Xã luận: Tiếng Nói Thổ dân (Indigenous Voice) và nguy cơ chiến tranh thế giới bởi các nhà độc tài

16 Tháng Một, 2023 | Tin nước Úc,Bình Luận
Thủ tướng Úc Anthony Albanese đề ra dự thảo về trưng cầu dân ý Tiếng Nói Thổ Dân sẽ diễn ra từ sau nửa năm 2023. Photo courtesy: Reuters

Năm 2023 mở đầu với một vấn đề rất quan trọng tại Úc, đó là việc trưng cầu dân ý để đưa vào hiến pháp Úc một cơ cấu gọi là Tiếng Nói (Voice) của Thổ dân  bên cạnh Quốc hội (Parliament) hiện gồm hai viện- Hạ viện và Thượng viện. Thủ tướng Anthony Albanese cương quyết tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về Voice trong nửa năm sau của năm 2023  chứ không thể trì hoãn thêm để có thêm nhiều chi tiết và cách vận hành của cơ quan này như yêu cầu của đảng Đối lập và những người không ủng hộ cuộc trưng cần dâu ý Voice.

Một phần báo giới và các đại diện tôn giáo, xã hội ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý này nhưng cũng chính những lãnh đạo Thổ dân nổi tiếng như ông Warren Mundine hay vài dân biểu nghị sĩ gốc Thổ dân chống đối dự tính này. Họ cho rằng, muốn làm cho người dân đầu tiên ở lục địa này có đời sống tốt hơn và ngang với cộng đồng chính mạch, cần phải có những biện pháp, chính sách khác hơn là biểu tượng Voice nơi có tiếng nói của vài chục người gốc Thổ dân bên cạnh Quốc hội.

Những người chống đối có tinh thần bảo thủ từ trước đến nay vẫn không thay đổi lập trường là không muốn nước Úc trở thành “một quốc gia có nhiều bộ lạc”, có sự phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, tôn giáo. Họ cho rằng mọi người phải được bình đẳng. Đó là chưa kể những người không tin vào cơ cấu Voice dành cho Thổ dân vì những người ủng hộ Voice lẫn chính phủ không cho biết trách nhiệm và quyền hạn của Voice. Cũng có người cho rằng Voice có thể trở thành một cơ quan lập pháp thứ ba bên cạnh hai cơ quan lập pháp hiện nay là hạ và thượng viện.

Riêng Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton, một người được xem là bảo thủ, đòi hỏi chính phủ phải đưa ra chi tiết về quyền hạn và trách nhiệm của Voice trước khi Liên đảng công bố ủng hộ hay không ủng hộ. Nhưng Thủ tướng Albanese cho biết chính phủ sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về Voice và bắt đầu một chiến dịch quảng cáo quy mô từ tháng 2 với việc sẽ có nhân viên tới tận nhà gõ cửa kêu gọi nói Yes với Voice và quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Phải công tâm mà nói, có thể có rất nhiều người dân thầm lặng không muốn lên tiếng nói Yes hay No nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý, người ta sẽ thấy có sự chia rẽ trong cộng đồng dù nó thành công hay thất bại. Trong lịch sử Úc, chỉ có 8 trong số 44 cuộc trưng cầu dân ý thành công. Liệu Tiếng Nói (của Thổ dân) cũng sẽ thất bại như trưng cầu dân ý về nền Cộng hòa dưới thời chính phủ John Howard?

Tiếp đến, chiến tranh Ukraine đã làm cho Âu châu đoàn kết với nhau hơn, đó là sự nhận xét của nhiều người sau khi Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine cách đây hơn 10 tháng. Cuộc chiến không những không có dấu hiện ngừng hay giảm nhưng cường độ lại gia tăng dữ dội trong những ngày đầu năm Dương lịch và lễ Giáng sinh của người theo đạo Chính thống trong đó có người Nga và Ukraine. Vào ngày đầu năm Ukraine cho biết họ đã bắn hỏa tiễn vào trại binh lính của Nga ở vùng bị chiếm đóng làm khoảng 400 lính Nga chết và 300 bị thương. Nga đã nhanh chóng tuyên bố chỉ có 63 binh sĩ chết nhưng sau đó điều chỉnh lên 89 người.

Đây là một vụ tấn công bằng hỏa tiễn di động chính xác HIMARS của Mỹ được xem là “ngoạn mục và hiệu quả”. Sự chính xác này đã khiến Úc dự trù đặt mua HIMARS và hỏa tiễn chống hạm của Na Uy trị giá cả tỉ đô la. Việc Dân biểu Kevin McCarthy phải đến vòng thứ 15 trong mấy ngày bỏ phiếu mới được đảng đảng Cộng hòa chấp nhận làm Chủ tịch Hạ viện cho thấy đảng Cộng hòa đã chia rẽ một cách nặng nề khiến họ sẽ khó khăn trong việc chiếm lại Tòa Bạch ốc chứ nói gì kiểm soát được hai viện trong kỳ bầu cử năm 2024. Việc phe bảo thủ cực đoan cản trở một chủ tịch Hạ viện không được bầu ngay vòng đầu trong vòng 100 năm qua sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao và an ninh toàn cầu bởi khuynh hướng co rút và chỉ lo cho nước Mỹ của Cộng hòa sẽ khiến Putin và Tập Cận Bình làm tới.

Ukraine đã bắt đầu những cuộc tấn công dữ dội đối với Nga và Đài Loan cũng đã tự lực bằng cách tăng thời gian quân dịch từ bốn tháng lên một năm. May mắn thay, Tổng thống Joe Biden đã tích cực trong việc chống lại các nhà lãnh đạo độc tài và khát máu như Putin và Tập.

(Xã luận báo giấy TVTS số 1918 phát hành ngày 11.1.2023)