Canberra: Cuối cùng Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

07 Tháng Ba, 2024 | Tin nước Úc
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Anthony Albanese họp báo chung sau hội đàm tại Thủ đô Canberra. Photo courtesy: Nhật Bắc

Như TiVi Tuần-san đã dự đoán trước khi Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính qua Úc dự Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc ở Thành phố Mebourne và sau đó thăm nước Úc chính thức theo lời mời của Thủ tướng Anthony Albanese tại Canberra, rằng hai nước sẽ nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Tòan diện và điều này được TVTS lập lại trong chương trình Youtube Thời Sự Trong Tuần vào tối Thứ Tư hôm qua 6/3/2024, sáng hôm nay lãnh đạo hai nước đã chính thức công bộ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đối với Việt Nam, ngang hàng và chỉ chậm sau Trung Cộng, Nga, Ấn Độ, Đại Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Thật vậy, sau cuộc hội đàm sáng nay,  Phạm Minh Chính và Anthony Albanese chính thức thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam – Úc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Phạm Minh Chính cho biết tại họp báo chung sáng 7/3 ở Quốc hội Liên bang tại thủ đô Canberra: “Tại hội đàm hôm nay, tôi và ngài Thủ tướng thay mặt chính phủ hai nước tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

Phạm Minh Chính khẳng định khuôn khổ quan hệ mới này sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – Australia, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước. Hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng cộng sản Việt Nam nói: “Thứ nhất là tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác trong lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương.

“Thứ hai là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao.

Theo đó, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Australia tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại nước này; hoan nghênh các doanh nghiệp Australia đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, công nghệ hiện đại.

Thứ ba là thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.

Hai nước sẽ triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Australia hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Australia hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Thứ tư là hợp tác văn hóa, giáo dục – đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn.

Trong các lĩnh vực này, hai bên nhất trí tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa; thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Australia; mở thêm chi nhánh các trường đại học lớn của Australia tại Việt Nam. Hai nước cũng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ năm là giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn. Hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch, phấn đấu đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau; sớm triển khai Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia.

Thứ sáu  là hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Gìn giữ Hòa bình; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng dữ liệu quốc gia”.

Thủ tướng Albanese bày tỏ sự hài lòng vì hai nước là đối tác quan trọng của nhau, phản ánh tầm nhìn chung và mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai.

Thương mại song phương năm 2022 đạt 25.7 tỷ Úc kim, tăng 75% so với năm 2020, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Úc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan điểm của Úc về ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Hai lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; gìn giữ hòa bình; bảo vệ người tiêu dùng; xúc tiến thương mại, đầu tư; khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; tài chính; ngân hàng; nghiên cứu khoa học để phát triển nông, lâm, thủy sản; lao động; tài nguyên môi trường; và năng lượng, khoáng sản. Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó đã chứng kiến lễ công bố đường bay kết nối thành phố Melbourne với Hà Nội của Vietjet tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Úc  2024 tại Melboure.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng với việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, Việt Nam và Australia đã bước sang một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương theo hướng hợp tác thực chất, hiệu quả, toàn diện, bao trùm, bền vững hơn trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cộng sản và độc tài phải coi chừng!

Chuyến đi của Phạm Minh Chính và phái đoàn là một sự thành công của đảng CSVN vì nước Úc rất cần một đối tác, mà nay lại là một Đối tác Chiến lược Toàn diện để có thể đối đầu với Trung Cộng.

Việt Nam cần Úc và Úc cũng cần Việt Nam. Nhưng cuộc hôn nhân dị biệt về chính trị, luật pháp và giá trị dân chủ này không biết rồi sẽ đến đâu.

Có một điều, cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, những người yêu chuộng tự do sẽ rất khó khăn khi tranh đấu cho người dân trong nước. Tuy nhiên, ở một nước dân chủ như Úc, mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến mà không sợ bị đe dọa.  Biểu tình là một cái quyền!

Dân biểu Lao động Liên bang Julian Hill trong cuộc biểu tình chống các lãnh tụ độc tài đại diện cho Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Miến Điện vào Thứ Bảy 2/3 vừa qua đã xác định nước Úc không dung thứ cho những nhà cầm quyền độc tài đe dọa các công dân Úc. Nước Úc hiện có những đạo luật để chống sự can thiệp của nước ngoài, ai vi phạm sẽ bị đối mặt với luật pháp Úc.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn tin)