Võ Long Ẩn kiện Nguyễn Thế Phong: Tòa đã được nghe những gì trên bục chứng (tiếp và hết)

01 Tháng Sáu, 2010 | Kiện tụng

 

Nguyễn Hồng-AnhVăn Nguyễn tường thuật

 

Võ Long Ẩn (mép phải) cùng Luật sư Đại và Trạng sư Catlin trước cửa vào tòa. Hình Văn Nguyễn/TVTS

 

 

Trong phiên xử  vụ kiện VO vs NGUYEN kéo dài 10 ngày, phần làm chứng của nguyên đơn Võ Long Ẩn (tức Võ Ngọc Anh) và ba nhân chứng của ông gồm Vương Thiên Vũ, Nguyễn Hải Đăng và Nguyễn Thanh Hùng chiếm mất 4 ngày.

 

Ngày 16.3.2010 tức là ngày thứ 5 của phiên xử, ông Nguyễn Thế Phong với tư cách bị đơn lên bục chứng. Ông Nguyễn Thế Phong trả lời thẳng bằng tiếng Anh, không cần thông dịch viên.

 

“Bốn không”

 

Qua phần chất vấn (examination) của trạng sư Collins của mình, tòa được nghe ông Nguyễn Thế Phong nói đại khái “bốn không”như sau:

 

– Không nghe có ai nói giết ông Ẩn

 

– Không nghe có ai nói cha mẹ ông Ẩn lấy chó.

 

– Không nghe có ai nói ông Ẩn là con của chó.

 

– Không nghe có ai nói ông  nếu ông Ẩn có mặt, sẽ trùm quần lên đầu ông Ẩn.

 

Sau phiên họp ngày 15.3.2009, bà Trịnh Mai Lan, tổng thư ký Hội Cộng Đồng có làm biên bản buổi họp và đã được trình trong phiên tòa. Biên bản đó đã được ông Phong đọc và sau đó đăng trên báo chí.

 

Ngày 19.4.2009 ông Phong cho tổ chức một phiên họp khác liên quan đến phiên họp ngày 15.3.2009. Kết quả của phiên họp này là đã không bầu thêm được thành viên mới cho Hội đồng

 

Tư vấn Giám sát như đã đăng trên báo chí.

Phiên họp ngày 19.4.2009 cũng không bàn về trường hợp ông Ẩn vì nó không nằm trong nghị trình.

 

Tuy nhiên, căn cứ vào phiên họp này, ông Phong đã viết thư mời ông Ẩn đến dự một phiên họp khác (23.5.2009, chú thích của TVS) để ông Ẩn có cơ hội giải thích nhưng Luật sư Nguyễn Bá Đại của nguyên đơn cho biết ông Ẩn sẽ không đi dự vì đang tiến hành vụ kiện.

 

Hình chụp bên trong tòa ở trước phòng xử, lầu một, của báo Ly Hương Úc Châu với ghi chú: Cô Phượng Vỹ, Luật sư, ông Nguyễn văn Bon, Trạng sư và ông Nguyễn Thế Phong

 

 

Tranh luận chữ nghĩa dịch ra tiếng Anh

 

Sau đó là phần đối chất (cross-examination) của ông Catlin, trạng sư của ông Ẩn. Tòa được nghe ông Phong trong thời gian 8 năm làm chủ tịch Hội Cộng Đồng đã tổ chức khoảng 10 cuộc biểu tình.

 

Ông Phong nói cuộc biểu tình tại Crown Casino thành công dù ít người tham dự, chỉ có khoảng 30 người. Ông Phong nói với trạng sư Catlin rằng ông không muốn cộng sản đến Úc nữa.

 

Ông Phong bác bỏ cáo buộc ông nói ông Ẩn là cộng sản hay tay sai cộng sản và ông cũng bác bỏ việc dịch ra tiếng Anh chữ  sabotage trong câu “phá hoại chính nghĩa quốc gia và cộng đồng” bởi sabotage có nghĩa phá một cái gì có mang tính vật chất như nhà cửa, tài sản. Vì thế theo ông Phong, trong trường hợp này chữ “phá hoại” phải được dịch là undermine. Hai từ sabotage và undermine đã không được hai bên đồng ý và tranh cãi từ đầu phiên tòa.

