánh sáng. Ở thời điểm đó, Ross 248 sẽ qua mặt hệ sao Alpha Centauri, trở thành ngôi sao gần Mặt Trời nhất với khoảng cách 3,02 năm ánh sáng. Sau khoảng 61.000 năm, Voyager 2 sẽ bay qua đám mây Oort, đám mây bụi khí, sao chổi và vẫn thạch khổng lồ, có đường kính lớn gấp 200.000 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất.

Khoảng 298.000 năm tính từ bây giờ, Voyager 2 sẽ bay qua cách Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Trái Đất, 4 năm ánh sáng. Tàu sẽ lướt qua hai ngôi sao Delta Pav và GJ 754 sau 1.000 năm nữa.

Theo VNE