Tàu chở khách du lịch từ Vũng Tàu về Sài Gòn gặp tai nạn, thủng đáy

09 Tháng Tư, 2009 | Tin thể thao

 









Chiếc tàu cánh ngầm xảy ra tai nạn


 


Vào tối Thứ Tư vừa qua, chiếc tàu chở khách du lịch trong đó có người ngoại quốc đang trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Nhưng khi cách bến Bạch Đằng khoảng 2 cây số, tàu đụng vào các phao tàu biển làm hầm tàu rách, nước tràn vào khiến 79 hành khách một phen hoảng vía vì nghe nói trên tàu không có đủ phao cứu hộ.


 


Tàu chở du khách với tốc lực nhanh này được gọi là “tàu cánh ngầm” đang chạy với tốc độ 53 cây số giờ khi xảy ra tai nạn. Nước sông tràn vào khoảng 1 mét. Tin sơ khởi cho hay có thể do trời tối nên thuyền trưởng không thấy các phao tàu biển.


 


Báo VnExpress hôm qua đã tường thuật về tai nạn này như sau:


 


 


Tàu cánh ngầm gặp nạn qua lời kể của hành khách


“Tôi đang ngó ra cửa sổ, bỗng tiếng rầm vang lên. Tàu đột ngột dừng lại, nghiêng sang một bên sau cú lắc dữ dội. Lúc ấy là 18h30”, một nữ hành khách trên chiếc tàu cánh ngầm Green Line 11 bị thủng tối 8/4, kể lại.


Lúc đó, theo lời vị khách này, dù chưa hiểu chuyện gì, nhưng mọi người đều biết có chuyện không hay. Cánh đàn ông trấn an: “Tất cả bình tĩnh…”. Cùng lúc tàu dừng hẳn, mạn phải của tàu ghim sâu vào vật gì đó mà sau này mọi người mới biết đó là phao biển trên sông. Thoáng im lặng, rồi một khách la lên: “Trời ơi, tàu chìm rồi, nước nhiều quá “…


 









Nữ du khách Gia Nã Đại bị thương do kẹt chân lúc chạy lên nóc tàu


 




Cảnh hỗn loạn bắt đầu diễn ra trên tàu. Mọi người chen chân tìm áo phao và chia cho nhau. “Choàng vội áo, tôi nhảy ra khỏi ghế. Mọi người chạy nháo nhào ra hai cửa bên hông tàu nhưng rất đông người, kèm theo những tiếng la hét. Giữa lúc ấy, tôi lại chạy về phía khoang sau – nơi phòng máy có đường thông lên nóc và nghĩ là mình sẽ an toàn hơn khi lên cao nhất”, hành khách nữ kể lại.


Có một phụ nữ người nước ngoài bị rơi tõm vào cái hố. “Bà ta la hét, tôi cùng vài người nữa nắm tay kéo bà lên trong cơn hỗn loạn. Ngó sang bên, tôi thấy cô nhân viên phục vụ tàu bị thương, máu chảy đầy mặt. Một người nào khác cũng kêu rên nhưng vẫn cố ra ngoài tàu thoát thân”, vị khách nữ tả.


 


Mọi người kéo nhau lên nóc tàu để tìm sự an toàn nhất. Thấy vậy, vị thuyền trưởng và nhân viên trấn an: “Mọi người bình tĩnh, mặc áo phao vào, chúng ta chờ một lát, sẽ có tàu cứu hộ đến ngay”.


 


Trong lúc đứng trên nóc chờ đợi, nhiều hành khách móc điện thoại ra gọi cho người thân, bạn bè. “Em chắc chết quá anh ơi. Tàu chìm rồi”, một cô gái khóc qua điện thoại… Khi ấy, trong khoang, hành lý, vật dụng… ngập trong nước.