 

Trạng sư Catlin hỏi ông Phong cho biết ở đâu trong phiên họp ngày 15.3.2009 cho thấy rằng ông Phong cho ông Ẩn cơ hội để giải thích. Ông Phong nói không có, bởi ông không nói tên ông Ẩn.

Phần đối chất ông Phong của trạng sư  Catlin kéo dài qua sáng 17.3.2010 tức là ngày thứ 6 của phiên tòa 10 ngày.

 

Tòa được nghe trong phiên họp ngày 15.3.2010 nghị trình có 4 đề mục mà đề mục thứ ba là nói về hành động phá hoại chính nghĩa quốc gia và sinh hoạt cộng đồng của ông Ẩn.

 

Và căn cứ vào đề mục thứ tư thì ông Ẩn bị cáo buộc đã tạo sự chia rẽ trong cộng đồng. Luật sư  Catlin hỏi lúc viết cái thông cáo đó, ông Phong có biết rõ ông Ẩn có gây sự chia rẽ trong cộng đồng không, rằng ông Phong đã tin có sự chia rẽ trong cộng đồng không, ông Phong trả lời vâng.

 

Nhưng ông Phong lại giải thích “có thể gây sự chia rẽ” (can cause division). Ông Phong nói tiếp: “Tôi nói trong tương lai”.

 

Trạng sư Catlin hỏi vậy có phải là ông đã thay đổi lời khai không, ông Phong nói không.

Trạng sư hỏi ông Phong ngày hôm qua ông đã hỏi ông Phong về sự phá hoại, hôm nay ông Phong nói phá hoại, vậy thì phá hoại cái gì?

 

Ông Phong nói phá hoại (undermine) chính nghĩa của người Việt.

 

Nói về sự phá hoại, tòa được biết có những bài viết trên báo Úc liên quan đến ông Nguyễn Thế Phong và qua các câu hỏi của trạng sư Catlin, ông Phong tin rằng các bài báo này phá hoại cộng đồng, có thể gây ảnh hưởng về việc xin tài trợ (fund) của chính phủ.

 

Nhưng ông Phong không nghĩ rằng ông Ẩn là cái gai như trạng sư Catlin đề nghị bởi ông Phong cho rằng “đây là xứ tự do, ông ta (Võ Long Ẩn) có quyền nói với báo chí.

 

Trạng sư đề nghị ông Phong đã tìm cách nói sao để tránh buộc ông Ẩn làm tay sai cho cộng sản, tuy nhiên trong biên bản trước tòa ông Phong đã ám chỉ ông Ẩn làm việc đó, nhưng ông Phong nói ông đã chẳng làm việc đó.

 

Võ Long Ẩn (mép phải) không có mấy người ủng hộ đến dự các phiên xử.  Hình Văn Nguyễn 

 

Các nhân chứng của ông Phong

 

Những nhân chứng của ông Phong bao gồm một nhân viên của Crown Casino đều nói tiếng Anh trực tiếp với các trạng sư trong phiên xử, trừ bà Văn Ngọc Đạm phải sử dụng thông dịch viên.

Để rút ngắn và chấm dứt bài tường thuật trong số báo này, chúng tôi tóm gộp cả phần chất vấn và đối chất vào một.

 

Nhân chứng đầu tiên là ông Châu Xuân Hùng, cựu chủ tịch Hội Cộng Đồng NVTD Victoria, giữ chức này giữa hai nhiệm kỳ bốn năm của ông Phong (ghi chú của TVTS, ông Phong đã làm chủ tịch cả thảy 4 nhiệm kỳ  trong 8 năm và cũng vì vậy đã gây sự chống đối và chỉ trích dữ dội trong một thời gian dài bởi các đoàn thể và thành viên trong Hội Cộng Đồng khi ông ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba).

 

Ông Châu Xuân Hùng hiện là phó chủ tịch Ngoại vụ của Hội Cộng Đồng.

