Tiếng nói Bản địa Úc và tiếng than kinh tế khó khăn

29 Tháng Sáu, 2023 | Tin nước Úc,Bình Luận
Hình mô tả Lá cờ Thổ dân Úc được nhìn thấy trên ngưỡng cửa sổ tại nhà của Rita Wright,  trưởng lão bản địa Muruwari, một thành viên của “Thế hệ bị đánh cắp”, ở Sydney, Úc, ngày 19.1.2021. Photo courtesy: REUTERS/Loren Elliott/File Photo

Trong thời gian tranh luận nội dung và nhiệm vụ của Tiếng nói  (Voice) của dân Bản địa (Indigenous) gồm người Thổ dân(Aboriginal) và người hải đảo Torres Strait Islanders, Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton yêu cầu chính phủ trả lời 15 câu hỏi của ông liên quan đến thành phần và nhiệm vụ của Tiếng nói nhưng Thủ tướng Anthony Albanese tránh hay không trả lời hết các câu hỏi của ông Dutton. Thủ lãnh đảng Quốc gia David Littleproud (thuộc Liên minh) đã dứt khoát không ủng hộ YES (đồng ý), có nghĩa sẽ ủng hộ NO (không đồng ý)  và gần đây Thủ lãnh đảng Tự do Dutton  cũng đã tuyên bố không ủng hộ YES bởi với những gì chính phủ đưa ra trong dự luật thì sau này người dân sẽ hối hận vì  sự chia rẽ chủng tộc và trong nhiều trường hợp, sẽ có tranh tụng trước tòa vì cái quyền không rõ ràng của Tiếng Nói đối với Quốc hội và Chính phủ. Trước đó đã có những chính trị gia, các nhà bình luận coi Tiếng nói như là một viện thứ ba sau Hạ viện và Thượng viện.

Phía ủng hộ YES rất mạnh nhờ có sự hỗ trợ của nhiều đảng phái chính trị (như đảng Xanh và độc lập), những tỉ phú, lãnh đạo cao cấp của những đại công ty, các luật gia, giới khoa bảng và một số giáo hội. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số người ủng hộ YES đã giảm một cách đáng kể từ khi chính phủ công bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay. Theo cơ quan nghiên cứu Morgan, tỉ lệ 53% bỏ phiếu YES đã giảm từ tháng 12 năm 2022 xuống còn 46% trong tuần qua. Đây là điều rất đáng lo ngại cho Chính phủ đảng Lao động. Nhưng tại sao cử tri đổi ý?

Trước hết là phải nói rất nhiều cử tri không biết YES là cái chi. Thủ lãnh Đối lập mà còn chưa rõ để đặt 15 câu hỏi, huống chi những người Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Họ chỉ được nghe nói hay thuyết phục rằng bỏ phiếu YES để đưa Tiếng nói của người Bản địa vào Hiến pháp là tạo sự công bằng cho những người mà tổ tiên họ có mặt đầu tiên ở  đất Úc ngày nay và đồng thời nâng  cao đời sống của họ. Nhưng thử hỏi, Tiếng nói có thực sự giúp người Bản địa có đời sống tốt hơn và ngang bằng với người Úc thuộc các nguồn gốc khác không?

Năm 1980, chính phủ của Thủ tướng Bob Hawke đã lập ra Ủy ban (ATSIC) Aboriginal and Torres Strait Islander Commission để lo cho người bản địa nhưng đã bị dẹp năm 2004 sau vụ kiện liên quan đến chủ tịch của Ủy ban là ông Geoff Clark, một chính trị gia và nhà hoạt động người Thổ dân. Liệu Tiếng nói chỉ là những cái ghế cho một số tinh hoa gốc Bản địa trong khi thực tế chính phủ phải cần đến giúp ngay những người Thổ dân đang là nạn nhân của chính người Thổ dân như hiện đang xảy ra thường xuyên ở vùng phía bắc. Một vài thượng nghị sĩ gốc Thổ dân chống YES vì thấy rằng YES không phải là thần được hay phương pháp giải quyết sự nghèo khó, bạo động trong cộng đồng Thổ dân. Có vị khác chống YES vì chỉ muốn chính phủ ký hiệp ước về chủ quyền lãnh thổ với Thổ dân, bởi vùng đất tổ tiên họ sống đến 65,000 năm (???) đã bị người da trắng đánh cướp!

Đa số cử tri quan tâm về cuộc sống rất khó khăn hiện nay do lãi suất tăng, vật giá leo thang hơn là bỏ phiếu YES hay NO để thay đổi Hiến pháp. Làm sao để có khả năng mua thức ăn, xăng dầu, được sưởi ấm trong mùa đông này, trả các hóa đơn, và tiền thuê hay mua nhà. Có lẽ Thủ tướng Albanese nay đã nhận ra điều này, nhưng đã lỡ phóng lao, phải theo. Ông phải coi chừng YES sẽ biến thành NO đối với Chính phủ Lao động trong cuộc bầu cử vào năm 2025, cũng là lúc người Việt tưởng nhớ The Fall of Saigon!

(Trích xã luận etvts số 1937 phát hành ngày 14.6.2023)

Video bàn về Trưng cầu Dân ý ở Úc:  phút, 27’19”

27’19″”