Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 8: Bà Lương Minh Hương làm chứng

14 Tháng Tám, 2009 | Kiện tụng

 

Logo chủ đề số ra ngày 5.6.2002: Mục “Ngồi Buồn Gãi Rốn” hàng tuần trên báo TVTS do Lão Ngoan Đồng phụ trách

 

Lúc này khoảng 3 giờ chiều của phiên xử ngày thứ hai. Một nhân chứng khác của nguyên đơn lên bục chứng tuyên thệ là Minh Hương Lương, tức bà Lương Minh Hương.

 

Bà Hương là người đầu tiên chưa đầy một tháng sau bài báo thứ hai của Lão Ngoan Đồng đã gởi cho chủ bút TVTS một lá thư phê bình TVTS một cách nặng nề, hết lời bênh vực ca ngợi ông Thuyên và nói rằng rồi đây khi có kiện tụng trước tòa, thể nào bà cũng sẽ ra làm chứng. Bài viết đó của bà Hương đã được một số báo Việt ngữ  đăng.

 

Và hôm nay, bà Hương đã thực hiện lời nói đó. Bà Hương không cần thông dịch viên, một điều dễ hiểu vì  trong bài viết gởi báo chí bà Hương nói từng dạy sinh ngữ và làm thông dịch.

 

Theo thủ tục, luật sư  Evatt của nguyên đơn chất vấn nhân chứng trước. Và qua lần lượt các câu hỏi của luật sư, tòa được nghe đại khái như sau:

 

Bà đến Úc năm 1975. Năm 1972 và 1973, khi đang học năm sư phạm cuối ở Đại học Văn khoa Huế, bà Hương dạy Pháp văn tại trường của ông Thuyên.

 

Bà Hương nói ông Thuyên khi đó là một giáo sư, và lúc này ông ta cũng là một giáo sư, rằng ông Thuyên là hiệu trưởng của hai trường trung học, nhưng bà Hương chỉ dạy tại một trường của ông Thuyên.

 

Bà Hương nói ông Thuyên được các người trong cộng đồng gọi là giáo sư (professor) và ông ta cũng tự xưng là giáo sư.

 

Luật sư  Evatt của nguyên đơn đặt những câu hỏi về bài báo thứ nhất và bài báo thứ hai để hỏi bà Hương có đọc và có thấy liên hệ với nhau không nên đã bị Luật sư  McHugh của bên bị phản đối (objection) vài lần, cho rằng nói như vậy là hướng dẫn (lead) và có một lần quan tòa cũng cho rằng lối hỏi như vậy là hướng dẫn.

 

Tuy nhiên sau đó dù Luật sư  McHugh  phản đối cho rằng hai bài báo cách nhau đến 7 tuần lễ,  quan tòa vẫn cho phép Luật sư  Evatt tiếp tục đặt câu hỏi về sự liên hệ giữa hai bài báo.

 

Và khi bà Hương trả lời bà đọc hai bài báo, thấy bài thứ nhất có liên hệ với bài thứ hai  vì bài báo thứ hai nói Giáo sư thuyên bán sách để gây quỹ và bài báo thứ nhất nói ông là giáo sư,  thì Luật sư Evatt nói: “Cám ơn bà. Tôi đang ngồi xuống đây, thưa Quan tòa”.

 

Bà Hương có vẻ hơi ngơ ngác với lối nói nhà nghề của các trạng sư nên nói: “Tôi hơi rối trí về câu hỏi này”. Quan tòa châm chế: “Không sao. Chớ cảm thấy mình thiếu kém (don’t  feel deficient). Cám ơn bà”.

 

Về 2 bản cung khai.

 

Bây giờ qua phần  đối chất (cross-examination) của luật sư bị đơn.

 

Luật sư McHugh hỏi bà Lương Minh Hương ông nên gọi bà bằng cách gì thì đã được bà gợi ý gọi Mrs Lương.

 

Tuy nhiên, trừ cách luật sư gọi trực tiếp nhân chứng là Mrs Lương, chúng tôi khi tường thuật sẽ gọi bà Lương Minh Hương bà Hương như người Việt Nam vẫn thường gọi.

 

Khi luật sư hỏi bà Hương bà có nhớ đã soạn thảo hai bản cung khai của nhân chứng (witness statements)  với mục đích dùng cho vụ này không thì bà Hương trả lời: “Có, bản cung khai (statement) trong tờ báo Nhân Quyền (Human Rights paper). Bản nào nhỉ?”.

