Bài 2 – Buổi Thuyết Trình 2: Ai làm chủ? (Dự án Viện Bảo Tàng)

Nha sĩ Đinh Hiếu trong buối thuyết trình tại Hội trường Phụ Nữ Việt Úc, Springvale ngày 19.2.2023. Hình: TVTS

Bài của Nha sĩ Đinh Hiếu.

LTS: Mục đích của Bài 2 là để bổ sung thêm thông tin cho Buổi Thuyết Trình 2 của Tiểu Ban Duyệt Xét. Tòa soạn TVTS xin cám ơn Nha sĩ Đinh Hiếu đã đóng góp bài này để rộng đường dư luận và xin giới thiệu với quý bạn đọc.

* * *

Sau buổi Thuyết Trình 2, người viết đã nhận được nhiều những phản ánh tích cực. Nhiều vị cho rằng nhờ thông tin mà họ hiểu hơn về Dự Án bấy lâu họ không nắm vững.

Bên cạnh đó, như câu nói: “When you find no solution to a problem, it’s probably not a problem to be solved, but rather a truth to be accepted” – “Khi không thể giải quyết khúc mắc, sự thể không nằm ở khúc mắc, nhưng ở việc chấp nhận SỰ THẬT”; khốn nỗi “Sự Thật” thì mất lòng! và rồi “Triệu người quen có mấy người thân”, mấy người hiểu được những khó khăn khổ tâm khi phải nói lên sự thật! (Xin phép nhạc sĩ Vũ Thành An cho mượn lời hát tuyệt vời của ông để làm giảm đi cái khô nhám mà khi chạm vào da người, có thể gây tổn thương!)

Nếu quý vị là người chưa đóng góp một vai trò nào trong quá trình thực hiện Dự Án trong thời gian qua, chắc chắn quý vị không có vấn đề gì khi phải đối mặt với Sự Thật. Nhưng có làm thì có lỗi, có sai sót, và khi bị nêu ra những sai sót, khó có ai cảm thấy bình tâm không tỏ ra khó chịu! Những trường hợp này, người viết chỉ biết xin họ hãy vì tương lai của Cộng Đồng,  bình tĩnh nhìn lại vấn đề.

Viết “vì tương lai của Cộng Đồng” là vì Cộng Đồng không thể bền vững, nếu Cộng Đồng không được xây dựng trên Sự Thật.

Quý vị có thể đặt câu hỏi “thế nào là Sự Thật”? xin thưa, đó là dựa trên những bằng chứng về những sự việc đã xảy ra, mà đồng hương đã gửi cho Tiểu Ban trong thời gian qua. Vì thế cho dẫu có làm phiền lòng một số người, người viết vẫn xin nói lên những sự việc ĐÃ XẢY RA, dựa trên những BẰNG CHỨNG.

Nhân đây, Tiểu Ban Duyệt Xét (TB) xin chân thành cảm ơn những quý vị đã hỗ trợ TB, bằng cách gửi thông tin tới TB.

Xin được bắt đầu.

Ai làm chủ

AI LÀM CHỦ VIỆN BẢO TÀNG?

Đây có lẽ là câu hỏi thường nghe nhất khi nói về Dự Án Trung Tâm Văn Hóa và Bảo Tàng! Cá nhân người viết khi nêu vấn đề “làm chủ” trong một phiên họp cộng đồng do Ct VMA tổ chức, người viết đã bị phía ủng hộ Ct VMA dành cho những phản ứng mang tính cách độc tài. Họ tấn công, vì có lẽ chính họ không hiểu khái niệm “làm chủ”, hay họ hiểu nhưng muốn che giấu?

Theo định nghĩa, “làm chủ” có nghĩa là gì?

Làm chủ gồm 3 quyền, thiếu 1 trong 3 quyền này thì không thể gọi là làm chủ: 1/ Chiếm hữu: quyền nắm giữ tài sản trong tay – Possess, 2/ Sử dụng: quyền sử dụng tài sản theo ý muốn – Use, 3/ Định đoạt: quyền quyết định cho mượn, cho thuê, bán, cầm cố, phá huỷ – Give away a thing.

