Bỏ phiếu YES hay bỏ phiếu NO?  Những điều cử tri cần biết khi tới phòng phiếu ngày 14/10/2023

12 Tháng Mười, 2023 | Tin nước Úc,BÌNH LUẬN
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

NGUYỄN HỒNG-ANH –  Chúng ta đang ở trong một nước dân chủ tự do thứ thiệt. Đó là điều may mắn, nhất là đối với những người Việt tị nạn.  Chúng ta được tự do phát biểu, miễn là đừng mạ lỵ hay xúi dục, kêu gọi bạo động. Khác chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, người dân Úc được quyền bỏ phiếu chọn người đại diện trong chính quyền, quốc hội liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố và thỉnh thoảng được quyền tham gia trưng cầu dân ý qua các lần thay đổi hiến pháp như vào ngày 14/10/2023 sắp tới.

Bầu ai, bỏ phiếu thuận hay chống là quyền của cử tri. Biết để bỏ phiếu thì rất tốt, không biết mà nhắm mắt bỏ cho ai hay một vấn đề nào đó cũng không sao. Ray Martin, 78 tuổi, một cựu ký giả và nhân vật truyền hình nổi tiếng và được yêu mến lâu nay, vừa qua được chọn vào nhóm 4 người có gốc bản địa để tranh luận trên đài Truyền hình Số 7 có tên “Big Debate on Voice”.  Phát biểu trong một buổi nói chuyện của phe YES tại vùng Marrickville, Sydney có Thủ tướng Albanese dự và vỗ tay, ông Martin đã chế diễu khẩu hiệu của phe NO, nói “Nếu không biết hãy  bỏ Không” là khẩu hiệu ngu ngốc vô nghĩa làm như mình là con khủng long hay kẻ ngu ngốc, thì không thèm đọc và bỏ phiếu NO, vì nếu không biết thì hãy truy cập google. Báo chí hỏi ông Martin có hối hận và rút lại câu nói chế diễu những người ủng hộ NO không, ông trả lời không và nói quanh co.

Cũng nhờ câu phê bình này mà người ta được biết Martin có bà sơ (great great grandmother) là một phụ nữ thổ dân! Câu ví von này cũng chẳng khác gì câu nói của Giáo sư gốc Thổ dân Marcia Langton gọi một số người phe NO là kỳ thị, ngu ngốc. Cuộc tranh luận về Tiếng Nói đã khiến những nhà trí thức hàng đầu chê bai, chỉ trích đối thủ không khoan nhượng, nhưng coi bộ phe YES nhân danh sự thiệt thòi của người bản địa để nặng lời với phe NO nhiều hơn.

Ray Martin phát biểu tại Marrickville (trái) và trả lời phóng viên về phát biểu bị coi là gây tức giận. Hình: Skynews and 9news’ screenshot

Nội dung của trưng cầu dân ý

Đoạn văn đề nghị nói về sự thay đổi hiến pháp được ghi trong tập hướng dẫn chính thức (official referendum booklet)  của Ủy ban Bầu cử Úc dài khoảng 100 chữ có nội dung, tạm dịch:  Để công nhận Thổ dân và dân đảo Torres Strait là những Dân tộc Đầu tiên của Úc,  sẽ có một cơ quan được gọi là Tiếng nói Thổ dân và dân đảo Torres Strait;  Tiếng nói này có thể đại diện cho họ trước Quốc hội và Chính phủ Liên bang về những vấn đề liên quan đến họ;  Tùy thuộc vào Hiến pháp này, Quốc hội sẽ có quyền làm những luật liên quan đến những vấn đề của họ bao gồm thành phần, các chức năng, các quyền hạn và các thủ tục của nó.

Cử tri sẽ chấp thuận hay không chấp thuận bằng cách ghi vào ô chữ YES hay NO.

Chính phủ Anthony Albanese đề ra Tiếng Nói Bản địa đưa vào Hiến pháp được Quốc hội thông qua nhưng Thủ tướng đã không trả lời hết 15 câu hỏi mà Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton chính thức đưa ra, nên cuối cùng ông Dutton tuyên bố không ủng hộ và đứng vào phe NO do những nhà lãnh đạo chiến dịch NO gốc Thổ dân đứng đầu như Thượng nghị sĩ Tự do Jacinta Price, chính trị gia Warren Mundine.

