Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 10: Bà Lương Minh Hương nói con gái bà đánh máy chữ “Giáo sư” thành “Ông”

08 Tháng Chín, 2009 | Kiện tụng

 

 

Có sự khác biệt giữa cách gọi Nguyễn Thuyên khi làm chứng truớc tòa và khi viết trên báo: Vũ Ký được gọi là Giáo sư Vũ Ký, XKZ được gọi là Giáo sư XKZ trong khi Nguyễn Thuyên được gọi là… ông Nguyễn Thuyên  (Phóng ảnh một đoạn trong bài viết của bà Lương Minh Hương gởi cho báo chí Việt ngữ)

 

– Về các diễn giả trong buổi hội thảo

 

Đến đây luật sư McHugh đề nghị với quan tòa để ông hỏi bà Lương Minh Hương về vấn đề khác, còn chuyện lá thư  đăng trên báo sẽ được tiếp tục hỏi lại sau.

 

Luật sư hỏi bà Hương có nhớ đã làm chứng rằng có buổi hội thảo tại Melbourne vào ngày 21 tháng 4 năm 2002, và bà có đồng ý rằng có 3 người được mời diễn thuyết trong đó có nguyên đơn không, bà Hương nói bà đồng ý.

 

Luật sư hỏi bà Lương Minh Hương có nhớ trong ba người được mời có ông tên là Nguyễn Hiệp, cựu chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam không, bà Hương nói không nhớ rõ vì bà không có mặt trong buổi hội thảo đó mà chỉ biết qua cái thông cáo cộng đồng.

 

Hỏi bà có biết ông Nguyễn Hiệp không, và ông này có bằng đại học không, bà Hương nói chẳng biết gì về ông này cả.

 

Luật sư McHugh hỏi bà có biết về ông Vương Thiên Vũ, một người được mời tới diễn thuyết, bà Hương nói bà chẳng nghe và chẳng biết gì về ông này. Hỏi bà có biết ông Vương Thiên Vũ có thể có bằng đại học, có thể là một giáo viên (teacher), bà Hương nói bà không biết. Hỏi về ông Nguyễn Hiệp cũng một cách như vậy, bà Hương cũng nói không biết.

 

Lại hỏi bà có biết có ai gọi ông Vương Thiên Vũ và ông Nguyễn Hiệp là “giáo sư” không (Luật sư McHugh nói hai chữ giáo sư bằng tiếng Việt), bà Hương nói không biết.

 

Luật sư  McHugh nhắc lại cho bà Hương hay rằng trong phần làm chứng ngày hôm qua, bà đã nói với Luật sư Evatt của nguyên đơn khi ông Evatt hỏi bà tại sao bà nhận diện nguyên đơn như là Cử Bịp trong bài báo thứ nhất, thì bà trả lời rằng bởi vì ông ấy là người duy nhất là giáo sư được mời tới trong buổi hội thảo. Nhưng trong buổi làm chứng sáng nay, bà lại nói bà không biết ông Vương Thiên Vũ  hay ông Nguyễn Hiệp có phải là giáo sư không, thì có thật sự bà không biết chăng? Bà Hương trả lời không biết, hoàn toàn không biết.

 

Bây giờ Luật sư McHugh bảo bà hãy nhìn vào hai cái thông cáo cộng đồng (mà tòa đã đồng ý thừa nhận là bằng chứng sáng nay khi Luật sư Evatt của nguyên đơn trình cho tòa), hãy nhìn một hoặc cả hai  để xem đó có phải là cái thông cáo mà bà nói không.

 

Bà Hương nói bà muốn nói tới cái thông cáo trên báo Nhân Quyền. Luật sư bảo bà đọc bản tiếng Việt và sau đó bản tiếng Anh  và hãy nhìn lên góc phải phía trên có ghi ngày năm  2.4.02 – 8.4.02.

 

Bây giờ luật sư mới hỏi bà có nhớ đã đọc cái thông cáo này vào đầu tháng 4 không, bà Hương nói không nhớ.

 

Hỏi có phải bà đọc ngay sau khi báo vừa phát hành không, bà Hương nói bà có đọc nhưng không nhớ lúc nào.

 

Luật sư lại đề nghị có phải hầu như bà đọc ngay sau  khi báo vừa phát hành không thì bà vẫn nói bà nhớ có đọc, nhưng không biết lúc nào.

 

Luật sư hỏi bà có đọc báo Nhân Quyền thường xuyên không (regularly), bà nói không.

Hỏi đọc nhiều ít như thế nào (how often) bà Hương nói bà không thể trả lời được.