Đây là cái quyền của một pháp nhân (legal owner), nhưng ai, cái gì có thể là một pháp nhân? Thí dụ cụ thể trong Dự Án là: Công ty VMA Ltd, Công Ty VMA Holding Ltd, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu – Tiểu Bang Victoria, hoặc đại chúng (public)

Nhưng làm chủ là chủ cái gì? Cái gì có chủ và cái gì không?

a/ Tiền đóng góp của đồng hương và tiền “mua gạch”: hiện nằm trong sự kiểm soát của Công ty VM Holding Ltd, một công ty làm Trustee cho Quỹ VM Public Ancillary Fund, hiện giúp đồng hương đóng góp tài chánh có thể xin khấu trừ thuế (DGR) trong khi Công ty Viện Bảo Tàng (Ct VMA) chưa chính thức có quy chế DGR cấp biên nhận khấu trừ thuế cho người đóng góp.

b/ Tiền gây quỹ từ các buổi tổ chức sự kiện: hiện do chính Ct VMA quản lý và làm chủ.

c/ Tiền tài trợ của chính phủ tiểu bang Victoria, liên bang Liên Đảng Tự Do, liên bang Lao Động: ngoài số tiền khoảng $750,000 của tiểu bang Vic, đến từ MCIF ( Multicultural Community Infrastructure Fund) đã được chuyển xuống VCA Vic, mà đầu năm 2021 số chưa dùng chuyển qua Ct VMA, ngân khoảng còn lại gần $16M, hiện vẫn còn trong ngân quỹ chính phủ, sẽ từ từ được chuyển giao tới cơ cấu quản trị xây dựng Dự Án, theo từng công đoạn của tiến trình.

Đây chính là số tiền tài trợ mà việc chuyển giao từ cơ quan chính phủ tới đối tác quản lý, hoặc VCA Vic hoặc Ct VMA, đang trong giai đoạn cần giải quyết. Tiến trình ký kết Hợp Đồng Thoả Thuận giữa các bên đã diễn ra, nhưng vì có những vấn đề không theo đúng quy tắc Nội Quy của VCA Vic, nên tiến trình chuyển giao cần duyệt xét lại. Sẽ viết thêm về vấn đề này trong những bài sau.

d/ Miếng đất ở Footscray dự trù dùng để xây cơ sở Dự Án. Tháng 7/2020 Ct VMA đã nộp EOI (Expression of Interest – Đơn muốn mua đất) cho Maribyrnong Council để đứng tên mua đất. Việc Ct VMA trực tiếp là người đứng tên mua, và sau này sẽ làm chủ miếng đất của cơ sở Dự Án chưa bao giờ được Ct VMA chính thức công bố rõ ràng trên thông báo tới đồng hương. Trong lá thư dưới letterhead của Ct VMA, được gửi cho đồng hương ngày 5/8/2020, có hai đoạn nói về việc mua đất của Ct VMA như sau:

  1. “Hội Đồng Thành Phố Maribyrnong đã bỏ phiếu thông qua và chấp nhận đơn xin do Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu đệ nộp với tỷ số tuyệt đối”
  2. “Tối ngày 4/8/2020, HĐTP Maribyrnong đã nhóm họp, mặc dầu Viện Bảo Tàng của Cộng Đồng Người Việt Tự Do chúng ta là người duy nhất nộp đơn,…”

Xin được viết rõ ở đây, cụm từ danh xưng “Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu” chính là tên tiếng Việt chính thức của Ct VMA. Trong Nội Quy của Ct VMA (Constitution of  Vietnamese Museum Australia Ltd), Điều 1, xin được viết nguyên văn:

“1. Name of the company

The name of the company is Vietnamese Museum Australia Ltd (the company), and the Vietnamese translation of the name of the company is Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu. “

(Những chữ in đậm là cố ý của nguyên bản)

Tu chính

Xin được giải thích thêm về danh xưng ở đây. Dựa trên căn bản ngữ pháp, việc Ct VMA dùng cụm từ “Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu” làm danh xưng tiếng Việt của công ty là sự lạm dụng ngôn ngữ, và sai. “Viện” theo định nghĩa là một cơ sở bất động sản, hiện hữu trên mặt đất. Công ty là một cơ cấu pháp lý, hiện hữu trên mặt pháp lý.

Theo luật của Úc, tên tiếng Anh của công ty phải có chữ đuôi “Ltd” để cho người đọc biết rõ ràng là một công ty: Vietnamese Museum Australia Ltd. Trên các văn bản pháp lý gửi cho các cơ quan chính quyền và có thẩm quyền, Ct VMA luôn phải ghi chữ đuôi “Ltd” vào tất cả các văn bản của họ. Nhưng khi viết, nhất là gửi thư cho đồng hương Việt Nam, văn bản Anh ngữ thường không có chữ “Ltd”, nhưng chỉ ngắn gọn: VMA. Sự sử dụng chữ không đúng ngữ pháp đã gây ngộ nhận trong nhiều vấn đề.

Khi viết các văn thư gửi cho đồng hương người Việt, hoặc trên các cuộc nói chuyện, Ct VMA thường tự gọi tắt danh xưng của họ là Viện Bảo Tàng, hay viết tắt là VBT, khiến đã có không ít ngộ nhận. Một thí dụ điển hình là trong thư phản đối việc nộp đơn chặn (caveat) của VCA Vic, văn thư đã ghi:

“Việc làm này có chủ ý nhằm cản trở và trì hoãn Hội đồng thành phố bán đất cho VBT…”

Nếu câu trên thêm chữ “Công ty” đứng trước VBT, thì đồng hương có lẽ sẽ hiệu sự việc rõ ràng hơn, tránh được cái tình cảm dành cho một viện bảo tàng đang dâng trào, làm mờ đi phán đoán. Do ngộ nhận, một số người đã chê trách CĐNVTD Vic hành xử quá đáng.

