Căn cứ vào lượng enzyme PHLPP1 và PKC ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy, các nhà nghiên cứu có thể phát triển các loại thuốc điều trị mới làm thay đổi sự cân bằng của 2 enzyme này để điều trị bệnh.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tế bào phân tử (Molecular Cell) số ra ngày 20/3, căn cứ vào lượng enzyme PHLPP1 và PKC ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy, các bác sỹ điều trị lâm sàng có thể tiên lượng bệnh, đồng thời các nhà nghiên cứu có thể phát triển các loại thuốc điều trị mới làm thay đổi sự cân bằng của 2 enzyme này để điều trị bệnh.
Nghiên cứu mới do Giáo sư Alexandra Newton khoa Dược tại Đại học California, San Diego, đứng đầu cùng Timothy Baffi, một sinh viên tốt nghiệp được giáo sư Newton hướng dẫn.
Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên công trình của nhóm vào năm 2015, theo đó đã phát hiện hoàn toàn có thể ngăn chặn được PKC, loại enzyme mà các nghiên cứu trước đây cho là thúc đẩy sự phát triển của khối u.
Qua tìm hiểu cơ chế các tế bào điều chỉnh hoạt động của PKC, nghiên cứu mới này đã phát hiện ra rằng bất cứ khi nào có một PKC hoạt động quá mạnh được sản sinh ra, enzyme PHLPP1 sẽ nhận diện để tiêu diệt.
Giáo sư Newton khẳng định: “Điều này có nghĩa là lượng PHLPP1 trong các tế bào sẽ quyết định lượng PKC.” Như vậy, các mức enzyme đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân ung thư tuyến tụy.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát 105 khối u ung thư tuyến tụy để phân tích lượng enzyme trong mỗi khối u. Khoảng 50% bệnh nhân có PHLPP1 thấp/PKC cao sống lâu hơn 5 năm rưỡi.
Mặc dù nghiên cứu còn ở giai đoạn đầu, giáo sư Newton hy vọng kết quả này có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy trong tương lai.
Ung thư tuyến tụy do sự phát triển bất thường và không kiểm soát được của các tế bào trong tuyến tụy, một tuyến lớn trong hệ tiêu hóa, gây ra.
Bệnh thường không biểu hiện các triệu chứng đặc biệt ở giai đoạn đầu. Những người mắc bệnh có xu hướng bị các triệu chứng như đau lưng và vàng da, và khi phát hiện đã di căn sang các cơ quan khác.
Theo Vietnamplus