 

Hỏi vì báo Nhân Quyền ra mỗi tuần vì thế hầu như bà đọc chẳng bao lâu ngay sau khi báo ra, bà Hương nói có vẻ đúng như thế.

 

Vì bà Hương vừa trả lời như trên, Luật sư McHugh lại đề nghị rằng  hầu như bà đã đọc Nhân Quyền nằm trước mặt bà vào đầu tháng 4 năm 2002 thì bà Hương lại nói bà không biết.

 

Luật sư McHugh nói ông giải thích cho bà hay, bà có nhớ bà đã làm chứng bà có đọc bài báo thứ nhất phát hành ngày 17 tháng 4 liên quan đến vụ xử này không và khi bà Hương nói có nhớ, luật sư lại hỏi bà đã có đọc  (thông cáo trên báo) Nhân Quyền trước khi đọc bài báo (trên TVTS) không, bà Hương nói bà không nhớ.

 

Đến đây tòa tạm ngưng một lát.

 

* * *

– Về bài viết gởi cho báo chí gọi nguyên đơn là “Ông Nguyễn Thuyên”

 

Sau khi đưa lại tờ Tuần Báo Tivi Victoria đã được đánh dấu nhận diện MFI7 cho nhân chứng Lương Minh Hương, Luật sư McHugh nhắc lại việc ông đã yêu cầu bà khoanh tròn các chữ “giáo sư” ở nơi nào bà gặp trong bài và bà đã khoanh chúng đến giữa trang.

 

Ông yêu cầu bà đi xuống nữa và gặp chữ  Giáo sư XKZ  thì khoanh luôn. Rồi ông nhắc lại hồi nãy trước khi tòa ngưng một lát, bà có khoanh  chữ “giáo sư” đầu tiên của một người có tên là Giáo sư Vũ Ký là một giáo sư  ở trường Đại học Yale. Luật sư hỏi bà có thấy những chữ “giáo sư” đó rõ ràng muốn nhắm vào Giáo sư Vũ Ký không, bà Hương nói lúc này bà không chắc cho lắm.

 

Luật sư McHugh nói bà Hương không chắc đấy là câu muốn nhắm tới Giáo sư Vũ Ký nhưng đây chính là bức thư của bà mà bà gởi cho tờ báo. Ông muốn bà đọc thật kỹ đoạn văn được dịch ra tiếng Anh đại khái như sau: “Giáo sư & nhà văn Vũ Ký – Hội viên Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Đại học Yale, Hoa Kỳ, nhận định:”, rồi hỏi có phải đấy là một trích đoạn về Giáo sư Vũ Ký không. Bà Hương trả lời phải.

 

Luật sư hỏi như vậy không phải là một đoạn văn nói về nguyên đơn và các chữ “giáo sư” không có ý nhắm tới nguyên đơn trong đoạn đó phải không, bà Hương  trả lời phải.

 

Luật sư McHugh yêu cầu bà đọc xuống chữ “giáo sư” thứ hai mà ông đã yêu cầu bà khoanh tròn – “Giáo sư XKZ”—và luật sư nói đây cũng không phải  có ý muốn nói tới nguyên đơn mà nói về một người khác có những lời bình về cuốn sách, bà Hương đồng ý như vậy.

 

Luật sư McHugh nói trong toàn bộ bức thư mà bà Hương đã viết, có phải bà đã dùng các từ “giáo sư” trong hai trường hợp để nói về những người không phải là nguyên đơn không, bà Hương trả lời rằng có vẻ như vậy.

 

Bây giờ luật sư  McHugh nói: “Nhưng bà đã nhiều lần nói về nguyên đơn và gọi là “Ông”, có phải vậy không?”.  Bà Hương trả lời: “Đó có thể là một sự lầm lẫn về đánh máy. Tôi không thể kiểm soát người đánh máy”.

 

* * *

 

Mở ngoặc của người viết: Về việc bà Hương trong lá thư gởi cho báo chí gọi các ông Vũ Ký và ông XKZ là giáo sư  Giáo sư Vũ Ký, Giáo sư XKZ  trong khi gọi ông Thuyên nhiều lần bằng ông  Ông Nguyễn Thuyên— luật sư McHugh bỏ ra  khoảng 15 đến 20 phút để làm sáng tỏ bằng cách chất vấn đi, chất vấn lại  khi bà Hương tìm cách tránh không đồng ý với ông là trong toàn lá thư (bài viết) bà chỉ gọi nguyên đơn bằng Ông Nguyễn Thuyên.