Muốn danh chính ngôn thuận, Ct VMA nên viết:

“Việc làm này có chủ ý nhằm cản trở và trì hoãn Hội đồng thành phố bán đất cho Công ty VBT…”

Và nếu là như thế, thì việc cản trở Công ty VBT mua đất là đúng, vì đồng hương chưa bao giờ được thông báo về VIỆC MUA ĐẤT CỦA Công ty VMA.

Giả như Ct VMA ghi rõ danh xưng “Công ty Viện Bảo Tàng” trong thông báo ngày 5/8/2020 như sau:

  1. “Hội Đồng Thành Phố Maribyrnong đã bỏ phiếu thông qua và chấp nhận đơn xin do Công ty Viện Bảo Tàng đệ nộp với tỷ số tuyệt đối”
  2. “Tối ngày 4/8/2020, HĐTP Maribyrnong đã nhóm họp, mặc dầu Công ty Viện Bảo Tàng là người duy nhất nộp đơn,…”

Và giả như Ct VMA đã ra thông báo chính thức công bố tới đồng hương rằng Ct VMA là người đứng tên mua và sẽ làm chủ đất, và tương lai sẽ làm chủ toàn bộ cơ sở Dự Án, lúc đó Ct VMA mới có lý do chê trách VCA Vic.

Câu viết “ Viện Bảo Tàng của Cộng Đồng Người Việt Tự Do chúng ta” trong thông báo 5/8/2020 cũng cần xét lại.

“Chúng ta” trong câu viết có thể hiểu là tất cả mọi người, là Cộng Đồng Người Việt Tự Do của Victoria, và của toàn Úc châu. Điều này không cần phải tranh cãi. Nhưng nếu xét chữ “của” thì gặp rắc rối. Chữ “của” là đại diện cho quyền làm chủ.

Theo đúng định nghĩa về quyền làm chủ đã nêu phía trên, gồm 3 quyền: 1/ Chiếm hữu, 2/ Sử dụng, 3/ Định đoạt; mà nếu thiếu một trong ba quyền này, thì không thể coi là làm chủ, dẫn đến ưu tư sau đây:

Hai quyền “chiếm hữu”, “sử dụng” được coi như tạm ổn trong khuôn khổ bài viết này, tuy cần nhiều phân tích, nhưng quyền thứ ba “định đoạt” thì hoàn toàn không phải là quyền của “chúng ta”! (Người viết sẽ giải thích thêm điểm này phía dưới).

e/ Ct VMA – ai làm chủ Công ty VMA (Công ty VBT)?

Ct VMA tuân theo loại cơ cấu pháp lý: Công Ty (Công Chúng) Trách Nhiệm Hữu Hạn có Bảo Chứng – Public Company Limited by Guarantee. Loại công ty này là một công ty công chúng, không ai có quyền làm chủ trên công ty, ngoại trừ chính nó.

Nó không bao giờ có phần hùn (share), không có cổ đông/cổ phần viên (shareholder). Cá nhân, hoặc cơ cấu pháp nhân tham gia vào công ty được gọi là Thành Viên (Hội Viên), như hiện giờ VCA Vic và VCA Liên Bang là hai Thành Viên. Số thành viên là vô giới hạn. Muốn được làm thành viên (theo Nội Quy hiện giờ của Công Ty VMA) phải được Ban Quản Trị (BQT) của Ct VMA duyệt đơn, và BQT là cơ cấu duy nhất có quyền nhận, hoặc bác đơn xin làm thành viên.

Giả như số thành viên của Ct VMA lên đến 100 thành viên, nếu có một phiên họp, mà vấn đề nằm trong phạm vi quyền biểu quyết của thành viên, số phiếu “2 thành viên VCA Vic và VCA Liên Bang”/”100 thành viên” sẽ không đáng kể. Và như vậy, nếu các tiểu bang khác của nước Úc cùng làm thành viên, số biểu quyết là 8/100 cũng không có ảnh hưởng gì.

Hiện các tiểu bang khác đang dự định, hoặc đang được mời “tham gia vào viện bảo tàng”. Xin được giải thích cặn kẽ về câu này. Câu chữ “tham gia vào viện bảo tàng” là một khái niệm mơ hồ.

Theo đúng ngữ pháp, câu chữ “Viện Bảo Tàng” là một cơ sở bất động sản, nó không phải là một tổ chức. Chúng ta có thể đóng góp, hỗ trợ, chứ không thể “tham gia”.