Tòa được nghe ông Hùng có mặt trong phiên họp ngày 15.3.2010. Theo lời ông Hùng, có hai người đưa ra nghị quyết (motion) và có khoảng 90% người hiện diện tán thành Nghị quyết đòi hỏi Hội Thiện Chí Tị Nạn Việt Nam giải thích và tạm ngưng tư cách thành viên của ông Võ Long Ẩn.

 

Tòa được nghe ông Hùng không nhớ đã có nghe ai đòi giết ông Ẩn không, nhưng không nghe ai nói cha mẹ ông Ẩn lấy chó, lấy quần trùm lên đầu ông Ẩn.

 

Được hỏi những người trong buổi họp có tức giận không khi nghe chuyện ông Ẩn phá hoại cộng đồng, ông Hùng trả lời: “Tôi không hài lòng. Tại sao ông Ẩn phải làm như vậy”.

 

Ông Hùng giải thích phá hoại (undermine) cộng đồng tức là làm lợi (benefit) cho cộng sản. Trong thời gian ông làm chủ tịch Hội Cộng Đồng chỉ có một vụ Hội Cộng Đồng lên án phá hoại.

 

Theo ông Hùng, nếu có ai trong cộng đồng bị tố cáo phá hoại cộng đồng thì danh tiếng của người đó sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

 

Người tiếp theo là Bon Nguyễn, hiện là chủ tịch Hội Cộng Đồng.

 

Như thông lệ, các nhân chứng được trạng sư của bên phe mình hỏi tên tuổi, địa chỉ, bằng cấp (nếu có), nghề nghiệp và vai trò trong Hội Cộng Đồng.

 

Tòa được nghe cuộc biểu tình tại Crown Casino có khoảng 30 người. Vụ sòng bài Crown Casino gởi email cho Hội Cộng Đồng nói về một người điện thoại báo tin cho họ có biểu tình là lý do dẫn đến cuộc họp và sau đó là vụ kiện đang diễn ra trước tòa.

 

Tòa được nghe trong phiên họp có khoảng 60 người và hai người đưa ra nghị quyết là bà Bé Hà và ông Nguyễn Quốc Thịnh.

 

Ông Bon đã không nghe  ông Vũ đòi ông Phong phải rút lại lời cáo buộc ông Ẩn vì không có bằng chứng.

 

Ông Bon không nghe ai đòi đánh ông Ẩn. Không nghe cha mẹ ông Ẩn lấy chó, ông Ẩn là con của chó và cũng không nghe ai đòi trùm quần lên đầu ông Ẩn.

 

Sau ông Bon Nguyễn, các nhân chứng kế tiếp là ông Glenn Clark từ Crown Casino; cô Nguyễn Phượng Vỹ, một thành viên trong Ban chấp hành Hội Cộng Đồng.

 

Qua ngày 18.3.2010 là ngày thư bảy của phiên xử, hai người khác ra làm chứng là cô Trịnh Mai Lan, tổng thư ký của Hội Cộng Đồng và bà Văn Ngọc Đạm người đã đóng góp cho Ủy ban Pháp lý của ông Phong và là người đã dựng “Ngôi Nhà Việt Nam” trong hội chợ tết của Hội Cộng Đồng ở Sandown.

 

Sau phần chất vấn và đối chất, bồi thẩm đoàn được phép rút lui và thì giờ còn lại là sự thảo luận giữa các trạng sư và bà quan tòa, chuẩn bị cho bài diễn văn kết thúc vào ngày mai.

 

…Trong khi Nguyễn Thế Phong luôn có một đoàn người ủng hộ vây quanh.  Hình Văn Nguyễn

 

Bài diễn văn kết thúc

 

Ngày 19.3.2010 là ngày thứ tám của phiên xử.