 

Có lúc bà Hương từ chối trả lời, có lúc bà nói toàn bản văn, toàn bài viết đã nói ông Thuyên là giáo sư, vì ông Thuyên có bằng đại học, có bằng cử nhân, vì ông là hiệu trưởng của hai trường.

 

* * *

– Về người đánh máy bài của bà Hương

 

Luật sư McHugh nói ông không hỏi bà về lỗi lầm của người đánh máy mà chỉ muốn hỏi những gì đã viết trong bài báo, rồi yêu cầu bà hãy nhìn vào bài viết và cho ông biết trong toàn bộ bài báo có chỗ nào đã nhắc đến nguyên đơn như là một “giáo sư” không. 

 

Bà Hương lại nói bà không thể kiểm soát được người đánh máy.

 

Luật sư nói ông muốn giúp bà Hương để bà có thể trả lời câu hỏi của ông, rằng bà hãy xem bài viết đang nằm trước mặt bà đó, bài viết đã được in và phát hành,  hãy coi và trả lời có chỗ nào trong bài viết đó nhắc tới nguyên đơn như là giáo sư không, thì bà Hương lại nói bà không thể kiểm soát lỗi lầm của người đánh máy hoặc nói cả bài viết có ý muốn nói ông  Thuyên là giáo sư.

 

Khi bị hỏi rằng đã không có chữ “giáo sư” nào trong bài viết đã được ấn hành muốn nói về nguyên đơn, bà Hương trả lời: “Người giáo sư, người giáo viên ở trung học, hay ở đại học, chúng tôi gọi họ là giáo sư, thế nên ông ta là giáo sư, ông ta đã dạy ở trường học đó, ông ta đã là hiệu trưởng, thế nên ở đây tôi nhắc tới ông ta là một giáo sư”.

 

Các câu hỏi của luật sư sau đó đã được nhân chứng Lương Minh Hương tiếp tục trả lời như trên, hoặc chọn không trả lời, hoặc nói cả bài viết nhắc tới nguyên đơn như là giáo sư  hoặc bà đã không thể kiểm soát được đả tự viên.

 

Luật sư McHugh muốn nói cho thật rõ ràng chính xác về những gì đã được ấn loát, rằng trong tài liệu nằm trước mặt bà Hương, người mà bà Hương gọi là “giáo sư” và ông (tức Luật sư McHugh)  gọi là “nguyên đơn”, đã được nhắc đến là “Ong Nguyen Thuyen” (nguyên văn tiếng Việt của luật sư), có phải đúng như vậy không?

 

Luật sư McHugh nói thêm: “Xin bà hãy nhìn vào đó và xin vui lòng cho tôi biết có đúng như thế không?”.

 

Và khi bà Hương trả lời ở trong đó có nói đến, nhưng bà không thể kiểm soát người đánh máy thì luật sư nói ông không hỏi bà về việc kiểm soát người đánh máy mà chỉ muốn hỏi bà những gì nằm trong bài viết.

 

Đến đây ông quan tòa nói với luật sư:  “Vâng, ông đã có câu trả lời rồi”. Và Luật sư  McHugh nói ông nghĩ  cuối cùng ông có thể có được nó.

 

* * *

 

Bây giờ luật sư McHugh hỏi bà Hương về tài liệu được đánh dấu nhận diện MFI5 mà sáng nay bà Hương đã đưa cho luật sư (tức bài  đánh máy mà bà Hương nói là của bà đã gởi cho báo chí) và luật sư muốn bà Hương xác nhận ai đã soạn ra nó.

 

Tòa được nghe rằng bà Hương soạn nhưng không phải do bà đánh máy mà do con gái bà đánh máy.

 

Luật sư hỏi tên con bà, bà Hương hỏi lại liệu bà có phải nói ra tên con bà ra không, rằng con gái bà có phải dính dáng vào vụ này không?

 

Luật sư McHugh nói há chẳng phải bà Hương vừa làm cho con bà dính dáng bằng cách nói cô ấy là người đã đánh máy. Luật sư nói ông chỉ muốn làm cho rõ ràng tận nguồn gốc của một vấn đề mà bà đã đưa ra trong khi làm chứng, bởi bà nói bà không chịu trách nhiệm về người đã đánh máy.

 

Luật sư yêu cầu bà Hương cho biết tên người con gái của bà, và nếu bà không muốn nói ra thì hãy viết xuống trên giấy.  Bà Hương viết tên con gái xuống và tài liệu này được đánh dấu nhận diện MFI8.