 

* * *

(Lời người viết: Vào ngày 1.7.2002 chưa đầy một tháng sau bài báo thứ hai của ký giả Lão Ngoan Đồng, bà Hương đã viết một lá thư gởi cho chủ bút Nguyễn Hồng Anh để phản đối, cáo buộc và dọa sẽ ra làm chứng và đồng thời bà gởi bài viết này cho các báo Việt ngữ khác đăng. Vì bài viết được báo Nhân Quyền có trụ ở tiểu bang Victoria đăng nên khi nghe chữ  statements, có thể bà Hương yên trí là luật sư McHugh hỏi về bài đăng báo đó khiến luật sư nói ông sẽ chỉ cho bà xem hai bản cung khai này. Đó là một bản cung khai tập thể (joint statement) đề ngày 3 tháng 11 và một bản cung khai đề ngày 17 tháng 11). 

 

* * *

Luật sư hỏi bà Hương bà có thấy chữ ký của bà dưới hai tờ cung khai đó không và có biết rằng khi bà ký vào tờ cung khai là có ý dùng cho mục đích của vụ xử ngày hôm nay, rằng các tờ cung khai sẽ đưa cho luật sư bên bị để họ tìm hiểu lời chứng của bà như thế nào và bà đã cẩn thận đọc từ đầu đến cuối trước khi ký không, bà Hương đều trả lời có.

 

Luật sư cho biết có sự khác biệt giữa hai tờ cung khai. Thí dụ: trong tờ cung khai tập thể ghi “Chúng tôi biết nguyên đơn từ thập niên 1980” trong khi tờ cung khai thứ hai của bà Hương ghi “Tôi biết nhân chứng từ năm 1972”.

 

Luật sư hỏi có phải đoạn một trong bản cung khai tập thể không đúng nếu nó nói rằng bà biết ông Thuyên từ thập niên 1980, nhưng bà Hương nói vì đấy là bản cung khai tập thể do đó bà phải tôn trọng ý kiến của kẻ khác.

 

Bà nói bà thấy chuyện đó nhưng bà chỉ chịu trách nhiệm với bản khai của bà vì có quá nhiều người chịu trách nhiệm với bản cung khai tập thể.

 

Bà Hương nói bà phải làm theo với những người khác bởi các bản cung khai được soạn bởi luật sư  thì bà còn làm cách nào khác hơn, bởi bà giao phó mọi sự trong tay luật sư.

 

Luật sư  McHugh hỏi tại sao không thể làm khác hơn, tại sao không ký nếu nó không đúng để làm bằng chứng thì bà Hương nói “nhưng đây là được soạn thảo bởi luật sư”.

 

Luật sư McHugh lại hỏi có phải bà cảm thấy bắt buộc phải làm bất cứ cái gì các luật sư đặt trước mặt bà không, bà Hương nói: “tôi không còn cách nào khác là tin vào luật sư của tôi”.

 

Bị hỏi có phải luật sư của bà không, bà Hương xin lỗi nói luật sư của nguyên đơn. Luật sư McHugh hỏi có phải luật sư đó biện hộ cho bà không, bà trả lời không.

 

Luật sư McHugh lại hỏi có phải bà cảm thấy phải tin những gì luật sư nguyên đơn đưa ra trước mặt bà không, bà Hương lặp đi lặp lại vài lần “Tôi tin vào người luật sư”.

 

Luật sư McHugh trong khi đối chất cứ hỏi bà Hương rằng bà có đồng ý với ông khi ông đề nghị rằng bà đã phải cẩn thận nhiều hơn nữa đối với bản cung khai tập thể không, bà đồng ý.

 

Thế rồi khi luật sư  McHugh nói tiếp rằng liên quan đến bằng chứng của bà, bản cung khai có một số hướng dẫn khá sai lạc (quite misleading) trong một số vấn đề… thì luật sư  Evatt của nguyên đơn nói phản đối (objection) nhưng quan tòa nói cho phép đặt câu hỏi đó.

 

Luật sư McHugh lại hỏi lần thứ hai câu hỏi như trên, rằng bà có đồng ý với ông bản cung khai tập thể có một số hướng dẫn khá sai lạc không,  bà Hương khẳng định “Không”.

 

* * *

Luật sư McHugh bây giờ yêu cầu bà Hương nhìn vào đoạn 11 của bản cung khai tập thể, nói rằng năm 2004 nguyên đơn đi lên New South Wales và cư ngụ trên đó và trong bản cung khai cá nhân ở đoạn  12 bà cũng bàn luận về chuyện đó nhưng bà không ghi ngày tháng. Lại hỏi rằng bà có đồng ý với ông rằng trong bản cung khai tập thể bà nói nguyên đơn lên trên đó vào năm 2004 không, bà nói không đồng ý.

