THE VOICE : Trước Hiến pháp, tiếng nói của mọi công dân Úc đều bằng nhau

13 Tháng Mười, 2023 | Tin nước Úc,BÌNH LUẬN
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

EDITORIAL – Được đằng chân lấn đằng đầu? Có lẽ không nhiều người Úc lường được rằng một ngày nào đó, người bản địa có một đặc quyền mà trên 270 sắc tộc tại Úc không có được, kể cả những người gốc Anh có công khai phá lục địa rộng mênh mông này khi Hạm đội Thứ nhất của Thuyền trưởng Arthur Phillip từ Anh chở những phạm nhân đến Botany Bay và cắm cờ Anh tại Sydney Cove vào ngày 26/1/1788, là ngày được gọi là Quốc khánh Úc hiện nay.

Trước đó, cũng không có ai nghĩ vùng đất được coi là không có người ở   (terra nullius) sẽ được Tối cao Pháp viện Úc, qua phán quyết Mabo, nhìn nhận một nhóm người đảo Torres Island là chủ nhân của đảo Murray Island (Mer) và từ đó người bản địa khắp mọi nơi ở Úc được quyền làm chủ đất của họ qua đạo luật thổ quyền Native Title Act 1993. Khái niệm đất không là của ai hết giá trị về mặt pháp lý tại Úc, do đó Thổ dân và người Đảo Torres (gọi chung là người bản địa – indigenous) trở thành chủ nhân chính thức của nhiều vùng đất họ đang sinh sống.

Vụ Mabo do ông Eddie Koiki Mabo  và bốn người khác kiện Chính phủ Tiểu bang Queensland và Chính phủ Liên bang thành công đã mở đầu cho một loạt hành động như đòi bồi thường cho những thế hệ bị đánh cắp (Stolen Generations), ngày Hòa  giải (Reconciliation) ngày Xin lỗi (Apology) do chính phủ thực hiện. Và cuối cùng là Tuyên cáo Uluru từ Trái tim (Uluru Statement from the Heart) vào năm 2017 trong đó đại diện người Bản địa yêu cầu đưa Tiếng Nói Bản Địa vào trong Hiến pháp Úc, theo đó Tiếng Nói này sẽ cố vấn cho Quốc hội và Chính phủ đương thời về những vấn đề liên quan đến người bản địa.

Chính phủ Tự do Malcolm Turnbull bác bỏ ngay (nhưng bây giờ ủng hộ vì ông Turnbull nói lúc đó chưa đọc kỹ), Chính phủ Tự do Scott Morrison lần lữa, hẹn giải quyết những ưu tiên khác trước. Nhưng Chính phủ Lao động Anthony Albanese tuyên bố sẽ thực hiện sớm trong nhiệm kỳ của ông. Và ông đã nhanh chóng tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về Tiếng Nói, không cần bàn thảo với đảng Đối lập vì ra vẻ ông hoàn toàn ủng hộ Tiếng Nói bất chấp sự phản đối từ các chính trị gia và người dân bình thường.

Mặc những người ủng hộ Yes như  Linh mục Dòng Tên Frank Bennan hay Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton đề nghị nên hoãn lại ngày bầu cử để bàn bạc, thảo luận rộng rãi hơn nữa hay trả lời những thắc mắc về thành phần, tổ chức và quyền hạn của Tiếng Nói, Thủ tướng Albanese dứt khoát không đổi ý, không cho biết thêm chi tiết của Tiếng Nói. Ông cho rằng Tiếng Nói chỉ là cố vấn và sự thay đổi Hiến pháp chỉ là khiêm tốn, mọi việc sẽ được nghiên cứu sau trưng cầu dân ý.

Thế là thủ tướng và nhóm tranh đấu  thành lập cái Tiếng Nói này đã làm một việc là đặt lưỡi cày trước con trâu. Nhưng cử tri Úc không phải là “con trâu”. Họ bằng lòng hay ủng hộ những thay đổi trong 30 năm qua từ ngày có Vụ Mabo bởi đấy cũng là lẽ công bằng. Nhưng không thể để cho một số người tự nhận rằng tổ tiên họ có mặt 65,000 năm (!?) ở lục địa này và những người không phải bản địa “ăn theo” cùng đòi thay đổi Hiến pháp, dành ưu tiên cho một sắc tộc. Trong Hiến pháp, trước Hiến pháp, mọi công dân đều được bình đẳng.

Không thể nói rằng để nâng cao đời sống của 3% người tự nhận là bản địa mà dành cho họ đặc quyền khác với 97% dân số còn lại trong tổng số 26.5 triệu. Tiếng Nói của người bản địa không thể được coi trọng, cao hơn người Úc không phải gốc bản địa.

Không đợi thêm 30 năm, bỏ phiếu Yes sẽ hối hận sớm!

(Trích xã luận etvts.com.au số 1954 ngày 11/10/2023)