Bãi nhiệm Ban Chấp hành Cộng đồng không xong, kiện? Mỗi người Việt Nam là một ông vua, bà chúa?

01 Tháng Mười Hai, 2023 | Cộng đồng Việt Nam,Tin nước Úc
Mỗi người Việt Nam là một ông vua bà chúa? Ông Nguyễn Việt Long khi là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn & Giám sát trong Hội Chợ Tết 2023 (hiện đã bị Hội đồng CV&GS và Ban Chấp hành Cộng Đồng không công nhận là Chủ tịch). Hình bìa báo điện tử etvts.com.au

 

Cũng như mọi dân tộc khác, người Việt Nam có nhiều đức tính tốt nhưng không thiếu tính xấu. Chúng ta không nên tự cao mà cũng chẳng cần tự ti. Phải nhận biết những cái xấu để loại bỏ, thay đổi và duy trì cái tốt, thăng tiến hơn nữa những cái tốt của mình và học những cái đẹp của những dân tộc khác. Nhiều người Việt tự nhận người Việt không đoàn kết như các sắc tộc khác và thường kể cho nhau nghe chuyện hai giỏ cua (giỏ cua Nhật và giỏ cua VN), một chuyện khôi hài để so sánh và nhắc nhở nhau nên tập làm việc chung và tránh dìm nhau.

Sau khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam,  người Việt vượt biên tìm tự do được nhiều nước tây phương mở vòng tay đón nhận. Một trong những cái may mắn nhất của cộng đồng Việt Nam  ở Úc là Chính phủ Tiểu bang và Liên bang đã hỗ trợ Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria qua dự án thành lập Một Trung tâm Văn hóa và Bảo tàng với số tiền khoảng $16 triệu đô la.

Nhưng sau khi Ban Chấp hành (BCH) tiền nhiệm chuyển giao dự án cho một công ty độc lập là Vietnamese Museum Australia Limited (dịch ra tiếng Việt: Công ty Viện Bảo tàng Việt Nam tại Úc), các thành viên Cộng đồng đã dồn phiếu ủng hộ Liên danh Xây dựng và Phát triển do ông Nguyễn Quang Duy làm thụ ủy với chủ trương xét lại dự án VMA Ltd.

Ông Duy, một vài thành viên trong BCH và nhất là những khuôn mặt đã từng hoạt động lâu năm với các BCH tiền nhiệm đều muốn “của Cesar hãy trả lại cho Cesar” nên đã nhanh chóng thành lập Tiểu ban  Tái xét Dự án Trung tâm VH&BT.

Sau ba tháng, Tiểu ban Tái xét  đã hoàn tất một tập hồ sơ dày 700 trang gởi cho Chính phủ Victoria nói lên việc làm sai trái của BCH tiền nhiệm và đưa một bản khuyến nghị 8 điều cho BCH. Trong ba lần Tiểu ban Duyệt xét trình bày, các thành viên dự các buổi họp phần lớn đưa tay biểu quyết các ý kiến và khuyến nghị của tiểu ban. Nhưng BCH  thay vì đi từng bước một, đã chọn bước cuối cùng là có hành động pháp lý, chuẩn bị đưa sự việc ra tòa án. Và từ đây có chuyện.

Họp bãi nhiệm kiểu này là bất hợp lệ: Hội đồng CV&GS họp chỉ có 2 trên 5 thành viên; không chứng minh được tất cả khoảng 100 người bỏ phiếu là công dân Úc và thường trú ở Victoria v.v…  Liệu “ông giám sát nội quy” Nguyễn Việt Long (thứ hai từ trái) có vận động được vài trăm ngàn đô cho một vụ kiện kéo dài vài năm không? Hình: Hướng Dương screenshot

Một nhóm người “mạnh miệng” muốn đi từng bước 1 đến 8. Nhưng BCH  (dù sau đó có thành viên đổi ý muốn đi hướng khác) tin rằng cuối cùng cũng phải ra tòa nên chuẩn bị kiện. Tuy nhiên, họ đã làm theo lời của trạng sư cao cấp KC (King Counsel), với sự cố vấn rất đúng đắn, đáng đồng tiền, nhưng một số người chống đối, cho rằng ông Duy muốn thỏa hiệp với Công ty VMA.

Từ đây một nhóm gọi là Xã hội Dân sự ra đời, thúc đẩy ông Nguyễn Việt Long, chủ tịch Hội đồng Cố vấn và Giám sát tổ chức một  Đại hội Bất thường một cách bất hợp lệ với 95 phiếu truất phế ông Duy và toàn thể Ban Chấp hành đã được 1,525 phiếu cử tri bầu lên một cách hợp lệ.

Ông Long ra thông báo yêu cầu BCH trao lại hồ sơ, sổ sách trong vòng 4 tuần lễ, nếu không ông sẽ có biện pháp. Biện pháp gì đây nếu không phải kiện BCH? Liệu ông Long vận động được vài trăm ngàn đô cho một vụ kiện kéo dài vài năm không?

Liệu ông và nhóm Xã hội Dân sự sẽ lấy lại được dự án $16 triệu đô không? Đừng cho rằng “có công” vận động để đưa ông Duy lên là có thể hạ xuống. Có thể gọi nhóm này là những “kiêu binh” tâng bốc “chúa” thời nay.

Người mình nói rằng mỗi người Việt Nam là một lãnh tụ, không ai chịu ai. Trong vụ này, có lẽ nên nói mỗi người Việt Nam là một ông vua, bà chúa như chúng ta thấy qua các video, livestream.

Bao giờ tấn tuồng này hạ màn?

(Trích xã luận của tuần san điện tử etvts.com.au phát hành Thứ Tư 1.11.2023)