 

Bà Hương nói bà không nhớ năm nào vì chuyện đi lên rồi đi xuống không phải là của bà, mà là của nguyên đơn.

 

Sau khi hỏi qua nói lại cùng một chuyện như thế, về năm nguyên đơn lên NSW là năm 2004 của bản cung khai tập thể mà bà Hương cùng ký vào với những nhân chứng khác, luật sư McHugh hỏi lý do gì khiến bà làm bản cung khai thứ hai, bà Hương nói sau khi bà đọc hai bài viết (trên báo TVTS, ghi chú của người tường thuật) thì bà “cảm thấy có bổn phận phải nói lên sự thật, tất cả là như vậy”.

 

* * *

Vì luật sư nguyên đơn phản đối một câu hỏi của luật sư bên bị đơn liên quan sự khác biệt giữa hai bản cung khai và quan tòa cần làm sáng tỏ vấn đề nên nhân chứng Lương Minh Hương và bồi thẩm đoàn được yêu cầu ra khỏi phòng để hai bên bàn luận mà không có mặt của họ.

 

Luật sư  Evatt trình với tòa rằng bên nguyên (plaintiff) có  gởi một bản cung khai tập thể nhưng bên bị (defendant) bác bỏ, yêu cầu mỗi nhân chứng làm một bản cung khai riêng.

 

Tuy nhiên Luật sư  McHugh muốn quan tòa hiểu rõ hơn, rằng bên bị đơn than phiền về bản cung khai và sau đó được trao cho các bản cung khai cá nhân là không đúng. Luật sư  McHugh nói phía ông than phiền vì đã được trao cho một bản cung khai tập thể mà không có các chữ ký.

 

Phía ông nói muốn có những bản cung khai cá nhân có chữ ký,  rồi nhận được bản cung khai tập thể được ký bởi mọi nhân chứng, và sau đó bất ngờ nhận thêm các bản cung khai cá nhân.

 

Vì bản cung khai tập thể và cung khai cá nhân dùng để làm chứng trước tòa có vài điểm khác nhau, nên luật sư McHugh khi chất vấn chéo đã hỏi từng người một về cùng một chuyện (tại sao có sự khác biệt giữa hai bản cung khai) và đôi khi đã được giải thích như các nhân chứng trước, và như nhân chứng Lương Minh Hương sau đây.

 

Lúc này quan tòa truyền cho nhân chứng và bồi thẩm đoàn trở lại phòng xử.

 

* * *

Luật sư McHugh lại hỏi về bản cung khai thứ hai ký ngày 17 tháng 11 và bản cung khai tập thể ký ngày 3 tháng 11, và hỏi bà Hương tại sao đã ký bản cung khai thứ nhất rồi hai tuần sau lại ký bản cung khai thứ hai, rằng cái gì đã khiến bà làm như thế.

 

Vì luật sư McHugh cứ hỏi đi hỏi lại nên bà Hương có những lúc không còn phân biệt bản ghi ngày nào là bản đầu tiên  và bản thứ hai khiến luật sư  McHugh cũng rối rắm không phân biệt.

 

Khi Luật sư McHugh nói ông nghĩ rằng viên luật sư là người soạn ra bản cung khai đầu tiên, là bản tập thể chứ không phải bản thứ hai thì  quan tòa góp lời nói rằng ông nghĩ bà Hương vừa nói viên luật sư cũng soạn luôn bản thứ hai và bà ta ký vào, nhưng bà Hương lại nói luật sư chỉ soạn bản thứ nhất còn bà là người tự soạn bản thứ hai.

 

Quan tòa xin lỗi vì hiểu lầm và yêu cầu luật sư  McHugh cứ tiếp tục.

 

Luật sư McHugh lại hỏi về bản cung khai ngày 17 tháng 11 tức bản cung khai thứ hai, rằng tại sao bà đã ký vào bản cung khai thứ nhất hai tuần trước đó mà nay bà lại tự soạn thảo bản thứ hai, một bản có một số điểm khác với cái trước, rằng có ai yêu cầu bà soạn thảo bản thứ hai, có phải luật sư yêu cầu bà không,  có phải do ý tưởng của bà không?

 

Bà Minh Hương nói chẳng ai yêu cầu bà cả, luật sư không yêu cầu bà, bà soạn theo ý bà.

