Nhân Quốc Khánh, lễ Độc Lập 2/9, trích câu nói của CTN Nguyễn Xuân Phúc và phản biện của một vài trí thức

07 Tháng Chín, 2022 | Tin Việt Nam,Bình Luận
Từ trái: Nguyễn Xuân Phúc, Đức Huy, Phạm Đình Trọng. Hình trên mạng

Nhân dịp cái gọi là này “quốc khánh” và “lễ độc lập” của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, TVTS online trích một số phát biểu, bài viết liên quan đến ngày này và đảng CSVN:

Đốt cháy cả dãy Trường Sơn

Báo mạng vtv.vn ngày 4/9/2022 trích lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”:

“Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, 53 năm ngày Bác Hồ đi xa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Lán Nà Nưa, Bác Hồ đã nói câu bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Còn tại Đình Hồng Thái, trước Quốc dân Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề quyết tâm giành độc lập dân tộc”.

Đây là một câu nói mà ở thời đại này, sẽ bị lên án vì tội ác phá hoại môi trường, thiên nhiên. Hồ Chí Minh cũng đã từng nói nếu cần phải hy sinh một triệu thanh niên để chiếm Miền Nam thì ông vẫn làm. Ông ta đã làm khoảng 3 triệu người VN chết qua cái gọi là “giải phóng Miền Nam”.

Nguyễn Ái Quốc là ai?  HCM là kẻ cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập?

Nhân ngày sinh nhật của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức Trương Huy San viết trên facebook một bài, TVTS xin trích dẫn đoạn đầu liên quan đến bà Nguyễn Thị Bình và Hồ Chí Minh:

“Cách đây hơn mười năm, trong một cuộc thảo luận, nhiều người, trong đó có bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi, “Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua” [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours, năm 1920].

Sáng nay, 5-9-2022, tôi gọi điện thoại vào Hội An chúc mừng sinh nhật ông và xin ông cho phép tôi nhắc lại câu chuyện “từ Đại hội Tours”. Ông nói, “Được nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình”. “Bà Bình phản ứng sao ạ?”. “Bà ấy im lặng”.

Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh. Ngày 19-6-1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”.

Linh hồn của bản “Yêu sách” này là các trí thức lớn – Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền – những người kiên trì chủ trương, “Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập”.

Lạc bước hay phạm tội ác?

Cựu đại tá quân đội CSVN,nhà văn Phạm Đình Trọng viết bài “Gần một thế kỷ lạc bước” gồm nhiều phần, đăng trên mạng Tiếng Dân. TVTS xin trích vài đoạn:

“Cách mạng tháng tám 1945 chặt đứt gãy tiến trình lịch sử Việt Nam, đưa xã hội Việt Nam lùi về thời phong kiến, người dân chỉ là bầy đàn không có cá nhân…

Tư tưởng cách mạng tư sản dân quyền đã tạo ra những trí thức và những nhà chính trị lớn mang tinh thần yêu nước, chí quật cường giành độc lập bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng sức mạnh văn hoá dân tộc và bằng sức mạnh dân trí. Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Trần Trọng Kim, Lưu Văn Lang, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Truyền, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Ngọc Anh… là những tâm hồn và trí tuệ Việt Nam thời loài người bước vào xã hội công nghiệp, khẳng định sự có mặt dân tộc Việt Nam trên con đường loài người đi đến văn minh công nghiệp. Những tên tuổi đưa xã hội Việt Nam hoà nhập với thế giới, hoà nhập với xu thế giành độc lập dân tộc bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng sức mạnh dân trí…

Đảng cộng sản cai trị Việt Nam thực sự là quốc tế cộng sản độc tài cai trị Việt Nam. Đất nước không có độc lập. Lãnh thổ thiêng liêng không còn toàn vẹn. Người dân không có tự do. Trong nô lệ thực dân Pháp, người dân Việt Nam vẫn có quyền tự do ứng cử, bầu cử vào nghị viện của dân, có quyền ra báo tư nhân. Trong nhà nước độc tài cộng sản, người dân Việt Nam trắng tay cả những quyền con người, quyền công dân tối thiểu, sơ đẳng. Tự do báo chí là bảo đảm cơ bản nhất của tự do ngôn luận. Trong nhà nước độc tài cộng sản, người dân Việt Nam không có quyền ra báo tư nhân là mất quyền tư do ngôn luận triệt để nhất, đau đớn nhất, mất quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người…”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết comment:

“Xin nhiệt liệt hoan hô và cám ơn nhà báo Phạm Đình Trọng đã viết một bài rất hay, Tuy vậy xin mạo muội góp vài ý. Nội dung chủ yếu của bài nhằm phê phàn ĐCSVN, vì vậy đầu bài “Gần một thế kỷ lạc bước” dễ bị hiểu nhầm là ĐCS lạc bước. Thật ra ĐCS không hề lạc bước mà đã phạm tội ác, dùng bạo lực và lừa dối. còn dân tộc bị dẫn đi lạc lối. Tội ác có nhiều, rõ ràng nhất là 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, phá nát các có sở của văn minh và tiến bộ, vừa mới manh nha để tạo nên chế độ phong kiến công sản. Tội ác lớn nhất nhưng được che dấu phần nào la quy phục Tàu cộng hủy hoại tầng lớp tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực, áp đặt chuyên chính vô sản, làm ngu dân, biến nhân dân thành vịt, thành cứu để dễ thống trị và áp bức. Tác giả bài báo quá nhấn mạnh đến 30 năm thực hành chuyên chính vô sản. Ba mươi năm chiến tranh, cón vô sản chuyên chính kéo dài mãi đến bây giờ và chưa biết đến bao giờ chứ không phải chi trong 30 năm như một số chỗ tác giả đề cập trong bài”.

Quốc Khánh

Nhà báo Nguyễn Thông viết trên facebook bài  “Quốc Khánh”. TVTS xin trích vài đoạn về cảm tưởng, suy nghĩ của nhà báo này:

“Hôm nay 2.9, xứ này gọi là ngày quốc khánh, hoặc ngày độc lập…

Hồi tôi còn bé, học cấp 1, trong sách tập đọc có bài thơ, rằng “Ngày mùng 2 tháng 9/Ngày sinh của nước ta/Tháng 10 ngày mùng 1/Quốc khánh nước Trung Hoa/Nước Việt Nam gan dạ/Có Trung Hoa anh hùng/Bên nhau luôn sát cánh/Tiêu diệt kẻ thù chung/Việt Nam có bác Hồ/Trung Hoa có bác Mao/Nhi đồng cả hai nước/Yêu hai bác như nhau…

Thế giới, nước người ta đều có quốc khánh nhật, nhưng hầu hết chỉ nhắc nhớ, kỷ niệm một cách đơn giản, gọn nhẹ, hiền hòa, thậm chí lặng lẽ. Điều mà họ quan tâm là cuộc sống mỗi ngày của người dân được hạnh phúc, đầy đủ, vui vẻ, yêu thương, xã hội được an lành…

Thói màu mè, hình thức, băng rôn cờ quạt thường chỉ thấy ở những nước cộng sản, xã hội chủ nghĩa, như Liên Xô, Trung Quốc, Việt nam, Triều Tiên, Cuba… Thôi thì “trăm nghìn đổ một trận cười như không”, ném tiền qua cửa sổ, chỉ nhằm đạt mục đích tuyên truyền, để dân chúng giả vờ hạnh phúc, giả vờ sung sướng, tự hào.

Bằng chứng rõ nhất là năm nay xứ ta kỷ niệm quốc khánh lần thứ… 77, giời ạ. Cũng lễ lạt, đít cua, ông to bà nhớn làm long trọng viên, cờ quạt băng rôn đỏ rực, tivi ầm ào, báo chí sặc sỡ. Tốn vào đó không biết bao nhiêu là tiền, cho một cuộc vui che giấu thực tại…

Cần thay đổi ngay thứ tư duy cờ đèn kèn trống ấy đi, hãy tụt xuống khỏi đám mây hoang tưởng đi, để trở về thực chất. Đồng tiền muôn vạn từ mồ hôi nước mắt của dân chi vào trò này, tôi nói thật, hãy chi thẳng cho người dân, ít nhiều cũng giúp họ thoát phần nào cái mà các ông bà gọi là “nghèo bền vững”. Đó mới là thực chất của quốc khánh, của lễ kỷ niệm có ý nghĩa trong một xã hội văn minh…