Cá nhân/pháp nhân chỉ có thể “tham gia” vào một tổ chức. Do đó câu chữ trên nên được hiểu là  “tham gia vào Công ty Viện Bảo Tàng”. Nhưng khi tham gia vào công ty Viện Bảo Tàng, các tiểu bang khác chỉ có tư cách làm Thành Viên, như hai Thành Viên hiện giờ là VCA Vic và VCA LB.

Không bao giờ có việc “tham gia làm chủ quản”, vì Ct VMA là loại công ty “trách nhiệm hữu hạn” không có cổ phần, cổ phiếu, không có quyền sở hữu. Do đó, xin quý vị của các tiểu bang khác cẩn thận với cách người ta dùng chữ!

Cần nhắc thêm rằng những vấn đề cần “quyền biểu quyết của thành viên” khác với những vấn đề cần “quyền biểu quyết của ban quản trị” của Ct VMA.

Những quyết định quan trọng liên quan đến quản trị Ct VMA nằm trong tay BQT, và chỉ có BQT mới có quyền biểu quyết về vấn đề này. Tổng cộng số giám đốc của Ct VMA là 11 người. Hiện chỉ có hai giám đốc/directors đại diện cho VCA Vic và VCA LB trong số 11 người, nên nếu phải biểu quyết sự việc, 2/11 phiếu cũng chẳng có hiệu lực gì.

Xin được nhấn mạnh ở đây, cho tới hôm nay, vẫn chưa ai thấy một biên bản, một phiên họp nào được tổ chức nhằm mục đích đề cử và bổ nhiệm những nhân sự trong BQT của Ct VMA. Do đó, có thể coi là đại đa số nhân sự trong BQT hiện nay không do “chúng ta” đề cử và bổ nhiệm.

Song song với lập luận trên, việc biểu quyết của thành viên, hay giám đốc của “chúng ta”, tất cả đều không có hiệu quả túc số đúng mức, để có thể làm thay đổi sự việc theo ý của “chúng ta”. Từ những điểm quan trọng vừa nêu, có thể thấy tất cả quyền lực của Ct VMA đều nằm trong tay của BQT.

Nói khác hơn chúng ta không có cái quyền “định đoạt”, thì việc cho rằng  “Viện Bảo Tàng (là) CỦA Cộng Đồng Người Việt Tự Do chúng ta” là một cách nói không đúng sự thật.

Như vậy, THEO ĐÚNG ĐỊNH NGHĨA LÀM CHỦ, chỉ có Ct VMA là hội đủ điều kiện LÀM CHỦ Ct VMA. Ct VMA có đủ 3 quyền nêu trên: 1/ Chiếm hữu, 2/ Sử dụng, 3/ Định đoạt.

Tới đây có thể trả lời rằng: Ct VMA là do chính Ct VMA làm chủ, không ai khác có quyền làm chủ này. Và sau này, nếu Ct VMA mua được đất ở Footscray, và “giữ” tiền tài trợ của chính phủ để xây, thì toàn bộ “cơ sở của viện bảo tàng” sẽ do Ct VMA làm chủ. Quyền định đoạt lên số phận của toàn bộ cơ sở của viện bảo tàng, sẽ do BQT của Ct VMA nắm giữ.

Thấy được viễn ảnh: toàn bộ cơ sở, toàn bộ tiền tài trợ của chính phủ, toàn bộ tiền đóng góp của đồng hương, toàn bộ kỷ vật và tài sản trí tuệ của cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn nằm trong quyền kiểm soát của một nhóm người trong BQT, nhưng không do “chúng ta” bổ nhiệm, liệu chúng ta có tiếp tục ủng hộ, hoặc tiếp tục thực hiện để đi đến kết cục này hay không?

VMA Constitution

Chuyện bên lề:

Khi người viết lướt qua vài trang Facebook theo dõi sự tình, lòng thấy buồn.

Người ta đặt vấn đề: tại sao không có người của hai phía trong Tiểu Ban Duyệt Xét (TB) cho đồng đều? Tại sao “vừa đánh trống vừa la làng”?…

Người đặt những nghi vấn vừa nêu, có lẽ trong lòng họ đang xem Buổi Thuyết Trình như một show giải trí, được làm ra để câu khán giả, câu view, lấy lòng đồng hương khi đồng hương đang hoang mang về chuyện Dự Án.

Khi ai đó nêu ra: cần hai phía để cân bằng qua lại, người viết nghĩ rằng họ đang ví phiên họp của TB như một cuộc thi tranh luận trước công chúng, xem bên nào cãi lý hay hơn bên kia, và rồi sau đó khán giả bình bầu người thắng!

Người đặt câu hỏi cũng nên tự tìm hiểu vì sao suốt những năm qua, Ct VMA kêu gọi đồng hương đóng góp, nhưng lại thiếu trách nhiệm với đồng hương trong việc giải thích rõ ràng cho đồng hương về những chuyện người viết nêu ra.