 

Theo thông lệ, nếu bên bị kiện không đưa ra nhân chứng thì trạng sư của họ sẽ là người nói sau cùng. Cũng theo truyền tụng và được nhiều người tin, người nói sau cùng sẽ có lợi thế hơn người nói trước. Bởi những gì vị trạng sư nói đầu tiên có thể sẽ không được bồi thẩm đoàn nhớ bằng vị trạng sư cuối cùng. Trong các vụ kiện, có những trạng sư của bị đơn (người bị kiện) sẽ khuyến cáo thân chủ mình không ra làm chứng hay mời người ra làm chứng để được lợi thế là người đọc diễn văn sau cùng. Đó là một chiến thuật nhưng hiệu quả hay không còn tùy và cũng khó mà xác định.

 

Bởi ông Phong có ra làm chứng và có đưa người ra làm chứng, trạng sư của ông là người đọc diễn văn kết thúc đầu tiên.

 

* * *

 

Trạng sư  Matthew Collins, một người có bằng tiến sĩ, trình bày về định nghĩa sự mạ lỵ và sau đó đưa ra những lý lẽ để thuyết phục bồi thẩm đoàn. Ông kê ra trường hợp từng người ra làm chứng cho ông Phong, kể những gì những người này nói và cho rằng tất cả các nhân chứng đó đều đáng tin.

 

Như  ông Bon Nguyễn bàn với ông Phong làm sao có thông cáo tốt nhất mà không nêu đích danh ông Ẩn, là người đã  không nghe ông Phong nói ông Ẩn là cộng sản, tay sai cộng sản, không nghe nói ông Ẩn là con của chó, đòi trùm quần lên đầu Ẩn, không nghe ông Vũ yêu cầu ông Phong rút lại lời nói.

 

Tòa được nghe ông Clark ngạc nhiên sao lại có chuyện biểu tình chống Crown Casino; Phượng Vỹ đã mất một thời gian suy nghĩ để tự dịch trong đầu tiếng Việt ra tiếng Anh; Mai Lan có nhiệm vụ ghi biên bản đã trả lời không đối với các cáo buộc của ông Ẩn; và bà Đạm một người chỉ nói

tiếng Việt là những người đáng tin.

 

Về sự khả tín (balance of probability),  trạng sư Collins nói có một nhân chứng không đáng tin là ông Trần Đức Vũ (Vương Thiên Vũ), là người nói ông Phong nói ông Ẩn là cộng sản, tay sai cộng sản; là người nói nghe người khác nói ông Ẩn là con của chó.

 

Và để kết luận, trạng sư Collins đề nghị với bồi thẩm đoàn: “quý vị cần phải thỏa mãn với những gì nói rằng ông Phong nói ông Ẩn là cộng sản”.

 

Nguyễn Thế Phong (mép trái) và những người ủng hộ chụp hình trước tiền đình tòa sau ngày thứ 10 của phiên tòa.  Hình Văn Nguyễn

 

 

Trạng sư James Catlin  của ông Ẩn trong bài diễn văn cuối cùng đề nghị bồi thẩm đoàn xem xét hai điểm:

 

1) Ông Phong có nói như bị tố cáo hay không?

 

2) Và nói như vậy có mạ lỵ không?

 

Và trong khi trao cho bồi thẩm đoàn tập bằng chứng để họ đọc trong phòng nghị luận, trạng sư Catlin  xin bồi thẩm đoàn nhớ lại rằng ông Phong đã nói phải coi chừng khi viết vì cộng đồng sẽ theo dõi kỹ càng, là bằng chứng mà bồi thẩm đoàn đã nghe trên bục chứng.

 

Rồi trạng sư Catlin nói tiếp: “Thưa quý vị, ông Vũ là ai? Là chủ tịch Hội đồng Tư vấn Giám sát. Ông ta ở đó để giám sát, quan sát ông Phong. Ông Phong nói ông Vũ có ở đó, có ghi xuống giấy. Đó chính là lời ông Phong nói”.

 

Và tòa được nghe trạng sư trình bày tiếp như sau:

 

– Cô Mai Lan không nghĩ phải ghi xuống giấy những lời mạ lỵ, vì nội quy không bắt buộc cô phải làm như vậy, nhưng ông Vũ thì có ghi xuống.

 

– Ông Vũ là một người già. Phong tục Việt Nam trọng người già. Quý vị có nghĩ ông ta là người đáng khinh bỉ (ratbag) không? Không!