Luật sư McHugh lại hỏi tại sao bà đã có ký vào bản cung khai đầu nay lại làm thêm bản thứ hai, bà Hương nói bà không làm bản đầu, rằng bà đồng ý với bản đó và bà ký. Bà nói bà chỉ soạn bản thứ hai, ngồi ở nhà soạn.

 

Luật sư  McHugh hỏi có phải sau đó bà gởi bản cung khai cho các luật sư (của nguyên đơn) không,  thì bà Hương trả lời bà gởi cho tờ báo Việt ngữ (Vietnamese newspaper).

 

Luật sư  McHugh có vẻ ngạc nhiên về câu trả lời này nên hỏi có phải bà đã gởi bản cung khai ngày 17 tháng 11 cho một tờ báo Việt ngữ không,  bà Hương xác nhận đúng.

 

Luật sư hỏi gởi bằng hình thức nào, bà Hương hỏi ông muốn nói gì, có phải là bản văn Việt ngữ hay Anh ngữ không, thì  luật sư nói với bà ông muốn nói về tờ cung khai đang nằm trước mặt bà.

 

Bà Hương nói bản cung khai mà bà có trước mặt là bản đã được dịch, rằng bà không biết ai đã dịch ra, bởi vì bà chỉ viết bằng tiếng Việt.

 

Luật sư McHugh hỏi lại bà Hương là bà hãy xem cái hình thức, những biến cố tiếp theo, rằng bà có thấy có sự giống nhau với bản cung khai tập thể không, bà Hương nói có sự giống nhau.

 

Hỏi bà Hương có dùng bản cung khai tập thể để giúp bà soạn bản cung khai thứ hai không, bà nói bà không dùng nhưng nó “ảnh hưởng” bà.

 

Khi bà Hương nói bà soạn bản cung khai thứ hai bằng tiếng Việt và gởi cho một tờ báo Việt ngữ,  luật sư McHugh hỏi tại sao nó lại tới tay các luật sư cố vấn (solicitors) của nguyên đơn.  Bà Hương bảo luật sư McHugh nên đi hỏi ông ta (tức luật sư của ông Thuyên) bởi bà gởi một bản cung khai bằng Việt ngữ cho một tờ báo Việt ngữ,  cho tờ báo Nhân Quyền (Human Rights).

 

Về vấn đề này, luật sư McHugh cứ hỏi đi hỏi lại (để làm sáng tỏ như ông thường nói) và nếu thấy câu trả lời sau khác với câu trước, luật sư McHugh lại gặng hỏi, và cứ thế cuộc chất vấn chéo kéo dài. Ông quan tòa và bồi thẩm đoàn cứ vậy ngồi nghe.

 

Luật sư  McHugh muốn biết bà Hương đã tự soạn thảo bản cung khai thứ hai ký ngày 17 tháng 11  lúc nào, bà lại nói  “tôi soạn nó trước ngày tôi ký”, nhưng luật sư muốn bà nói rõ ràng hơn và chính xác hơn, chẳng hạn có phải như trong tháng 10 năm nay không.  Bà Hương nói bà không nhớ,  thật tình không nhớ.

 

Nhưng khi Luật sư McHugh gợi ý cho bà Hương rằng có phải bà gởi tài liệu này cho tờ báo Việt ngữ trong các năm  2002, 2003 không, bà Hương nói bà gởi (bản tiếng Việt cho tờ báo Việt ngữ) trong khoảng cuối năm 2004 (hôm nay khi bà Hương ra làm chứng là ngày 1.12.2004).

 

Vẫn qua những câu hỏi tiếp theo của luật sư về sự việc này, bà Hương nói luật sư của nguyên đơn đưa cho bà tài liệu đề ngày 17 tháng 11 và bảo bà ký. Ông luật sư  bảo bà đấy là văn bản tiếng Anh của bản cung khai của bà. Họ dịch qua tiếng Anh lấy từ bản tiếng Việt trong báo Việt ngữ và bảo bà ký để chứng minh đây là lời khai của bà, và chuyện này xảy ra khoảng giữa tháng 11.

 

Trả lời luật sư McHugh, bà Hương nói luật sư (của nguyên đơn) đã không nói cho bà biết làm thế nào ông ta có được bản cung khai tiếng Việt của bà. Bà nói ông luật sư không ép bà ký mà chỉ nói đại khái: “Bà có thể đọc và xem nó có đúng không, đây là toàn bộ nội dung bà đã gởi cho tờ báo Việt ngữ  với bản văn bằng tiếng Việt. Thế là tôi đọc và thấy giống hệt những gì  tôi đã viết bằng tiếng Việt và tôi ký. Ông ấy đã không ép tôi. Ông ấy chỉ đưa cho tôi”.

