Tập phải đối phó với thù trong giặc ngoài

10 Tháng Mười Một, 2022 | Tin thế giới,Bình Luận
Bức hình “lịch sử”: Hồ Cẩm Đào bị Tập Cập Bình tống cố khỏi đại hội 20. Photo courtesy: Reuters

Phải nói rõ trước, thù trong của Tập Cận Bình là phe phái của Hồ Cẩm Đào, giặc ngoài là Hoa kỳ và các nước dân chủ Tây phương. Cả hai kẻ thù này tồn tại song hành từ trước và trong thời gian tới cho đến khi triều đại của Tập hoàng đế chấm dứt.

Như đã nói trong bài xã luận tuần trước, buổi lễ bế mạc Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Hoa (Trung Cộng) đã chấm dứt đầy kịch tính. Tân Hoa Xã đưa ra bản tin nói ông cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được đưa ra khỏi hội trường vì lý do sức khỏe nhưng không thể thuyết phục người trong nước họ nói gì đến người bàng quan bên ngoài bức tường sắt Trung Cộng. Hồ Cẩm Đào đã tham dự đại hội bảy ngày, việc ông Hồ sau nhiều lần cưỡng lại để tiếp tục ngồi, đã đi một cách nhanh nhẹn khi bị xốc nách đẩy đi, cho thấy Hồ không có dấu hiệu bệnh hoạn hay sức khỏe kém trong khi Tập Cận Bình có vẻ thản nhiên, thỉnh thoảng biểu hiệu chút khó chịu và phần lớn cấp lãnh đạo ngồi ghế sau hay cùng hàng nhìn về phía trước, coi như không có chuyện gì đang xảy ra trước mắt họ.

Cuốn video mới nhất (cho đến cuối tuần qua) dài gần ba phút của Channel News Asia có trụ ở Singapore là một tài hiệu quý hiếm đi vào lịch sử dù nó được dàn dựng hay do tình cờ mà từ đó, người ta có thể đồ đoán tương lai của chế độ cộng sản do Tập lãnh đạo.  Hồ là người được  xem ôn hòa, hướng ngoại trong tinh thần hợp tác cùng có lợi trong khi Tập chủ trương bành trướng, đối đầu và cô lập với thế giới tây phương.

Giờ đây những người ôn hòa thuộc phe Hồ không còn trong guồng máy lãnh đạo tối cao của đảng. Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Chính hiệp  Uông Dương, Trưởng ban Thường vụ Đại biểu Nhân dân Lật Chiến Thư và Phó Thủ tướng Hàn Chính không còn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Hồ Xuân Hoa, một ngôi sao của Đoàn, còn trẻ mới 59, tuổi tưởng rằng sẽ là thủ tướng nhiệm kỳ mới lại cả không được lọt vào Bộ Chính trị.  Nói tóm lại, hầu hết 24 người trong Bộ Chính trị và bảy người Thường vụ Bộ Chính trị đều là người phe của Tập. Nên trong nhiệm kỳ thứ ba này, Tập có quyền sinh sát trong tay đối với những phe nhóm chống đối còn sót lại trong hai nhiệm kỳ vừa vua. Với quyền hạn tuyệt đối, Tập sẽ mở rộng sự bành trướng, tìm cách mua chuộc, đe dọa. thậm chí gây chiến nhất là đối với Đài Loan.

Nhưng Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden cho thấy nước này sẽ không nhường bước hay khuất phục trước những nhà nước độc tài. Ông Biden đã hơn bốn lần nói nếu Đài Loan bị tấn công, Mỹ  sẽ nhập cuộc. Tuần qua, Ngũ Giác đài nói rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng nguyên tử nếu  “lợi ích sống còn” của Mỹ và đồng minh bị xâm phạm. Đấy không phải là lời hù dọa như của Putin đối với Ukraine hay Tập với Đài Loan.  Bởi vì Mỹ chưa xuống dốc như người ta lầm tưởng. Trung Cộng có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiệm kỳ thứ ba hay thứ tư của Tập bởi họ có đến 1.4 tỉ dân (hơn bốn lần Mỹ) nhưng nếu có thêm một cuộc thế chiến thứ ba, Hoa Kỳ vẫn sẽ là cường quốc quân sự bậc nhất. Hai trận thế chiến đã chứng tỏ điều đó.

Chỉ xảy ra ở những nước Tây phương

Chúng ta đã chứng kiến lần đầu tiên Hoa Kỳ có một phó tổng thống là một phụ nữ, một người da màu gốc Phi châu. Nhưng Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ là người có quyền lực hàng thứ hai (hay chẳng có quyền bao nhiêu vì chỉ là bà phó). Nhưng thế giới vừa chứng kiến một sự kiện độc đáo là lần đầu tiên Vương quốc Anh có một thủ tướng da màu gốc Á châu: ông Rishi Sunak, con di dân gốc Ấn Độ.  Sunak là một vị thủ tướng Anh trẻ nhất trong vòng 200 năm qua, một thủ tướng giàu nhất, một thủ tướng duy trì lễ tục Ấn giáo trong Quốc hội và trong tòa nhà số 10 Downing Street dịp lễ hội ánh sáng Diwali của Ấn giáo.

Điều này cho thấy sự thành công của nền đa văn ở những nước tây phương nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan và Úc. Độc giả có thể tưởng tượng một người giữ chức vụ tối cao ở Trung Cộng mà không phải là người Hán hay một người da trắng tóc vàng ở các nước Á Rập?  Hãy vui và hạnh phúc với những nơi mình đang sống vừa nói.

(Trích xã luận TVTS số 1910 phát hành ngày 2.11.2022)