Chiến dịch YES do Thủ tướng Albanese cầm đầu với  Bộ trưởng Bản địa Úc Linda Burney (gốc Thổ dân)  cùng rất nhiều các lãnh tụ gốc Thổ dân nổi tiếng trong nhiều lãnh vực, các lãnh đạo các đại công ty. Họ ủng hộ bằng tiếng nói và tiền bạc, ra sức vận động cho YES với một lực lượng thiện nguyện viên khoảng 40,000 người xuống đường phát truyền đơn hay gõ cửa từng nhà để kêu gọi bỏ phiếu YES, chưa kể những cuộc biểu tình rầm rộ trên các thành phố khắp nước. Với những chiếc áo thun mang khẩu hiệu Vote YES  hay những tấm biển Vote Yes treo trước cửa một số tư gia, phải nói rằng chiến dịch YES đã làm cho một số người ủng hộ NO phải e dè hay lo ngại khi công khai lên tiếng ủng hộ NO hay mang những khẩu hiệu Vote NO.

Phải nhìn nhận chiến dịch YES và nhiều người ủng hộ YES nghĩ rằng chính nghĩa đứng về phía họ khi họ ủng hộ YES.  Phe NO, trừ các nhà vận động tích cực xuống đường diễn thuyết, hội họp trong các hội trường, đa số nhìn sự vận động cho cuộc trưng cầu dân ý hiện nay như một bức tranh vân cẩu. Họ không biểu lộ công khai ý định bỏ phiếu của họ. Đó cũng là một phần tại sao khi cuộc vận động bắt đầu, tỉ lệ người ủng hộ YES  trên 60% nay chỉ còn 36% vào cuối tháng vừa qua.

Thủ tướng Albanese tham dự một buổi nhạc rock tại Sydney. Hình: Skynews’ screenshot

Có những cử tri bất mãn hay không hài lòng đối với chính phủ hay với những người “cuồng Thổ dân và dân Đảo Torres Strait ”, coi cuộc trưng cầu dân ý này là dịp để họ thể hiện cái quyền của họ bằng lá phiếu.

Chào đón đến với đất nước (Welcome to Country). Nếu một nhân vật quan trọng ngoại quốc đến thăm nước Úc một cách chính thức, được các Thổ dân mặc y phục cổ truyền thực hiện nghi thức đốt lửa xông khói của họ thì còn chấp nhận được, chứ các chính trị gia, nhân vật cao cấp Úc dự một buổi lễ, hoặc hàng chục ngàn người đi dự một trận đấu bóng mà lại có một người Thổ dân xông khói đón chào thì thật là vô lý nếu không muốn nói buồn cười, bởi người Úc (dù là gốc Thổ dân) lại đón những người Úc đến với đất nước họ, có lẽ là chuyện chỉ xảy ra ở nước Úc trong vòng chừng 20 năm trở lại đây! Nhờ dịp trưng cầu dân ý này mà chúng ta đã được nghe cựu Thủ tướng Tony Abbott và Thượng nghị sĩ Jacinta Price lên tiếng về mục “chướng mắt”  Welcome to Country này.

-Tri ân Thổ dân và người Đảo Torres Strait (Acknowledgment of the Traditional Owners). Hầu như trong mọi lễ lạc, hội hè đều có màn tri ân này, với câu nói đại khái ngắn hay dài hơn tùy: “Tôi xin được bắt đầu với việc tri ân những chủ nhân truyền thống (kể tên một hay vài bộ tộc) của miếng đất mà tôi đang đứng hôm nay, tôi xin kính cẩn với những Bậc Tiền Bối trong quá khứ và hiện tại…”.  Các VIP, một số khách mời phát biểu đều đọc câu này. Trước đây phần lớn các chính trị gia Liên đảng không đọc, nhưng gần đây thấy có một số vị, nhưng họ cố gắng nói thật ngắn chứ không nói dài như các chính trị gia Lao động hay đảng Xanh.  Có lẽ chính trị gia Liên đảng cuối cùng phải bấm bụng mà đọc.