Sau thời gian đầu nhiệt tình đóng góp tiền bạc, kỷ vật, dần dần đồng hương nguội lạnh với việc đóng góp vì họ cảm thấy có điều gì không ổn, nhưng lại không được giải thích.

Ban Chấp Hành của VCA Vic đã nhiều lần yêu cầu Ct VMA tới các phiên họp cộng đồng để giải thích cho đồng hương về VBT, nhưng vị chủ tịch của Ct VMA đã từ chối. Ông cho rằng ông sợ nhân sự của Ct VMA đến dự các phiên họp cộng đồng giúp giải thích về chuyện Viện Bảo Tàng sẽ bị tấn công, như đã xảy ra trong một phiên họp cộng đồng ngày 11/7/2021.

Sau nhiều lần yêu cầu, Ct VMA đã tổ chức một phiên họp cộng đồng ngày 21/8/2022 tại Trung Tâm Sinh Hoạt CĐ. Phiên họp này do các nhân sự của Ct VMA điều hợp. Trong phần hỏi đáp, ban tổ chức đã giới hạn mỗi người một câu hỏi cho mỗi lần hỏi, và giới hạn thời gian đặt câu hỏi.

Khi người viết muốn giúp đồng hương hiểu vấn đề “ai làm chủ”, người viết đã bị những người ủng hộ Ct VMA cản trở. Câu trả lời của ông Bruce Mildenhall về câu hỏi “bằng chứng về chủ quyền của VCA Vic trên Viện Bảo Tàng” đi lạc đề đã khiến người viết hỏi thêm câu nữa “định nghĩa thế nào là quyền làm chủ”. Ông Bruce trả lời câu hỏi bằng một định nghĩa tự chế, không hề có trong một từ điển phổ thông, cũng như từ điển chuyên môn về thương mại, để rồi sau đó người viết bị cản không có cơ hội giải thích cho đồng hương.

Có người biện hộ, Ct VMA đã tổ chức những phiên họp giải thích “rõ ràng” cho đồng hương! Xin những vị này hãy tự xét lại, vì nếu đã giải thích rõ ràng, thì TB đã chẳng phải vất vả trong thời gian qua, tìm kiếm những bằng chứng để trình bày với đồng hương về sự việc liên can đến Dự Án đang làm họ ưu tư.

Có vị có chút trắc ẩn về vấn đề tại sao Ct VMA sắp sửa làm chủ đất và như vậy là làm chủ luôn toàn bộ cơ sở Dự Án, đã nêu ra rằng Ct VMA đang tu chính nội quy để giải quyết “tư cách làm chủ” của Ct VMA.

Có hai vấn đề nằm trong ý kiến “độc lạ” này:

1/ muốn thay đổi chủ nhân của bất cứ cơ cấu, cơ sở và bất động sản gì, theo luật pháp, hai pháp nhân phải thực hiện việc sang nhượng qua một hợp đồng Contract of Sale (Hợp Đồng Mua Bán), phải đăng bạ với cơ quan hữu trách, phải đóng thuế con niêm và nộp giấy tờ cho chính phủ, cộng thêm tiền giấy tờ luật sư soạn hồ sơ. Tiến trình này tốn kém tiền bạc thời gian.

2/ vì lý do “1” vừa nêu, nên nếu chưa settle (hoàn tất) việc mua bán, hai pháp nhân có thể thay đổi tên của pháp nhân đứng tên mua đất (VCA Vic), trong Hợp Đồng Mua Bán, (với Maribyrnong Council – MC). Việc này đơn giản. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao VCA Vic nộp caveat, cản trở Ct VMA hoàn tất việc mua đất với MC, cho tới khi giải quyết xong những quan tâm của đồng hương.

3/ Ct VMA không thể chuyển quyền làm chủ đất, trong phạm vi nội bộ của Ct VMA, từ Ct VMA cho VCA Vic, dựa trên căn bản VCA Vic là một thành viên của Ct VMA. Vì như đã trình bày phía trên,  thành viên của loại công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn có Bảo Chứng không bao giờ có quyền sở hữu lên tài sản của công ty (VMA). Do đó có sửa đổi Nội Quy của Ct VMA cách gì đi nữa, vẫn không đổi được “bản chất” công ty trách nhiệm hữu hạn: thành viên không có chủ quyền.

Việc tu chính Nội Quy của Ct VMA cũng có vấn đề. Theo Nội Quy của Ct VMA, pháp nhân có quyền tu chính Nội Quy của Ct VMA chính là các thành viên của công ty.

Giả như ngay lúc này, số thành viên của Ct VMA vẫn chỉ là hai pháp nhân VCA Vic và VCA LB, thì việc tu chính còn nằm trong quyền hạn của hai cơ cấu này. Nhưng hiện giờ không biết số thành viên của Ct VMA là bao nhiêu, do đó, người đứng ngoài Ct VMA không nên hy vọng nhiều vào việc tu chính Nội Quy của Ct VMA.

