Xã luận của eTVTS. Tiếng Nói trong Hiến pháp Úc: Nếu không biết, hãy bỏ KHÔNG là có nghĩa lý!

12 Tháng Mười, 2023 | Tin nước Úc,BÌNH LUẬN
Bộ trưởng Linda Burney kêu gọi bỏ phiếu YES (trái) và Thượng nghị sĩ kêu gọi bỏ phiếu NO trên một youtube của báo The Australian. Cả hai đều là người Úc gốc Thổ dân. Photo: The Australian youtube’s screenshot

Còn đúng 10 ngày khi báo điện tử etivituansan đến tay bạn đọc, toàn thể cử tri Úc sẽ tới các phòng phiếu để bỏ phiếu, viết chữ YES hay NO vào lá phiếu để chấp nhận hay bác bỏ việc đưa Tiếng Nói của Thổ dân và người Hải đảo Torres vào Hiến pháp Úc.  Trong lịch sử Liên bang Úc, đã có tổng cộng 44 lần trưng cầu dân ý nhưng chỉ có 8 lần thành công. Muốn cuộc trưng cầu dân ý thành công, phải có đa số đôi (double majority), có nghĩa cử tri toàn quốc bỏ phiếu YES phải quá bán và phải có quá bán trong số 6 tiểu bang  bỏ phiếu YES.

Như  phe YES lập luận, ý nghĩa và mục tiêu của việc hỏi ý dân để thay đổi Hiến pháp lần này là đưa Tiếng Nói của người bản địa vào trong Hiến pháp Úc, bởi đến nay người bản địa chưa có tiếng nói thật sự. Mục tiêu là nâng cao đời sống của người bản địa qua 4 lãnh vực giáo dục, y tế, công việc làm và nhà ở. Những người bênh vực YES nói đây là cơ hội để thật sự làm hòa với người bản địa và mọi người cùng nhau hướng tới tương lai.

Nhưng những người chống đối, tức ủng hộ NO,  cho rằng người bản địa đã có tiếng nói trong xã hội và ở chính trường các cấp. Chỉ riêng ở quốc hội liên bang hiện có 11 vị dân cử là người gốc bản địa. Mặc dầu người bản địa chưa ngang hàng với người Úc không phải bản địa  về 4 lãnh vực nêu trên, nhưng điều này không có nghĩa là khi có Tiếng Nói bản địa trong Hiến pháp thì tự nhiên họ sẽ bằng hay rút ngắn khoảng cách đời sống của họ so với người không bản địa.

Những người hoài nghi cho rằng chương trình nghị sự của “Tuyên bố Uluru từ Trái tim” năm 2017 có những ẩn ý che giấu đằng sau, đã được đưa ra ánh sáng và tranh luận khá sôi nổi, quyết liệt. Phe NO  cho rằng Tiếng Nói sẽ làm công việc là nói lên sự thật (truth: sự thật gì đây?), đòi hiệp ước (treaty: nước Úc ký hiệp ước với Các Quốc gia Đầu tiên?) và bồi thường (reparations: về những thiệt hại do người da trắng xâm lăng?). Đó là những câu hỏi được đặt ra mà một số lãnh tụ gốc Thổ dân đã xác định trực tiếp hay gián tiếp trong mấy tháng vừa qua.

Những người ủng hộ YES, từ các chính trị gia, lãnh tụ Thổ dân cho đến những người treo bản “Vote YES” trước cửa nhà mình, có biết thành phần Tiếng Nói gồm những ai, bầu bán ra sao và có quyền hạn như thế nào không? Phần lớn những người này cho rằng cứ có Tiếng Nói trong Hiến pháp trước, mọi chuyện sẽ tính sau, vì thì giờ để nâng cao đời sống của người bản địa quá cấp bách. Thắc mắc về cấu trúc, trách nhiệm, quyền hạn sẽ được Quốc hội ấn định sau.

Nhưng những người ủng hộ NO nói tại sao không chọn phương cách nhanh, dễ và an toàn nhất là để Quốc hội quyết định về việc thành lập Tiếng Nói bản địa. Dùng $350 triệu đô la tổ chức trưng cầu dân ý để giúp người bản địa có tốt hơn không?  Chính phủ đưa ra dự luật, Quốc hội thông qua. Nếu thi hành mà không đạt mục tiêu hay đi quá xa (như đòi ký hiệp ước với nước Úc) thì chính phủ tiếp theo chỉ việc hủy bỏ nếu được Quốc hội chấp thuận. Nhiệm kỳ này chưa được, đợi nhiệm kỳ sau. Nhưng đã đưa vào Hiến pháp, hết đường thay đổi!

Có người nói khẩu hiệu “If you don’t know, vote NO”  là “kinh hãi” nhưng có người khác nói câu đó rất có ý nghĩa, bởi bảo người ta làm một điều mà họ không biết cũng “kinh hãi” không kém. Tại sao nói “nếu không biết thì hãy học tập” trong khi Chính phủ không giải thích như Đối lập yêu cầu?

(Trích xã luận báo điện tử etvts.com.au 27/9/2023)