Điều buồn cười là nhiều cộng đồng sắc tộc, tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện đọc câu “thần chú” này khi đăng đàn chỉ nói vài câu mà cũng đọc lời tri ân người bản địa, đọc những tên bộ tộc/bộ lạc lạ hoắc mà người phát biểu có thể chẳng biết mô tê gì bộ tộc đó, nói gì cử tọa thường dân trước mặt họ.

Tại sao phải đua nhau làm như vậy? Người ta nói rằng, vì làm chính trị nên phải theo cái “thời thượng cho phải đạo” này (political correctness) để kiếm phiếu (thà nói thừa hơn là thiếu). Người ta cũng viện rằng những tổ chức cộng đồng, hội đoàn cũng nên đọc lời tri ân để khi nộp đơn xin ngân quỹ của chính phủ, không bị vướng vào  “cái lỗi” là không kính trọng (respect) người bản địa và văn hóa của họ. Thôi thì mất gì tiếng nói để được việc, vui vẻ cả làng. Một số tín hữu các tôn giáo trong buổi lễ cũng đọc lời tri ân và tôn trọng người bản địa.

Cũng nhờ cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng Nói mà cái màn tri ân này đã bị một nhà báo kỳ cựu và nổi tiếng hàng đầu Úc là bỉnh bút Greg Sheridan phê bình, bởi việc làm này chẳng khác gì người đạo Thiên Chúa thường đọc Kinh Cám Ơn  Chúa (Grace) trước mỗi bữa ăn. Sự đời, cái gì cũng nên vừa phải, chớ làm quá. Một buổi lễ, có chục quan khách lên phát biểu mà ai ai cũng “tranh thủ” để đọc lời tri ân kiểu này thì rất là khó chịu, phí thì giờ. Mặc dầu nghe nói từ năm 2010, Quốc hội mỗi khi họp đọc Kinh Lạy Cha (truyền thống từ lâu của một nước đạo Thiên Chúa chiếm đa số)  thì sau đó đọc lời tri ân người bản địa, nhưng đấy không phải là luật buộc.

Và cũng nhờ cuộc trưng cầu dân ý mà cựu Thủ tướng Howard nhắc lại cho chúng ta câu nói của Thủ tướng lao động Bob Hawke vào năm 1988 khi kỷ niệm 200 năm thành lập nước Úc: “Tại nước Úc không có dòng dõi giai cấp. Không có đặc quyền nguồn gốc…” để nhắc nhở nguyên tắc và nếp sống ở Úc, mọi người đều như nhau (fairness/ fair go) không phân biệt người ở Úc bao nhiêu đời hay những người mới đến sau như người Việt Nam.

TNS Jacinta Price trong một buổi phỏng vấn do báo The Australian thực hiện. Hình: The Australian youtube’s screenshot

Điều gì sẽ xảy ra nếu  YES thành công?

Bài này được viết đúng một tuần trước cuộc bỏ phiếu ngày 14/10.  Căn c ứ vào các cuộc thăm dò, phe YES không thể nào thắng. Tuy nhiên Thủ tướng Albanese vẫn tin tưởng cử tri Úc sẽ dồn phiếu ủng hộ cho Tiếng Nói bởi đây là cơ hội hiếm có để thay đổi cuộc sống của người bản địa, để hòa giải với họ và để cả nước cùng tiến lên bởi vì thế giới đang nhìn vào nước Úc và nếu Tiếng Nói bị bác bỏ, tiếng tăm của Úc sẽ mất hay giảm đi.