 

Trả lời các câu hỏi tiếp theo của luật sư, bà Hương xác nhận đây là tài liệu mà bà đưa cho ông sáng nay, là tài liệu mà bà đã nói đến ngày hôm qua.  Bà là người soạn thảo và chịu trách nhiệm về nội dung, nhưng bà không phải là người đánh máy lá thư này.

 

Bà Hương nói bà hiện không giữ bản thảo lá thư viết bằng tay, bởi vì khi viết tay xong, bà dục nó đi vì nhiều chữ viết nguyệch ngoạc và chính bà cũng không có thể đọc nó được nữa.

Qua những câu hỏi của luật sư, tòa được nghe rằng bà Hương đã không đọc kỹ bản đánh máy trước khi đặt bút ký và gởi cho báo Nhân Quyền.

 

Con gái bà đem bản đánh máy về nhà, bà hỏi con gái đã kiểm tra mọi chuyện chưa, có thiếu sót gì không.  Khi con gái nói vừa đánh máy xong, không thiếu sót gì, bà liền ký vào mà không đọc lại bài con gái đánh máy.

 

Luật sư McHugh hỏi bà rằng bà có đồng ý với ông khi ký vào bà chịu trách nhiệm với những gì bà viết trong đó không, bà Hương trả lời không, không chịu trách nhiệm trăm phần trăm.

 

Luật sư yêu cầu bà Hương nhìn vào tài liệu mà bà vừa đưa cho ông sáng nay, được đánh dấu nhận diện là MFI5  để xem trong tài liệu này có những chữ  giáo sư có ý nói về nguyên đơn không và có nhắc đến buổi hội thảo chính trị diễn ra vào ngày 21.4.2002 không, bà Hương nói bà không thấy chữ giáo sư nói về ông Thuyên và bà cũng đã không nói về ngày hội thảo trong tài liệu này.

 

Bây giờ luật sư mới nhắc lại cho bà Hương nghe về những gì bà đã làm chứng ngày hôm qua như:  bà nói bà đã không gặp luật sư của nguyên đơn cho đến ngày ông ta tới gặp bà với bản cung khai này (this statement), với bản dịch có đề ngày 21.4.2002. Và khi luật sư hỏi bà có chắc rằng trong bản cung khai bằng tiếng Việt có ngày tháng đó không, bà trả lời có. Luật sư hỏi bà có bản cung khai tiếng Việt ở đây không, bà Hương trả lời bà để ở nhà và vì thế sáng hôm nay bà mang tới cho luật sư McHugh, được đánh dấu MFI5.

 

Luật sư McHugh hỏi bà Hương có nhớ điều bà làm chứng ngày hôm qua không, bà Hương trả lời bà không nhớ, rằng bà khá rối trí.

Bây giờ Luật sư Evatt của nguyên đơn xin quan tòa cho xem tài liệu MFI5 và MFI6 bản dịch. Rồi Luật sư Evatt thưa với quan tòa rằng có sự hiểu lầm ở đâu đó vì  tài liệu được trình ra sáng nay là một lá thư gởi cho tờ báo chứ không phải bản cung khai của bà ta.

 

Quan tòa nói ông nghĩ rằng theo những gì mà bà Hương đã làm chứng ngày hôm qua về bản cung khai của bà, bà muốn nói về lá thư bà viết qua đó luật sư (của nguyên đơn) dùng để soạn thảo một bản văn bằng tiếng Anh và trở thành tờ cung khai của bà trong tiến trình kiện

tụng này.

 

* * *

 

Lời người viết: MFI5 là lá thư bà Hương viết và gởi cho báo chí đăng đề ngày 1.7.2002. MFI7 là lá thư của bà Hương đã được đăng trên Tuần báo Tivi Victoria số ra ngày 16-22 tháng 7 năm 2002 và đã được trình trước tòa hôm nay.  MFI6 là tờ cung khai cá nhân bằng tiếng Anh của bà Hương được ký vào ngày 17.11.2004.

 

Do đó, như Luật sư  Evatt trình với tòa rằng lá thư gởi cho báo không phải là tờ cung khai, nhưng quan tòa giải thích đó là những gì bà Hương đã nói khi làm chứng trong ngày trước.

 

Riêng người viết với tư cách là một dự thính viên và cũng là người bị kiện, đã nhận thấy điều này ngay từ ngày hôm qua và chờ xem diễn tiến sẽ như thế nào.