 

Nghe vậy luật sư McHugh nói ông chưa bao giờ gợi ý (suggest) rằng có người đã ép bà làm bất cứ chuyện gì. Bà Hương xin rút lại lời vừa nói.

 

Luật sư McHugh nói với bà Hương ông đã hiểu rõ vấn đề, một vấn đề ông cần tìm hiểu xem về chuyện gì đã xảy ra với hai bản cung khai, và nay ông hiểu về việc bà đã muốn nói gì, bản nào là bản tiếng Anh và bản nào là bản tiếng Việt.

 

* * *

Người tường thuật câu chuyện này cũng là một trong những người bị kiện, vì thế đã theo dõi phần lớn các hồ sơ tranh biện của luật sư hai bên, đã đi nghe từ đầu đến cuối phiên tòa xử trước bồi thẩm đoàn, nhưng vẫn chưa hiểu tại sao bà Lương Minh Hương làm một bản cung khai bằng tiếng Việt để gởi cho báo Nhân Quyền. 

 

Vì vậy, khi ngồi nghe tòa xử, người tường thuật nghĩ rằng bà Hương đã nói lộn bản cung khai (statement) với bài viết (article) đề ngày 1.7.2002 mà bà đã gởi cho các báo Việt ngữ  và trong đó báo Nhân Quyền là một trong những tờ báo đã đăng bài viết của bà ta.

 

Bài viết rất dài này của bà Hương đã ca ngợi ông Nguyễn Thuyên lên tận mây xanh trong khi lên án hay chê bai các bị đơn khá thậm tệ.  Xin trích một đoạn bà Hương viết về ký giả và chủ bút của TVTS:

 

Do đâu mà các ông mang danh chủ nhiệm, chủ bút, ký giả… mà không biết đến việc biên soạn loại sách biên khảo. Loại sách biên khảo khác với loại sáng tác, phải dày công sưu tầm tài liệu, nghiên cứu phân loại, rồi xếp đặt theo một trình tự do mình sắp xếp, để hoàn tất một luận đề, giúp người đọc có thể hiểu biết, nắm vững các sự kiện lịch sử, xã hội, chính trị, văn hóa

 

Do vậy không ai dốt nát đến độ nói một công trình biên khảo, sưu khảo là “chôm chỉa”. Nói vậy chẳng khác nào để lộ sự học hành thấp kém của mình, chứng tỏ nếu có bằng cấp thì cũng chỉ là loại bằng cấp quay cóp?

 

Ký giả viết là kẻ dốt nát đã đành, nhưng chủ bút của tờ báo cũng cần có một trình độ tối thiểu để hiểu thế nào là sáng tác, trước tác, biên khảo, sưu khảo hầu có thể sửa chữa những yếu kém của các cây viết cộng tác không có trình độ về văn hóa, duy trì giá trị trí thức trong tờ báo”.

 

Bởi vậy, khi nghe bà Lương Minh Hương nói bà viết một bản cung khai (Witness Statement) bằng tiếng Việt rồi đem gởi cho báo Nhân Quyền ở Melbourne trước khi tòa xử hôm nay, thì người tường thuật rất ngạc nhiên và chẳng hiểu mô tê gì.

 

Tờ báo Nhân Quyền cần tờ cung khai đó để làm gì?  Một tờ cung khai như thế chỉ dành cho luật sư của các bị đơn dùng như  bằng chứng trong tiến trình kiện tụng, để đối chất (cross-examine) bà Hương khi bà lên bục nhân chứng làm chứng. Như luật sư McHugh đang dùng để chất vấn chéo bà Hương hôm nay.

 

* * *

 

Bà Hương là một trong 6 nhân chứng gồm cả nguyên đơn Nguyễn Thuyên đã lên bục chứng  trong phiên xử  7A Trial  trước bồi thẩm đoàn (xin mở ngoặc: các bị đơn Nguyễn Hồng Anh hay Lão Ngoan Đồng đã không lên bục làm chứng trong cả hai phiên tòa, chỉ ngồi bên dưới nghe như các dự thính viên, công chúng). Bà Hương là người được luật sư của các bị đơn chất vấn khá

nhiều và khá lâu.

 

Mời độc giả theo dõi tiếp cuộc đối chất bà Lương Minh Hương trong số báo tới.

 

(TVTS – 1210)