Nạn chạy án ở Việt Nam: một thẩm phán nhận hối lộ bị phạt 15 năm tù

04 Tháng Hai, 2009 | Tội phạm

 








Thẩm phán Vũ Văn Lương trước tòa

 


Ở Việt Nam có cụm từ  “chạy án” để chỉ việc dùng tiền bạc đút lót cho các luật sư bào chữa, thậm chí cho các thẩm phán hay những người trong hội đồng xét xử của các tòa án. Vì tham nhũng hối lộ là nếp sống “bình thường” ở xã hội Việt Nam ngày nay, nên bản tin một thẩm phán hối lộ bị tù cũng trở nên bình thường như các loại tin “xe cán chó” khác.


 


Trong mấy ngày qua, trên báo điện tử ở Việt Nam như VnExpress có những bản tin như “Chánh án ép đương sự trả tiền ăn nhậu”, “Nữ thẩm phàn chạy án ma túy”. Và tin sau đây cũng chỉ là một trong nhiều tin tham nhũng hối lộ ở các tòa án Việt Nam.


 


 


Đường vào tù của một thẩm phán


 


Từng là người có “quyền lực” nhất trong phòng xử án, uy nghi ngồi ghế quan tòa, vậy mà giờ đây ông cúi đầu trước vành móng ngựa, “dạ, thưa” trả lời hội đồng xét xử.


 


Nhìn ông trong “đồng phục” dành cho bị cáo với chiếc áo khoác màu da bò, đi dép lê, đôi tay bị còng chậm chạm bước ra từ xe chở phạm nhân, nhiều thẩm phán đồng nghiệp không khỏi chạnh lòng. Hàng chục năm công tác trong ngành tòa án, ông từng có những cống hiến đã được ghi nhận nhưng lúc sắp tới tuổi nghỉ hưu thì lại vướng vòng lao lý.


 


Con đường vào tù của ông Vũ Văn Lương, nguyên thẩm phán TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – bắt nguồn từ một vụ án dân sự mà ông được giao phân xử.


 


Tháng 2/2008, ông thụ lý vụ kiện tranh chấp gần 3 m2 công trình phụ giữa hai hộ gia đình tại nhà 90 phố Hàng Gai.


 


Theo tố cáo của người bị kiện là ông Vũ Đình Tiến, trong quá trình giải quyết vụ việc, thẩm phán Lương đã có hành vi đòi hối lộ. Ba đĩa CD ghi các cuộc trao đổi giữa ông Tiến và ông Lương về việc làm lại hồ sơ theo hướng có lợi cho ông Tiến đã được đương sự gửi tới Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội.


 


Theo đó, ông Tiến sẽ phải đưa “lót” tay thẩm phán Lương 150 triệu đồng. Tiền đưa làm 2 lần, đầu tiên là 70 triệu đồng. Ngày 15/6/2008, tại một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt, cơ quan điều tra đã bắt quả tang việc giao nhận số tiền trên.


 


Quá trình xác minh, công an đã làm rõ ông Lương từng gặp riêng đương sự Tiến tại phòng làm việc, trao đổi qua điện thoại, thậm chí còn cho xem trước dự thảo bản án, “gợi ý” cách giải quyết những bất lợi của ông Tiến để không bị xử thua trong vụ kiện này.


 


Trong phiên xử ông Lương tại TAND Hà Nội, khác với nhiều vụ án, người dự khán phần đông là thẩm phán. Nhiều quan tòa đã không nén nổi tiếng thở dài mỗi lần nhìn đồng nghiệp của mình giờ ngồi băng ghế dành cho bị cáo, đau đáu nhìn người thân ở phía sau, hay xin phép chủ tọa được ngồi vì tuổi cao không đứng lâu được.


 


Dù ông Lương một mực bảo không hề có ý định “ăn tiền” của đương sự nhưng lý do của việc ông bất chấp quy định của ngành tòa án, đạo đức thẩm phán qua hàng loạt những việc làm trên đã không thể thuyết phục được HĐXX, cũng như “chọi” lại với các chứng cứ điều tra.


 


HĐXX khép ông tội nhận hối lộ với mức án 15 năm tù. Ông được giảm nhẹ một phần hình phạt do tòa xác định cựu thẩm phán này đã “không làm chủ được bản thân trước sự tác động của ông Tiến”.


 


Nghe tòa tuyên án, ông Lương bình thản, với kinh nghiệm thẩm phán dường như ông đã tiên lượng trước mức án dành cho mình trong khung hình phạt truy tố của VKS. Sau những cái vỗ vai, câu nói an ủi của đồng nghiệp, ông theo cảnh sát áp giải trở về trại giam.


15 năm tù cho việc đòi “lót tay” 150 triệu đồng là bài học đắt giá với cựu quan tòa này.