 








Du khách ngoại quốc chờ tìm hành lý bị thất lạc

 


Kể lại với VnExpress.net sáng 9/4, giọng của kỹ sư ngành dầu khí người Canada Jay Elliott vẫn còn run. “Tàu bất ngờ bị một cú va đập cực mạnh, sàn rung lắc và dội về phía sau. Mọi người ngồi trên ghế đều chúi đầu mạnh về phía trước. Quang cảnh y hệt như đang ngồi trên một chiếc xe hơi bị thắng gấp khi va phải vật cản”, anh Jay bắt đầu câu chuyện.


 


Jay cho biết, không hiểu tại sao chỉ trong phút chốc, sàn tàu bị ngập nước dù vào thời điểm đó sàn hoàn toàn không bị tác động bởi cú va chạm. Sau đó, tàu ngưng lại, đèn trong tất cả các khoang vụt tắt tối om, rồi sáng trở lại. Mọi việc xảy ra trong khoảng 2 phút. Có một nữ nhân viên người Việt nói với hành khách: “Mọi người ngồi yên tại chỗ. Ổn cả rồi!”. Jay thật sự muốn tin lời cô ấy nhưng anh biết tàu va phải vật nặng và nó hoàn toàn không ổn chút nào.


 


Cùng với Jay, vợ và mẹ anh ngồi ở khoang giữa tàu đều rất hoảng hốt. Trong lúc hỗn loạn, Jay vớ được hai cái áo phao, trong khi rất nhiều người vẫn đang nháo nhác tìm kiếm. Anh đưa áo cho mẹ nhưng bà to mập, không vừa nên đành cầm trên tay. Còn Jay và vợ thì không biết làm cách nào mặc áo và thắt các nút cho thật chặt. Nhiều người kiếm được áo cũng chịu cảnh lóng ngóng như họ.


 




Jay chạy ra phía sau tàu và thấy có một cầu thang dẫn lên nóc, định quay lại dẫn người thân lên nóc thì bỗng nghe mẹ anh thét to đau đớn. “Sàn tàu bị thủng một lỗ, nước tràn vào ồ ạt và mẹ tôi bị trượt ngã, rơi cả thân người xuống lỗ, bà dùng hai tay níu vào thành tàu phía trên. Cái lỗ này nằm ở trên sàn, phần giữa thân tàu. Nước đang tràn vào rất nhanh. Tôi rất hoảng sợ. Mẹ tôi như đang sắp chìm mất vào cái lỗ òng ọc nước đó”, Jay nhớ lại.


Nhờ sự giúp đỡ của hành khách khác, Jay kéo được mẹ lên khi chân bà bị vết cắt khá sâu, máu đổ nhiều.


 









Du khách sợ hãi khi phải chờ đợi quá lâu trên tàu bị nạn. Hình phải: Jay Elliott vẫn còn sợ khi kể lại tai nạn


 


Trên nóc tàu, mọi người ngồi bên nhau trong bóng tối, cố kêu cứu để những tàu đánh cá gần đó nghe thấy. “Lúc đó, tôi chỉ cầu xin cho tàu chìm chầm chậm thôi. Tôi lo cho người thân của mình và không biết phải bơi bao xa, bơi thế nào là đúng hướng”, viên kỹ sư nói. Khoảng 20 phút sau, nhiều chiếc ghe lần lượt đến để cứu mọi người lên bờ an toàn.


 


“Tôi có cảm giác tàu quá lâu rồi không được nâng cấp và sữa chữa. Vì thế, sàn dễ dàng hỏng ngay cả khi người ta chỉ đi trên nó”, Jay nói. Viên kỹ sư này cũng thắc mắc, tại sao trên tàu không có pháo sáng để kêu cứu? Trước khi lên tàu không có ai hướng dẫn hành khách áo phao đang ở đâu và cách mặc áo thế nào cho an toàn?


 


Tuy nhiên, Jay cũng cho biết, anh rất cảm động khi ban lãnh đạo tàu đã xin lỗi gia đình anh và đền bù các phí tổn sau vụ tai nạn.


 



(Hình của VnExpress)