Câu chuyện 800 năm Máng Cỏ và Lễ Vọng Giáng Sinh 2023 của Cộng đoàn Gioan Hoan, Collingwood thành phố Melbourne

25 Tháng Mười Hai, 2023 | Tin nước Úc
Lễ Giáng Sinh với Hang Đá và chiên bò (thật) do Thánh Phanxicô Assisi bày ra vào năm 1223. Trong hình là một hoạt cảnh đêm 24/12/2023 của Cộng đoàn Gioan Hoan, Giáo xứ St Joseph, Collingwood. Hình: TVTS

Một Thánh lễ Vọng Giáng Sinh đã được tổ chức trọng thể, sốt sáng, ấm cúng và vui tươi đã được tổ chức tại ngôi thánh đường của Cộng đoàn Gioan Hoan ở vùng Collingwood, TP Melbourne, Úc vào tối Chủ Nhật 24/12/2023.

Tham dự thánh lễ có khoảng 300 người trong cộng đoàn, ngồi kín ghế ngôi thánh đường mới được xây lại sau một trận hỏa hoạn vào năm 2007 dưới thời Linh mục Hoàng Kim Huy làm chánh xứ.

Sau bao nhiêu khó khăn, với sự vận động của Cha Huy và cộng đoàn Việt Nam và đặc biệt là sự hỗ trợ của các giáo dân người Úc, Tổng Giáo phận Melbourne thay vì cho xây trường học hay dùng làm việc khác, đã chấp nhận để giáo xứ Thánh Giuse xây lại  ngôi thánh đường mới mà giáo dân Việt Nam là những người xử dụng chính trong việc phụng vụ. Bà Mary Fenelon, phát ngôn viên của chiến dịch “Save St Joseph” nhất quyết yêu cầu phải xây lại ngôi thánh đường được xây năm 1861 bởi những người nghèo ở vùng Collingwood. Bà Fenelon nói những người công giáo gốc Anh đã tản mác khắp nơi và bây giờ ngôi thánh đường là nơi  mỗi Chủ Nhật khoảng 200 người công giáo Việt Nam tị nạn kể từ cuối thập niên 1970 đến dự thánh lễ ngồi trên những chiếc ghế nhựa trong phòng hội của giáo xứ. Cũng phải kể đến sự hỗ trợ của dân biểu đơn vị Richmond thời đó là ông Richard Wynne.

Một hoạt cảnh của các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể. Hình: TVTS

Thời đó, Hồng y George Pell, cựu Tổng Giám mục Melbourne, cũng là một trong những người ủng hộ xây lại nhà thờ bị đã cháy rụi chỉ còn các bức tường, bởi vì ngài thấy người Việt Nam rất mộ đạo mà nhà thờ Thánh Giuse là nơi người công giáo Việt Nam tụ họp sinh hoạt và tham gia mục vụ, bảo tồn văn hóa của họ khi mới đến định cư ở Melbourne dưới thời linh mục tuyên úy Cộng đoàn Gioan Hoan là cha Bart Huỳnh San.

Trong Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, ngoài Cha Chánh xứ Nguyễn Ngọc Dũng, cha cựu Chánh xứ Hoàng Kim Huy cũng đã đến làm lễ đồng tế và có bài giảng ý nghĩa về Thiên Chúa giáng trần. Cả hai vị linh mục Dòng Don Bosco này nổi tiếng giảng mà không nhìn vào giấy và được giáo dân thích lắng nghe trong những bài giảng ngày Chủ Nhật.

Hoạt cảnh sau khi ông A Dông và bà E Và ăn trái cấm và con rắn dụ bà E Và bị phạt trở thành loài bò sát. Hình: TVTS

Trước thánh lễ có hoạt cảnh Giáng Sinh, nhưng năm nay ngoài sự đóng góp của Thiếu Nhi Thánh Thể, các phụ huynh và các đoàn thể trong cộng đoàn đều có tham dự phần nào trong các hoạt cảnh đó. Được biết những hoạt cảnh Giáng Sinh năm nay do Cha Chánh xứ Nguyễn Ngọc Dũng viết kịch bản, phần tập dợt do anh chị Cẩn và Trang đảm trách. Thánh ca do ca đoàn Cung Chiều thực hiện, một ca đoàn được thành lập hơn 40 năm về trước.

Sau thánh lễ là mục xổ số với 4 món quà trong đó một cặp vợ chồng đã may mắn trúng 2 giải. Cũng như thường lệ, sau thánh lễ cộng đoàn có bữa ăn ấm cúng, chuyện trò trước khi ra về để sáng Chủ Nhật sau đó, sẽ tới dự Thánh lễ Giáng Sinh vào sáng ngày 25.

Cộng đoàn Gioan Hoan có tập quán là sau mỗi thánh lễ  Chủ Nhật, ban đại diện cộng đoàn đều có phục vụ trà, cà phê và bánh ngọt để các thành viên có dịp chuyện trò.