Tạm kết:

Tiểu Ban Duyệt Xét khi thuyết trình với đồng hương, những trình bày được dựa trên bằng chứng. Nếu quý vị nào có lập luận hay bằng chứng khác hơn, xin quý vị gửi cho TB và cùng đến dự phiên họp để chúng ta cùng chia sẻ.

Phiên họp của TB dành cho tất cả mọi người. Mọi người có thể đặt bất kỳ câu hỏi gì liên can tới tiến trình thực hiện Dự Án, không giới hạn số câu hỏi cho mỗi người, miễn là mỗi câu hỏi là một mảnh giấy để công bằng với những vị đặt câu hỏi khác. TB đã cố gắng bằng mọi cách để mang sự công bằng cho cả hai phía, nhưng nếu vẫn còn quý vị cho là thiên vị, thì có lẽ, chính quý vị đó đang thiên vị bênh vực cho ai đó!

TB đã mời Ct VMA tham gia vào việc duyệt xét, nhưng Ct VMA thẳng thừng từ chối. Nếu ai cho rằng TB không công bằng, xin họ hãy tự nhìn vào chính Ct VMA.

Trên trang mạng của Ct VMA trong phần Hỏi & Đáp (trang 10), Ct VMA đã cho rằng công ty sẽ hành xử vì quyền lợi tốt nhất của VCA LB và VCA Vic – must act in the best interests of VCA Federal and VCA Vic, nhưng hình như đây chỉ là câu chữ trên văn bản, vì thực tế, cách hành xử của Ct VMA đang đi ngược với câu chữ trên.

Để gọi là “hành xử vì quyền lợi tốt nhất” của VCA Vic, theo thiển ý của TB, Ct VMA nên hoàn trả lại chủ quyền Dự Án cho VCA Vic. Mục đích của Dự Án hiện giờ mà Ct VMA đưa ra, đã hoàn toàn khác xa với ước nguyện khởi đầu của Cộng Đồng.

Bằng chứng mà TB thu thập được đến hôm nay, cho thấy các tiến trình thực hiện Dự Án, từ giai đoạn Tu Chính Nội Quy VCA Vic thêm vào Chương VI, đến giai đoạn ký kết Deed of Novation và Variation, qua giai đoạn Ct VMA nộp EOI để tự đứng tên mua đất và sẽ làm chủ, việc xin phép Town Planning Permit… tất cả đều có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Một khi đã nộp bản tường trình tới các cơ quan hữu trách để trình báo vấn đề, TB e rằng lúc đó luật pháp sẽ là con đường duy nhất để quyết định cái đúng cái sai.

Tiền “Mua Gạch” của đồng hương cũng cần được cứu xét.

Trong lúc TB duyệt xét các bằng chứng, sau khi thấy vị Chủ Tịch của Ct VMA đã gửi Thư Ngỏ Cộng Đồng ngày 4/4/2022; hay khi thấy các nhân sự của Ct VMA phát biểu trong các sự kiện – mà video thâu hình còn được lưu giữ – tuyên bố rằng Ct VMA được làm chủ bởi VCA Vic và VCA LB, TB rất lo ngại.

Cho tới ngày hôm nay, TB chưa tìm thấy một bằng chứng cụ thể nào có thể hỗ trợ cho những tuyên bố và lập luận cho rằng Ct VMA được làm chủ bởi VCA Vic. TB e rằng những đồng hương góp tiền “mua gạch”, sẽ tiến hành thủ tục pháp lý kiện tập thể đòi lại tiền đã đóng góp, khi đó danh dự của những cá nhân liên hệ khó được bảo vệ.

TB cũng được biết rằng hiện có vài cá nhân muốn đóng vai trò trung gian để dàn xếp giữa VCA Vic và Ct VMA.

Theo TB, sự thật đã tìm thấy với bằng chứng rõ ràng, nếu không khéo “sự dàn xếp” sẽ tiếp tục giúp cho tình trạng nhập nhằng hiện nay không được giải quyết đến gốc rễ  một lần cho xong.

Như vừa nêu phía trên, và để nhấn mạnh, người viết xin lập lại: “cho đến hôm nay, TB chưa nhận được bất cứ bằng chứng gì hỗ trợ cho từng điểm lập luận, cho từng điểm tuyên bố” được viết trong Thư Ngỏ Cộng Đồng của vị Chủ Tịch của Ct VMA, gửi ra ngày 04/04/2022, nguyên văn Anh ngữ do chính ông viết (mà không phải do lỗi dịch thuật):

“All key decisions affecting the Museum project can be directed by the VCA-Vic and VCA-Fed, as the owners and controllers of the Museum project. The directors of the Museum are appointed by, and can be removed by, the VCA-Vic and VCA Fed.  The board of directors of the Museum project are accountable to the VCA-Vic or VCA Fed (as the owners of the Museum).  It is clear that the Museum project (and ultimately the Museum itself (including the land and buildings)) are owned, controlled and directed by the Vietnamese community in Victoria and Australia (through the VCA-Vic and VCA Fed).”

