Báo chí ở VN đồng loạt đưa tin: “Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước” đúng như tin đồn!

20 Tháng Ba, 2024 | Tin Việt Nam
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tháng 4/2023. Ảnh: TTX/ VnExpress

Chiều nay (tối ở Melbourne), các báo chí tại VN đồng loạt đăng tin đồn thổi trong mấy ngày qua với tít: “Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước”. Việc Võ Văn Thưởng làm đơn xin thôi chức Chủ tịch nước cũng giống trường hợp Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2023.

Sau đây là bản tin của VnXpress từ Việt Nam:

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.

Quyết định được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất tại hội nghị bất thường chiều 20/3, sau khi xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của ông Võ Văn Thưởng.

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng phát ngay sau cuộc họp cho biết Ban chấp hành Trung ương đánh giá ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”, thông cáo nêu.

Đây là hội nghị bất thường lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026.

Hơn một năm trước, ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi nhiệm vụ.

Ông Võ Văn Thưởng 54 tuổi, thạc sĩ Triết học, quê huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất khi nhậm chức. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 10 lúc 36 tuổi; Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp 11, 12, 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13.

Tại sao học trò cưng của Nguyễn Phú Trọng bị ép từ chức?

Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam khi nhậm chức ở tuổi 53, và cũng là chủ tịch nước tại vị ngắn nhất trong lịch sử, mới hơn 1 năm 1 tháng.

Theo tin BBC đưa  tối nay, hiện chưa rõ ông Thưởng phạm phải điều gì đảng viên không được làm, nhưng đã có những đồn đoán về sự liên quan của ông Thưởng đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn. Nhất là khi Cơ quan Cảnh sát đi ều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ba tỉnh là Vĩnh Phúc Quảng Ngãi và Vĩnh Long được xác định là có liên quan.

Tháng 8/2011, khi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVIII (nhiệm kỳ 2010- 2015) thay cho ông Nguyễn Hòa Bình. Ông Thưởng làm chức này đến tháng 4/2014.

Về vụ án Phúc Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh là Cao Khoa đều đã bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” và bị tạm giam.

Trong đó, ông Cao Khoa làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ 2011-2014, cùng giai đoạn khi ông Thưởng làm Bí thư tỉnh này.

Những thông tin trên website của Chính phủ Việt Nam cho thấy đây sẽ là một trong những “đại án”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết chỉ riêng hai dự án của tập đoàn này tại tỉnh Vĩnh Phúc “đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng”.

Ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970 tại xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1992, ông theo học ngành triết học Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ 1/2016 – 1/2021, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ 2/2021 tới 3/2023, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026), sau khi nhận 487 phiếu tán thành và 1 phiếu không tán thành, ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời điểm nhậm chức, ông Thưởng 53 tuổi và là chủ tịch nước trẻ tuổi nhất.

Theo Hiến pháp năm 2013 – Điều 87, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước sẽ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Trong trường hợp ông Võ Văn Thưởng, nhiệm kỳ của ông sẽ theo Quốc hội khóa XV, tức tới năm tháng 5/2026.

Vào ‘Tứ Trụ’

Với việc trở thành chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng là một trong “tứ trụ” của Việt Nam, bên cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng ngày một mở rộng. Hàng trăm quan chức bị ví như “củi” bỏ vào lò khi bị kỷ luật, hàng loạt nhà chính trị hàng đầu bị miễn nhiệm, trong đó có hai phó thủ tướng, nhiều nhân vật cấp cao thậm chí bị khởi tố hình sự, lãnh án tù.

Theo hãng tin Reuters, ông Võ Văn Thưởng được coi là người thân tín với nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, cũng là người dẫn dắt chiến dịch “đốt lò” nói trên – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xét về tiểu sử, ông Võ Văn Thưởng, được coi là “hạt giống đỏ”, có học vấn và quá trình làm việc khá giống với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng có học hàm giáo sư, tiến sĩ chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).

Còn ông Võ Văn Thưởng tốt nghiệp ngành triết học, Đại học Tổng hợp TP HCM, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Theo tiểu sử, ông Thưởng chỉ thuần hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sau khi ra trường.

Quá trình công tác của ông Trọng và ông Thưởng cũng hoàn toàn trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ai ra tay triệt hạ Võ Văn Thưởng?

Theo những người thành thạo hậu trường chính trị Việt Nam, Võ Văn Thưởng bị mất chức là do Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Tô Lâm là lưỡi gươm của Nguyễn Phú Trọng để chém tham nhũng, triệt hạ những người Trọng muốn hạ qua chiến dịch đốt lò của Trọng. Nhưng lúc này chính Tô Lâm là người hạ bệ Thưởng vì “những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”, như Ban Chấp hành Trung ương tuyên bố chiều nay.

Thời Báo ở Đức có câu trả lời như sau:

Câu hỏi, “Ai sẽ là người thay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng?”, được công luận hết sức quan tâm.

Dù rằng, chiếc ghế Chủ tịch nước bị đánh giá là  “hữu danh vô thực”, song, trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, ghế Chủ tịch nước – 1 trong “Tứ trụ”, cho phép chủ nhân được hưởng “suất đặc biệt”, được phép ở lại nhiệm kỳ sau, dù đã quá tuổi theo quy định.Đối chiếu với Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị, cho thấy, hiện nay chỉ có 2 ứng viên đủ tiêu chuẩn ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Đó là bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm.Theo giới phân tích, khả năng cao, ông Tô Lâm sẽ giành được chiếc ghế Chủ tịch nước sau Hội nghị Trung ương 9, sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hiện là nhân vật số 2 trong bộ máy lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng. Ông Thưởng được đánh giá là một nhân vật trẻ tuổi và thân cận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, ông đã trở thành nạn nhân của kế hoạch “giành ngôi, đoạt vị” của Bộ trưởng Tô Lâm, đối với ông Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao, ông Tô Lâm lại buộc ông Thưởng ra đi, ngay trước cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14?

Được biết, Hội nghị Trung ương 9 sẽ giải quyết nhiều việc quan trọng, như: Giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước; bầu bổ sung các ghế Ủy viên Bộ Chính trị bị khuyết; kể cả chọn nhân sự cho chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương…

Theo giới phân tích, đây được xem là cơ hội duy nhất và cuối cùng, để Bộ trưởng Tô Lâm có thể trở thành “nhân sự đặc biệt” ở lại Đại hội 14 hay không. Ông Tô Lâm sinh tháng 7/1957, sẽ 68 tuổi, ông sẽ quá tuổi theo quy định. Vì vậy, nếu không trở thành Chủ tịch nước trong thời điểm này, thì Tô Lâm sẽ bắt buộc phải từ giã chính trường, để nghỉ hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 14 (tháng 1/2026).

Giới phân tích chính trị Việt Nam dự báo, từ nay đến Hội nghị Trung ương 9, sẽ có những thay đổi lớn và bất ngờ trong thượng tầng chính trị Việt Nam. Đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, một nhân vật siêu quyền lực sẽ tiếp tục tỏa sáng và bao trùm lên thượng tầng chính trị Việt Nam.

Thông qua chiến dịch bắt giữ các sân sau của các đối thủ chính trị, Tô Lâm uy hiếp các đối thủ chính trị của mình.

Riêng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nguồn thạo tin cho hay, việc triệt hạ Võ Văn Thưởng vào lúc này, đã cho thấy “Tô Lâm coi Tổng Trọng như kẻ đã chết rồi”, và không còn vai trò gì trong chính trường Việt Nam nữa?”.