Tuyên án vụ nổ súng ở Đắk Lắk: 10 án chung thân

21 Tháng Một, 2024 | Tin Việt Nam
Các bị cáo bị lực lượng chức năng áp giải đến phiên toà. Ảnh TTXVN, via congan.vn

Toà án tỉnh Đắk Lắk hôm 19 tháng 1 đã khép lại phiên xét xử đối với 100 người Thượng, trong vụ án tấn công và sát hại cán bộ ở hai trụ sở uỷ ban nhân dân (UBND) xã xảy ra vào rạng sáng 11 tháng 6 năm 2023.

Phiên toà kết thúc với 10 án chung thân dành cho những người bị cáo buộc “chủ mưu”, những người còn lại bị kết án tù từ ba năm rưỡi đến 20 năm tù.

Trong số 100 người bị đưa ra xét xử, có 53 người bị kết tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 người bị khép tội “khủng bố”. Hai tội danh còn lại “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, và “che giấu tội phạm”, mỗi tội khép cho một người.

Cuộc tấn công vào hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, theo thông tin từ nhà chức trách, đã khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn cảnh sát và cán bộ địa phương.

Cáo buộc văn mẫu

Theo tường thuật của báo chí nhà nước, tại phiên xét xử sơ thẩm kéo dài từ 16/1 đến 19/1, các bị cáo xác nhận đã bị “dụ dỗ, xúi giục và ép” phải thực hiện cuộc tấn công bởi các nhóm phản động ở nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ và Thái Lan. Họ được nói không hề đề cập đến vấn đề xung đột sắc tộc, đàn áp tôn giáo, hay tranh chấp đất đai.

Truyền thông nhà nước, điển hình là Báo Công an, cũng lên tiếng bác bỏ sự liên hệ giữa vấn đề sắc tộc với cuộc nổ súng trên.

Tuy vậy, tại cuộc họp của Uỷ ban Tư pháp của Chính phủ diễn ra hồi tháng 9 năm 2023, nói về vụ nổ súng ở Đắk Lắk, tờ VnExpress dẫn lời thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ, thừa nhận rằng “nguyên nhân sâu xa, cội nguồn vẫn là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng; ; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở.”

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, bà H Biap Krong, một nhà hoạt động nhân quyền người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết:

“Từ năm 1980 cho đến bây giờ, đa số người Thượng khi bị đàn áp và bị cáo buộc dưới những tội danh như phá hoại chính sách đại đoàn kết của nhà nước, thì những hoạt động của họ lại không nằm trong bản án. 

Nhưng toàn bộ những người bị đem ra xét xử bởi toà án, thì các cáo buộc của họ rất giống nhau, từ trước tới giờ rồi. Nó giống như một bài văn học đi học lại, chẳng hạn như là bị lôi kéo, bị xúi giục bởi các thế lực bên ngoài. Đây không còn là điều lạ lẫm đối với những người theo dõi tình hình ở Tây Nguyên.” 

Nhà hoạt động có hàng chục năm kinh nghiệm theo dõi tình hình nhân quyền ở Tây Nguyên cũng cho biết, bản thân người Thượng hiểu rõ cái giá phải trả nếu bị bắt, cho nên sẽ không thể dễ dàng bị lôi kéo để thực hiện những hành động mạo hiểm như vậy, bà nói thêm:

“Đối với người Thượng, khi bị đưa ra xét xử thì các bản án mà nhà nước Việt Nam, và cụ thể là tại chính quyền Đắk Lắk ở Tây Nguyên, thì họ thường bị kết tội với những án tù rất lâu năm, từ 6 năm đến 17 năm. 

Cho nên họ không thể nào đánh đổi cái cuộc sống, và an ninh của họ để mà nghe cái lời xúi giục từ bên ngoài. Bởi vì họ đủ biết rằng nếu họ nghe lời xúi giục từ bên ngoài thì họ sẽ phải đối mặt với những bản án lâu như vậy.”

Trước khi xảy ra vụ nổ súng ngày 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Điển hình là trước đó hai tháng đã nổ ra một cuộc biểu tình của người Êđê bản địa, nhằm phản đối một dự án thoát nước ở địa phương

(Nguồn: RFA)