(Tất cả những quyết định quan trọng của Dự Án Viện Bảo Tàng sẽ được điều khiển bởi VCA-Vic và VCA-LB, như những chủ nhân và kiểm soát viên của Dự Án Viện Bảo Tàng. Những giám đốc của Viện Bảo Tàng được bổ nhiệm bởi, và có thể bị bãi nhiệm bởi VCA-Vic và VCA-LB. Ban quản trị của Dự Án Viện Bảo Tàng chịu trách nhiệm với VCA-Vic hay VCA-LB (như những vị chủ nhân của Viện Bảo Tàng). Một điều rõ ràng là Dự Án Viện Bảo Tàng (và cuối cùng là chính Viện Bảo Tàng (bao gồm đất và toàn bộ toà nhà) sẽ được làm chủ, được kiểm soát, được điều khiển bởi Cộng Đồng Người Việt tại tiểu bang Victoria và Úc Châu (thông qua Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu Tiểu Bang Victoria và Liên Bang. Hết trích dẫn)

Khi chưa có bằng chứng hỗ trợ, TB thiết nghĩ sẽ rất khó để người đóng vai trò trung gian có cơ sở dàn xếp một vị thế hợp lý. Như hai chữ “có” và “không” luôn đứng ở hai thái cực, và chỉ tồn tại ở hai thái cực. Ở giữa của hai thái cực là khoảng trống, và theo đó, sẽ không có chỗ đứng cho một “thực thể trung gian”.

Một vấn đề mà giá trị lên đến 17 triệu, một vấn đề mang ý nghĩa cho nhiều thế hệ, liên hệ tới Cộng Đồng, làm phân hóa Cộng Đồng trong những năm qua: bên bênh bên chống, một vấn đề liên hệ đến uy tín danh dự của những người trong cuộc, và chính TB, danh dự của những nhân sự trong TB cũng đang bị xem xét, đã khiến Tiểu Ban chúng tôi cố gắng làm việc đúng với tầm quan trọng của nó.

Những điều chúng tôi nói, những điều chúng tôi viết đều phải có bằng chứng hỗ trợ, bằng không danh dự của chúng tôi cũng sẽ bị tổn thương.

Nếu quý vị có thắc mắc, có điều gì không hài lòng, xin quý vị đặt câu hỏi trực tiếp tới chúng tôi. Xin đừng nói sau lưng, đừng giấu tên lên án, hoặc viết bâng quơ chỉ trích. Người viết tin rằng, khi chúng ta có thể ngồi xuống nói chuyện với nhau, cho dù ý kiến có khác nhau, nhưng nếu tất cả đều tôn trọng sự thật, và đặt nền tảng giải quyết vấn đề trên sự thật, chúng ta sẽ có thể xây dựng một Cộng Đồng vững mạnh hơn.

Melbourne 25/2/2023

Đinh Hiếu

* * *

Phụ đính để độc giả tường: Thư Ngỏ Cộng Đồng của vị Chủ Tịch của Ct VMA Bruce Mildenhall đề ngày 04/04/2022, bản tiếng Việt:

Vietnamese Museum Australia

Kính thưa quý vị,

Tôi xin trình bày một vấn đề quan trọng liên quan đến Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc  châu.

Như quý vị đã biết, việc xây dựng Viện Bảo Tàng được sự tài trợ của Chính phủ Liên bang, Tiểu bang Victoria cùng sự đóng góp của quý vị để nói lên câu chuyện của người tỵ nạn Việt nam đi tìm Tự do Dân chủ và thành công khi hội nhập vào xã hội Úc. Đây là câu chuyện về lòng dũng cảm và thành quả của người Việt tỵ nạn dù phải đối đầu với mọi áp bức và hoàn cảnh bi thảm.

Đang có những lời bàn tán trong Cộng đồng là công trình xây dựng Viện Bảo Tàng không nằm trong Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu. Tôi xin xác nhận rằng công trình này trực thuộc Cộng đồng Người Viêt Tự do Tiểu bang Victoria (VCA-Vic) và Cộng đồng người Việt Tự do Liên bang Úc Châu (VCA Fed). Công trình được điều hành bởi một Hội Đồng Quản Trị do Cộng đồng Ngươì Việt Tự Do Liên bang và Tiểu bang Victoria bổ nhiệm. Cấu trúc pháp lý của công trình xây dựng Viện Bảo Tàng đã được tổ chức một cách đặc biệt để tất cả mọi người  Úc gốc Việt và những nhà tài trợ khác có thể hưởng quy chế khấu trừ thuế (trong thời kỳ xây  dựng và hoạt động sau khi việc xây dựng hoàn tất), điều mà các Ban Chấp Hành Cộng đồng Người Việt Tự Do Liên bang và Tiểu bang Victoria không có.