 

* * *

 

Tiếp theo đó, Luật sư McHugh đưa lá thư (MFI5) và yêu cầu bà Hương nhìn vào bản cung khai tiếng Anh đề ngày 17.11.2004 và đặt các câu hỏi, và được bà Hương trả lời đại khái như sau:

 

Đây là hai bản văn riêng biệt. Bản cung khai bằng tiếng Anh không phải là bản dịch của lá thư bằng tiếng Việt. Bà không nhớ là bà đã có soạn thảo một bản tiếng Việt nào không để căn cứ vào đấy mà làm bản cung khai bằng tiếng Anh đề ngày 17.11.2004.

 

Rồi khi Luật sư McHugh đề nghị rằng có phải là luật sư (của nguyên đơn) soạn thảo không, bà Hương nói phải.

 

Tòa được nghe rằng luật sư (của nguyên đơn) mang tới và yêu cầu bà ký. Bà không dùng trí nhớ để kiểm tra nội dung khi ký mà tùy thuộc vào sự nghiên cứu của viên luật sư (his research) để làm tờ cung khai của bà.

 

* * *

 

Trước khi tòa tạm ngưng phiên xử, Luật sư McHugh muốn hỏi bà Hương về Thông cáo Cộng đồng đăng trên tờ Nhân Quyền được đem ra làm chứng về cuộc hội thảo.

 

Qua các câu hỏi của luật sư, tòa được nghe bà Hương trả lời đại khái như sau:

 

Bà Hương không thể nhớ bà đọc cái thông cáo này trước hay sau ngày bài báo đầu tiên xuất hiện trên TiVi Tuần-san vào ngày 17.4.2002 bởi vì đã lâu, trên hai năm.

 

Một câu hỏi cuối cùng mà luật sư muốn đặt với bà Hương là về bài báo thứ nhất vừa nói.

Vì bà Hương khi được Luật sư Evatt chất vấn, bà đã làm chứng tại sao bà nhận diện nguyên đơn là nhân vật được mô tả là Cử Bịp trong bài báo, rằng Cử Bịp được bà nhận diện là Giáo sư Thuyên. Cho nên,  Luật sư McHugh lúc này hỏi có phải một trong những lý do giúp bà nhận diện được nguyên đơn là Cử Bịp khi bà đọc bai báo thứ nhất vì sự kiện ông ta đã viết cuốn sách “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” không, bà Hương trả lời không.

 

Luật sư cám ơn bà Hương nhưng đề nghị với bà rằng sự hồi tưởng của bà về những chuỗi biến cố không rõ ràng, có nghĩa là cái nào trước cái nào sau, bà đồng ý bà không thể nhớ rõ về vấn đề thời gian như cái nào bà đọc trước, cái nào đọc sau, như bài báo hay thông cáo cộng đồng, không thể nhớ rõ ràng chính xác các chuỗi sự kiện.

 

Luật sư lại đề nghị thêm rằng bằng chứng của bà về tờ cung khai ngày 17.11.2004 nói là bản dịch của một tài liệu bà soạn thảo bằng tiếng Việt như bà đã làm chứng trong ngày hôm qua, không phù hợp với sự làm chứng trong ngày hôm nay và bà có đồng ý như đề nghị của ông không, hay là không đồng ý?

 

Bà Hương trả lời rằng lúc này bà không nhớ những gì bà đã nói ngày hôm qua.

Luật sư McHugh nói với tòa đến đây ông nghĩ rằng thích hợp để chấm dứt (việc đối chất).

Luật sư  Evatt tái chất vấn (re-examine) bà Hương, hỏi số 6 có phải là bản dịch ra tiếng Anh của bản số 5 không, được bà ta trả lời vâng.

 

Rồi ông Evatt hỏi những câu khác được bà Hương trả lời đại khái như sau:

Bà không phải là người dịch bản văn. Tài liệu số 5 là lá thư bằng Việt ngữ bà viết và gởi cho tờ báo Tivi Victoria nói về hai bài viết đăng trên báo TiVi Tuần-san và hiện đang ở trước bồi thẩm đoàn.

 

Con gái bà Hương đánh máy bản văn tiếng Việt. Sở dĩ việc nhắc đến nguyên đơn là “Ông” thay vì “Giáo sư” là vì do khi bà đưa bản thảo cho con gái đánh, con gái đánh chữ  GS  –những chữ viết tắt–  có nghĩa là Giáo Sư  (Professor) thành chữ Ông (Mister).

 

Bà Lương Minh Hương nghĩ rằng con gái bà đã làm kỹ lưỡng.  Con gái nói rằng cô ta đã đánh máy đúng, và vì vậy bà Hương ký vào. (Còn tiếp)

 

(Trích TVTS số  1212  – 17.6.2009)