Nói lại cho rõ hơn: về bài tường thuật vụ kiện giữa ông Phan Văn Giưỡng và báo Việt Luận

19 Tháng Tám, 2009 | Kiện tụng

 

 

Vào khoảng tháng 6  vừa qua, TVTS Online có đăng bài tường thuật vụ kiện giữa ông Phan Văn Giưỡng và báo Việt Luận. Nay TVTS Online muốn nói lại cho rõ hơn, để tránh sự hiểu lầm, nếu có.

 

Trong bài tường thuật được đưa lên mạng vào ngày 11.6.2009, TVTS Online đăng lại bài viết đã đăng trên báo in TVTS vào ngày 26.4.2006 tường thuật vụ kiện giữa ông Phan Văn Giưỡng và báo Việt Luận với kết quả là bà Quan tòa Simpson đã phán ngưng mọi thủ tục kiện tụng vĩnh viễn và truyền bên nguyên đơn (ông Phan Văn Giưỡng) phải trả chi phí luật pháp cho bên bị kiện (báo Việt Luận).

 

Ngày 24.6.2009, TVTS Online đăng tiếp sau bài tường thuật nói trên bản tin cập nhật  với tựa “Giáo sư Phan Văn Giưỡng thua kiện, và… khai vỡ nợ!”.

 

Để tránh cho độc giả khỏi hiểu lầm, nếu có, TVTS xin được nói lại cho rõ về bản tin cập nhật  này và những tựa đề liên hệ trong toàn bài.

 

1. Về ý nghĩa của câu “vô phúc đáo tụng đình”.  Trong chuyên mục Defamation lawsuits, và trong bài tường thuật “Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 3”  được đưa lên mạng ngày 2.7.2009, TVTS  Online đã có lời giải thích về thành ngữ rất quen thuộc của người Việt Nam như sau:

 

“Vô phúc đáo tụng đình: Đáo: đến; tụng đình: tòa án. Lời khuyên không nên kiện cáo: dàn xếp ổn thỏa với nhau, chứ kiện cáo thì vô phúc đáo tụng đình. Xuất xứ: Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Lân”.

 

Câu nói “Vô phúc đáo tụng đình” của người xưa đã được TVTS nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài tường thuật liên quan đến các vụ kiện như là một hình thức khuyên mọi người nên dàn xếp với nhau hơn là đưa nhau ra tòa, vì ra tòa thì phải tốn công sức và nhất là tốn tiền, hao tổn về tinh thần lẫn vật chất.

 

Khi dùng thành ngữ này, TVTS có thiện ý bởi chính TVTS cũng đã hơn một lần “vô phúc đáo tụng đình”, nghĩa là không được may mắn. Câu này hoàn toàn không có ý cho rằng hễ ai ra tòa, là kẻ đó vô phúc hiểu theo nghĩa không có phúc hay âm đức hay bất cứ gì khác.

 

2.  TVTS Online qua lời của ông Chủ nhiệm Lê Anh Dũng,  biết rằng ông Phan Văn Giưỡng mắc nợ Việt Luận, chưa trả tiền cho Việt Luận, và đã khai khánh tận. TVTS không biết, không chắc ông Giưỡng có phải vì do vụ kiện mà bị khánh tận hay không, vì thế đã dùng những từ  “có thể”.

 

Trong bài viết hôm nay, TVTS Online xin nói lại cho rõ TVTS chỉ biết ông Phan Văn Giưỡng khánh tận, nhưng không rõ lý do ông ấy bị khánh tận.

 

Trong đoạn cuối của bài viết cập nhật  vào ngày 24.6.2009, TVTS Online có đưa ra nhận xét riêng của TVTS Online mà TVTS Online nghĩ rằng công bình (fair comment):

 

“Như ông bà mình thường nói “vô phúc đáo tụng đình”, việc ông Phan Văn Giưỡng đi kiện báo Việt Luận về một bài viết bị ông tố cáo là mạ lỵ ông, nhưng bị phán phải trả tiền luật sư cho người bị kiện, có thể đã khiến ông thành kẻ khánh tận, và có hồ sơ vỡ nợ.

 

Nếu ông chịu giải quyết ngoài tòa, nghĩa là chấp nhận lời xin lỗi của Việt Luận như đã thỏa thuận, và không tiếp tục kiện thêm nữa… thì có thể đã không đến nỗi trở thành người khánh tận, là kẻ mắc nợ người mình đi kiện!

 

Âu cũng là một bài học cho những người khác sau này!”.

 

Bài học đó TVTS đã kinh qua và muốn chia sẻ với mọi người trong chiều hướng khuyên không nên đưa nhau ra tòa, nên dàn xếp ngoài tòa, trừ trường hợp chẳng đặng đừng.