Có thật vậy không? Không. Đó là cái nhìn chủ quan của Thủ tướng Albanese. Vì quá chủ quan mà ông đã làm một việc tai hại cho nước Úc và cho vận mạng chính trị của ông. Người viết đã vài lần phát biểu trên chương trình Thời Sự Trong Tuần của tvtsonline là đáng lẽ không nên tổ chức đưa Tiếng Nói bản địa vào Hiến pháp, bởi đã đưa vào rồi thì rất khó xóa bỏ. Một chính phủ chỉ có thể tồn tại một vài nhiệm kỳ, nhưng Hiến pháp sẽ nằm đó mãi mãi. Chưa kể là Tiếng Nói, dù thắng hay thua, đều gây sự chia rẽ trong xã hội Úc, mà bằng chứng là những tranh cãi đang xảy ra. Tranh chấp chính trị, cãi nhau về một chính sách có thể dễ chấm dứt nhưng xung đột chủng tộc là một vấn đề phức tạp, đôi lúc nguy hiểm, và có thể kéo dài.

Không có gì bảo đảm rằng nếu có Tiếng Nói bản địa trong Hiến pháp thì đời sống của người bản địa sẽ tốt hơn hay bằng người Úc khác. Nhưng có một điều, Tiếng Nói sẽ tạo nên một hệ thống hành chánh rườm rà và khó kiểm soát, chỉ có lợi cho một tầng lớp nào đó hay cho những nhà lãnh đạo, chứ người bản địa ở vùng xa xôi khó được hưởng lợi như người ta kỳ vọng.  Bao nhiêu tỉ đô la hàng năm trong mấy chục năm qua chưa thay đổi cuộc sống khốn khó của người bản địa thì sá gì những tiếng nói (viết thường) của các nhà hoạt động?

Nhưng trước mắt là những hiểm họa có thể xảy ra sau đây:

Thủ tướng Úc và một số kiến trúc sư của Tiếng Nói cho rằng Tiếng Nói chỉ là để giúp đỡ những người bản địa thiệt thòi, giúp họ về giáo dục, y tế, công ăn việc làm và nhà ở. Nhưng Tiếng Nói đưa vào Hiến pháp  không phải chỉ vậy. Càng tranh luận, càng lòi ra nhiều chuyện. Chúng ta thấy những người vận động Tiếng Nói đã cho biết những điều trên chỉ là giai đoạn đầu. Giai đoạn kế tiếp họ sẽ đòi người bản địa được ký hiệp ước (treaty) với nước Úc, được nêu lên sự thật (tội ác của thực dân) và đòi bồi thường thiệt hại. Đó mới là trọng tâm của những người đòi sửa đổi Hiến pháp.

Nước Úc đang đối diện với những quốc gia thù địch và không thân thiện trong vùng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Úc không có chủ quyền lãnh thổ ngay tại đất nước mình khi phải dùng lãnh thổ để lập căn cứ phát triển vũ khí, đóng quân và cho đồng minh sử dụng nếu bị một loại nghị viện thứ ba cản trở và phải chờ Tối cao Pháp viện phân xử?

Để chấm dứt bài bình luận trước ngày bầu cử, người viết xin mượn lời của Thượng nghị sĩ gốc Thổ dân Jacinta Price gởi cho các cử tri qua email vào cuối tuần qua, trích đoạn:

Cuộc trưng cầu dân ý này rất quan trọng và ảnh hưởng đến mọi người Úc. Nó có nghĩa là sự thay đổi lớn nhất đối với Hiến pháp của chúng ta trong lịch sử. Mặc dù vậy, Chính phủ sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của Tiếng nói này cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý. Đơn giản là chúng ta không biết Tiếng nói này sẽ hoạt động như thế nào.

Một khi nó mở ra cánh cửa cho các nhà hoạt động, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những gì chúng ta biết là một khi nó được đưa vào Hiến pháp, nó sẽ có nguy cơ gặp phải những thách thức và sự chậm trễ về mặt pháp lý.

Một khi nó được đưa vào Hiến pháp, nó sẽ chia rẽ chúng ta vĩnh viễn. Tất cả chúng ta đều muốn giúp đỡ người Úc bản địa ở những cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Tiếng nói này không phải là câu trả lời.

Nó đầy rủi ro, không rõ ràng, gây chia rẽ và lâu dài”.

Nguyễn Hồng-Anh

Melbourne 7.10.2023

(Trích etvts.com.au  số 1954, phát hành Thứ Tư 11/10/2023)