 

– Mỗi người, cả quý vị, mỗi người có cách ghi chú khác nhau.

 

-Nguyễn Hải Đăng đáng tin dù không nhiệt huyết.

 

– Lời ông Phong dùng để mô tả trong cuộc họp ngày 15.3, denunciation, denounce (tố cáo, vạch mặt) có nghĩa gì? Ông Phong nói về ông Ẩn là người tấn công (attack) cộng đồng Việt Nam.

 

– Chuyện ông Ẩn là điểm chính của nghị trình. Và theo ông Vũ đã có sự giận dữ, ầm ĩ là do những gì ông Phong nói về ông Vũ.

 

– Ông Phong không nói ông Ẩn là cộng sản, nhưng ông Phong nói việc làm của ông Ẩn có lợi cho cộng sản.

 

– Ông Clark nói ông Ẩn là người nổi tiếng gây rối (trouble maker) trong cộng đồng nhưng cú điện thoại ngày 12.2 chỉ là cơn bão trong chén trà. Về việc ông Ẩn phá hoại cuộc biểu tình: ông Ẩn đã không phá hoại gì trong cuộc biểu tình này cả. Cú điện thoại đó không ảnh hưởng gì đến cuộc biểu tình. Ông Phong làm chủ tịch 4 nhiệm kỳ, tổ chức trên 10 cuộc biểu tình, tại sao ông ta tin một cú điện thoại lại ảnh hưởng đến cuộc biểu tình.

 

– Chiếu theo nội quy, người đó phải được gọi đến. Tại sao ông Phong không mời ông Ẩn đến. Tại sao không đợi thêm một thời gian?

Kết luận, trạng sư Catlin nói rằng ông Phong có trong đầu óc một chương trình để làm tê liệt ông Ẩn.

 

Bà chánh án hỏi trạng sư tại sao không ai nói về sự ám chỉ (imputation), trạng sư  Catlin nói ông đã nói trong lời mở đầu rồi.

 

Sau khi hai trạng sư nói họ không còn gì để bàn thảo thêm, bà quan tòa nói ngày mai bà sẽ hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn trước khi họ rút lui vào phòng nghị luận để đưa ra kết luận.

 

Phe Nguyễn Thế Phong phân phát và  giăng cờ VNCH trước tòa để mừng thắng kiện.  Hình Văn Nguyễn

 

 

 

Lời kết

 

Và những diễn biến sau đó đã được TVTS trình bày trong những số báo trước. Hy vọng loạt bài này đã “mua vui cũng được một vài trống canh” cho những độc giả nào không có dịp tham dự phiên tòa này.

 

Nguyễn Hồng Anh và Văn Nguyễn là những người theo dõi phiên tòa này, có ghi chép lại và trong bài tường thuật về phần chất vấn và đối chất ông Võ Long Ẩn trên bục chứng, đã có tham khảo biên bản của tòa (court transcript)  để bảo đảm sự trung thực.

 

Tuần qua, có một độc giả gọi điện thoại cho tòa soạn TVTS hỏi về trường hợp cấp bậc cũ của ông Võ Long Ẩn, cho rằng trong khi TVTS ghi cấp bậc trung sĩ nhất—tức hạ ông Ẩn xuống, thì có báo Việt ngữ khác ghi là đại úy biệt kích– nâng ông Ẩn lên, vậy thì tin báo nào đây?

 

Chúng tôi xin trả lời: Trong phiên tòa, chúng tôi chỉ nghe ông Ẩn nói ông ta là trung sĩ nhất, không nghe nói đại úy.  Biên bản của tòa ngày 10.3.2010 ở trang 42 giòng 13 ghi “… I become the first sergeant…” không thấy có chữ captain.

 

Chúng tôi chỉ ghi lại những gì được nói trên bục chứng như tựa của loạt bài Tòa đã được nghe những gì trên bục chứng?, ngoài ra cấp bậc của ông Ẩn  –trung sĩ nhất hay đại úy– là điều không quan trọng hay liên quan (irrelevant) trong bài tường thuật về vụ kiện này.

 

 

(TVTS – 1257)