Cộng đoàn đang xem hoạt cảnh Nativity trước thánh lễ. Hình: TVTS

800 năm ngày xuất hiện Hang Đá Máng Cỏ đầu tiên trong Lễ Giáng Sinh

Cây Giáng Sinh (Christmas tree) bắt đầu có từ thế kỷ thứ 16 ở Đức, nhưng Máng Cỏ (Manger) và hoạt cảnh Giáng Sinh (Nativity) chỉ có khoảng hơn 12 thế kỷ sau khi Chúa ra đời ở Bê-lem (Bethlehem). Chính xác Giáng Sinh với Hang Đá đầu tiên chỉ xuất hiện cách đây đúng 800 năm tại nước Ý.

Người đầu tiên tạo ra cảnh Chúa Sinh trong Hang Đá Bê-lem là Thánh Phanxicô Assisi (St Francis of Assisi) tại làng Greccio ở miền Trung nước Ý vào năm 1223.

Với người công giáo Việt Nam, thánh Phanxicô được biết là người đã lập ra Dòng Phanxicô Khó Khăn. Ngoài ra ngài cũng được biết là người viết ra bài Kinh Hòa Bình được Linh mục Nguyễn Kim Long phổ nhạc, một bài hát rất nổi tiếng và được yêu thích vì ý nghĩa của nó.

Ca đoàn Cung Chiều với hai violinist là hai chị em Phương Anh và Phương Uyên. Hình: TVTS

Năm  nay, Lễ Giáng cũng là dịp sinh tôn vinh Thánh Phanxicô, cha đẻ của lễ Giáng sinh với máng cỏ, chiên, bò là nơi các giáo dân ghi lại những bức hình kỷ niệm của gia đình sau thánh lễ.

Ngày nay khung cảnh máng cỏ, hay presepio trong tiếng Ý, vẫn là tâm điểm thực sự của nhiều gia đình Công giáo vào dịp Giáng Sinh. Nhưng trước thế kỷ 13, Lễ Giáng Sinh không phải là một lễ lớn và phổ biến như ngày nay.

Thật vậy, từ lễ Giáng sinh năm 1223, vị thánh nhỏ bé lập dị của thành Assisi nảy ra ý tưởng trình bày một khung cảnh máng cỏ, với một con bò và lừa thật bên cạnh tượng Chúa Hài Đồng trong Máng Cỏ cho những người dân địa phương nghèo khổ trong một hang động gần Greccio ở miền trung nước Ý.

Cha Hoàng Kim Huy, nguyên là một ca viên của ca đoàn Cung Chiều thập niên 1980, là linh mục Chánh xứ St Joseph Church khi nhà thờ bị cháy năm 2007 và sẽ bắt đầu chức vụ Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Don Bosco Úc Châu & Thái Bình Dương nhiệm kỳ 4 năm vào ngày 1/1/2024, đang bế tượng Chúa Hài Đồng, chuẩn bị dâng thánh lễ với cộng đoàn. Hình: TVTS

Đêm hôm đó, nhà thờ ở Greccio không thể chứa hết số người chen chúc vào khu vực này nên vị thị trưởng đã dựng một hang động gần đó để cử hành thánh lễ Chúa Giáng Sinh.

Thánh Phanxicô giải thích Tin Mừng với cảm xúc mãnh liệt, nói với giáo dân rằng hài nhi nằm trong máng cỏ là một đứa bé, là con người, giống như họ và con cái của họ.

Thánh lễ bắt đầu, linh mục cựu chánh xứ Hoàng Kim Huy đi đầu với tượng Chúa Hài Đồng, linh mục chánh xứ Nguyễn Ngọc Dũng theo sau (cuối cùng). Khoảng 300 giáo dân tham dự. Hình: TVTS

Người viết tiểu sử về Đức Phanxicô, Thánh Bonaventure, kể câu chuyện nổi tiếng được Giotto minh họa trong vương cung thánh đường của Thánh Phanxicô ở Assisi rằng Đức Giáo hoàng Innocent III có một giấc mơ trong đó ngài nhìn thấy Lateran, vương cung thánh đường của giáo hoàng, gần như sắp sụp đổ.

Nhưng “một người đàn ông nhỏ bé tội nghiệp đã chống đỡ nó bằng lưng cong để nó không rơi”, và Đức Thánh Cha đã bị thuyết phục rằng “ông ấy là người sẽ nâng đỡ giáo hội của Chúa Kitô bằng những gì ông ấy làm và những gì ông ấy giảng dạy”.

Một gia đình ngồi ở trên lầu may mắn đêm Giáng Sinh: Chỉ có 4 lô, sau khi vợ vừa trúng số, vé độc đắc lại về tay người chồng  (áo đen). Hình: TVTS

Do đó, Innocent III đã chấp thuận cho Thánh Francis thành lập dòng Franciscan. Phong trào tu sĩ khất thực nghèo khó của Đức Phanxicô cuối cùng đã thu hút được nhiều người theo trên khắp nước Ý. Ngày nay các tu sĩ Phanxicô sống và làm việc trên khắp thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà vị Giáo hoàng đương nhiệm, người nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một giáo hội “nghèo nàn”, đã chọn tên là Phanxicô (Giáo hoàng Francis) trong triều đại của ngài.

(TVTS viết với tài liệu sưu tầm từ tác giả Angela Shanahan của tờ The Australian và Barney Zwartz của tờ The Age)