Công trình xây dựng Viện Bảo Tàng trực thuộc Cộng đồng Tiểu bang và Liên bang và do hai tổ chức này kiểm soát nên những quyết định quan trọng liên quan đến Viên Bảo Tàng đều do VCA Vic và VCA Liên bang chỉ đạo. VCA-Vic và VCA-Liên bang có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị. Hội Đồng Quản Trị chịu trách nhiệm với VCA-Vic và VCA Liên bang. Điều rất rõ ràng là công trình Viện Bảo Tàng và ngay chính VBT gồm đất và toà nhà phải trực thuộc, được kiểm soát và do VCA-Vic và VCA-Liên bang chỉ đạo.  (Qua BCH Cộng Đồng Người Việt Tự do Tiểu bang Victoria và Cộng đồng Người Việt Tự do Úc  Châu)

Các thành viên thiện nguyện thuộc Hội Đồng Quản Trị và Ban Điều Hành đã được bổ nhiệm và ủy quyền để thực hiện công trình xây dựng Viện Bảo Tàng.

Các Thành viên của Hội Đồng Quản Trị gồm có:

o Quyền Chủ Tịch Hội Đồng Quản tri: Ông Bruce Mildenhall Cựu Thị trưởng Footscray, cựu Dân biểu Tiểu bang vùng Footscray, Phụ tá Thủ hiến đặc trách liên lạc Quốc Hội, cựu Công chức cao cấp.

o Thành viên Hội đồng quản trị: Bà Anne Randall Cựu Giám đốc chương trình gây quỹ giúp Bệnh viện Nhi đồng.

o Thành viên Hội Đồng quản trị: Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt  Tự Do Queensland.

o Thành viên, Tổng thư ký Hội Đồng quản trị: Bà Nguyễn Tuanh, Cử nhân Luật và Cử nhân  Kinh tế( Monash ) Cao học Luật Đại học Melbourne, Giám Đốc Công ty Luật Legal,  Pricewaterhouse Coopers

o Thành viên Hội đồng Quản trị Trưởng ban gây quỹ: Ông Lâm Hữu Lộc, Cử nhân Thương  mại, Kế toán viên.

o Thành viên Hội Đồng Quản trị: Bà Bùi-Quang Kim, Cử nhân Thiết kế Đô thị (Bachelor of Regional and Town Planning – Melbourne Uni)

Các Thành viên của Ban Điều Hành gồm có:

o Ông Đỗ Hạnh: Giám Đốc Điều Hành, Trưởng Ban IT và Chính Sách

o Bà Bùi-Quang Kim: Phó Giám Đốc Điều Hành, Trưởng Ban Thiết Kế và Xây Dựng

o Ông Trần Andy: Thư ký

o Ông Lâm Hữu Lộc: Trưởng Ban Gây Quỹ

o Ông Lê Hùng: Điều Hợp Viên ban Gây Quỹ

o Cô Nguyễn Diệp: Trưởng Ban Nội Dung

o Ông Ryan Johnston: Trưởng Ban Giáo Dục và Học Tập

o Bà Ford Hà Diệu: Trưởng Ban Tiếp Thị

o Bà Nguyễn Tammy: Trưởng Ban Quan Hệ Cộng Đồng

Ban Điều Hành được sự hỗ trợ của hơn 20 thành viên trong các ban.

Xin vui lòng xem sơ đồ tổ chức đính kèm ở cuối thư.

Tất cả đều mong việc xây dựng sẽ được hoàn thành và bắt đầu hoạt động vào ngày 30-4- 2025 để kỷ niệm 50 năm định cư của người Việt tỵ nạn tại Úc Châu. Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ ủng hộ chúng tôi trong công trình quan trọng này để bảo tồn lịch sử về cuộc hành trình  của người Việt tỵ nạn đến Úc cho những thế hệ đã qua, hiện tại và tương lai của người Úc gốc Việt.

Để biết thêm chi tiết về công trình xây dựng Viện Bảo Tàng xin vào trang mạng:

https://.vietnamesemuseum.com.au/ copy-of-learn-more-about-vma hoặc liên lạc với chúng  tôi qua [email protected]

Trân trọng

Bruce Mildenhall

Quyền Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị VMA

04-04-2022

(Trích: báo giấy TVTS số 1925 phát hành ngày 1.3.2023)

***

Mời xem thêm video chương trình Thời Sự Trong Tuần của TVTS ONLINE phát hình ngày 7.3.2023 “Chuyện dài Viện Bảo Tàng” ở phần thời sự Úc từ phút 20’29”: